Cha Gabriel Romanelli, Cha sở của Giáo xứ Thánh Gia, nhà thờ Công giáo nghi lễ latinh duy nhất ở Gaza, đã đưa ra thông tin cập nhật vào ngày 1 tháng 12 về hoàn cảnh khó khăn của các Kitô hữu ở phía bắc Gaza khi cuộc chiến Israel-Hamas tiếp tục và nói về tầm quan trọng của Gaza đối với các Kitô hữu ở Thánh Địa.
Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, hàng trăm Kitô hữu và thường dân Gazan khác đã trú ẩn tại Giáo xứ nằm ở cực bắc của Dải Gaza.
Cha Romanelli, một linh mục người Argentina thuộc Dòng Ngôi Lời và đã phục vụ tại Giáo xứ tại Gaza hơn 6 năm, đã chia sẻ thông điệp của mình trong cuộc phỏng vấn vào ngày 1 tháng 12 với Cha Ibrahim Nino, Giám đốc văn phòng truyền thông tại Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem.
Cuộc phỏng vấn đầy đủ, bằng tiếng Ả Rập, hiện có sẵn trên kênh YouTube của Tòa Thượng phụ tại đây.
Cha Romanelli nói rằng mặc dù có “cú sốc và nỗi buồn lớn” nơi các Kitô hữu ở Gaza, nhưng “họ vẫn đặt niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối vào sự bảo vệ thiêng liêng của Thiên Chúa”.
Khi chiến tranh nổ ra ở Gaza sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào dân thường Israel vào ngày 7 tháng 10, Cha Romanelli nói rằng nhiều người không biết phải đi đâu và cộng đồng Kitô hữu quyết định ở lại, tìm nơi ẩn náu trong Giáo xứ.
“Thật nguy hiểm vì các vụ đánh bom diễn ra ở cả phía bắc lẫn phía nam. Họ đã chọn ở lại nơi họ đang cư trú, tin tưởng vào Chúa Giêsu, để họ thực sự cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa”.
Mặc dù chỉ là thiểu số ở Gaza nhưng cộng đồng Kitô giáo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.
Vào ngày 23 tháng 10, một nhà thờ Chính thống giáo lân cận Giáo xứ Thánh Gia đã bị tên lửa của Israel tấn công khiến 18 người thiệt mạng. Sau vụ đánh bom, nhiều người khác đã tìm nơi ẩn náu tại Giáo xứ Thánh Gia. Theo Cha Romanelli, nhà thờ hiện đang che chở cho hơn 600 người.
Cha Romanelli cho biết rằng nhiều người trong cộng đồng địa phương đã mất nhà cửa và người thân. Mặc dù Cha Romanelli đang ở bên ngoài Gaza khi chiến tranh bắt đầu và không thể quay trở lại, ngài vẫn giữ liên lạc thường xuyên với đàn chiên của mình.
“Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn”, Cha Romanelli nói. “Ngay cả khi họ có niềm tin mãnh liệt, họ vẫn là con người và việc trải qua sự đau buồn là điều bình thường; ngay cả Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể, cũng đã phải rơi lệ”.
Cha Romanelli đã cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như người đứng đầu Tòa Thượng phụ Giêrusalem, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, vì những lời cầu nguyện và sự gần gũi tinh thần của họ với Giáo hội ở Gaza. Cha Romanelli chia sẻ rằng trong những ngày đầu của cuộc xung đột, Đức Thánh Cha thường gọi điện cho ngài mỗi ngày.
“Đức Thánh Cha gọi điện cho chúng tôi hàng ngày để kiểm tra tình hình của chúng tôi, mặc dù ngài cũng có những trách nhiệm và nghĩa vụ to lớn đối với Giáo hội. Và chỉ qua một cuộc điện thoại đơn giản, ngài đã ban phép lành cho chúng tôi”.
Bất chấp sự đau khổ, Cha Romanelli cho biết rằng đức tin của cộng đồng Công giáo La Mã ở Gaza, với số lượng khoảng 135 người và bao gồm một số linh mục và tu sĩ, ngày càng được củng cố thêm.
“Các hoạt động lớn hàng năm mà chúng tôi thường tổ chức tại Giáo xứ và các trường học của chúng tôi sẽ không diễn ra trong năm nay”, Cha Romanelli cho biết. “Nhưng chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về mặt thiêng liêng… sự ra đời của Chúa Giêsu là tâm điểm của các hoạt động mừng lễ của chúng tôi… Tổ chức các hoạt động tâm linh khác nhau cho giáo dân nhằm giúp chuẩn bị về mặt thiêng liêng để Chúa Giêsu giáng sinh trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta bằng cách dọn dẹp hang đá tâm hồn và cảm nghiệm sự đơn sơ của một hang đá”.
Mặc dù cộng đồng Công giáo ở Gaza còn nhỏ bé nhưng Cha Romanelli cho biết rằng cộng đồng này rất tích cực và sùng đạo. Giáo xứ cử hành 2 Thánh lễ hàng ngày, lần hạt Mân Côi hàng ngày, chầu Thánh Thể thường xuyên và tổ chức nhiều công việc mục vụ cho nam giới, phụ nữ và trẻ em để họ có thể trưởng thành trong đức tin.
Theo Cha Romanelli, nhà thờ Công giáo ở đó cũng điều hành 3 trong số 5 trường học Kitô giáo ở Gaza, phục vụ cả sinh viên Kitô giáo giáo lẫn Hồi giáo, cũng như các công việc mục vụ dành cho các bệnh nhân và những người bị thương.
Mặc dù chiến tranh đã ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng, Cha Romanelli nói rằng nhiều công việc mục vụ của Giáo xứ vẫn tiếp tục và các Bí tích vẫn tiếp tục được cử hành.
“Về đời sống thiêng liêng, mặc dù chúng tôi còn thiếu sót nhiều thứ, nhưng đó vẫn là một đời sống đẹp đẽ, phong phú và quan trọng trong Giáo xứ”, Cha Romanelli nói. “Chúng tôi nỗ lực không chỉ hỗ trợ các Kitô hữu mà còn cả người Hồi giáo và bất kỳ ai đến Gaza, nhằm cho phép họ trải nghiệm sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa”.
Bảo tồn sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô ở Gaza
Cha Romanelli nói rằng truyền thống cho rằng Thánh Gia đã đi qua Gaza khi các Ngài chạy trốn sang Ai Cập để thoát khỏi cơn thịnh nộ của vua Hêrêđê và một lần nữa đi qua đây trên đường đến Nazareth.
Vì vậy, Cha Romanelli nói rằng Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza có ba sứ mạng: thứ nhất, thúc đẩy và duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong khu vực; thứ hai, chăm lo đời sống tinh thần của người dân; và thứ ba, làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người.
Giờ đây, khi hàng trăm người tụ tập tại Giáo xứ để tìm nơi trú ẩn và niềm an ủi tinh thần cũng như mùa Vọng và Giáng sinh bắt đầu, Cha Romanelli nói rằng sứ mạng của Giáo xứ đặc biệt quan trọng.
Cha Romanelli đã chia sẻ một thông điệp Mùa Vọng, gửi đến các Kitô hữu không chỉ ở Gaza mà còn trên toàn thế giới. “Chúng ta cần quay trở lại với những trụ cột đức tin của mình, đọc và suy niệm lời Chúa, tham dự việc chầu Thánh Thể và đi xưng tội”, Cha Romanelli nói.
Cha Romanelli khuyến khích các Kitô hữu trên toàn thế giới tìm đến với các Bí tích và dành thời gian với Chúa Kitô hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể trong Mùa Vọng và Giáng Sinh này. Ngài cũng khuyến khích các Kitô hữu thực hiện bảy mối “thương linh hồn” bằng cách thăm viếng và chăm sóc những người cô đơn, bệnh tật và nghèo khó.
Cha Romanelli đặc biệt khuyến khích các Kitô hữu xưng tội trong Mùa Vọng này. Khi tên lửa tiếp tục tấn công xung quanh họ, Cha Romanelli cho biết các Kitô hữu ở Gaza vẫn không tập trung vào những người có thể giết chết thân xác mà thay vào đó là những gì có thể giết chết linh hồn.
“Chúng ta có xu hướng quên rằng chúng ta cần được chữa lành về mặt thiêng liêng, chúng ta quên rằng chúng ta có thể chết về mặt thiêng liêng, nhưng luôn có giải pháp cho mọi thứ, đó là nhờ Bí tích Giải tội tội và ăn năn sám hối”, Cha Romanelli nói. “Tóm lại, chúng ta nên đổi mới đời sống thiêng liêng của mình bằng việc đi xưng tội, ăn năn và sám hối”.
Minh Tuệ (theo CNA)