Cha mẹ Trung Quốc bị yêu cầu phải từ bỏ tôn giáo

Một em bé Trung Quốc đi qua lối đi trong Thánh lễ tại một nhà thờ Công giáo ở một ngôi làng gần Bắc Kinh vào Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 3 tháng 4 (Ảnh: Jade Gao/AFP)

Một em bé Trung Quốc đi qua lối đi trong Thánh lễ tại một nhà thờ Công giáo ở một ngôi làng gần Bắc Kinh vào Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 3 tháng 4 (Ảnh: Jade Gao/AFP)

Chính quyền thành phố Ôn Châu ở miền đông Trung Quốc đã thực hiện các chiến dịch bài Kitô giáo trong nhiều năm.

Một nhóm nhân quyền cho biết chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu phụ huynh có con đang theo học mẫu giáo ký cam kết phản đối niềm tin tôn giáo, một chỉ thị vi phạm quyền tự do tôn giáo được bảo đảm trong hiến pháp của quốc gia cộng sản này.

Các trường mẫu giáo ở quận Longwan, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc đã ban hành chỉ thị yêu cầu người giám hộ của học sinh phải ký vào “Mẫu cam kết cam kết gia đình không theo tín ngưỡng tôn giáo”, China Aid đưa tin vào ngày 20 tháng 3.

Một giáo viên mẫu giáo ở Ôn Châu, với điều kiện giấu tên, cho biết rằng chỉ thị này gây bất ngờ vì những hạn chế về tôn giáo chỉ được đặt ra đối với các trường mẫu giáo chứ không phải phụ huynh hoặc trẻ em.

“Trước đây, sở giáo dục cấp trên bắt buộc các trường mẫu giáo không được mê tín dị đoan, không tham gia tà giáo chứ không bắt buộc gia đình các cháu theo học mẫu giáo không được tin vào tôn giáo hoặc không được tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào”, giáo viên mẫu giáo giấu tên nói.

Theo các điều kiện của bản cam kết, cha mẹ cam kết không theo bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào, không tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào và “không tuyên truyền, phổ biến tôn giáo ở bất kỳ địa điểm nào”.

Bản cam kết cũng tuyên bố rằng các bậc cha mẹ sẽ “gương mẫu chấp hành kỷ luật của Đảng [Cộng sản], luật pháp và quy định của đất nước, không bao giờ tham gia bất kỳ tổ chức Pháp Luân Công và giáo phái nào khác”.

Pháp Luân Công là một phong trào tôn giáo do Lý Hồng Chí sáng lập ở Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Nó dựa trên sự kết hợp giữa thiền định và các bài tập vận động cơ thể đồng thời nhấn mạnh đạo đức và sự tu dưỡng đức hạnh và tự nhận mình là phong trào theo trường phái tư tưởng Phật giáo.

Chính phủ Trung Quốc đã liệt kê Pháp Luân Công là một “tà giáo” vào năm 1999. Kể từ khi có lệnh cấm, nhóm này đã bị nhà nước đàn áp dã man và các thành viên của nhóm được cho là đã trở thành nạn nhân của hoạt động buôn bán nội tạng do nhà nước tài trợ.

Tại Ôn Châu, nơi các Kitô hữu chiếm một bộ phận khá lớn trong dân số, chính phủ đã tung ra một loạt các biện pháp hạn chế và đàn áp đối với cộng đồng này, các phương tiện truyền thông đưa tin. Tính đến năm 2018, thành phố có khoảng 150.000 người Công giáo.

Năm 2014, chính quyền đã phát động chiến dịch phá dỡ Thánh giá quy mô lớn kéo dài trong 2 năm, China Aid đưa tin. Người ta cho rằng hơn 2.000 cây Thánh giá đã bị phá bỏ và chính quyền thường cho rằng các công trình này được xây dựng trái phép.

Điều này bao gồm việc phá hủy Nhà thờ Tin lành Sanjiang sau gần một tháng bế tắc với các giáo dân về tính hợp pháp của tòa nhà.

Vào năm 2017, chính quyền đã cấm tất cả mọi nhân viên bệnh viện thành phố, các giảng viên trường học và tất cả công chức không được phép vào nhà thờ để tham gia cầu nguyện và thờ phượng.

Vào năm 2021, Đức Giám mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Peter Shao Zhumin) của Giáo phận Ôn Châu được Vatican chấp thuận đã được trả tự do sau khi bị giam giữ lần thứ sáu.

Sự kiểm duyệt của chính quyền địa phương thậm chí đã khiến việc tổ chức các hoạt động tôn giáo cho trẻ vị thành niên trong khu vực là bất hợp pháp.

Chỉ thị ký cam kết từ bỏ tôn giáo cũng được ban hành tại quận Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu, Chiết Giang vào ngày 15 tháng 2, China Aid đưa tin.

Tại trường mẫu giáo Tianle do chính phủ điều hành, các giáo viên được khuyến khích phải “kiên định với lý tưởng và niềm tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không theo tín ngưỡng tôn giáo và không truyền bá niềm tin tôn giáo”.

Đội ngũ giáo viên đã phải ký một bản cam kết nói rằng họ sẽ không tin vào tôn giáo và sẽ chấm dứt niềm tin tôn giáo, báo chí đưa tin.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube