Cầu nguyện, và sau đó mới tham gia vào Thượng hội đồng về Đồng nghị tính

Đức Thánh Cha Phanxicô bên trong hội trường Thượng hội đồng trong các cuộc họp về Thượng hội đồng về Gia đình ở Thành phố Vatican vào ngày 21 tháng 10 năm 2015 (Ảnh: L'Osservatore Romano)

Đức Thánh Cha Phanxicô bên trong hội trường Thượng hội đồng trong các cuộc họp của Thượng hội đồng về Gia đình tại Vatican vào ngày 21 tháng 10 năm 2015 (Ảnh: L’Osservatore Romano)

Người Công giáo nên phản ứng thế nào với Thượng hội đồng này?

“Sự mâu thuẫn trong tư tưởng” có vẻ như là cách tốt nhất để mô tả cách các tín hữu quan tâm đến Thượng hội đồng về Đồng nghị tính, vốn sẽ khai mạc vào tháng tới. Và có thể hiểu như vậy: Có những lý do để mong đợi Thượng hội đồng cũng như có những lo ngại về việc nó có thể diễn ra như thế nào.

Một mặt, “đồng nghị tính”, theo truyền thống Công giáo đích thực, là một khía cạnh tuyệt vời trong sự nhận thức của Giáo hội về chính mình như là “một thân thể, nhưng có nhiều chi thể”. “Đồng nghị tính” vừa nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần hiện diện trong lòng mỗi tín hữu đã được rửa tội và vừa nhấn mạnh rằng Giáo hội vốn dĩ có phẩm trật, với một số người được kêu gọi và được bổ nhiệm vào các chức vụ có thẩm quyền.

Do đó, “cuộc hành trình cùng với nhau”, cách mô tả ưa thích của Đức Thánh Cha Phanxicô về tính đồng nghị, không ngụ ý một hình thức của chủ nghĩa quân bình nhạt nhẽo vốn xóa bỏ bất kỳ sự phân biệt nào – chính Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng một Thượng hội đồng “không phải là một nghị viện”. Thay vào đó, nó chỉ ra rằng các ơn gọi khu biệt trong đời sống của Giáo hội là một nguồn mạch của sự năng động đáng kinh ngạc, chính khi chúng hợp tác theo cách thức đề cao tính riêng biệt và do đó, tính bổ sung của chúng.

Được thấm nhuần bởi sự hiểu biết hữu hiệu này, tính đồng nghị – và thực tiễn liên quan đến việc tham khảo ý kiến giáo dân – không thay thế hoặc làm suy yếu thẩm quyền của Giám mục; nó thực sự củng cố và hỗ trợ thẩm quyền đó, như đã có ở các Giáo phận trên khắp Hoa Kỳ, nơi các Thượng hội đồng địa phương đã hoặc đang được tổ chức. Thẩm quyền giáo huấn, cai quản và thánh hóa của một Giám mục (hoặc Giáo hoàng) phù hợp với Chúa Thánh Thần được đề cao khi người đó có thể nghe được cách mà cùng một Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong dân Chúa. Nếu Thượng hội đồng sắp tới có thể giúp phát triển sự hiểu biết này về tính đồng nghị, và đi đến những kết luận thiết thực về cách nó có thể được kết hợp đầy đủ hơn vào đời sống của Giáo hội, thì đó sẽ là một đóng góp đáng hoan nghênh.

Mặt khác, có những lý do để lo ngại rằng kết quả mong muốn này sẽ không đạt được, phần lớn là bởi vì một số người tham gia vào việc quản lý Thượng hội đồng này dường như đang hoạt động với một cách hiểu khác – và thiếu sót – về đồng nghị tính, một cách hiểu không nhất quán với Huấn quyền, chẳng hạn như Hiến chế Tín lý của Công đồng Vatican II về Giáo hội, Lumen Gentium.

Ví dụ, Vademecum của Thượng hội đồng, hay sổ tay, trình bày một khái niệm liên quan đến Sensus Fidelium (cảm thức đức tin), một mặt nói rằng Thượng hội đồng chủ yếu là hoạt động của những người đã được rửa tội, nhưng sau đó kêu gọi sự tham gia – và thậm chí ưu tiên – những tiếng nói của những người không phải Công giáo và thậm chí cả những người không phải là Kitô hữu, không có dấu hiệu rõ ràng làm thế nào những đóng góp của những người thuộc về Giáo hội sẽ được phân biệt với những người không thuộc về Giáo hội. Những giải thích không đầy đủ về tính đồng nghị này không có gì mới. Đức Giám mục phụ tá Robert Barron Địa phận Los Angeles đã chỉ trích một số cách diễn đạt gần đây của Vatican về khái niệm này như là việc tạo ra ấn tượng “rằng Giáo hội là một nền dân chủ khoa trương, đưa ra các nguyên tắc và Giáo huấn của mình theo thời gian”. Cũng không thể bỏ qua rằng “đồng nghị tính” đã bị vũ khí hóa bởi các Giám mục Đức với mục đích rõ ràng là phá vỡ học thuyết luân lý nền tảng.

Như Stephen White đã viết, thuật ngữ “đồng nghị tính” là một điều gì đó về một “chiếc bình rỗng” và “có những lý do để hoài nghi về cách mà một số người có thể hiểu sai nó trong một nỗ lực nhằm phá hoại học thuyết, phá hoại truyền thống và gây nguy hiểm cho sự hiệp thông của Giáo hội”.

Kế đến, tất nhiên, có hồ sơ theo dõi về các Thượng hội đồng của Vatican gần đây, được đặc trưng bởi cảm giác rằng “cuộc chơi đã bị gian lận”. Những đóng góp ủng hộ một số lập trường – thường là những lập trường chính thống – thường bị loại khỏi báo cáo chung kết nhằm thúc đẩy kết quả dường như đã được định trước. Mô hình này quả là đáng lo ngại và, trớ trêu thay, chống lại Thượng hội đồng. Sẽ không có “cuộc hành trình cùng với nhau” khi tiếng nói của một số tham dự viên bị loại trừ vì họ không phù hợp với chương trình nghị sự mong muốn để thay đổi.

Đánh giá theo lịch sử gần đây, có lý do để lo ngại rằng động lực tương tự này cũng sẽ đánh dấu Thượng Hội đồng về Đồng nghị tính.

Vậy người Công giáo phải phản ứng thế nào trước Thượng hội đồng này?

Nói một cách đơn giản, chúng ta nên cầu nguyện và tham gia. Và theo thứ tự đó.

Trước tiên, chúng ta nên hướng về Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Chúng ta nên cầu xin Ngài bảo vệ Giáo hội của Người và hướng dẫn những người có liên quan và chịu trách nhiệm về Thượng hội đồng, nhưng chúng ta cũng nên cầu nguyện cho chính mình.

Chúng ta nên cầu nguyện để sự tin tưởng phó thác của chúng ta nơi Thiên Chúa – xác tín rằng Ngài yêu thương chúng ta và sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta – được trở nên sâu đậm hơn. Chúng ta nên có tư thế của việc hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, để Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Người vốn vượt trên mọi sự hiểu biết. Chúng ta nên suy gẫm về chân lý rằng Giáo hội sẽ luôn giành chiến thắng trước cửa địa ngục, Đức Kitô đã chiến thắng trong trận chiến, và sức nặng của thế giới không đè lên vai chúng ta.

Hình thức cầu nguyện này luôn quan trọng, nhưng nó đặc biệt quan trọng hiện nay, khi trong số nhiều người Công giáo có một ý thức rất cao về mối bận tâm đến đường hướng của xã hội và Giáo hội. Thông qua internet, phương tiện truyền thông xã hội và các chu kỳ tin tức 24/7, việc chúng ta tiếp cận thông tin không được kiểm soát, vốn thường là mang tính giật gân để tạo ra sự tức giận và lo lắng, thường cướp đi sự bình an và sự tin tưởng phó thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Nó tạo ra gánh nặng sai lầm và tự phụ rằng “tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào chúng ta”, và chúng ta thường phản ứng bằng việc không hợp tác với Thiên Chúa và ân sủng của Người để đối phó với những thách thức của thời điểm này, nhưng vì tuyệt vọng, hoạt động bởi bản năng tự bảo vệ của loài bò sát. Đây không phải là đường lối của Thiên Chúa.

Nếu Thượng hội đồng về Đồng nghị tính dẫn đến sự bất hòa và nhầm lẫn, Thiên Chúa sẽ không bắt bạn phải chịu trách nhiệm vì đã không một tay ngăn cản nó khỏi công ty cố vấn công trình của bạn ở Plano, Texas, hoặc từ trường K-8 ở Staples, Minnesota, nơi bạn giảng dạy. Trên thực tế, chúng ta có nhiều khả năng sẽ sai lầm theo hướng khác: bỏ qua các nhiệm vụ thực tế do Thiên Chúa trao phó bằng cách khắc phục một vấn đề mà chúng ta có thể nỗ lực chưa đủ để thực sự giải quyết nó.

 Vì vậy, hãy cầu xin sự tin tưởng phó thác và khiêm tốn, và đồng thời nhận thức nhiệm vụ của mình. Hãy cầu nguyện để được nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Cha Quan Phòng. Và sau đó, vì chân lý đó, hãy tham gia Thượng hội đồng.

Sự quan phòng của Thiên Chúa không phải là cái cớ cho sự thờ ơ hoặc không hành động. Thay vào đó, đó là nền tảng để chúng ta có thể tham gia vào công việc của Ngài – bao gồm cả Thượng hội đồng – với một sự bình an và sự tin tưởng sâu sắc, cũng như với sự rõ ràng để biết những gì Ngài đòi hỏi chúng ta phải thực hiện. Cuộc đời của những nhà cải cách đáng kinh ngạc và những người bảo vệ đức tin – những vị Thánh như Athanasius và Têrêsa Avila – là một minh chứng cho điều này. Chúng ta không được mời gọi để noi gương bắt chước sự vĩ đại hay hình thức bên ngoài của những thành tích của họ, nhưng đúng hơn là sự thánh thiện và sự tham gia đáng tin cậy vốn đã tạo nền tảng và cảm hứng cho công việc tông đồ của họ.

Hơn hầu hết các vấn đề về việc quản trị Giáo hội toàn cầu, Thượng hội đồng về Đồng nghị tính mở rộng với sự tham gia rộng rãi. Mặc dù Thượng hội đồng này sẽ khai mạc tại Rome vào ngày 9 tháng 10 và bế mạc ở đó với sự quy tụ của các Giám mục vào năm 2023, các phần quan trọng của Thượng hội đồng liên quan đến việc tham vấn cấp Giáo phận và khu vực với anh chị em giáo dân trên toàn thế giới. Các tín hữu được mời gọi tham gia vào các cuộc tham vấn này, tham gia theo những cách thức hợp lý đối với từng lứa tuổi. Giờ đây là lúc để tìm hiểu lịch trình cho các cuộc họp của Giáo phận và cách thức đăng ký. Đây cũng là lúc để chuẩn bị bằng cách nghiên cứu các chủ đề và câu hỏi, và đồng thời cầu nguyện với Thiên Chúa để biện phân ngõ hầu tìm ra câu trả lời.

Khoảng thời gian này thuộc về những người tham gia Thượng hội đồng này. Sự tham gia thận trọng và trong tâm tình cầu nguyện là cần thiết để thực hiện hình thức đồng nghị tính mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã hình dung. Sự tham gia này không được thực hiện chỉ vì lo sợ về điều có thể xảy ra nếu “bên kia” thắng thế, mà được thúc đẩy vì lòng mong muốn chân thành chia sẻ kế hoạch Thiên Chúa dành cho Giáo hội và xã hội.

 Tất nhiên, việc tham gia rộng rãi trong sự cầu nguyện và thận trọng trong Thượng Hội Đồng về Đồng nghị tính sẽ không nhất thiết đảm bảo rằng đó sẽ là một sự thành công rõ ràng, một sự đóng góp hữu hiệu cho đời sống của Giáo Hội. Dù sao thì chúng ta cũng nên tham gia. Như Thánh Têrêsa Calcutta đã nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa mời gọi chúng ta không phải để thành công, nhưng là để trung thành. Sự tin tưởng phó thác của chúng ta ở nơi Thiên Chúa, Đấng đã hứa sẽ luôn ở lại với Giáo hội của Người.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết