Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống thánh Anphongsô Liguori - Phần 1

 

CẦU NGUYỆN
TRONG TINH THẦN VÀ TRUYỀN THỐNG THÁNH ANPHONGSÔ LIGUORI

Rev. Michael Brehl, C.Ss.R.

 

 

 

Hiệu đính: Rev. Raymond Coriveau, C.Ss.R.

Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.

 

 


LỜI NÓI ĐẦU

 

Theo lời giải thích của chính tác giả, cuốn sách Cầu nguyện theo tinh thần và truyền thống của thánh Anphongsô Liguori được hình thành trong kỳ giảng tĩnh tâm cho Dòng Chúa Cứu Thế vùng Bắc Mỹ. Kỳ tĩnh tâm được diễn ra tại 4 địa điểm khác nhau trong vòng hai năm 2006-2007, bao gồm thành phố Toronto, tiểu bang Ontario, thành phố Québec thuộc Canada; và hai thành phố khác Picture Rocks, tiểu bang Arizona và West End, tiểu bang New Jersey thuộc Mỹ. Ban Linh Đạo Dòng Chúa Cứu Thế Bắc Mỹ đã nhờ cha Michael Brehl, lúc bấy giờ là Bề trên Giám tỉnh Tỉnh Edmonton-Toronro, làm cha giảng phòng cho kỳ tĩnh tâm. Chúng tôi thấy rằng nội dung của kỳ giảng tĩnh tâm cũng sẽ rất hữu ích nếu có thể đến với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ngoài vùng Bắc Mỹ và thậm chí mở rộng ra cho đại chúng.

Ngày nay, thánh Anphongsô được biết đến bởi những đóng góp của ngài cho nền thần học luân lý. Ngài được Đức Piô IX tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1872 vì đóng góp to lớn của ngài cho Hội Thánh trong lĩnh vực Thần học Luân Lý. Thêm vào đó, Đức Piô XII còn phong ngài làm “bổn mạng các nhà thần học luân lý và các cha giải tội”. Tuy nhiên, thánh Anphongsô, một nhà giảng thuyết thừa sai và là một tác giả linh đạo, còn có thể được gọi là “Tiến sĩ của cầu nguyện bình dân”, bởi vì những tác phẩm viết về cầu nguyện của ngài thường là những lời cầu nguyện của cuộc sống hằng ngày và con người thường nhật. Albino Cardinal Luciani (sau này là Giáo hoàng Gioan Phaolô I) đã viết về thánh Anphongsô trong lá thư gửi cho các linh mục trong giáo phận Venice vào năm 1972 rằng:

“Thánh Anphongsô là một vị tông đồ của cầu nguyện. Thánh nhân đã tuyên bố rằng cầu nguyện cần thiết cho sự sống linh hồn như hơi thở cần cho sự sống của cơ thể vậy. Một số người nhận thấy rằng hai cực trong đời sống của thánh Anphongsô là tình yêu và cầu nguyện… Cầu nguyện để mời Chúa đi vào trong tâm hồn chúng ta và tình yêu để chúng ta có thể trao ban chính mình cho Ngài”.[1]

Trong số những tác phẩm của thánh Anphongsô, có những tác phẩm liên quan đến đề tài cầu nguyện như: Cách thức chuyện trò liên lỉ với Thiên Chúa như một người bạn Cầu nguyện: Phương thế tuyệt hảo của ơn cứu độ. Tuy nhiên, cầu nguyện là một chủ đề mà ngài luôn đề cập trong tất cả các tác phẩm thiêng liêng của ngài. Trong chương 9 của tác phẩm Praxis Confessarii, thánh Anphongsô đã trình bày các cách thức, giai đoạn và tình trạng trong cầu nguyện để giúp cho các cha giải tội hướng dẫn dân chúng trong đời sống cầu nguyện. Tuy nhiên, trong tất cả các tác phẩm, ngài luôn đề cập đến chủ đề cầu nguyện trong tương quan với các chủ đề khác. Ngài không bao giờ mệt mỏi trong việc cầu nguyện với độc giả của ngài. Trong cuốn Viếng Thánh Thể, ngài viết rằng:

“Tôi muốn thúc bách tất cả các cha giảng hãy đề nghị với giáo dân rằng không gì quý hơn việc cầu nguyện; đối với các cha giải tội, tôi muốn nhấn mạnh rằng không gì sốt sắng cho bằng cầu nguyện; đối với các tác giả sách thiêng liêng, tôi muốn nhắn nhủ rằng không có chủ để nào phong phú hơn chủ đề cầu nguyện. Không thể phủ nhận các bài giảng, các bài suy niệm, việc rước lễ, việc phạt xác là những phương thế tuyệt hảo trong đời sống thiêng liêng, nhưng nếu chúng ta không được Thiên Chúa ứng đáp ngang qua việc cầu nguyện vào thời khắc bị cám dỗ, thì chúng ta sẽ dễ bị sa ngã, mặc dù  đã nghe biết tất cả các bài giảng, bài suy niệm, rước lễ, đền tội và các quyết tâm đạo đức khác”.[2]

Chúng ta biết ơn cha Brehl khi trình bày cho chúng ta về cầu nguyện theo một cách thức rất sống động về chính di sản thiêng liêng mà thánh Anphongsô đã để lại. Hy vọng rằng những điều này sẽ giúp chúng ta thông dự cách thức cầu nguyện của thánh Anphongsô để ứng đáp lại Tình Yêu Thiên Chúa đã được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô.

Raymond Corriveau, C.Ss.R.

 

Chương 1: CẦU NGUYỆN TRONG TINH THẦN

VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA

THÁNH ANPHONGSÔ LIGUORI

 

Thánh Phaolô viết:

“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa…Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,14-15. 26-30).

Giới thiệu

Cuốn sách này là một tổng hợp từ những bài chia sẻ trong bốn kỳ tĩnh tâm dành cho các tu sĩ DCCT khu vực Bắc Mỹ. Mặc dù các bài chia sẻ đã được biên tập lại, nhưng chúng vẫn mang nét lối văn nói như trong bối cảnh của một kỳ tĩnh tâm. Tôi chọn xuất bản cuốn sách này với hy vọng, phương cách cầu nguyện của thánh Anphongsô sẽ có cơ hội được phổ biến đến các tu sĩ DCCT và những người có liên hệ đến nhà Dòng. Thêm vào đó, tôi có tham vọng rằng những bài suy niệm này sẽ giúp cho phương pháp cầu nguyện của thánh Anphongsô được nhiều người biết đến. Thánh Anphongsô được tuyên phong là tiến sĩ Hội thánh về thần học luân lý và về đời sống thiêng liêng. Ngài còn được biết đến là tiến sĩ của cầu nguyện bình dân.

  1. Cầu nguyện và hành vi cầu nguyện

Tựa đề của những bài suy niệm này là “Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống của thánh Anphongsô de Liguori”. Nó nhấn mạnh đến “hành vi cầu nguyện đang diễn ra” (praying – động từ) hơn là “sự cầu nguyện” (prayer – danh từ). Cũng thế, thánh Anphongsô dạy về ‘tinh thần’ hơn là ‘phương pháp’. Chúng ta có thể trình bày về việc cầu nguyện theo truyền thống của thánh Anphongsô – một truyền thống sống động được tiếp nối cùng một tinh thần qua Dòng Chúa Cứu Thế mà ngài thiết lập và đồng thời qua các hội dòng khác chịu ảnh hưởng tinh thần của thánh nhân.

Khi tập trung vào ‘hành vi cầu nguyện’ hơn là ‘sự cầu nguyện’, tôi hy vọng những bài suy tư này không chỉ trình bày cho độc giả giáo huấn của thánh Anphongsô về cầu nguyện và suy niệm. Nhưng hơn thế nữa, tôi ước mong những bài suy niệm này sẽ cung cấp cho anh em cơ hội để việc cầu nguyện trở nên chân thật hơn. Đó cũng là mục đích sâu xa trong bối cảnh của cuộc tĩnh tâm này. Tôi mời gọi anh em cùng đồng hành với tôi trên hành trình này.

Cầu nguyện là chủ đề rất thân thuộc trong tinh thần và truyền thống của thánh Anphongsô. Thánh Anphongsô không bao giờ viết một hay hai đoạn văn mà lại không đề cập đến việc cầu nguyện. Những lời cầu nguyện của thánh nhân khi kết thúc mỗi phần trong cuốn sách Thực hành tình yêu của Chúa Giêsu[3] là thành phần cần thiết của một tổng thể, chứ không phải là một điều gì đó ‘thêm vào’. Những lời cầu nguyện đó cần được đọc lớn tiếng trong tư thế quỳ gối để thực sự hiểu được những ‘xác tín’ hay những ‘khái niệm’ mà thánh nhân đã sử dụng.

  1. Cầu nguyện và thánh Anphongsô

Cầu nguyện trong Tinh thần và Truyền thống của thánh Anphongsô là một tựa đề mang tính gợi hứng. Chúng ta không nhất thiết phải cầu nguyện chính xác như những gì ngài từng làm, như một sự bắt chước giả tạo. Thánh Anphongsô cũng không bắt chước Chúa Giêsu một cách hoàn toàn. Ngài ưa thích hành động ‘bước theo’ trong tinh thần và sứ mạng của Chúa Giêsu hơn là khái niệm ‘bắt chước’, vốn rất phổ biến trong thời đại của ngài.

Vậy tinh thần của thánh Anphongsô là gì? Tinh thần ấy có thể tóm gọn đơn giản bằng một lời mời gọi: Hãy yêu mến Thiên Chúa – Đấng đã rất yêu thương bạn, vì Thiên Chúa của bạn là một Thiên Chúa ‘phát điên’ (pazzo), như bị mất trí, điên dại vì yêu bạn. “Hãy nói chuyện với Thiên Chúa diện đối diện như những người bạn với nhau”. Thánh Anphongsô và thánh Têrêsa Avila nhấn mạnh rằng, cầu nguyện không gì khác hơn là một cuộc trò chuyện thân mật với Thiên Chúa. Đây chính là tinh thần và truyền thống của thánh Anphongsô.[4]

Thánh Anphongsô sử dụng từ ‘cầu nguyện’ trong ba cách thức khác nhau nhưng đều liên hệ với nhau. Đôi lúc điều này làm cho chúng ta bối rối, hoặc chúng ta cảm thấy hơi mù mờ về cách thức mà ngài thực sự muốn diễn đạt.

Nghĩa phổ biến nhất của từ “cầu nguyện” theo linh đạo thánh Anphongsô gần với những gì ta vẫn thường gọi đó là ‘khẩu nguyện’ (vocal prayer), trong đó chủ yếu là những lời thỉnh cầu trong tâm tình tạ ơn và chúc tụng.

Thánh Anphongsô có thể được biết đến nhiều trong việc thúc đẩy và cổ võ hình thức ‘tâm nguyện’, điều mà chúng ta thường hay gọi là ‘suy niệm’ (chiêm niệm), nhưng theo lối hiểu của thánh nhân thì phong phú hơn thế. Tâm nguyện (mental prayer) là một hoạt động, bao gồm chiêm niệm và hồi tâm sống động, đồng thời nó còn bao gồm việc dẫn đến một ứng đáp mang tính chiêm niệm và kết hiệp sâu lắng (điều mà chúng ta đôi khi gọi là ‘cầu nguyện thần bí’ hay ‘thần hiệp’). Thánh Anphongsô tin rằng hình thức tâm nguyện một cách chân thật và sâu lắng có thể áp dụng với bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào: nông dân, hoàng tử, nữ tu, linh mục, người lao động, những người mẹ và cả những người thủy thủ…

Cách thức cầu nguyện thứ ba theo thánh Anphongsô hướng chúng ta về các việc thực hành cụ thể và các hình thức sùng kính. Tinh thần cầu nguyện phải được nuôi dưỡng, hỗ trợ bởi kỷ luật và những quyết tâm để giải phóng tinh thần con người hướng đến việc nên một với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.

Chương 2, 4 và 6 sẽ trình bày cụ thể hơn về mỗi cách thức cầu nguyện này. Đồng thời, thật là thiếu sót khi suy nghĩ về thánh Anphongsô và việc cầu nguyện mà không đề cập đến Đức Maria, người đồng hành với chúng ta trong cầu nguyện, trong sứ vụ và trong đời sống.

Lời khấn xin và chúc tụng

Suy gẫm và hiện diện (pondering and presence)

Thực hành và các hình thức thực hành

Đồng hành và hằng cứu giúp

  1. Cầu nguyện và ‘các mầu nhiệm cứu độ’

Thánh Anphongsô khuyến khích chúng ta tập trung đặc biệt vào ‘các mầu nhiệm cứu độ’ trong khi cầu nguyện. Theo ngài, các mầu nhiệm cứu độ được trình bày qua các hình ảnh cụ thể như: Máng cỏ, Thánh giá và Thánh Thể. Đây là cách thức đơn giản để giúp chúng ta nhớ đến các mầu nhiệm cứu độ.

Đối với thánh Anphongsô, các mầu nhiệm cứu độ không chỉ là sự Khổ hình, cái Chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, Mầu nhiệm nhập thể là một yếu tố căn bản của ơn cứu độ. Đó là một sự hiệp nhất viên mãn giữa Thiên Chúa với con người và cả với những giới hạn của con người. Chính trong nhân tính này và từ nhân tính này mà chúng ta cầu nguyện. Mầu nhiệm nhập thể bao gồm toàn bộ đời sống công khai, các lời giảng dạy và thực thi sứ mạng của Chúa Giêsu. Tất cả các điều này được xem như là mầu nhiệm Cứu độ.

Cuộc khổ nạn và mầu nhiệm vượt qua không chỉ là mầu nhiệm của sự Chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, nhưng đó còn là đời sống và ơn gọi của mỗi chúng ta nữa.

Bí tích Thánh Thể và các bí tích không chỉ là những nghi lễ để tưởng nhớ, nhưng đó thực sự là một phương thế sống mầu nhiệm Cứu độ với Chúa Kitô Phục Sinh – Đấng Cứu Chuộc, và với anh chị em của chúng ta, tại đây và ngay bây giờ (hic et nunc).

Máng cỏ, Thập giá và Thánh Thể nhắc nhở chúng ta về các mầu nhiệm: thứ nhất, mầu nhiệm Cứu Độ bao hàm cả mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu và cả sự nhập thể của chính chúng ta; thứ hai, cuộc Thương khó và mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu và mầu nhiệm vượt qua của mỗi người chúng ta, và cuối cùng những sự kiện lịch sử tại Palestine của hai ngàn năm trước và thời khắc hiện tại của chúng ta. Nhờ những mối liên hệ này mà Chúa Giêsu thật sự hiện diện trong bối cảnh của chúng ta ngày hôm nay. Những mầu nhiệm cứu độ này không chỉ là những nội dung giáo lý để hiểu biết nhưng còn là những mầu nhiệm để sống. Chủ đề này sẽ được đề cập trong những chương tiếp theo. Cầu nguyện theo tinh thần và truyền thống của thánh Anphongsô giúp cho tương liên giữa mầu nhiệm Nhập Thể và nhân loại, Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, Thánh Thể và sự hiệp thông dễ dàng đi vào đời sống của con người ngày hôm nay.

  1. Cầu nguyện tự bản chất là một Thừa tác vụ của ơn cứu chuộc

Cha F.X. Durrwell, một thần học gia đương đại của DCCT, cho rằng thần học Cứu Độ có mối liên hệ mật thiết với cầu nguyện. Cầu nguyện là lối dẫn vào sự hiệp thông và là một hành động quy phục của con người mở ra cho Thiên Chúa như con cái mở lòng ra đối với tình thương của cha mẹ. Cha Durrwell khẳng định Chúa Giêsu “trở thành ơn Cứu Độ ngang qua việc Người trở thành lời cầu nguyện”.

Cầu nguyện sinh hoa trái nhờ ân sủng, không phải vì cầu nguyện là dâng những của lễ lên Thiên Chúa – mà vì chúng, Thiên Chúa phải đáp lại, nhưng cầu nguyện là mở lòng ra để đón nhận những ân huệ của Người vào tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu đã mở chính mình ra đối với chương trình cứu độ cho chính Người và cho thế gian. Lời cầu nguyện của các Ki-tô hữu có thể ảnh hưởng đến ơn cứu độ cho người khác, bởi vì nó mở ra cho ân sủng hoạt động và nhờ ân sủng đó ơn cứu độ đến được với họ. Mầu nhiệm cứu độ được thể hiện nơi một con người cụ thể là Chúa Giêsu – Đấng đã trở thành lời cầu nguyện cho toàn thế giới, và lời cầu nguyện ấy đã được lắng nghe.[5]

Cũng thế, chúng ta được tham dự vào chương trình cứu độ với Chúa Giêsu ngang qua việc Người dâng hiến chính bản thân cho Thiên Chúa Cha để ơn cứu độ đến với tất cả mọi người. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu là Đức Chúa, hành động cầu nguyện của chúng ta trở thành một hoạt động của Ơn Cứu Độ, qua đó chúng ta “được sai đi trong tư cách là người trợ tá, người đồng hành và thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô trong công trình cứu độ vĩ đại”.[6] Thông thường chúng ta suy nghĩ và cho rằng, lời cầu nguyện của các tu sĩ là lời cầu nguyện cho Ơn Cứu Độ đến với toàn thể nhân loại. Chúng ta có dám tin rằng bằng sự nghiêm túc trong lời cầu nguyện hàng ngày, cách đặc biệt thông qua các kỳ tĩnh tâm của chúng ta, cũng là những hoạt động Cứu Độ thế giới? Thomas Merton nhấn mạnh điều này khi ông suy gẫm về lối sống đan tu và ẩn tu. Đó không phải là một cuộc chạy trốn thế gian nhưng là đi sâu vào thế gian một cách huyền nhiệm nhưng đồng thời rất cụ thể – và cầu nguyện thực sự là cánh cửa mở thế giới này ra cho chúng ta bước vào.

  1. Những cách thức cầu nguyện hiệu quả

Đương nhiên trong suốt kỳ tĩnh tâm, giá trị của thinh lặng không thể được nhấn mạnh quá mức với mục đích tạo nên một bầu không khí có lợi cho việc cầu nguyện hiệu quả. Nhưng thậm chí ngoài bối cảnh tĩnh tâm, chúng ta phải tìm thêm thời gian và không gian để được thinh lặng bên Chúa.

Song song với việc giữ thinh lặng, việc chia sẻ hành trình đức tin với một người khác hoặc với một nhóm nhỏ đều mang lại những giá trị to lớn trong tiến trình phát triển và lớn lên của mỗi người và của cả cộng đoàn đức tin. Elie Wiesel đưa ra một ngạn ngữ của các giáo sĩ Do Thái nói rằng: “đứng trước mầu nhiệm, con người phải giữ thinh lặng, trừ khi có một cách thức thay thế tốt hơn”. Hiệp thông và trao đổi có thể là những ‘cách thức thay thế tốt hơn’.

Đồng thời, viết nhật ký hành trình là một phương thế tốt. Nó diễn tả lời cầu nguyện của bạn như thế nào, kinh nghiệm của bạn ra sao, điều gì đã ‘xảy ra’ trong tâm hồn bạn, điều gì hiệu quả và điều gì chưa, làm sao bạn nghe được tiếng Chúa đang nói với bạn…

Thực hành các việc đạo đức khác như lần chuỗi, đi đàng thánh giá, viếng Thánh Thể, giữ chay, v.v… đều có thể là những cách thức nuôi dưỡng việc đối thoại giữa con người với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu. Đọc Kinh Thánh phải là ưu tiên quan trọng nhất trong việc cầu nguyện. Lời Chúa có một sức mạnh để nói với chúng ta. Hãy lấy một thí dụ cụ thể: tôi đề nghị anh em đọc với tâm tình cầu nguyện và suy niệm sách Diễm Ca. Đây là cuốn sách mà thánh Anphongsô thường nhắc đến khi ngài nói về cầu nguyện, việc đối thoại thân tình giữa người yêu và người được yêu, việc tìm lại được, tiếp tục đánh mất rồi lại tìm thấy được, những say mê mà ngôn từ không thể diễn tả, những hình ảnh trong thiên nhiên và tạo thành, những khao khát cần được nuôi dưỡng và lớn lên.

  1. Suy niệm về Thiên Chúa – Đấng chúng ta cầu nguyện với

Trước khi kết thúc phần nhập đề, tôi thiết nghĩ điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải quan tâm đó là: Thiên Chúa mà chúng ta thực sự cầu nguyện là ai. Đối với thánh Anphongsô, “Thiên Chúa” và “Chúa Giêsu” là những thuật ngữ có thể thay thế nhau, trừ khi nó được minh định cách rõ ràng. Cách thức cầu nguyện của thánh nhân luôn đặt Chúa Ki-tô làm trung tâm, hướng đến Người và xem Người như một người bạn. Cha thánh ưa thích hình ảnh và danh xưng này hơn bất cứ điều nào khác. Đây không phải là cách duy nhất trong cầu nguyện – giống như chúng ta có những mối tương quan khác nhau với những con người khác nhau, và vì thế giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng tương tự như vậy.

Khi còn là một linh mục trẻ mới ra trường, tôi có làm việc với cha Alphonsus Thomas trong cùng một hội đồng. Cha Thomas là Giám tỉnh khi tôi gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài là người mà tôi luôn bày tỏ sự tôn trọng và biết ơn sâu sắc. Trong một buổi ăn trưa, tôi nhờ ngài trao giùm tôi cái gì đó, và tôi gọi ngài là ‘Cha Thomas’. Ngài trả lời ‘Vâng, tất nhiên cha Brehl’. Tôi đã rất ngạc nhiên, và hỏi ngài tại sao không gọi tôi là ‘Mike’. Ngài đáp rằng ‘tôi sẽ làm điều đó khi cha bắt đầu gọi tôi là Al’. Thật vậy, cách chúng ta xưng hô với một ai đó thực sự ảnh hưởng đến tương quan của chúng ta đối với người ấy. Cách xưng hô đóng một phần rất quan trọng trong các mối tương quan.

Bạn xưng hô với Chúa như thế nào khi cầu nguyện? Ai là Đấng mà bạn bày tỏ nỗi lòng và lắng nghe câu trả lời? Một điều đáng lưu ý đó là thánh Anphongsô đã thay đổi cách xưng hô với Thiên Chúa trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời ngài. Ngài chuyển đổi cách xưng hô với Thiên Chúa từ ‘Đức Vua’ (Majesty) qua “Giêsu, tình yêu của con’… Sự thay đổi này thực sự nói lên sự phát triển trong đường lối cầu nguyện của ngài.

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng hỏi anh em như Ngài đã chất vấn nhóm Mười Hai năm xưa: “Anh em bảo Thầy là ai?”. Đây không phải là một câu hỏi thần học. Đây là một câu hỏi rất quan trọng và mang tính chất kinh nghiệm thiết thân. Suy cho cùng, đây là câu hỏi quan trọng hơn so với việc người khác nói Thiên Chúa là ai, hay Chúa Giêsu là ai? Có rất nhiều hình ảnh trong Kinh Thánh mặc khải về Thiên Chúa nhưng hình ảnh nào có ý nghĩa thiết thân với anh em?

Anh em bảo Thiên Chúa là ai? Anh em bảo Chúa Giêsu là ai? Đây là câu hỏi trọng tâm để bắt đầu hành trình cầu nguyện của anh em. Hãy suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi đó khi anh em đi sâu vào việc cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống của thánh Anphongsô.[7]

Rm 8, 14-16. 26-30: Đời sống tâm linh của các Kitô hữu

“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa…Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.”

 

 

[1] St. Alphonsus and Today’s Priest: Bản dịch tiếng Anh của William Nayden. Xuất bản nội bộ.

[2] The Holy Eucharist, E. Grimm C.Ss.R. dịch, 1934, p. 457.

[3] I will be referring to this work using the translation by Peter Heinegg, Ligouri, Missouri: Liguori Publications, 1997. Also in CWS, pp. 106-164. Nancy Fearon, I.H.M & Christopher Farrell, C.Ss.R., have also published well chosen selections from the work as To Love Christ Jesus. Liguori, Missouri: Liguori Publications, 1987.

[4] For this sense of prayer as conversation with God, cf. the work….

[5] FX. Durrwell CSsR, Christ our Passover. The Indispensable Role of the Resurrection in our Salvation, dịch bởi John Craghan, Liguori, MO: Liguori Publications, 2004, p. 54.

[6] Hiến pháp, số 2.

[7] X. Hiến Pháp, số 26.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube