Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống thánh Anphongsô Liguori - Chương 3

 thanhanphong2

CẦU NGUYỆN
TRONG TINH THẦN VÀ TRUYỀN THỐNG THÁNH ANPHONGSÔ LIGUORI

Rev. Michael Brehl, C.Ss.R.

Hiệu đính: Rev. Raymond Coriveau, C.Ss.R.

Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.


CHƯƠNG 3: MẦU NHIỆM NHẬP THỂ: THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

 

Ga 1,1-18

Tất cả các tu sĩ DCCT ý thức tầm quan trọng của mầu nhiệm Nhập Thể trong linh đạo của nhà Dòng. Trong bài chia sẻ này, tôi nhắc lại một số chiều kích của mầu nhiệm này cho tất cả chúng ta, những tu sĩ DCCT và những cộng tác viên trong sứ vụ. Đây là một trong những mầu nhiệm chính yếu mà thánh Anphongsô mời gọi chúng ta chiêm ngắm khi cầu nguyện. Ngài đã đưa ra nhiều lý do quan trọng và đặc biệt để khẳng định điều này.

1. Tín điều Mầu nhiệm Nhập thể

Trước hết, chúng ta cùng quan tâm về một số điểm cốt yếu trong mầu nhiệm này. Khi chúng ta tin vào mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta tin vào một tín điều (doctrine) cụ thể: Ngôi Lời, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, qua Người tất cả được tạo thành, qua Người tất cả được đi vào hiện hữu, và giờ đây Ngôi Lời đã trở thành con người và cắm lều ở giữa chúng ta.

Chúng ta rao giảng Thiên Chúa vừa là một và vừa là ba – một trong bản tính, ba trong dị biệt nhưng lại liên hệ mật thiết giữa các ngôi vị. Điều này vượt sức trí hiểu của con người nhưng không nằm ngoài kinh nghiệm và niềm hy vọng của nhân loại. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không nằm ngoài kinh nghiệm con người bởi vì Thiên Chúa đã trở thành con người để chúng ta có thể thấy, đụng chạm, lắng nghe và biết Ngài. Như thánh sử Gioan đã nói:

“Điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã đụng chạm, Lời sự sống – sự sống ấy đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và chúng tôi làm chứng” (1 Ga 1,1-2).

Mầu nhiệm này cũng không nằm ngoài niềm hy vọng của chúng ta. Mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Thể, chúng ta cầu nguyện rằng ‘nhờ mầu nhiệm nước và rượu này, xin cho chúng con được chia sẻ thần tính của Chúa Ki-tô, Đấng đã hạ mình để chia sẻ nhân tính của chúng con’.[1] Như một bài hát cổ xưa về phụng vụ đêm Giáng sinh: Thiên Chúa đã trở thành con người để con người được trở nên Thiên Chúa! Truyền thống linh đạo về ‘Theosis’ hay ‘thần thánh hóa’ rất phổ biến ở Công Giáo Đông Phương, nhưng cũng là một phần di sản của Công Giáo Tây Phương. Thánh Phêrô viết trong 2Pr 1,3-4 rằng:

“Thật vậy, với quyền năng thần linh của mình, Đức Kitô đã ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta sống và sống đạo đức…để nhờ những điều này, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa”.

Chúng ta tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Chúng ta không thể hiểu hoàn toàn ý nghĩa của mầu nhiệm này, nhưng chúng ta nắm giữ điều ấy trong đức tin. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đi vào kinh nghiệm con người chúng ta là một trẻ thơ người Do Thái sinh bởi một người phụ nữ cụ thể. Chúa Giêsu đi vào trần gian một cách đặc biệt trong một lịch sử cụ thể. Thánh Luca và thánh Mát-thêu đã nỗ lực hết sức để mong chúng ta hiểu được điều này qua câu chuyện thời thơ ấu và gia phả của Chúa Giêsu.

Việc Thiên Chúa đi vào trần gian có thể được xem như một “scandal” mà qua đó giúp chúng ta hiểu biết hơn về Người. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng ta, là nhà của Thiên Chúa (Go’el), là anh em ‘ruột thịt’, là thân nhân gần gũi nhất với tất cả mọi người. Thậm chí ý nghĩa của từ “Đấng Cứu Độ” cũng được hình thành trong một xã hội và dân tộc cụ thể mà trong đó Người được sinh ra. Chúa Giêsu vừa là một người đàn ông Do thái, một người con của bà Maria, đồng thời Người cũng ôm trọn lấy vũ trụ này và trở thành go’el (ngôi nhà của Thiên Chúa ở giữa chúng ta), một người anh em, một người anh em ‘ruột thịt’ với tất cả mọi người.

Mầu nhiệm Nhập Thể chứng tỏ Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử nhân loại một cách cá vị qua một cách thế kỳ diệu. Đấng Vĩnh Cửu đã bước vào thời gian. Đấng Không Thay Đổi đã đi vào lịch sử đổi thay – trở thành một đối tượng chịu tác động của sự thay đổi. Thiên Chúa đi vào trần gian một cách cá vị, đi vào đời sống con người, đi vào lịch sử con người và đi vào tất cả tạo thành không những trong tư cách là một Đấng Tạo Thành, nhưng đồng thời là một ‘thụ tạo’. Thánh Anphongsô nhắc lại lời của thánh Tô-ma A-qui-nô về điểm này: phép lạ của mầu nhiệm Nhập Thể thật sự là một phép lạ vĩ đại nhất khi mà Đấng Tạo Thành trở thành thụ tạo![2]

Chúa Giêsu, trong tư cách là một con người, kinh nghiệm mọi thứ mà tôi kinh nghiệm và còn hơn thế nữa. Dầu Người đã không phạm tội, nhưng Người vẫn chịu cám dỗ trong nhiều cách như tất cả con người khác phải chịu. Người cũng đối diện với cơn đói và cơn khát. Người có vui mừng và có than khóc. Người có giận dữ và mệt mỏi. Người có hân hoan và đau buồn. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã xắn tay áo lên và cùng lao vào trong kinh nghiệm của con người. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa liên kết với chúng ta theo một cách thế không thể nào diễn tả hay giải thích được.

Mầu nhiệm Nhập Thể tiếp tục khẳng định Thiên Chúa mang lấy bản tính con người, không chỉ trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu trong ba mươi mấy năm, nhưng trong Người, với trọn vẹn nhân tính và thần tính, thì bản tính con người đã đi vào trái tim của Thiên Chúa, vào trong sự hiện diện và mang bản chất thần linh. Như chúng ta vẫn ca ngợi trong một bài hát Giáng sinh rằng: ‘trong Người bản chất phàm trần của chúng ta mang lấy giá trị bất diệt’.

2. Ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Lời trở thành xác phàm

Những gì vừa trình bày ở trên là những gì mà tín điều Nhập Thể muốn trình bày. Ở đây, chúng ta có rất nhiều tài liệu để cầu nguyện thực sự, liên tục khám phá những chiều kích khác nhau về mầu nhiệm Nhập Thể đối với tạo thành, nhân loại và mỗi người trong chúng ta. Nhưng một lần nữa khi chúng ta suy tư, nội tâm hóa và cầu nguyện về tất cả những điều ấy, thánh Anphongsô nhắc cho chúng ta biết chúng ta chỉ thật sự vừa mới bắt đầu mà thôi.

Đâu là ý nghĩa sâu thẳm nhất của mầu nhiệm Nhập Thể? Thánh Anphongsô quả quyết cho chúng ta rằng ý nghĩa và mục đích sâu xa nhất của mầu nhiệm Nhập Thể là diễn tả tình yêu của Thiên Chúa. Nếu Đấng Cứu Thế phải đến để cứu chúng ta và để được tôn trọng và thậm chí để chúng ta sợ hãi Người nhằm giúp chúng ta tỉnh thức, sẵn sàng và ngăn ngừa chúng ta khỏi ‘sa ngã’ lần nữa, thì Người có thể đến trần gian trong tư cách là một con người trưởng thành với thân phận hoàng tộc quý phái. Nhưng Người đã không làm như vậy. Người đã đến để xua tan nỗi sợ, mà theo thánh Anphongsô là sự đối nghịch hoàn toàn với tình yêu. Như thánh Gioan đã nói, sự đối nghịch với tình yêu là nỗi sợ chứ không phải sự hận thù. “Trong tình yêu không có sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18).

Thánh Anphongsô nhận thức rất rõ về điều này. Hãy lắng nghe ngài giải thích về ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể:

“Bởi vì Người đến để dành lấy tình yêu của chúng ta, Người đã chọn đến và bày tỏ chính mình trong thân phận một trẻ thơ, một trẻ thơ nghèo hèn nhất, sinh ra giữa chuồng súc vật lạnh giá, được đặt trong máng cỏ, không tã bọc và không lửa sưởi ấm cho chân tay run rẩy: ‘Thật vậy, Ngài được sinh ra là để được yêu thương chứ không phải để sợ hãi. Ôi, Thiên Chúa của con! Ai đã kéo Ngài từ trời xuống sinh ra trong máng cỏ này? Đó là tình yêu, vì tình yêu mà Ngài đã hạ sinh cho con người. Ai đã đưa Ngài từ cánh tay phải của Thiên Chúa Cha nơi Ngài ngự và đặt Ngài nằm trong máng cỏ này? Ai đã đưa Ngài từ ngai vàng trên chốn trời cao và đặt Ngài nằm trong chút rơm nhỏ bé này? Ai đã thay đổi vị trí của Ngài ở giữa các thiên thần và đặt Ngài ở giữa những con thú này? Tất cả là do tình yêu. Ngài là Đấng thắp sáng các thiên thần, mà nay Ngài lại rung mình trước giá lạnh? Ngài cai quản các tầng trời, vậy mà nay Ngài phải được chăm bẵm bởi bàn tay một con người? Ngài nuôi dưỡng con người và các loài thú vật, vậy mà nay Ngài ao ước một chút sữa để giữ lấy sự sống? Ngài làm cho các thiên thần hạnh phúc, vậy mà giờ đây Ngài phải khóc lóc và than van? Ai đã làm cho Ngài lâm vào cảnh nghèo khổ thế này? Chính tình yêu làm điều ấy: “Thật vậy, Ngài được sinh ra là để được yêu thương chứ không phải để sợ hãi.’

Đối với thánh Anphongsô, ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể là tình yêu. Về điểm này, thánh Anphongsô có cùng ý tưởng với Julian of Norwich, người đã nói về điều này nhiều thế kỷ trước. Nhưng thánh Anphongsô nhắc nhở chúng ta cần nhớ rằng Chúa Giêsu không duy trì trong một tình trạng của một em bé. Người lớn lên, thi hành sứ vụ cho mọi người và tất cả điều ấy cũng vì tình yêu mà thôi.

3. Mầu nhiệm Nhập Thể dưới cái nhìn bí tích

Về bản chất, mầu nhiệm Nhập Thể chứa đựng nguyên lý bí tích trong đó. Nguyên lý bí tích là khi Thiên Chúa dùng những điều bình thường, những thụ tạo như một phương tiện cho sự hiện diện của Người và là một phương thế để ban ân sủng. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã biến đổi thành máu thịt con người, mang bản chất con người. Và như vậy, mầu nhiệm Nhập Thể trở thành một sự hiển linh của thần linh, của thiên tính.

Trong Bài giảng cho tuần cửu nhật mừng lễ Giáng Sinh (Discourses for the Novena of Christmas), thánh Anphongsô thường xuyên nhắc đến khao khát của con người là được thấy Chúa, đụng chạm và ôm lấy Người: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!” (Is 63,19). Thiên Chúa rất mong đáp lại khao khát này của con người nên Người đã chọn nhân tính như một bí tích cho sự hiện diện thần tính. Đền thờ, đám lửa hay động đất không còn là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa nhân loại. ‘Đền thờ’ nay đã được thay thế bằng ‘con người Chúa Giêsu’. Chúa Giêsu đã nêu rõ điều ấy trong Tin mừng Gioan khi Người đặt vấn đề về việc thanh tẩy đền thờ (Ga 2,13-22).

Tôi nhớ một câu chuyện của sơ Ruth Burrows, một tu sĩ dòng Cát Minh và là một tác giả người Anh viết các sách thiêng liêng, đã kể một câu chuyện liên quan đến điểm đang đề cập. Sơ ấy kể rằng đứa con gái của chị gái của sơ có một nỗi sợ kinh khủng khi nghe tiếng sấm sét. Trong một cơn bão rất mạnh, cô gái nhỏ thức dậy giữa đêm và khóc đòi mẹ. Khi người mẹ đến bên cạnh giường và an ủi cô, cô gái nói rằng: “con không muốn bị cô đơn”. Mẹ cô trả lời, “nhưng con không bao giờ cô đơn. Chúa luôn luôn ở bên cạnh con”. Cô bé trả lời: “Con biết điều đó mẹ à, nhưng ngay bây giờ con muốn một ai đó ở bên cạnh!” Một ai đó ‘ở bên cạnh’ là khao khát của con người, là nhu cầu của con người và Thiên Chúa đã đáp ứng khát khao ấy qua mầu nhiệm Nhập Thể.

4. Một khẳng định về thế giới và con người chúng ta

Mầu nhiệm Nhập Thể xét theo khía cạnh bí tích là một sự khẳng định của Thiên Chúa về sự tốt lành của tất cả các tạo thành: con người, thế giới, thể xác, máu huyết và mọi thứ khác. Thánh Anphongsô đã nhận ra điều này rất rõ ràng tại thời điểm khi mà nền tảng tín điều Nhập Thể một lần nữa bị thử thách từ nhiều phía: từ tinh thần và lối văn hóa nhị nguyên, nỗi sợ về tính dục, những người theo thuyết Jansen, thuyết Lập Dị, nhóm Tin Lành và chủ nghĩa Duy Lý.

Trong bối cảnh của nền văn hóa ấy, thánh Anphongsô xác tín mạnh mẽ và rõ ràng rằng Ngôi Lời đã trở nên người phàm – Thiên Chúa trở thành con người – và đây là một sự xác quyết mà từ đó chúng ta có thể mơ tưởng nhiều điều mới mẻ. Trong thời đại của thánh Anphongsô, có rất nhiều người chống đối mạnh mẽ việc dựng hang đá hay hát những bài Giáng Sinh. Thánh Anphongsô đã viết bài hát ‘Tu scendi dalle stelle’ và khuyến khích làm hang đá và làm các giờ kính Chúa Giêsu Hài Đồng. Tất cả điều này là lời xác nhận về thế giới tạo thành và con người chúng ta. Đây không chỉ là một sự biểu đạt tính giàu tình cảm của người Napoli. Tính giàu tình cảm thực sự đã len lỏi và đi vào nhiều thế hệ tu sĩ DCCT trong các nền văn hóa khác nhau. Việc mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25 mỗi tháng, viết thư cho Chúa Hài Đồng, hát thánh ca Giáng sinh trong tháng Tám – đôi khi, những hình thức này bị bắt chước một cách cường điệu hóa, trở thành những thực hành đạo đức mù quáng tại một số nơi và thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, chân lý của mầu nhiệm Nhập Thể như một mầu nhiệm bất diệt, mà trong đó chúng ta có thể khát khao nhiều điều mới mẻ.

5. Sự khủng hoảng của thời đại

Có một sự sợ hãi trong thời đó. Một mặt, có nhiều người quyền hành trong các tôn giáo chịu ảnh hưởng sâu nặng bởi thuyết Jansen, mặc dù thuyết này đã chính thức bị chỉ trích. Họ có sự ngờ vực lớn về con người và nhân tính nói chung. Có một thái độ khinh thường mạnh mẽ đối với thế giới được tạo thành và vật chất này. Họ cho rằng linh hồn bằng cách nào đó bị giam hãm trong thân xác, vốn ở trong tình trạng mục nát và sa đọa, không đủ khả năng để làm bất cứ điều tốt nào. Đối đáp lại với tư tưởng này, thánh Anphongsô đã giải thích mầu nhiệm Nhập Thể như là một sự phê chuẩn của Thiên Chúa đối với nhân tính, và đó là vận mệnh chúng ta được mời gọi.

Thánh Anphongsô đã sống ơn gọi DCCT, điều được khẳng định trong Hiến Pháp số 19:

“Hơn nữa, họ biết rằng chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể mới chiếu dãi ánh sáng chân thật về mầu nhiệm nhân loại, và về thực tại trọn vẹn của ơn gọi làm người. Với sự hiểu biết này, họ bày tỏ bản chất phổ quát của ơn cứu độ, và làm chứng cho sự thật rằng bất cứ ai theo Đức Kitô, con người hoàn hảo, sẽ trở nên người hơn.”

Mặt khác, đây là thời đại lên ngôi của chủ nghĩa Duy lý và chủ nghĩa Phục hưng. Con người trở thành thước đo cho mọi thứ, mọi sự được hiểu bởi những con người được cho là có học thức và được khai sáng. Đáp trả lại phản ứng cực đoan của những người tu sĩ khi họ đánh giá thấp giá trị của nhân tính, những người Duy lý và “những người được soi sáng” đã từ chối bất cứ ý nghĩa hay tầm quan trọng của đời sống ‘tôn giáo’ hay đời sống tinh thần. Trước vấn nạn này, thánh Anphongsô đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa – Đấng Tạo Thành, bao la vượt tầm trí hiểu của chúng ta, siêu việt vượt qua khỏi tầm với của chúng ta, chính công trình Nhập Thể của vị Thiên Chúa ấy đã là sự biểu lộ hoàn hảo của tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho nhân loại.[3]

Thiên Chúa có thể xuất hiện cách siêu việt vượt hẳn tầm với của con người. Thế nhưng, Thiên Chúa đã cúi xuống chúng ta để chúng ta có thể đụng chạm, nhìn thấy và nghe được Người. Ngôi Lời nay đã trở nên người phàm.

Khi một vài người tuyên bố con người như Thiên Chúa và một số khác lại cho rằng con người đã bị hư hỏng, thì thánh Anphongsô đã giải thích mầu nhiệm Nhập Thể như một lời khẳng định về bản chất tối cao của Thiên Chúa và giá trị không thể đo lường của nhân loại được cứu chuộc. Khi người ta có cái nhìn cực đoan rằng thế giới chỉ quan trọng như một đối tượng cho mục đích của con người, thánh Anphongsô lại khẳng định thế giới là khu vườn của Thiên Chúa, và thậm chí thụ tạo bé nhỏ nhất cũng có giá trị trong mắt của Người, dù đó là một con người nghèo khó hay một sinh vật.

Cha Arboleda, người quản lý văn khố ở Roma trong nhiều năm, có lần nói với tôi rằng nhiều người sống trong thế kỷ 18 đã gọi thánh Anphongsô là ‘một Phanxicô Átsisi mới’ bởi vì tình yêu nồng nàn của ngài dành cho con người và tạo thành. Đối với thánh Anphongsô, tình yêu nồng nàn dành cho thế giới được tìm thấy nơi tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua mầu nhiệm Nhập Thể.

6. Mầu nhiệm Nhập Thể

Nếu chúng ta chấp nhận sự Nhập Thể như một mầu nhiệm cứu độ, thì nó không phải là một điều bí ẩn cần được giải quyết, như cách mà chúng ta vẫn thường gọi những ‘bí ẩn’ trong những câu chuyện thám tử. Trong ngôn ngữ của đức tin, mầu nhiệm (tiếng Hy Lạp ‘mysterion’, tiếng Latinh ‘sacramentum’) luôn là mặc khải mang chiều kích bí tích về sự hiện diện và ân ban của Thiên Chúa theo cách thế vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, nhưng chúng ta có thể kinh nghiệm được phần nào. Vì vậy, tính chất xác thực của mầu nhiệm Nhập Thể là một mầu nhiệm để được cảm nếm và thưởng thức, kinh nghiệm và khám phá, thăm dò và ca tụng, chấp nhận và ôm lấy cách đầy say mê.

Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta đọc trong liên kết với thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô về sự khẳng định mà Chúa Giêsu đã làm cho thân thể Người trở thành đền thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện.

“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-17).

Đoạn Kinh Thánh này sẽ rất phù hợp khi liên kết với xác quyết chắc chắn của thánh Anphongsô: “Thiên đàng đối với Thiên Chúa là trái tim con người”.[4]

7. Sống mầu nhiệm Nhập Thể

Đôi lúc chúng ta biết ơn sâu sắc về mầu nhiệm này khi chúng ta chứng kiến nó được diễn tả nơi những giới hạn hoặc vùng ngoại biên.

Tôi không thể giúp giải thích về điều này, nhưng tôi nghĩ cha Len Fitzgerald, người anh em của chúng ta đã mất năm ngoái tại Edmonton, có thể giúp chúng ta hiểu. Cha Len chịu đau khổ về căn bệnh suy nhược dẫn tới bại liệt và cuối cùng ngài đã qua đời. Theo cách nào đó, cơ thể ngài trở thành một cái bẫy, một nhà tù. Nhưng theo cách khác, nó trở thành lăng kính trong suốt để ánh sáng từ ngài có thể chiếu tỏa cho người khác… nụ cười của ngài, sự ấm áp của ngài và tình yêu của các y tá! Thật xúc động khi thấy đội ngũ y tá rơi lệ khi ngài qua đời nhẹ nhàng.

Tôi nghĩ về thầy Bill từ tỉnh Yorkton. Thầy là một mẫu gương đặc biệt – bị tật nguyền, hạn chế về ngôn ngữ và tuổi tác nhưng thầy luôn thể hiện niềm vui và toát ra vẻ bình an và chào đón mọi người!

Tôi nghĩ đến các thành viên trong cộng đoàn L’Arche, đặc biệt ba thành viên chính đang sẵn sàng cho Lễ Thêm Sức vào năm 1988 tại Sudbury. Giám mục Plouffe hỏi làm sao tôi biết họ đã sẵn sàng. Khi ngài đến họp với các em, tôi hỏi các em bí tích Thêm Sức nghĩa là gì. Một em tên là John trả lời: “Dạ có nghĩa là con muốn làm bạn với Chúa Giêsu”. Giám mục nhận xét: “Các em đã thật sự sẵn sàng!” Ngày lễ Thêm Sức dự kiến tổ chức vào Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trước đó gần hai tuần, vị giám mục đã thay đổi kế hoạch. Ngài không thể đến vào ngày Chúa nhật. Chúng tôi đã thông báo thay đổi thời gian Thánh lễ sớm hơn so với ngày dự kiện vào cuối tuần thay vì Chúa nhật. Chỉ có ba ứng viên mà thôi, nhưng người ta đã đến đầy nhà thờ. Thậm chí có người không thể có một chỗ ngồi.

[We don’t just arrive at that point miraculously in life]. Tôi nhớ câu chuyện của một phụ nữ đang chăm sóc cho người mẹ chuẩn bị qua đời vì bị ung thư vú trong kỳ nghỉ mùa Thu cuối cùng tại bờ biển Lake Superior. Từ một điểm nhìn ra, chiêm ngưỡng màu sắc tuyệt vời của mùa thu, người mẹ nói với con gái rằng: “Thật tuyệt vời làm sao khi Thiên Chúa đã làm nên tuyệt tác thiên nhiên này trước khi nó rơi xuống đất và chết đi? Phải chăng cũng tuyệt vời như thế nếu Thiên Chúa làm điều ấy cho con người?” Nhìn người mẹ đang đứng đây, đang tiến về cái chết, nhưng vẫn cảm nhận được niềm vui trong quà tặng của mùa Thu, người con gái thấy được niềm vui lan tỏa từ người mẹ và trả lời rằng: “Đôi lúc Thiên Chúa chỉ làm điều ấy mẹ à, chỉ đơn giản vậy thôi”.

Sau cùng, người con gái nhận ra mẹ cô đã mất một thời gian dài để có được sự chuyển biến như thế. Nó cũng là tiến trình mà Chúa Giêsu đã trải qua trong tiến trình Người lớn lên về thể xác, về ân sủng và sự thương mến, và đó cũng là tiến trình cho tất cả chúng ta.

Tôi rất thích ý tưởng thần học cho rằng ân sủng được xây dựng trên tự nhiên. Nó đúng nhưng đòi hỏi thời gian. Như lời nguyện khấn xin là sự khởi đầu của việc cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ, cũng vậy, mầu nhiệm Nhập Thể cho thấy Thiên Chúa đã hành động cách thực sự như thế nào để đưa tiến trình ấy vào thực tế.

8. Cầu nguyện với mầu nhiệm Nhập Thể

Tôi nghĩ điểm quan trọng trong tiến trình này bao gồm việc cầu nguyện với mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta không phải là thần thánh cũng không phải là những kẻ ‘sa đọa’. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em với Chúa Giêsu. Chúng ta vừa có những đổ vỡ và tổn thương, nhưng đồng thời vừa thánh thiện và xinh đẹp. Chúng ta là những con người, và nhân tính chúng ta ôm lấy tất cả các thực tại này. Đó không phải là “điều này hay điều kia”. Chính nhân loại này đã được Chúa Giêsu chọn lấy và hóa thân trong Người.

Người luôn liên kết với chúng ta – như Người đã chịu phép rửa như một tội nhân tại sông Giođan (Mt 3,1-17). Thánh Gioan Tẩy Giả muốn từ chối phép rửa ấy vì Chúa Giêsu không phải là một tội nhân, nhưng sau cùng, Gioan không thể từ chối làm phép rửa. Chúa Giêsu nhận biết rằng việc đi vào nguồn nước ấy là đặt chính Người trong liên kết với các tội nhân. Dựa vào luật thanh sạch, điều này làm cho Người trở nên ô uế, tựa như khi Người đụng chạm người phong hủi (Mt 8,1-4; Mc 1,40-45; Lc 5,12-16).

Đối với thánh Anphongsô, lời mời gọi bước theo Chúa Giêsu vào dòng sông Gio-đan cũng là lời mời gọi dành cho chúng ta. Nó là trung tâm điểm của đời sống tông đồ, của ơn gọi chúng ta, những tu sĩ DCCT, khi chúng ta tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, bằng cách liên kết với nhân loại này.

Thánh Têrêsa Avila, vị thánh quan thầy lớn của chúng ta và của thánh Anphongsô, dạy chúng ta cách chắc chắn nhất để đến với Chúa là đi qua nhân tính của Chúa Ki-tô: ân sủng của Thiên Chúa phải đến với chúng ta qua nhân tính của Chúa Ki-tô.[5] Có thể vì chúng ta cũng là con người mà thôi. Chúng ta có gia đình cụ thể, có ân sủng và cả lịch sử tội lỗi riêng của chúng ta.

Thánh Anphongsô kêu gọi chúng ta luôn luôn đưa nhân tính của chúng ta vào lời cầu nguyện, cầu nguyện như một con người bằng xương bằng thịt:

“Hãy tưởng tượng bạn không có một người bạn nào, hay một anh chị em nào, hay cha mẹ nào, không một người phối ngẫu hay người yêu nào yêu thương bạn hơn Thiên Chúa… Thiên Chúa… đã trở thành con người để trò chuyện với chúng ta như một người bạn”.[6]

“Tập làm quen nói chuyện với Chúa, một-với-một, theo cách thức như nói chuyện với một người bạn thân nhất”.[7]

“Thiên Chúa yêu thích sự chân thành của bạn. Hãy nói với Thiên Chúa tất cả mọi điều, mọi kế hoạch, mọi vấn đề, nỗi sợ, tất cả những gì làm bạn băn khoăn… hãy trò chuyện với Chúa như một người bạn mà không cảm thấy ngại ngùng điều gì”.[8]

Thánh Anphongsô chắc chắn đã đưa nhân tính của ngài vào lời cầu nguyện. Đó là sự trìu mến, sự say đắm, tràn đầy ước ao và khao khát. Lời cầu nguyện của ngài giúp chúng ta quỳ gối và khẩn khoản nài xin Thiên Chúa. Qua những lời cầu nguyện ấy cho chúng ta thấy phần nào con người của thánh nhân.

Đôi lúc những hình ảnh mà thánh Anphongsô sử dụng làm xáo động chúng ta cách nào đó. Một hình ảnh cụ thể làm chúng ta không thấy thoải mái – và làm cho các tập sinh cười khúc khích. Nó nằm trong ngày thứ 9 của sách Viếng Thánh Thể. Thánh Anphongsô viết:

“Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm, như bầu vú căng tràn sữa, đó là những ân sủng Người khao khát trao ban cho chúng ta qua lòng xót thương của Người. Như người mẹ với bầu sữa tràn đầy nuôi dưỡng con bà, Người cũng nói với chúng ta: “Con sẽ được Ta cưu mang nơi bầu sữa”.[9]

Thánh Anphongsô đã sử dụng sách Isaia 66,11 trong lời Kinh Sáng chúng ta vẫn thường đọc – “như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ”. Thánh Anphongsô không ngần ngại sử dụng các hình ảnh để khẳng định nhân tính của chúng ta và tạo thành này. Những lời cầu nguyện, những hình ảnh, thần học của ngài được đặt nền tảng và trào tràn ra từ mầu nhiệm Nhập Thể.

Tôi khuyến khích anh em đọc sách Diễm Ca. Cuốn sách này sử dụng những hình ảnh rất con người và rất trần thế. Thánh Anphongsô thường trích dẫn sách này khi ngài viết những lời cầu nguyện. Theo thánh Bernard of Clairvaux, một đan sĩ trẻ không nên đọc sách này cho đến khi họ được 35 tuổi và đã khấn trọn được 5 năm!

Tôi không chắc chắn lắm khi đồng ý với Bernard. Tôi không nghĩ thánh Anphongsô sẽ đồng ý với Bernard. Thánh Anphongsô đã đọc cuốn sách này nhiều năm trước khi ngài bước qua tuổi 35. Đó là một cuốn sách khao khát và tìm kiếm, tìm thấy và hân hoan, đánh mất và đau khổ, tìm thấy tiếp rồi lại đốt cháy đi! Đó là một câu chuyện tình yêu, là bài ca giữa người yêu và người được yêu. Đây là một bài ca của hôn nhân, đầy hình ảnh và ngôn ngữ của tính dục. Đó là lời cầu nguyện nhập thể.

Hãy đắm mình trong lối cầu nguyện ‘rất con người’ này, với thân thể và trái tim của bạn, với khối óc và tinh thần của bạn. Mặc dù đặc điểm nổi bật trong lời cầu nguyện của thánh Anphongsô và của truyền thống DCCT là suy nghĩ về Máng Cỏ và Hài Nhi Giêsu, nhưng cầu nguyện Nhập Thể thì không chỉ như thế. Dĩ nhiên đó là lý do chính đáng! Cầu nguyện Nhập Thể vượt ra khỏi giai đoạn thơ ấu của Chúa Giêsu để suy niệm về giai đoạn hoạt động công khai của Người và tình bạn của chúng ta đối với Người. Điều đó có nghĩa chúng ta cầu nguyện trong trọn vẹn nhân tính của Chúa Giêsu, với tất cả những gì chúng ta là; và cũng có nghĩa là biến những kinh nghiệm trong sách Diễm Ca thành của chính chúng ta. Với tất cả sự trân trọng về tính dục, thánh Anphongsô vẫn biết và đã quả quyết về điều này.

Cầu nguyện trong mầu nhiệm Nhập Thể dạy chúng ta biết cách làm thế nào để hôn nhân thật sự trở thành một bí tích, và như vậy trở thành tình bạn hữu. Nó bày tỏ cho chúng ta thấy tính bí tích của tất cả tạo thành và của tất cả đời sống. Nó ôm lấy cả sự thánh thiêng và tốt lành của nhân tính, thậm chí cả những thất bại và đổ vỡ trong con người chúng ta.

Suy niệm về sách Diễm Ca trong khi bị anh em mình giam cầm trong một căn phòng nhỏ, thánh Gioan Thánh Giá đã viết lên một kiệt tác: Đêm Tối. Tôi xin kết thúc với lời cầu nguyện này, nó có trong sách Phụng vụ Giờ Kinh.[10]

Chúng ta cùng cầu nguyện với mầu nhiệm Nhập Thể trong thân phận tuyệt vời nhưng cũng đầy đỗ vỡ, trong tư cách là những người anh chị em với Chúa Giêsu, Ngôi Lời đã trở nên Xác Phàm. Người đã đến trần gian trong thân phận con người như chúng ta. Xin cho chúng ta cũng đến với Người như chúng ta là. Cầu nguyện theo tinh thần nhập thể là một lời cầu nguyện chân thật.

Đêm Tối.   Thánh Gioan Thánh Giá

“Nhờ một đêm tăm tối,
Nồng nàn yêu thương và âu lo,
Ôi vận may diễm phúc,
Tôi đã ra đi không bị để ý,
Mái nhà tôi đã thật yên hàn.

Trong tăm tối và an toàn
Giả trang, men theo cầu thang bí mật,
Ôi vận may diễm phúc!
Trong tăm tối và được che khuất,
Mái nhà tôi đã thật yên hàn.

Nhờ đêm diễm phúc,
Trong bí mật, vì không ai thấy tôi,
Cả tôi cũng không nhìn gì cả,
Không một ánh sáng và kẻ dẫn đường nào khác
Ngoài chút ánh sáng cháy trong tim.

Chút sáng ấy đang hướng dẫn tôi
Chắc chắn hơn ánh sáng giữa trưa,
Dẫn đến nơi có người đợi tôi
Người mà tôi biết rõ,
Đợi ở phía không ai lai vãng.

Ôi đêm! Ngươi đã hướng dẫn ta!
Ôi đêm! Đáng yêu hơn rạng đông!
Ôi đêm Người đã phối hợp
Đức Tình Quân với tình nương
Một tình nương đã được biến đổi nên Tình Quân!

Trên lòng tôi đầy hoa,
Được giữ vẹn cho một mình chàng,
Chàng lưu lại đó, say nghỉ,
Và tôi vuốt ve chàng,
Và quạt mát cho Chàng bằng quạt bá hương.

Khi tôi đang vân vê tóc Chàng
Khí, từ lỗ châu mai
Bằng bàn tay trong suốt của nó
Đã làm tôi bị thương ở cổ
Và khiến mọi giác quan tôi bị treo lơ lửng.

Tôi ở yên và tự quên đi
Tôi nghiêng mặt trên Tình Quân
Tất cả ngưng lại, và tôi buông mình,
Buông bỏ cả sự chú ý của tôi
Giữa những cánh huệ, và quên.”

 

[1] Sách lễ Rôma, phần chuẩn bị lễ vật.

[2] Discourses for the Novena of Christmas, Discourse I, part I, in Heart Calls To Heart, An Anphonsian Anthology. (Hoegerl Ed), pp. 45-78 và p. 58.

[3] Discourse for the Novena of Christmas, Discourse I, Part I, in Heart Calls to Heart, (Hoegerl Ed.), especially , pp. 51-52.

[4] Conversing Familiarly with God as a Friend, #5 in CWS, p. 275.

[5] Teresa of Avila, The Book of Her Life. Collected Works, Vol. 1. Trans. K. Kavanaugh, O.C.D. Otilio Rodriguez, O.C.D, Washington, D.C. : ICS Publication, C. 22, 6.

[6] Conversing Familiarly with God as a Friend, #2, in CWS, p. 274.

[7] Ibid., #6, p. 276.

[8] Ibid. #8, p. 276.

[9] Alphonsus de Liguori, Visit to the Most Holy Sacrament and to the Most Holy Virgin. (Classics with Commentary) by Dennis Billy, C.Ss.R., Notre Dame, Indiana: Ave Maria Press, 2007, Visit 9, p. 69.

[10] Liturgy of the Hours, Vol. 4, p. 1985-86.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết