Căng thẳng giữa Bắc và Nam Triều Tiên: Các tín hữu Công giáo cầu nguyện cho tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc

Các Giám mục Hàn Quốc (Ảnh: Vatican News)

Các Giám mục Hàn Quốc (Ảnh: Vatican News)

Kể từ năm 1965, Giáo hội Hàn Quốc đã cử hành ngày 25 tháng 6 là Ngày cầu nguyện cho Tinh thần hòa giải và thống nhất quốc gia. Đó là một thời điểm đặc biệt trong đó toàn thể cộng đồng Công giáo Hàn Quốc cùng nhau quy tụ trong tâm tình cầu nguyện một cách đặc biệt để cầu xin hòa bình thực sự giữa Bắc và Nam Triều Tiên và đồng thời cầu nguyện cho sự hòa giải và đoàn kết dân tộc. Ngày này càng quan trọng và kịp thời hơn vì mối quan hệ giữa Bắc và Nam Triều Tiên hiện đang rời xa tiến trình hòa bình và hòa giải hơn bao giờ hết. Tất cả các kênh đối thoại đều khép lại và thỏa thuận quân sự vào ngày 19 tháng 9 năm 2018, nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ ngẫu nhiên, đã bị chính phủ Seoul đình chỉ một phần. Thỏa thuận này nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới liên Triều bằng cách loại bỏ mìn sát thương, các trạm gác, vũ khí và nhân sự ở cả hai bên biên giới, cũng như thiết lập các vùng đệm quân sự chung. Chính phủ Seoul lưu ý rằng Triều Tiên đã tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa và tập trận quân sự, đồng thời tuyên bố rằng họ coi quan hệ liên Triều là quan hệ giữa “hai quốc gia thù địch, đang tham chiến”, đồng thời nhắc lại rằng Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã kết thúc bằng lệnh ngừng bắn, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Những “vụ việc” gần đây ở biên giới đã gây xôn xao truyền thông quốc tế: Hàn Quốc cho biết binh sĩ Triều Tiên đã vượt qua biên giới – dù vô tình – trong khi xây dựng công sự ở “khu phi quân sự”, dải đất kiên cố ngăn cách Bắc Triều Tiên với Nam Triều Tiên; đây là vụ việc thứ hai trong hai tuần lễ. Quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo qua loa phóng thanh. Người ta cáo buộc rằng Triều Tiên đã triển khai một số lượng lớn quân đội vào “khu phi quân sự” để ngăn chặn việc xây dựng các công sự mới hoặc đặt mìn. Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng có diễn biến bất thường, trở thành một hình thức “chiến tranh tâm lý”. Những bức ảnh được truyền thông đăng tải cho thấy những quả bóng bay được thả từ Bình Nhưỡng mang theo hỗn hợp rác và phân sau khi đáp xuống. Chính quyền Hàn Quốc đã cảnh báo người dân khu vực biên giới và kêu gọi họ tránh tiếp xúc với những thứ này. Theo các nhà chức trách Hàn Quốc, những vụ việc như vậy không chỉ vi phạm phép lịch sự mà còn thể hiện sự coi thường rõ ràng các quy định quốc tế, đồng thời lên án những hành động như vậy là “vô nhân đạo và thô bỉ”. Triều Tiên cho biết những hành động này là phản ứng trực tiếp trước việc Hàn Quốc ném truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới. Các tờ rơi và bài phát biểu trên loa có nội dung chỉ trích chế độ Bắc Triều Tiên và kêu gọi người dân miền Bắc bày tỏ bất đồng chính kiến. Trong tình hình này, chính phủ Hàn Quốc đang nhấn mạnh sức mạnh quân sự kiểu “Chiến tranh Lạnh” trên các mặt trận đối lập (một bên là Triều Tiên, Trung Quốc và Nga, một bên là Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Một Linh mục chủ sự giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà thờ JSA ở Paju của Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm của các Giám mục đến nhà thờ này vào ngày 6 tháng 6 năm 2023 (Ảnh: Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc)

Một Linh mục chủ sự giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà thờ JSA ở Paju của Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm của các Giám mục đến nhà thờ này vào ngày 6 tháng 6 năm 2023 (Ảnh: Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc)

“Chúng ta có thể làm gì bây giờ khi quan hệ liên Triều đang trên bờ vực sụp đổ?”, Đức Giám mục Simon Kim Jong-gang, Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Quốc gia của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc nói. “Điều chúng ta có thể làm là sự hoán cải của chính mình”, vị Giám chức lặp lại. Đó là vấn đề của việc “suy ngẫm xem liệu chúng ta có thực sự đối xử với những người anh em của chúng ta ở Bắc Triều Tiên như ‘đồng bào’ trong những năm chia cắt này hay không. Chúng ta phải bắt đầu con đường mới của mình với một trái tim khiêm tốn và tinh thần hoán cải chân thành. Vì sự thống nhất thực sự chỉ có thể đạt được nếu chúng ta nỗ lực thay đổi chính mình bằng cách chào đón và tiếp cận người khác bằng sự cảm thông và hiểu biết”.

Theo tinh thần này, các tín hữu ở Hàn Quốc đã bắt đầu Tuần cửu nhật đặc biệt để chuẩn bị cho Ngày cầu nguyện cho Tinh thần hòa giải và thống nhất quốc gia, bao gồm cả việc tổ chức hai hội nghị chuyên đề. Tuần cửu nhật, bắt đầu từ ngày 17 tháng 6, sẽ tiếp tục cho đến ngày 25 tháng 6 tại tất cả các Giáo xứ trong nước, với việc mỗi cộng đoàn cùng đọc cùng một “Lời cầu nguyện cho Tinh thần hòa giải và thống nhất quốc gia” do Hội đồng Giám mục công bố trước và sau mỗi Thánh lễ. Vào ngày 20 tháng 6, một hội nghị chuyên đề về “Giáo hội Công giáo và Giáo dục Hòa bình” đã được tổ chức tại khán phòng của Khu phức hợp Nhà thờ Chính tòa Seoul. Giáo sư Julia Kim Nam-hee của Đại học Công giáo Hàn Quốc đã có bài phát biểu về “Giáo dục Công dân và Hòa bình”, trong khi học giả Beatrice Seo-jeong Son đã nói về đề tài “Giáo dục Thanh thiếu niên và Hòa bình”.

Một hội nghị khác có chủ đề “Con đường của các tín hữu hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” do Tổng Giáo phận Seoul tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 7 và nhằm mục đích bày tỏ sự sẵn lòng của giáo dân Công giáo trong việc nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều. “Tôi hết sức lo ngại vì chúng ta thấy hy vọng giải quyết xung đột thông qua đối thoại và hợp tác gần như tan biến, bởi dường như chỉ có an ninh thông qua việc sử dụng vũ lực quân sự mới được đặt lên hàng đầu”, Đức Giám mục Simon Kim Joo-young nói.

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, “chúng ta phải cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa và anh chị em giáo dân phải chủ động” tái khởi động cuộc đối thoại và hòa bình, vị Giám chức bày tỏ hy vọng.

Ahn Jae-hong, Chủ tịch “Hiệp hội Tông đồ Giáo dân Công giáo Hàn Quốc”, nói trong bối cảnh này: “Là một người Công giáo, tôi không thể chấp nhận việc người ta chỉ khăng khăng đòi ‘hòa bình thông qua vũ lực’ trong khi tất cả mọi người đều thấy rõ sự khủng khiếp của cuộc chiến giữa Ukraine và Nga cũng như cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Chúng tôi sẽ lên tiếng yêu cầu và nỗ lực cải thiện các mối quan hệ”.

Năm 2024, kỷ niệm 74 năm bùng nổ Chiến tranh Triều Tiên dẫn đến việc làm sâu đậm thêm sự chia cắt trên Bán đảo Triều Tiên, quan hệ liên Triều dường như đang ở điểm thấp nhất, nhưng người dân Triều Tiên không quên rằng họ là “một dân tộc” và hồi tưởng 70 năm đối thoại, hợp tác và cùng tồn tại vừa qua.

Hoàng Thịnh (theo Fides)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết