Cần nhiều những lớp Học thuyết Xã hội Công giáo

Trong hai ngày 18 và 19/6/2016, Câu lạc bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã tổ chức khóa học Học thuyết Xã hội Công giáo tại Đan viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình.

Lớp học quy tụ 50 học viên đến từ khắp ba Miền đất nước: Nghệ An, Thái Bình, Hà Nội và Sài Gòn.

Các thành viên lớp Học thuyết Xã hội Công giáo cùng với Đức tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tại Đan viện Châu Sơn, Ninh Bình, ngày 19/6/2016.

Các thành viên lớp Học thuyết Xã hội Công giáo cùng với Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tại Đan viện Châu Sơn, Ninh Bình, ngày 19/6/2016.

Khóa học đã để lại nhiều cảm xúc cho các học viên, gợi lên trong lòng mọi người nhiều trăn trở về hiện tình đất nước quê hương.

Những cái chết đã hiển hiện

Suốt khóa học, nhiều vấn đề của đất nước đã được các giảng viên đặt ra cho các học viên suy nghĩ, từ cá chết, biển chết đến cái chết của lương tâm con người. Đâu là nguyên nhân? Đâu là giải pháp?

Cần phải khẳng định dứt khoát, câu chuyện cá chết tại Vũng Áng suốt 80 ngày qua không còn là một tai nạn, nhưng là một “thảm họa”.

Thảm họa này – như Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chia sẻ với các học viên, chỉ là phần ngọn. Theo ngài, có ít nhất bốn cái chết đã hiển hiện trong xã hội Việt Nam hiện nay. Đó là cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí và cái chết của chính trị.

Những cái chết này, đặc biệt “cái chết về chính trị”, là đầu mối mọi nguyên nhân gây nên những bất ổn xã hội Việt Nam hiện nay và tiếp tục đẩy đất nước tới nguy cơ diệt vong.

Trong thực tế, kể từ khi cướp chính quyền từ tay các đảng phái khác, chính quyền cộng sản với ý thức hệ vô thần, coi cá nhân chỉ đơn giản là một yếu tố, một phần tử trong cấu trúc xã hội, đến nỗi điều thiện hảo của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào hoạt động của bộ máy kinh tế và xã hội. Con người chỉ còn là một tổng hợp những tương quan xã hội. Từ đó, “con người bị tước mất những gì có thể gọi là “của mình”, mất khả năng mưu sinh nhờ sáng kiến của mình, đi đến chỗ lệ thuộc vào bộ máy xã hội và vào những người kiểm soát bộ máy đó, điều này khiến cho con người gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận thức phẩm giá của mình và cản trở việc tiến tới sự thiết lập một cộng đồng nhân loại đích thực” (Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Thông điệp Bách Chu Niên, ngày 1/5/1991, số 13).

Suốt hơn 70 năm qua, chính quyền cộng sản, với chủ trương đấu tranh giai cấp, khinh miệt nhân vị, xây dựng xã hội dựa trên nguyên tắc “sức mạnh hơn lẽ phải và quyền lợi”, khiến xã hội ngày càng rối loạn, tạo ra một “thảm họa xã hội” với những khủng hoảng  rộng khắp các lãnh vực, từ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, cho tới đời sống luân lý, đời sống tâm linh.

Theo nhiều nhà nghiên cứu xã hội, những hiện tượng xã hội như đạo đức xuống cấp, tham nhũng như bầy sâu, chạy chức chạy quyền, “con ông cháu cha”, vô cảm, gian dối, trí thức hèn…đều là hệ quả của một thể chế chính trị “lấy đảng làm gốc”, coi khinh nhân vị, biến con người thành phương tiện phục vụ chế độ.

Vì thế, nếu phải chỉ ra nguyên nhân của mọi thảm họa xã hội, thì không gì khác hơn chính là ý thức hệ vô thần và cơn khủng hoảng lớn nhất hiện nay chính là “khủng hoảng về ý thức hệ”.

Cần nhiều những lớp Học thuyết Công giáo

Một giờ học Học thuyết Xã hội của Giáo hội tại Đan viện Châu sơn, ngày 18/6/2016.

Một giờ học Học thuyết Xã hội của Giáo hội tại Đan viện Châu sơn, ngày 18/6/2016.

Trong bối cảnh khủng hoảng ý thức hệ ngày càng trầm trọng, trong khi các phong trào đấu tranh dân chủ đang loay hoay tìm kiếm một hướng đi phù hợp, có sức lan tỏa và có sức thu hút đông đảo người dân, thì việc đi tìm một nền tảng tư tưởng giúp xây dựng xã hội là điều cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, khi chưa có bất cứ một nền tư tưởng nào làm bệ đỡ cho các phong trào dấn thân xã hội, những ai đã từng tiếp xúc, đọc và nghiên cứu Học thuyết Xã hội Công giáo, thì đều thấy rằng “Họ có thể tìm thấy trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động…nhờ đó, mọi người sẽ được soi sáng để có thể giải thích các thực trạng xã hội hiện nay và tìm ra những hướng hành động phù hợp” (Tóm lược Học thuyết Xã hội, số 7).

Có thể nói, toàn bộ Học thuyết Xã hội của Giáo hội được xây dựng dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản: nhân vị, công ích, liên đới, bổ trợ và bốn giá trị nằm sẵn trong phẩm giá con người: sự thật, công lý, tự do và tình yêu. Bốn nguyên tắc và bốn giá trị phổ quát này là những cột trụ để xây dựng tòa nhà xã hội xứng hợp với nhân phẩm và bảo vệ các quyền của con người, trong đó, “Nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội” (GS 25).

Sở dĩ, các phong trào dấn thân xã hội hiện nay manh mún, thiếu chiều sâu và mãi chỉ là phong trào, một phần do bởi các nhóm hay các phong trào đã không có những nguyên tắc để tạo sự đồng thuận và để hướng dẫn hành động sao cho phù hợp với hoàn cảnh của thời đại.

Cách riêng đối với các tín hữu Chúa Kitô, việc học hỏi Học thuyết Xã hội của Giáo hội là một môn học cần thiết, vì “Học thuyết Xã hội Công giáo là một thành phần thiết yếu của toàn bộ giáo lý mà Giáo hội luôn rao giảng về đời sống con người” (Đức Giáo hoàng Gioan 23, Thông điệp Mẹ và Thầy, ngày 15/5/1961, số 222). Nhờ việc học hỏi này mà họ có thể “phân tích hoàn cảnh cách khách quan, làm sáng tỏ các hoàn cảnh ấy dựa vào các lời bất di bất dịch của Tin mừng, hay rút ra từ đó những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những đường hướng để hành động sao cho phù hợp” (HTXHCG, số 11) với Tin mừng.

Thánh Giáo hoàng Gioan 23, trong Thông điệp Mẹ và Thầy đã viết: “Cha ước mong Học thuyết Xã hội này được toàn thể giáo dân học hiểu ngày một sâu rộng hơn. Cha lại yêu cầu các trường Công giáo trong mọi cấp bậc, và nhất là các chủng viện hãy biên ghi Học thuyết Xã hội Công giáo trong chương trình học tập bắt buộc của họ. Cha cũng ước mong được thấy Học thuyết Xã hội Công giáo, nhập vào chương trình giáo lý của các giáo khu, và các hội đoàn tông đồ giáo dân rồi nhờ phương tiện tối tân như: nhật báo, nguyệt san, sách vở thường thức hay nghiên cứu khoa học, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình.” (số 223)

Thấy rõ được tầm quan trọng của Học thuyết Xã hội Công giáo, nhất là trong năm Giáo hội Việt Nam Tân Phúc âm hóa đời sống xã hội, năm 2016, các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư chung gửi cộng đồng Dân Chúa đã nhắn nhủ: “Để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công giáo có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta không thể Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Vì thế, anh em linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ hãy tạo điều kiện cho mọi thành phần Dân Chúa được tiếp cận, học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này” (số 4).

Thay cho lời kết

Giáo hội Công giáo Việt Nam, nếu muốn đóng góp một cách thiết thực cho xã hội, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, thì việc phổ biến việc học hỏi Học thuyết Xã hội của Giáo hội phải được chú tâm một cách đặc biệt, vì “Chúng ta không thể Phúc Âm Hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về Giáo huấn Xã hội của Giáo hội” như Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận định.

Vì thế, cần lắm sự tiếp tay của tất cả mọi người, đặc biệt của các đấng bậc lãnh đạo Hội thánh.

23/6/2016

Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube