Các viễn tượng mục vụ của “Amoris Laetitia”

Với Tông huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao cho tất cả các gia đình một món quà đặc biệt; Đức Hồng Y Baldisseri đã nói rất đúng rằng Tông huấn đã được đưa ra đúng thời điểm thiết chế gia đình đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

amoris-laetitia

Đức Thánh Cha dành hai chương cho khía cạnh quan trọng trong hôn nhân và gia đình: tình yêu. Mặc dù đã nói cách khá rõ ràng, nhưng Đức Thánh Cha vẫn giải thích khía cạnh ấy bằng cách nói rằng “chúng ta không thể khuyến khích một cuộc hành trình của lòng trung thành và tự hiến cho nhau nếu không khích lệ sự lớn lên, sự củng cố và đào sâu tình yêu hôn nhân và gia đình” (số 89). Từ đó, các tiêu đề của chương thứ tư và thứ năm sẽ là: “Tình yêu trong hôn nhân” và “Tình yêu trở nên phong nhiêu”.

Toàn bộ Tông huấn nhấn mạnh ý tưởng hôn nhân và gia đình như là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu. Nhưng Đức Giáo hoàng ghi nhận rằng hạn từ “tình yêu”, một trong những từ được sử dụng nhiều nhất, lại thường bị hiểu sai rất nhiều khi xuất hiện. Thật là tuyệt vời và sâu sắc phần phân tích bài ca đức mến của Thánh Phaolô (1Cr 13,4-7), trong đó chúng ta gặp được những đặc điểm của tình yêu đích thực. Thật cảm động trước khả năng tác động tâm lý của Đức Giáo Hoàng. Đây quả thực là một diễn từ rất tuyệt về vẻ đẹp của tình yêu trong cuộc sống hàng ngày.

Các nội dung của Amoris Laetitia khuyến dụ chúng ta suy tư và canh tân mục vụ gia đình, thực hiện một cuộc hoán cải mục vụ thực sự theo ý nghĩa đã được trình bày trong Evangelii Gaudium. Nhiệm vụ mà Tông huấn ký thác cho chúng ta thật khó khăn, nếu xét đến các tình huống cụ thể khác nhau của đời sống hôn nhân và gia đình trên toàn thế giới như đã được trình bày trong các can thiệp được thực hiện trong các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng. Do đó, thực tế đòi hỏi một nỗ lực mới của tất cả mọi người.

Như Đức Giáo hoàng đã nhắc lại, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã đồng thuận trong nhận định rằng “sự góp phần chính yếu cho mục vụ gia đình là từ nơi giáo xứ, như một gia đình của các gia đình, giáo xứ kết hợp hài hòa các đóng góp của các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các hiệp hội của Hội thánh “(số 202). Cần phải nhấn mạnh việc chuẩn bị xa và chuẩn bị gần cho hôn nhân, một tiến trình bắt đầu ở tuổi thiếu niên và tiếp tục trong giới trẻ. Chúng ta phải giúp đỡ những người trẻ khám phá những giá trị và sự phong phú của hôn nhân. Họ phải có khả năng nhận ra vẻ hấp dẫn của sự kết hợp trọn vẹn, vốn nâng cao và hoàn thiện các khía cạnh xã hội của cuộc hiện sinh, trong đó cung cấp cho tình dục ý nghĩa tốt nhất của nó, đồng thời thúc đẩy thiện ích của con cái và cung cấp cho chúng môi trường tốt nhất cho sự trưởng thành và cho việc giáo dục. Cũng rất quan trọng sự chuẩn bị trực tiếp cho việc cử hành bí tích và sự đồng hành với các cặp vợ chồng, đặc biệt là trong những năm đầu của cuộc sống hôn nhân.

Vấn đề là sự gần gũi với con người để hiểu biết họ một cách cụ thể và để đồng hành với họ và giúp đỡ họ, như trong dụ ngôn về người Samari nhân hậu. Việc mục vụ bao hàm sự quan tâm đến những con người và những gia đình cụ thể. Tông huấn có một cái nhìn cởi mở, sâu sắc, tích cực, được nuôi dưỡng không phải bởi các khái niệm trừu tượng và các dự án lý tưởng, nhưng là sự chú tâm mục vụ đối với thực tại. Đức Thánh Cha nói rằng “các Mục tử không những chỉ quan tâm thăng tiến hôn nhân Kitô giáo, mà còn phải lo phân định mục vụ về hoàn cảnh của nhiều người không còn sống thực tại ấy” (số 293).

Trong Amoris Laetitia đời sống Kitô hữu liên tục được trình bày như là một quá trình đang diễn ra, và cần phải phấn đấu để đạt được lý tưởng. Thánh Gioan Phaolô II nói đến “luật của sự tiệm tiến” với nhận thức rằng con người hiểu biết, lượng giá và thực hiện sự thiện luân lý theo các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Việc mục vụ phải lưu ý đặc biệt đến luật tiệm tiến này, vốn khác với “sự tiệm tiến của luật.”

Lương tâm không chỉ có thể hiểu rằng một tình huống không đáp ứng một cách khách quan với đề nghị chung của Tin Mừng, mà còn có thể phân định với sự chân thành và trung thực những gì, trong lúc này, là sự đáp trả quảng đại có thể được dâng lên Thiên Chúa, và khám phá, với một sự chắc chắn luân lý, đâu là sự dấn thân mà Thiên Chúa đang kêu gọi ở giữa sự phức tạp cụ thể của những giới hạn của nó. Nhưng cũng là sự thật việc vị mục tử biết rằng sự phân định này là rất năng động và phải luôn luôn mở ra cho các giai đoạn tăng triển mới trong tiến trình đời sống Kitô hữu, và cho các quyết định mới mẻ cho phép thực hiện lý tưởng cách đầy đủ nhất.

Huấn Quyền của Đức Giáo hoàng Phanxicô dẫn chúng ta đến chỗ tái khám phá tầm quan trọng của lương tâm cá nhân trong đời sống Kitô hữu và trong đời sống Giáo hội. Lương tâm, như Vatican II đã nói, “là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người” (Gaudium et Spes, số 16). Và sau đó Công Đồng thêm: “Càng dành ưu tiên cho lương tâm ngay thẳng, thì cá nhân và cộng đoàn càng tránh được những chọn lựa mù quáng, và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý” (ibid).

Tông huấn yêu cầu các linh mục đồng hành với những người đã ly hôn và những người đã kết hôn chỉ về mặt dân sự hoặc đơn giản là sống chung với nhau. Các linh mục phải giúp họ thực hiện một tiến trình phân định nội tâm, để  có thể nhận biết, trong lương tâm, đâu là tình hình của họ trước mặt Thiên Chúa, theo quan điểm thực hiện sự hội nhập họ ngày càng mạnh mẽ hơn vào cộng đoàn Kitô giáo. Cuối cùng, có những trường hợp giảm thiểu, hoặc được miễn chuẩn, cho phép họ nhận được sự trợ giúp của các bí tích. Amoris Laetitia áp dụng các nguyên tắc luân lý truyền thống của Giáo hội được trình bày trong Sách Giáo Lý của Giáo hội Công giáo về những trường hợp giảm thiểu hoặc loại bỏ nhận thức chủ quan về tính cách trầm trọng của lỗi phạm (xem các số 1735 và 2352).

Trục chính, hay nói đúng hơn là mục đích, của Chương VIII của Amoris Laetitia là tìm kiếm một sự hội nhập sâu hơn của tất cả mọi người trong cộng đoàn Kitô hữu, ngay cả những người đang sống trong những tình huống gọi là “bất thường”.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ cung cấp cho những người đã được rửa tội một sự hội nhập lớn hơn vào cộng đoàn, cần phải làm những gì được Amoris Laetitia yêu cầu: phải “phân định các hình thức khác nhau của sự loại trừ đang diễn ra mà có thể được vượt qua.” Đức Thánh Cha nói thêm rằng sự hội nhập sâu hơn này sẽ là tốt cho các tín hữu và cho việc giáo dục Kitô giáo dành cho trẻ em, vốn là điều quan trọng nhất cần được tính đến.

Chúng ta phải vui mừng về sự hội nhập rộng lớn hơn của các anh chị em đã được rửa tội vào các cộng đoàn Kitô hữu.

Đây không phải là một sự trở về với gia đình Giáo hội, vì họ đã không hề bị rút phép thông công. Tuy nhiên, sự hội nhập sâu hơn này có thể không được hiểu hoặc có thể không được chấp nhận bởi một số thành viên của cộng đoàn. Nên nhớ rằng mọi Kitô hữu đều là tội nhân, vì họ là người con thứ và con cả trong dụ ngôn Tin Mừng, và rằng tất cả chúng ta đều phải hoán cải và đều phải được thương xót.

Lluís Martínez Sistach

L’Osservatore Romano, 22-23 tháng 11 năm 2016

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết