Các vị thánh đã từng sống trong cảnh tị nạn

Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan vẫn tiếp tục. Những người Afghanistan tuyệt vọng đã bám vào máy bay trước khi cất cánh để cố gắng rời khỏi mảnh đất đầy đau thương. Những người khác thì đẩy con cái của mình về phía trước để được cứu trợ, họ nói lời tạm biệt với chúng (có thể là mãi mãi) với hy vọng rằng những đứa nhỏ sẽ tìm thấy một nơi an toàn. Khi chúng ta cầu nguyện cho Afghanistan, chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho những người tị nạn, cả những người đang chạy trốn khỏi quê nhà của họ và những người đã tái định cư từ lâu nhưng phải vẫn sống với những đau thương và mất mát do rời bỏ quê hương và nền văn hóa của họ trong những hoàn cảnh khủng khiếp như vậy. Các vị thánh từng là người tị nạn có thể cầu bầu cho họ (và cho chúng ta khi chúng ta quảng đại chào đón người tha hương theo như lệnh truyền của Thiên Chúa).

SAINTS

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người phải rời bỏ quê nhà của họ, qua sự chuyển cầu của những người con người thánh thiện này:

Mẹ Maria và Thánh Giuse là những tấm gương điển hình của những vị thánh từng là người tị nạn. Cuộc chạy thoát đến Ai Cập khiến họ thấy mình lạc lõng ở một vùng đất nơi xa lạ cả về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Họ đã bỏ lại gia đình và láng giềng sau một cuộc hành trình vội vã xuyên đêm và có thể họ đã bị ám ảnh bởi ký ức đau buồn về những con trẻ bị sát hại bởi bạo quyền, những giọt nước mắt khổ đau của cha mẹ chúng. Họ phải trải qua sự bấp bênh và không ổn định cũng như đau buồn và cảm giác tội lỗi của người sống sót, tất cả dường như làm tăng thêm tổn thương khi chạy trốn khỏi quê hương. Nếu ai đó có thể cầu bầu cho những người tị nạn ở Afghanistan, thì đó chính là Gia đình Thánh gia.

Thánh Jeanne-Antide Thouret (1765-1826) là một nữ tu người Pháp khi Cách mạng Pháp nổ ra và nhà cầm quyền yêu cầu ngài phải rời bỏ đời sống tu trì, họ đánh đập thậm tệ khi ngài khước từ yêu cầu oái ăm đó. Sơ Jeanne-Antide mất nhiều tháng để hồi phục, sau đó trở về gia đình theo lệnh. Nhưng không lâu sau đó, ngài bỏ trốn khỏi đất nước, thà sống đời tu như một người tị nạn hơn là sống như một người thế tục ở Pháp. Ngài đã di chuyển giữa Đức và Thụy Sĩ trong bốn năm (thường bị đuổi khỏi nơi dân cư chỉ vì người ta có thành kiến ​​chống Công giáo) trước khi trở về Pháp một cách bí mật. Ở đó, ngài đã thành lập một Dòng tu mới vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay.

Thánh Eugene de Mazenod (1782-1861) sinh ra trong một gia đình giàu có người Pháp, nhưng cuộc Cách mạng Pháp buộc họ phải tị nạn đến Ý, nơi họ lang thang từ thành phố này sang thành phố khác khi người cha giàu có một thời của Eugene chật vật tìm kiếm việc làm. Quân đội Pháp thừa thắng đánh đuổi tất cả những người lưu vong từ Venice đến Naples, sau đó là Palermo. Cuộc hôn nhân căng thẳng vì khó khăn về tài chính khiến cha mẹ Eugene ly hôn, một điều rất bất thường vào thời điểm đó. Mẹ của Eugene coi vụ ly hôn như một cơ hội để chế nhạo chồng cũ, lấy lại của hồi môn và viết cho ông ta, “Bây giờ ông chẳng có gì hết.” Eugene trở lại Pháp (và trở nên giàu có) vào năm 20 tuổi, nhưng nhận thấy rằng thật trống rỗng dù cuộc sống của mình đầy phú quý và đặc quyền. Ngài đi tu trở thành một linh mục, thành lập Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và cuối cùng được phong làm giám mục.

Đấng kính Egidio Bullesi (1905-1929) là một người Ý sinh ra ở Croatia ngày nay. Chiến tranh thế giới thứ nhất khiến quê hương của ngài trở thành vùng chiến sự và cậu bé 9 tuổi Egidio chạy sang Áo-Hungary cùng mẹ và các anh chị em của mình. Gia đình di chuyển hết nơi này đến nơi khác, và Egidio có rất ít cơ hội đến trường. Họ trở về nhà sau chiến tranh, nơi Egidio trở thành công nhân bến tàu, tham gia vào phong trào Công giáo Tiến Hành, và cuối cùng trở thành một giáo lý viên. Mặc dù đã được gia nhập hải quân Ý và phục vụ trong hai năm, Egidio đã dành phần lớn cuộc đời mình như một công nhân ở xưởng đóng tàu trước khi chết vì bệnh lao ở tuổi 23.

Thánh Rafael Guízar y Valencia (1878-1938) là một linh mục người Mexico (và sau đó là giám mục), người đã trải qua phần lớn cuộc đời linh mục của mình trong cảnh tha hương. Khi Cách mạng Mexico bùng nổ, cha Guízar lúc đầu đã cố gắng ở lại với người dân của mình, cải trang thành một người bán rong, một bác sĩ và một nhạc sĩ để cử hành các Bí tích cho họ. Nhưng sau khi bị bắt và suýt bị bắn chết, cha Guízar đã thoát khỏi đất nước. Ngài sống tị nạn ở Hoa Kỳ, Guatemala và Cuba, luôn phục vụ người dân bất cứ nơi nào mình đặt chân tới. Cuối cùng, ngài được bổ nhiệm làm giám mục và cảm thấy mình phải trở về Mexico, bằng bất cứ giá nào. Cách mạng kết thúc ngay sau đó, nhưng các cuộc Chiến tranh Cristero lại bùng nổ. Ngài đã phải sống lưu vong thêm vài năm trước khi đối mặt với viên thống đốc đã truy nã mình. Viên thống đốc rất ấn tượng với sự can đảm của Đức Giám mục Guízar đến mức ông đã chấp nhận sự hiện diện của giám mục trong giáo phận và cuối cùng Giám mục Guízar đã qua đời trên quê hương.

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) được tấn phong làm Tổng giám mục Sài Gòn ở tuổi 47 — một tuần trước khi Sài Gòn thay ngôi đổi chủ. Vài tháng sau, ngài bị bắt và bị đưa vào trại cải tạo trong 13 năm, với 9 năm biệt giam. Trong thời gian đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận đã truyền giáo cho các viên an ninh canh giữ, cử hành thánh lễ ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, và truyền đi những thông điệp hy vọng cho người dân của mình. Ngài cuối đã được trả tự do nhưng bị buộc sống lưu đầy trong suốt 11 năm cuối đời của mình. Đức Hồng Y Thuận đã không bao giờ có thể trở về quê cha đất mẹ.

Theo Aleteia,

Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết