Việc kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải Cách Tin Lành tạo cơ hội cho người Công giáo và Luther thực hiện các bước tiến xa hơn, hướng tới việc hòa giải và hiệp nhất Kitô giáo cách trọn vẹn. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ hai gửi tới phái đoàn đại kết đến từ Đức, do Đức Hồng Y Reinhard Marx – Chủ tịch HĐGM Đức dẫn đầu, cùng với Giám mục Tin Lành Heinrich Bedford-Strohm – Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hội Tin Lành Đức.
Hoan nghênh phái đoàn đến thăm Vatican, ĐTC Phanxicô đã biểu dương mối quan hệ tích cực giữa các tín hữu Công giáo và Luther tại Đức, Ngài mời gọi các tín hữu hãy can đảm và quyết tâm trong hành trình tiếp tục cùng với nhau. “Chúng ta chia sẻ cùng một phép rửa” – ĐTC Phanxicô nói – “chúng ta phải không ngừng bước đi bên nhau!”
Chia sẻ về việc kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách, ĐTC Phanxicô cho biết đó chính là một cơ hội để đưa Chúa Kitô trở lại vị trí trung tâm của tất cả các mối quan hệ đại kết. Cũng như vấn đề về một Thiên Chúa đầy Lòng thương xót là động lực của Luther cũng như các nhà cải cách khác, vì vậy Chúa Kitô phải nằm ở vị trí trung tâm của mọi nỗ lực chung của chúng ta nhằm đưa ra chân lý căn nguyên của Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với con người chúng ta ngày nay.
Phát biểu về bi kịch của sự chia rẽ và các cuộc xung đột, thúc đẩy bởi những lợi ích chính trị, ĐTC Phanxicô đã biểu dương các sáng kiến của đoàn đại biểu Đức vì đã tổ chức buổi cầu nguyện đại kết sám hối và hòa giải mang tên “Những kí ức của sự chữa lành – sự làm chứng về Đức Giêsu Kitô”.
Các tín hữu Công giáo và Luther cũng sẽ cùng nhau tham gia các sự kiện chung khác trong năm nay – ĐTC Phanxicô nói – trong đó bao gồm một chuyến hành hương chung đến Đất Thánh, một Hội nghị nhằm trình bày bản dịch Kinh Thánh mới và một ngày đại kết dành riêng cho những trách nhiệm xã hội chung.
Nhờ có một tinh thần hiệp thông chia sẻ đã được tái khám phá trong những thập kỷ gần đây – Đức Thánh Cha nói – các tín hữu Công giáo và Luther có thể cùng nhau hối tiếc về những thất bại của Cuộc cải cách của cả hai bên, cũng như đánh giá cao những thành quả mà chúng ta đã nhận được từ cuộc cải cách ấy.
Những thách đố trước mắt về đức tin và luân lý mà Giáo hội chúng ta ngày nay đang phải đối diện – ĐTC Phanxicô kết luận – thúc đẩy chúng ta đẩy mạnh mọi nỗ lực chung đồng thời tăng cường hợp tác trong việc phục vụ người nghèo cũng như bảo vệ hành tinh chung của chúng ta. Trong khoảng thời gian chia rẽ nghiêm trọng cũng như những hình thức mới của nền văn hóa loại trừ – ĐTC Phanxicô nói – chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để đi theo con đường của sự hiệp nhất và sự hòa giải.
Minh Tuệ chuyển ngữ