Chúng tôi là những người Công giáo Hoa Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ với Thánh địa. Trong vài tháng qua, chúng tôi hết sức đau buồn và kinh hoàng chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng ở Israel-Palestine. Một người trong chúng tôi có gia đình Do Thái gốc Israel và ban đầu đến làm công việc xây dựng hòa bình ở Trung Đông sau một học kỳ đại học ở Đông Giêrusalem, nơi cô ấy học với một giáo sư Công giáo người Palestine và làm công việc tình nguyện ở Bờ Tây. Người còn lại trong chúng tôi tập trung vào các mối quan hệ Hồi giáo-Kitô giáo và đã đến Israel-Palestine khi sống ở quốc gia láng giềng Jordan, nơi cô ấy quen biết những người trong cộng đồng tị nạn Palestine ở đó, bao gồm cả những người Công giáo.
Không chỉ mối quan hệ của chúng tôi với người dân tại Thánh địa và thời gian chúng tôi ở đó đã khơi dậy trong chúng tôi mối lo ngại về tình hình ở Israel-Palestine hiện nay. Đức tin Công giáo của chúng tôi cũng đã thúc đẩy và hướng dẫn chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Công giáo của một tổ chức có tên là Các Giáo hội vì Hòa bình Trung Đông. Cùng với các nhóm Công giáo khác, gần đây chúng tôi đã tổ chức và phát hành một lá thư thu thập chữ ký của người Công giáo quốc gia về Israel-Palestine, cho đến nay đã thu được chữ ký của hơn 5.000 người Công giáo Hoa Kỳ – các Giám mục và giáo sĩ, nữ tu, giáo dân, các học giả và các nhà hoạt động. Họ bao gồm Đức Hồng Y Robert McElroy; Linh mục Bryan Massingale; Simone Campbell, S.S.S.; Hosffman Ospino; Elizabeth Johnson, C.S.J.; M. Shawn Copeland; Chris Kerr của Mạng lưới Liên đới Ignatian; Gloria Purvis; Francis Clooney, SJ; và hàng chục tu sĩ Dòng Tên khác.
Khi viết bức thư này, một nguồn tài liệu quan trọng mà chúng tôi đã sử dụng là Giáo huấn Xã hội Công giáo (C.S.T). Người Công giáo đã áp dụng các nguyên tắc của C.S.T trước nhiều thách thức đương đại, bao gồm phân biệt chủng tộc, nhập cư, bất công kinh tế, suy thoái môi trường và hơn thế nữa. Nguyên tắc của C.S.T cho phép chúng ta nhìn vào tình hình ở Israel-Palestine qua lăng kính đức tin của chúng ta và giúp chúng ta nỗ lực hướng tới một tương lai ở Thánh địa được đánh dấu bằng công lý và hòa bình cho tất cả mọi người.
Sự sống và phẩm giá con người
Nền tảng của C.S.T. là phẩm giá vốn có của mọi người và quyền sống của họ. Nguyên tắc này nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người, người Palestine và người Israel, đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, và do đó xứng đáng được sống, được an toàn và có các quyền cơ bản. Trong nhiều tháng qua, hàng nghìn mạng sống quý giá này đã bị tước đi. Vào ngày 7 tháng 10, gần 1.200 người ở Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công tàn bạo của Hamas; 240 người khác bị bắt làm con tin. Tính đến thời điểm viết bài này, ít nhất 35.000 người Palestine đã thiệt mạng trong những tháng kể từ cuộc tấn công quân sự chưa từng có của Israel ở Gaza. Do cuộc ném bom trên diện rộng của Israel, toan bộ phả hệ đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương, và phần lớn trong số hai triệu cư dân của Gaza hiện phải di tản, thiếu những nhu cầu cơ bản như lương thực, chăm sóc y tế, giáo dục và nơi ở thích hợp.
Trước những hành vi xâm phạm sự sống và phẩm giá con người – vốn cấu thành tội ác chiến tranh về phía cả Israel lẫn Hamas – trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo Công giáo đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và vĩnh viễn, trả tự do cho các con tin và viện trợ nhân đạo mạnh mẽ cho Gaza. Lời kêu gọi này đã được đưa ra bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, các dòng tu và tổ chức Công giáo lớn, cũng như đông đảo các nhà lãnh đạo và giáo dân Công giáo Hoa Kỳ đã ký vào bức thư ngỏ của chúng tôi. Nhận thức được sự đồng lõa của chính phủ Hoa Kỳ trong tình trạng bạo lực đang diễn ra thông qua việc cung cấp vũ khí cho Israel, nhiều người Công giáo Mỹ cũng đang kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị, bao gồm cả Tổng thống Công giáo Joe Biden, ra điều kiện hoặc tạm dừng viện trợ quân sự tấn công bổ sung cho Israel, tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền và luật pháp Hoa Kỳ.
Cam kết này đối với phẩm giá vốn có của tất cả mọi người và quyền sống của họ cũng thôi thúc chúng ta chú ý đến những cách thức mà người dân ở Thánh Địa đang phải chịu đựng ngoài những tiêu đề báo chí và những số liệu thống kê. Phẩm giá con người không chỉ liên quan đến sự sống hay cái chết mà còn là sống vui sống khỏe. Gần đây, các Giáo hội vì Hòa bình Trung Đông đã tổ chức một hội thảo trực tuyến về thực tế nhân đạo và y tế ở Gaza và Bờ Tây. Bill O’Keefe, phó Chủ tịch điều hành của Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (CRS), đã nói về hai phụ nữ Gazan làm việc cho C.R.S và đang cho con bú: “Họ cùng với con cái đang sống trong một căn hộ cùng với 20 phụ nữ và trẻ em khác. Những người đàn ông của hai gia đình này đang phải sống ngoài đường. Họ đang phải dùng chung một xô nước cho tất cả 20 người, và một phụ nữ đang cho con bú được phân bổ 8 ounce mỗi ngày cho cô ấy, như vậy là không đủ…”
Cùng lúc đó ở Israel, xã hội vẫn đang quay cuồng với cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào năm ngoái, chờ đợi trong đau khổ những người bị bắt cóc được trao trả dù sống hay chết, lo sợ tên lửa tiếp tục bay vèo vèo trên đầu và lo lắng về khả năng leo thang hơn nữa trong khu vực.
Với tư cách là những người mẹ, cả hai chúng tôi cũng đặc biệt lo lắng về việc chấn thương tâm lý hiện tại sẽ ảnh hưởng lâu dài như thế nào đến trẻ em ở cả Palestine lẫn Israel.
Lựa chọn ưu tiê cho người nghèo, người dễ bị tổn thương và bị áp bức
Sự cam kết của Giáo huấn Xã hội Công giáo đối với phẩm giá vốn có của tất cả mọi người và quyền sống của họ khuyến khích chúng ta chú ý đến những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời coi việc hỗ trợ và đồng hành với họ trong cuộc đấu tranh của họ là mối bận tâm hàng đầu. Cả người Israel lẫn người Palestine đều phải chịu đau khổ tột cùng ở Thánh địa – hai cộng đồng này đã trải qua những tổn thương và bạo lực nghiêm trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của người Palestine cao hơn nhiều và họ phải gánh chịu một hệ thống bất bình đẳng, dẫn đến bạo lực và phân biệt đối xử về cơ cấu.
Ở Bờ Tây và Đông Giêrusalem, người Palestine sống dưới sự chiếm đóng của quân đội Israel và chỉ có những khu vực kiểm soát dân sự hoặc an ninh của người Palestine; là những cư dân không quốc tịch, họ bị từ chối nhiều quyền cơ bản. Khi mỗi người chúng tôi đến thăm Bờ Tây, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự chiếm đóng của Israel đã cản trở cuộc sống có phẩm giá của nhiều người Palestine như thế nào. Tại Bethlehem, nơi sinh của Chúa Giêsu, một hàng rào ngăn cách bằng bê tông lớn và vô số khu định cư bất hợp pháp đã ngăn cản thành phố này khỏi mối liên hệ lịch sử với Giêrusalem. Chúng tôi đã chứng kiến các bậc cha mẹ Palestine hướng dẫn con cái họ đi qua các trạm kiểm soát quân sự của Israel, vốn cản trở quyền tự do đi lại, cản trở sự ổn định kinh tế và cắt đứt khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế. Tại lãnh thổ Gaza của Palestine, cả trước lẫn trong cuộc tấn công gần đây, việc Israel phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đồng nghĩa với việc ra vào của người và hàng hóa rất hạn chế.
Thừa nhận những thực tế này và ủng hộ các quyền của người Palestine là điều hoàn toàn phù hợp với cam kết đảm bảo quyền, sự an toàn và phẩm giá của người Israel gốc Do Thái. Người Công giáo có trách nhiệm cùng nhau thực hiện những cam kết này. Như chúng tôi đã học được từ cố Linh mục Drew Christiansen, S.J., cựu Tổng biên tập tờ báo America, điều này có thể thực hiện được bằng cách viện dẫn các quyền con người phổ quát và thúc đẩy luật pháp quốc tế, vốn mang lại “sự đảm bảo về sự công bằng” và “giúp khắc phục sự mất cân bằng quyền lực giữa các chủ thể”.
Ủng hộ lựa chọn ưu tiên người nghèo không phải là “đứng về phía họ” mà cuối cùng là quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, xác định nguyên nhân gốc rễ của bạo lực và bất công, đồng thời hướng tới các giải pháp có lợi cho tất cả mọi người. Điều này liên quan đến khái niệm “công ích” — hướng tới một thực tế nơi các điều kiện xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của con người cho tất cả mọi người chứ không chỉ một số người.
Cam kết đối với công ích
Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng nhắc nhở chúng ta không ưu tiên nhu cầu của nhóm mình hơn nhu cầu của người khác. Chắc chắn, là người Kitô hữu, chúng ta nên chú ý đến hoàn cảnh của những người có cùng đức tin với chúng ta. Tại Thánh địa, hầu hết các Kitô hữu là người Palestine, xuất thân từ các truyền thống Chính thống giáo, Công giáo và Tin lành. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Palestine đã yêu cầu các Kitô hữu Hoa Kỳ chú ý hơn đến những trải nghiệm của họ.
Đồng thời, đức tin của chúng ta buộc chúng ta phải có cùng sự quan tâm đến người Hồi giáo và người Do Thái như chúng ta dành cho anh em Kitô hữu đồng đạo của minhf. Chúng ta được mời gọi bảo vệ quyền lợi và phẩm giá của tất cả những người đau khổ ở Israel-Palestine, bất kể tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch của họ. Cam kết đối với công ích giúp chúng ta hình dung và ủng hộ một giải pháp chính trị mang lại tự do, bình đẳng, an toàn và quyền lợi cho cả người Palestine cũng như người Israel.
Một cam kết như vậy cũng đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến bản sắc và câu chuyện độc đáo của cả hai dân tộc, đồng thời hiểu được lịch sử mà họ mang theo bên mình. Đối với người Palestine, cuộc di tản hàng loạt xảy ra ở Gaza ngày nay được coi là sự tiếp nối của Nakba – “thảm họa” trong tiếng Ả Rập – khi 750.000 người Palestine bị đánh đuổi khỏi nhà cửa của họ và trở thành người tị nạn khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948. Đối với người Israel gốc Do Thái, bản chất của cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel, với các gia đình phải trốn trong nhà, gợi lên ký ức về Holocaust và nỗi sợ hãi bắt nguồn từ cuộc đàn áp lịch sử mà Giáo hội đã góp phần vào đó.
Sự phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo và sắc tộc cũng cản trở công ích. Ở quê nhà Hoa Kỳ, chủ nghĩa bài Do Thái, bài Hồi giáo và thành kiến phân biệt chống người Ả Rập phải bị phản đối; những ý thức hệ này là sự xúc phạm đến hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người và đi ngược lại mọi hy vọng về công lý hay hòa bình. Một số người trong cộng đồng Kitô giáo của chúng ta đã gán mác lệch lạc cho tất cả người Palestine và người Hồi giáo là những kẻ khủng bố, hoặc đổ lỗi sai lầm cho tất cả người Do Thái và người Israel về hành động của chính phủ Israel. Việc đổ lỗi tập thể này là sai lầm và đã dẫn đến bạo lực gia tăng.
Khi chúng ta kiên quyết chống lại sự đổ lỗi và rập khuôn tập thể, chúng ta cũng nhận ra rằng những lời chỉ trích Israel về bản chất không phải là chống Do Thái và những lời chỉ trích Hamas không nhất thiết là chống Hồi giáo. Không bao giờ nên sử dụng những cáo buộc cố chấp để bịt miệng những hoạt động chân chính vì nhân quyền.
Liên đới và bổ trợ
Nguyên tắc Liên đới – đòi hỏi phải đồng hành cùng người khác trên con đường dẫn đến công lý và hòa bình – có thể truyền cảm hứng cho mọi thứ, từ vận động chính trị quy mô lớn đến âm thầm hỗ trợ các cá nhân bị ảnh hưởng. Người Công giáo, các Kitô hữu khác, người Do Thái, người Hồi giáo và những người có lương tâm thuộc mọi thành phần từ lâu đã hợp tác để thúc đẩy các chính sách giúp tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn ở Israel-Palestine. Vào thời điểm hiện tại, họ đang tổ chức các buổi cầu nguyện, liên lạc với các quan chức chính phủ của họ, phản đối và tham gia bất tuân dân sự cũng như tham gia tẩy chay. Tinh thần liên đới xuyên tôn giáo này, đang diễn ra ở cả Israel-Palestine lẫn trên toàn thế giới, bác bỏ sự phi nhân tính hóa và thách thức quan niệm sai lầm rằng đây là một cuộc xung đột khó giải quyết giữa các tôn giáo.
Trong khi tình liên đới thường tập trung vào bức tranh lớn, Nguyên tắc Bổ trợ khuyến khích chúng ta phóng to – tập trung nỗ lực và thực hiện những thay đổi trong cộng đồng địa phương của chúng ta. Điều này có nghĩa là hoạt động của chúng tôi sẽ khác nhau tùy theo bối cảnh. Nó có thể đòi hỏi phải tổ chức các buổi trò chuyện hoặc giảng dạy tại trường học hoặc Giáo xứ của chúng ta, tổ chức một buổi gây quỹ và quyên góp cho các nhóm viện trợ, tổ chức các buổi cầu nguyện hoặc biểu tình công khai, chủ động giải quyết sự kỳ thị định kiến hoặc đảm bảo rằng, khi chúng ta hành hương đến Thánh Địa, chúng ta sẽ đừng chỉ tập trung vào tinh thần mà bỏ qua những bất công chính trị trong lịch sử và hiện tại.
Nguyên tắc Bổ trợ cũng nhắc nhở chúng ta lắng nghe những người gần gũi nhất với thực tế, để chúng ta thực sự hiểu được điều gì đang thực sự xảy ra trong một tình huống nhất định. Trong trường hợp của Israel-Palestine, chúng ta nên học hỏi từ các anh em Kitô hữu của chúng ta cũng như những người kiến tạo hòa bình Palestine và Israel khác trong khu vực, và sau đó đưa ra sự ủng hộ của chúng ta dựa trên kinh nghiệm của họ và nâng cao tiếng nói của họ.
Được kêu gọi để thực hiện phận vụ độc đáo của chúng ta
Khi lắng nghe ý kiến của người Công giáo trên khắp đất nước trong vài tuần qua—hàng ngàn người trong số họ đã ghi tên mình vào lá thư đăng ký—chúng tôi rất phấn khởi trước mong muốn hành động của họ. Giống như chúng tôi, họ đau buồn trước sự tàn phá liên tục ở Gaza và việc không đạt được lệnh ngừng bắn; họ thừa nhận rằng cả người Palestine lẫn người Israel đều không được hưởng lợi từ các phương pháp quân sự.
Mỗi chúng ta đều có một vai trò quan trọng, dù nhỏ đến đâu. Với tư cách là người dân Hoa Kỳ, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt phải được cung cấp thông tin và tham gia, vì chính sách của Hoa Kỳ thường không bảo vệ được mạng sống của người Palestine. Có thể bạn muốn quay lưng lại với những hình ảnh đau buồn, dập tắt những tin tức khủng khiếp hoặc vội vàng hàn gắn căng thẳng, nhưng C.S.T. đòi hỏi chúng ta phải hiện diện với những thực tế đau đớn. Israel-Palestine không “quá phức tạp” hay “quá xa”. Là người Công giáo, chúng ta được kêu gọi nói tiên tri và thúc giục các nhà lãnh đạo của chúng ta—đặc biệt là những người có cùng đức tin với chúng ta—hành động một cách công bằng.
Cuối cùng, mỗi người chúng ta phải cầu nguyện để nhận ra sự đóng góp của cá nhân mà chúng ta có thể thực hiện. Được hướng dẫn bởi đức tin và Giáo huấn Xã hội Công giáo, chúng ta có thể góp phần ủng hộ nền hòa bình công bằng ở Israel-Palestine.
Julie Schumacher Cohen
** Julie Schumacher Cohen là thành viên của Hội đồng Cố vấn Công giáo của các Giáo hội vì Hòa bình Trung Đông, một liên minh đại kết của các cơ quan Giáo hội, trước đây từng giữ chức vụ phó Giám đốc. Bà cũng là Trợ lý phó Chủ tịch về sự tham gia của cộng đồng và các vấn đề chính phủ tại Đại học Scranton và sinh viên Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Temple.
Minh Tuệ (theo America)