Các thừa sai DCCT Canada làm cho “người Việt Nam biết Mẹ”

Ngày 26 tháng 4 năm 1866, Đức Piô IX, khi trao bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp cho cha Bề trên Tổng quyền Nicolas Mauron, đã căn dặn: “Hãy làm cho thế giới biết Mẹ”. Kể từ đó, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khắp nơi trên thế giới đã “đón Mẹ về nhà mình” và bằng nhiều cách thức khác nhau đã hết lòng tôn kính Mẹ và nỗ lực cùng nhau “làm cho thế giới biết Mẹ”.

Lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20

Người Công giáo Việt Nam ngay từ ban đầu đã có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Tuy nhiên, theo các thừa sai Gia Nã Đại, cho đến năm 1925, năm các thừa sai tiên khởi đặt chân lên Huế, thì có điều khá chắc chắn là “tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp chưa được công khai thờ phượng ở bất kỳ nơi nào”[1] tại Việt Nam hoặc nếu có thì chỉ là “lòng sùng kính đặc biệt mang tính cá nhân” và ngay cả điều này, thì cũng chỉ là do các ngài phỏng đoán.

Vậy mà, khoảng 20 năm sau, vào năm 1946, từ Sài Gòn, cha Marcel Bélanger đã có thể khẳng định: “Trong số tất cả các nhà thờ mà tôi đã đến thăm, không có một nhà thờ nào mà không có hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Cha Louis Roy thậm chí còn đi xa hơn khi tuyên bố: “Tôi tin rằng, không có một nhà thờ Công giáo nào tại Việt Nam lại không có bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Điều này cho thấy lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được phổ biến sâu rộng như thế nào.”[2]

Nói về lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chắc hẳn không ai có thể quên được hình ảnh hai người phụ nữ trên đường chạy loạn năm 1954, ngoài số tư trang ít ỏi nghèo nàn mang theo, nổi bật là bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà họ cầm trên tay. Sự kiện này vừa cho thấy lòng yêu mến Đức Mẹ của giáo dân Việt Nam, nhưng cũng cho thấy lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sâu xa như thế nào. Sinh thời, sau bao thử thách xảy ra với Giáo hội miền Bắc, Đức Hồng y tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam Giuse Trịnh Như Khuê, đã có lần nhận định: “Ở miền Bắc, kể từ năm 1954, chỉ còn lại hai hoạt động nổi bật: Nghĩa binh Thánh thể và lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Vậy, bằng cách nào, chỉ trong vòng khoảng 20 năm, các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam thời đầu đã làm cho “không có một nhà thờ Công giáo nào tại Việt Nam lại không có bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp?”

Cách các thừa sai cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Trước khi nói về cách thức các thừa sai cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cũng nên biết, ngay sau khi Phụ tỉnh Việt Nam được thành lập (4/6/1930), ngày 15 tháng 09 năm 1930, cha Edmond Dionne, Giám Phụ tỉnh, đã “dâng Phụ tỉnh Việt Nam cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cùng với các công việc tông đồ cũng như dâng các cha, các thầy, trong hiện tại cũng như tương lai, những người sẽ dành cả cuộc đời mình cho sứ vụ mà họ quảng đại đảm nhận.”[3] Dĩ nhiên, trong đó có sứ mạng làm cho người Việt Nam biết Mẹ.

Picture1

Các Kỳ Đại Phúc

Hoạt động đầu tiên qua đó, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được quảng bá rộng rãi tới quảng đại quần chúng bình dân là hoạt động đại phúc. Đây cũng là một trong những sứ mạng chính yếu mà Tòa Thánh khi mời gọi Nhà Dòng đến Việt Nam đã trao cho Nhà Dòng một cách chính thức. Chính qua các cuộc đại phúc này, mà người giáo dân Việt Nam không chỉ biết Mẹ với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp, bổn mạng của Tuần đại phúc mà còn “kinh nghiệm được sự che chở mạnh mẽ của người Mẹ tuyệt vời, đấng luôn sẵn sàng trợ giúp những kẻ khốn cùng”.[4]

Các trung tâm hành hương

Theo các thừa sai Canada, việc thiết lập các trung tâm hành hương, đặc biệt tại ba trung tâm lớn ở giữa ba miền Bắc – Trung – Nam, ngay từ những năm đầu thành lập Dòng cũng là yếu tố mang tính quyết định cho sự lan tỏa tình thương của Chúa qua sự chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp, thu hút không chỉ những người Công giáo đạo đức mà ngay cả những người không Công giáo đến khẩn cầu với Mẹ.

Tại Thái Hà, việc hành hương kính Đức Mẹ hay giờ khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được tổ chức lần đầu vào ngày 3 tháng 12 năm 1932, với khoảng 20 người tham dự. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau, số người tham dự đã tăng lên hàng ngàn người; cụ thể: vào ngày 11 tháng 2 năm 1933 có 600 người; ngày 18 tháng 2 năm 1933 có 800 người; ngày 11 tháng 3 tăng lên 1600 người; ngày 18 tháng 3 có 1900 người; ngày 2 tháng 4 có 2200 người và ngày 22 tháng 4 năm 1933 số người tham dự đã tăng lên 2575 người.[5] Sự tăng vọt số người tham dự khiến Đức cha Gendreau, Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Nội đã phải lên tiếng khuyên can: “Từ từ, thong thả, chỉ là ngọn lửa rơm, không kéo dài đâu!”[6] Cho đến năm 1946, đã có khoảng 300 bảng tạ ơn được gắn xung quanh tường nhà thờ Thái Hà.[7] Những bảng tạ ơn này không chỉ của người công giáo Việt Nam mà của nhiều người Pháp, không chỉ của người nghèo mà của người giầu có. Họ đến từ khắp nơi tại Bắc Kỳ. Vào mỗi thứ Bảy, có hàng ngàn người đến Thái Hà, có người đi bộ cách xa Đền Đức Mẹ cả 50 km. Mỗi ngày thứ Bảy có 5 giờ làm việc kính Đức Mẹ.

Năm 1932 cũng là năm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhất là việc hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được tổ chức tại Nhà nguyện Dòng Chúa Cứu Thế Huế vào mỗi thứ Bảy. Các cuộc cử hành này có đông đảo anh chị em tín hữu và cả người lương đến tham dự.

Chương trình mừng Bách Chu Niên phục hồi việc sùng kính bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Kỳ Đồng năm 1966, với sự hiện diện hầu hết của các Đức Giám mục thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn.

Chương trình mừng Bách Chu Niên phục hồi việc sùng kính bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Kỳ Đồng năm 1966, với sự hiện diện hầu hết của các Đức Giám mục thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn.

Riêng tại Sài Gòn, lòng sùng kính Đức mẹ Hằng Cứu Giúp sớm phát triển do sự năng động trong cách thực hành lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Kể từ năm 1946, tại Nhà nguyện của Tu viện Kỳ Đồng, giờ hành hương diễn ra hai lần mỗi tuần: thứ Tư và thứ Bảy. Giờ hành hương ngày thứ Tư dành riêng cho những phụ nữ Ấn Độ và được thực hiện bằng tiếng Tamil. Những người Ấn Độ này, phần lớn đến từ các thành phố thuộc Pháp ở Ấn Độ như Pondichéry, Chandernager, Mahé ..v.v.. Họ sang Việt Nam phục vụ chính phủ Pháp. Ngày hành hương thứ Bảy là chính ngày kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, với 4 giờ khấn, ba giờ bằng tiếng Việt, một giờ bằng tiếng Pháp.[8]

Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongsô

Song song với việc thiết lập các Trung tâm hành hương tại ba thành phố lớn, một hoạt động khác đã góp phần đáng kể vào việc phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ là việc lập Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và thánh Anphongsô. Ngày 08 tháng 12 năm 1932, tại Dòng Chúa Cứu Thế Huế, Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chính thức được thiết lập theo Giáo luật, với 1467 hội viên đầu tiên ghi danh, trong đó, có hai vợ chồng Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài, ông qua đời ngày 28 tháng 7 năm 1935, tại Huế.[9]

Vào năm 1934, Tổng Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được thành lập tại Thái Hà. Thời gian này chỉ riêng tại miền Bắc số hội viên đã đạt tới con số 20.000.[10] Số hội viên tiếp tục tăng rất nhanh trong những năm tiếp theo do việc các thừa sai sẵn sàng đi tới khắp các giáo xứ tại miền Bắc thành lập các chi hội. Chỉ tính riêng năm 1939 đã có thêm hàng chục Chi hội được thành lập ở nhiều giáo xứ thuộc các giáo phận: ngày 15/5/1939 thành lập Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại giáo xứ Hà Thạch, giáo phận Hưng Hóa;[11] ngày 14/9/1939, tới lượt giáo xứ Tôn Đạo, giáo phận Phát Diệm;[12] ngày 15/11/1939, thành lập tại giáo xứ Châu Nhai, giáo phận Thái Bình, với 400 hội viên đầu tiên; xứ Trung Lương, giáo phận Hà Nội, thành lập Hội vào chính ngày lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp năm 1939;[13] cũng năm này, vào ngày 18/5, Hội được thành lập tại giáo xứ Đồng Xá giáo phận Hải Phòng và giáo xứ Thọ Ninh, giáo phận Vinh…[14]

Theo các thừa sai Gia Nã Đại, ngoài các tuần đại phúc, các trung tâm hành hương, thì Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã là phương tiện tuyệt vời làm cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được biết đến và được yêu mến tại các gia đình Việt Nam.

Ở đây, cũng cần phải nói thêm, sở dĩ Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phát triển mạnh, góp phần phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ, đặc biệt tại miền Bắc, là do sự nhiệt tình của các vị thừa sai, sự hỗ trợ của các cha xứ, nhất là sự lan truyền hội của các hội viên nhiệt thành, đặc biệt là những hội viên có vị thế trong xã hội. Vào thập niên 30 – 40, để đồng hành với các hội viên, Nhà dòng cắt cử các linh mục linh hướng, sẵn sàng có mặt tại các giáo xứ có hội viên khi được yêu cầu, thường xuyên tổ chức các Tam nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại các giáo xứ, đặc biệt trong các dịp chuẩn bị thành lập hội. Sự hiện diện của các cha Dòng Chúa Cứu Thế vừa cho thấy sự quan tâm của Dòng đối với các hội viên, đồng thời, nhờ thường xuyên tổ chức các Tam Nhật kính Đức Mẹ, các cuộc rước kiệu trọng thể ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp từ Thái Hà về giáo xứ thiết lập Hội, đã làm cho người giáo dân ngày càng hiểu biết và yêu mến gắn bó với Đức Mẹ nhiều hơn.

Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Một phương thế khác hữu hiệu giúp phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chính là tờ Nguyệt san mang tên Mẹ. Nguyệt san được thai nghén sau khi Nhà Hà Nội khởi sự việc cử hành giờ kính Đức Mẹ vào các ngày thứ Bảy (3/12/1932), nhất là từ sau khi Tổng Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được thành lập vào ngày lễ Mẹ Hằng Cứu Giúp năm 1934 tại Thái Hà. Chính vì thế, kể từ số báo đầu tiên ra ngày 23 tháng 06 năm 1935, cho tới khi Nguyệt san bị đình bản năm 1944, mặc nhiên và cả công khai, Nguyệt san Đức Bà Hằng Cứu Giúp được coi là tiếng nói của Tổng Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, với các mục tiêu: rao giảng Lời Chúa cho những người nghèo; canh tân đời sống đức tin và khơi dậy ý thức truyền giáo; góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa Việt; và đặc biệt cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ hằng Cứu Giúp.[15] Có thể thấy, trong suốt 10 năm đầu tiên, ngoài các bài viết về Đức Mẹ, Nguyệt san luôn có các bài chia sẻ của cha Phụ trách Tổng hội về Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đặc biệt trên các số báo luôn có mục ghi danh những người xin ơn, những người tạ ơn, nhất là những chứng từ của các chứng nhân đã nhận được ơn lành qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ. Trong số các chứng từ phải kể đến chứng từ của các linh mục, các tu sĩ, các anh chị em lương dân, nhất là chứng từ của các giám mục, trong đó có lời chứng của Đức cha Hồ Ngọc Cẩn… Những lời xin ơn, tạ ơn, những lời chứng, nhất là hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được in nơi trang bìa, suốt 10 năm không đổi, phần nào cho thấy cách các thừa sai đã thực hiện để cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ, và để đem Đức Mẹ vào ngự trị trong mỗi gia đình.

Mục xin ơn và tạ ơn trên Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Mục xin ơn và tạ ơn trên Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Ơn Chúa, hoàn cảnh và sự giúp sức của các thành phần dân Chúa

Ngoài ra, để hiểu được tại sao bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sớm được đón nhận rộng rãi tại Việt Nam, thì không thể không nói đến những ơn lành của Chúa ban qua sự chuyển cầu đầy hiệu năng của Mẹ, cùng bối cảnh lịch sử đau thương của dân tộc Việt nam và sự tiếp tay đầy yêu thương của các giám mục, các cha xứ và anh chị em giáo dân. Chính nhờ ơn Chúa và sự hỗ trợ đắc lực cách đặc biệt của các vị Giám mục giáo phận, ngoài sự cho phép các thừa sai đến giảng đại phúc, lập Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại các giáo xứ, thì sự hiện diện thường xuyên và đông đảo của các ngài vào các dịp lễ trọng kính Mẹ hay vào các dịp lễ lớn của Nhà Dòng đã thu hút không ít các tín hữu chọn Đền Đức Mẹ làm chốn hành hương; chẳng hạn, trong dịp lễ kỷ niệm 100 năm thánh Anphong được phong hiển thánh (1839 – 1939), nhà thờ Thái Hà được vinh hạnh đón tiếp các đức cha Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Bùi Chu, Vandael Vạn, Giám mục Hưng Hóa, Francois Chaize, Giám mục Hà Nội, Artaraz, Giám mục Bắc Ninh,[16] hay dịp mừng kỷ niệm Bách Chu niên phục hồi cách công khai việc sùng kính bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (1866 -1966), thì tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, hầu hết các giám mục thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn đã đến tham dự, chia sẻ các đề tài về Đức Mẹ và chủ sự các lễ nghi mừng kính Mẹ trong dịp trọng đại này.

Bên cạnh đó, theo các thừa sai Gia Nã Đại, “trong sự phát triển nhanh chóng của lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng ta có thể biện phân được một hằng số giúp chúng ta hiểu tại sao lòng sùng kính Đức Mẹ phát triển nhanh đến vậy. Chính những đau khổ về thể xác và trên hết là về mặt tinh thần do nhiều năm chiến tranh gây ra đã quyết định phong trào sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của đám đông. Càng khốn khó, chiến tranh càng xé nát đất nước, thì những người Việt Nam, được hướng dẫn bởi cảm thức tôn giáo của họ, lại càng quy tụ đông đảo quanh Mẹ thiên đàng. Họ biết rằng, với Mẹ, họ không có gì phải sợ hãi và rằng sự bảo vệ thực sự kỳ diệu mà họ đã có được trong suốt bốn năm chiến tranh là một lời mời gọi để họ tin tưởng trong tương lai.”[17]

Những thách đố hôm nay

Qui luật chung số 05 viết: Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế “tôn kính Mẹ dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp mà Tòa thánh đã ủy thác cho Dòng nhiệm vụ truyền bá lòng sùng kính Mẹ dưới tước hiệu đó”.

Cha Bề trên Tổng quyền Michel Brehl trong lá thư đề ngày 19 tháng 04 năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 150 năm phục hồi việc sùng kính công khai bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng đã nhắc lại sứ mạng quan trọng này. Theo đó, “là thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta biết rằng không phải ngẫu nhiên mà Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến với chúng ta ngang qua linh ảnh tuyệt vời này. Ngay từ thuở nào trước năm 1866, Đức Maria đã đồng hành với chúng ta trong mọi sứ vụ và công việc tông đồ của chúng ta. Theo bước chân thánh Anphong, tình yêu với Đức Maria – Mẹ của lòng thương xót, đã luôn luôn là một nét son của Dòng Chúa Cứu Thế.”

Suốt gần 100 năm qua, kể từ khi cha Bề trên Giám Phụ tỉnh Edmond Dionne dâng Phụ tỉnh Dòng và mọi tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế hiện tại cũng như tương lai cho Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngày 15/9/1930, thì các thế hệ cha anh, đặc biệt các vị thừa sai thuở đầu, đã miệt mài cổ võ lòng sùng kính Mẹ, bằng chính đời sống kết hợp trong tình con thảo với Mẹ, cũng như bằng một kế hoạch tông đồ rộng lớn kết hợp với nhiều phương thế khác nhau, trong cùng một mục đích là làm cho những người Việt Nam yêu mến Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Hôm nay, sứ mạng mà Đức Piô IX trao cho Dòng: “Hãy làm cho thế giới biết Mẹ”, tiếp tục phải là một trong những sứ mạng quan trọng của Nhà Dòng tại Việt Nam. Trong thực tế, hơn ai hết, chính Mẹ Hằng Cứu Giúp đã làm cho Dòng Chúa Cứu Thế được biết đến và được yêu mến tại Việt Nam. Vì vậy, trong trách nhiệm và trong tâm tình con thảo, chúng ta sẽ làm gì khi mà, dường như lòng sùng kính Mẹ đang ngày càng giảm sút ngay cả trong chính đời sống của anh em tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế?

Sài gòn, 4/9/2021

Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong

[1] x. Voix des Nôtres: 25 ANS AU VIET NAM, p. 25-38.

[2] Ibid.

[3] Voix des Nôtres: 25 ANS AU VIET NAM, p. 25-38.

[4] Ibid.

[5] Ibid.

[6] Gérard Gagnon et A. Trépanier, Les Nôtres au Viêt Nam – Mission Accomplie, p. 81.

[7] x. Voix des Nôtres: 25 ANS AU VIET NAM, p. 25-38.

[8] Voix des Nôtres: 25 ANS AU VIET NAM, p. 25-38.

[9] Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 3, tháng 9 năm 1935.

[10] Ibid, số 4 tháng 10 năm 1935.

[11] Ibid, số 49, tháng 8 năm 1939, tr. 238.

[12] Ibid, số 52, tháng 11 năm 1939, tr. 16.

[13] Ibid, số 54, tháng 01 năm 1940.

[14] Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 62, tháng 9 năm 1940.

[15] x. Báo Đức Bà Hằng Cứu Giúp, số 1, tháng 7 năm 1935.

[16] x. Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 54, tháng 1 năm 1940.

[17] x. Voix des Nôtres: 25 ANS AU VIET NAM, p. 25 -38.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube