Các thành phần Dân Chúa và du khách xếp hàng tại Rôma kính viếng Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Mọi người xếp hàng chờ vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để viếng linh cữu Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican ngày 2 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Mọi người xếp hàng chờ vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để viếng linh cữu Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican ngày 2 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu bày tỏ lòng thành kính lần sau cùng đối với Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 2 tháng Giêng, khi thi hài của ngài được chuyển từ Tu viện Mẹ Giáo hội tại Vatican, nơi ngài đã cư trú gần 10 năm sau khi ngài bất ngờ từ chức Giáo hoàng vào năm 2013, vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Thi hài của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, qua đời vào ngày 31 tháng 12, đã được chuyển đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô lúc 7:15 sáng theo giờ Trung Âu, nơi Đức Hồng y người Ý Mauro Gambetti, Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô và là Tổng đại diện của Thành quốc Vatican, đã chủ sự nghi thức làm phép xác, trước khi cửa nhà thờ được mở ra vào lúc 9:00 sáng.

Cư dân của Rôma- bao gồm Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Thủ tướng Giorgia Meloni – là một trong những người đầu tiên tỏ lòng kính trọng đối với Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngay sau đó là những người hành hương và khách du lịch.

“Tôi còn rất trẻ khi Đức Bênêđictô XVI còn là Giáo hoàng”, Chelsea Hernandez, 25 tuổi, đến từ Tijuana, Mexico, phát biểu với NCR. “Thành thật mà nói, tôi biết Đức Phanxicô nhiều hơn. Nhưng một khi bạn đã ở đó, bạn sẽ rất biết ơn vì có thể trải nghiệm điều này”.

“Khi lớn lên, bạn nghe rất nhiều về những con người gương mẫu và các vị thánh”, Hernandez chia sẻ thêm. “Thật ngạc nhiên khi có thể chứng kiến rất nhiều người đổ về đây và tôn kính Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng như tôn vinh Giáo hội”.

Linh mục Ben Valentine ở Dubuque, Iowa, cho biết ngài tình cờ đến Rôma trong một chuyến hành hương đã được lên lịch trước khi nghe tin về cái chết của Đức Bênêđictô XVI.

Cha Valentine, người đã được truyền chức Linh mục vào đầu năm nay, cho biết chính tại Chủng viện, ngài bắt đầu tìm hiểu thêm về Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, và đặc biệt là các tác phẩm thần học của ngài.

“Đối với tôi, tôi chỉ thấy Đức Bênêđictô XVI là một người có chiều sâu thần học”, Cha Valentine nói. “Ngài mở ra sự phong phú của Giáo hội theo một cách cực kỳ hấp dẫn, vô cùng tuyệt vời”.

Cha Valentine nhắc lại một câu trích dẫn từ lễ nhậm chức Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI vào năm 2005 – sau khi cựu Hồng y người Đức Joseph Ratzinger được các Hồng y bầu làm Giáo hoàng sau cái chết của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II – khi Đức tân Giáo hoàng nói với những người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô: ” Ðừng sợ Đức Kitô, Ngài không lấy đi thứ gì nhưng Ngài ban cho anh em mọi sự”.

Giờ đây, gần 20 năm sau và đang đứng tại Quảng trường đó để chờ cơ hội bày tỏ lòng kính trọng đối với người đã truyền cảm hứng cho mình bằng những lời nói đó, Cha Valentine nói: “Tôi đã lặp lại câu nói đó rất nhiều lần, đó là kinh nghiệm của tôi trong đời”.

Thi hài của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI được đặt trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô trong Nghi thức Tiếp nhận vào sáng sớm tại Vatican ngày 2 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Thi hài của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI được đặt trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô trong Nghi thức Tiếp nhận vào sáng sớm tại Vatican ngày 2 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Cảnh sát Ý ước tính rằng khoảng 30.000 người sẽ đi qua Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô mỗi ngày để có cơ hội kính viếng, kéo dài đến thứ Tư, ngày 4 tháng Giêng. Ngày hôm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ an táng, diễn ra diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, nơi một Giáo hoàng đương nhiệm chủ trì tang lễ của người tiền nhiệm.

Vatican đã công bố những hình ảnh đầu tiên về thi hài của Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 1 tháng 1, được đặt nằm trên gối trong nhà nguyện của Tu viện Mater Ecclesiae. Ở đó, khi được đặt trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI đội mũ Mitra, mặc phẩm phục đỏ và đi giày đen, nhưng không đeo dây Pallium mà các Tổng Giám mục đương nhiệm thường đeo.

Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher Địa phận Sydney, Úc đã lưu ý trên trang Facebook của mình rằng Đức Bênêđictô XVI đã mặc chiếc áo lễ mà ngài đã mặc khi cử hành Thánh lễ chung kết tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Sydney vào năm 2008, và Vatican đã xác nhận rằng Đức Bênêđictô XVI sẽ được an táng với phẩm phục đó.

Đức Bênêđictô XVI cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Sydney năm 2008

Đức Bênêđictô XVI cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Sydney năm 2008

“Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhận xét với tôi rằng ngài rất thích chuyến viếng thăm Sydney để cử hành Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2008”, theo lời Đức Tổng Giám mục Fisher, người chịu trách nhiệm tổ chức chuyến viếng thăm đó. “Thật là một sự cống hiến tuyệt vời”.

Khi những du khách đầu tiên đến Đền thờ Thánh Phêrô vào thứ Hai, ngày 2 tháng 1 – từ những nơi xa xôi như Phần Lan, Ấn Độ và Úc – hầu hết mọi người chỉ có vài giây trước thi hài của Đức Bênêđictô XVI được đặt trước bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, khi nhạc organ và một ca đoàn hợp xướng hát theo nền nhạc.

Bên ngoài, thời tiết nắng ấm bất thường được tận hưởng trong kỳ nghỉ cuối tuần ở Rôma đã chuyển sang hơi se lạnh với bầu trời u ám, mặc dù dòng người di chuyển rất nhanh, với hầu hết những người hành hương phải chờ đợi khoảng một giờ kể từ khi họ qua chốt an ninh để tiến vào Đền thờ.

Khi chờ đến lượt vào Vương Cung Thánh Đường, Jacob Francois, một Chủng sinh 25 tuổi tại Chủng viện Mundelein ở Illinois, phát biểu với NCR rằng thầy tin rằng Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI là “người kế vị hoàn hảo cho chức vụ Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II” và đã thực hiện đúng cam kết của mình để “trở thành một người thợ khiêm hạ trong vườn nho của Thiên Chúa”.

“Đức Bênêđictô XVI thực sự đã làm theo điều đó”, Chủng sinh Francois nói, đặc biệt trích dẫn sự thoái vị gây sốc của Đức Bênêđictô. “Đó là một bằng chứng đẹp đẽ cho toàn bộ Sứ vụ Phêrô mà ngài muốn có một sự rà soát đặc biệt, muốn nó được chăm chút cẩn thận”.

Thầy Francois cùng với hai Chủng sinh khác, những người cho biết rằng họ không chỉ có kế hoạch chào vĩnh biệt Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào thứ Hai, mà họ còn dự định tham dự tang lễ của ngài vào thứ Năm.

“Chúng tôi rất vui mừng được cầu nguyện tại ngôi mộ của một người mà chúng tôi tin là một vị thánh vĩ đại và có thể trở thành một Tiến sĩ Giáo hội”, Chủng sinh Francois nói.

Thi hài của Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI được chuyển đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào sáng sớm ngày 2 tháng 1 năm 2023 tại Vatican (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Thi hài của Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI được chuyển đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào sáng sớm ngày 2 tháng 1 năm 2023 tại Vatican (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Nữ tu Rose Pacatte thuộc Dòng Nữ Tử Thánh Phaolô chia sẻ rằng Sơ thấy toàn bộ kinh nghiệm bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI và chứng kiến những người khác làm như vậy là “điều vô cùng đặc biệt”.

Với tư cách là một Nữ tu người Mỹ (và cũng là một cộng tác viên của NCR, hiện đang sống ở Rôma), Nữ tu Pacatte nhắc lại rằng khi Đức Bênêđictô XVI lần đầu tiên được bầu làm Giáo hoàng, Sơ đã thất vọng trước sự lựa chọn của các Hồng y đối với nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican.

“Nhiều năm trôi qua, tôi nhìn Đức Bênêđictô XVI theo một khía cạnh khác”, Nữ tu Pacatte phát biểu với NCR, đặc biệt trích dẫn tầm ảnh hưởng của các tác phẩm và thông điệp của ngài đối với truyền thông.

“Tôi nhận thức được những sai lầm của Đức Bênêđictô XVI, cũng như cách tiếp cận của ngài đối với Giáo lý và đời sống Công giáo”, Nữ tu Pacatte lưu ý, “nhưng tôi vẫn được truyền cảm hứng và ấn tượng bởi sự can đảm của Đức Bênêđictô XVI khi từ chức vì ngài nhận thức rằng đã đến lúc một người khác có thể làm thay công việc mục vụ tốt hơn ngài. Ngài đã cho đi tất cả và đã đến lúc phải trao lại. Điều đó quả thực hết sức phi thường”.

Max Thompson, một du khách 22 tuổi đến từ Washington, D.C., cho biết anh không quá ngạc nhiên trước những nghi thức hết sức trọng thể, vì anh lớn lên ở thủ đô Hoa Kỳ và điều đó khiến anh nhớ đến thời điểm một Tổng thống qua đời, hoặc hơn thế nữa gần đây là cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II.

“Tôi không theo đạo”, anh Thompson nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng anh đã lên kế hoạch đến thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để chiêm ngưỡng nghệ thuật và kiến trúc. “Nhưng giờ đây tôi hiện diện ở đây để quan sát lịch sử”.

Minh Tuệ (theo NCR Online)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube