Các quan chức Giáo hội ở miền nam châu Phi chỉ trích lệnh cấm đi lại sau phát hiện omicron

1000-17a

Cha Russell Pollitt, giám đốc Học viện Dòng Tên ở Johannesburg, cho rằng các lệnh cấm du lịch ở miền nam châu Phi thật ra là dựa trên “sự phân biệt chủng tộc sâu sắc” và có tác động nghiêm trọng đến người nghèo trong khu vực, nơi nhiều sinh kế phụ thuộc vào ngành du lịch.

Một tu sĩ Dòng Tên người Phi khác làm việc với Vatican cũng bày tỏ sự tức giận rằng Nam Phi đang bị trừng phạt sau khi phát hiện một biến thể COVID-19 mới và cho cả thế giới biết.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã công bố những hạn chế đi lại mới vào cuối tháng 11, sau khi Nam Phi cho biết họ đang điều tra sự xuất hiện của một biến thể coronavirus được Tổ chức Y tế Thế giới gọi là omicron.

Trong khi omicron đã được phát hiện tại nhiều quốc gia ở những người chưa đến hoặc đi từ miền nam châu Phi, nhưng Vương quốc Anh “không đóng cửa biên giới với Bỉ và Canada cũng không đóng cửa với Hoa Kỳ,” Cha Pollitt nói. Các lệnh cấm du lịch có chọn lọc cho thấy “sự phân biệt chủng tộc sâu sắc tại Bắc bán cầu… với niềm tin rằng người châu Phi là những kẻ mang mầm bệnh”.

Việc đóng cửa các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào du lịch đang diễn ra khắp Nam Phi, “ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo”, Cha Pollitt nói với Catholic News Service hôm 8/12.

Một người phụ nữ cùng chồng “điều hành một công ty kinh doanh dịch vụ khách sạn cung cấp việc làm cho bảy hoặc tám người, nói với tôi rằng tất cả các khách đặt phòng từ tháng 12 đến tháng 3 (mùa hè ở Nam Phi) – đã hủy hẹn,” Cha Pollitt nói. Ngài cho biết, họ sẽ buộc phải ngưng công việc kinh doanh mà họ đã cố gắng duy trì hoạt động qua các giai đoạn giãn cách của Nam Phi vào năm 2020 và 2021 bằng cách rút bớt tiền tiết kiệm. Nhân viên của họ, những người đã được trả lương trong suốt đại dịch, sẽ mất việc làm, Cha Pollitt nói.

“Rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm đi lại,” vị linh mục nói, lưu ý rằng“ những người làm công việc dọn dẹp trong kỳ nghỉ lễ, giờ sẽ không còn thu nhập”.

Nam Phi, với dân số 59 triệu người, có tỷ lệ thất nghiệp là 24%.

Đồng tiền của Nam Phi mất giá so với đồng đô la khi biến thể omicron được công bố, dẫn đến chi phí vận chuyển và thực phẩm tăng cao.

Cha Pollitt nói rằng điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe, lưu ý rằng việc ăn ít hơn và rẻ hơn có nghĩa là mọi người “không có đủ thức ăn cần thiết cho hệ thống miễn dịch của họ để có thể chống lại sự nhiễm trùng.” Ngoài ra, với việc giá cước xe buýt nhỏ tăng cao, người dân sẽ ngày càng khó khăn hơn để đến các trạm y tế khám chữa bệnh và mua thuốc, ngài nói.

Linh mục Charles Chilufya SJ là giám đốc Văn phòng Công lý và Sinh thái cho Hội nghị Dòng Tên về Châu Phi và Madagascar, điều phối Lực lượng Đặc nhiệm Châu Phi của Ủy ban COVID-19 của Vatican. Điều khiến ngài tức giận, sau 5,26 triệu ca tử vong trong 23 tháng vì COVID-19, là các quốc gia giàu có đã vui vẻ tiêm chủng cho dân số của họ và để cho châu Phi sống mòn trong sa mạc vắc xin.

“Sau rất nhiều cảnh báo rằng nếu chúng ta không tiêm phòng cho toàn thế giới, chúng ta sẽ phải đối diện với các biến thể mới mà chúng ta có thể không xử lý được, một loại như vậy (omicron) đã được phát hiện,” Cha Chilufya cho biết trong một email cho The Catholic Register, có trụ sở tại Toronto.

“Và phản ứng của các quốc gia là cô lập Nam Phi, nơi đã làm tốt việc phát hiện ra biến thể và đã làm tốt khi cho thế giới biết. … Chúng tôi rất tức giận,” ngài nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ có 102 triệu người ở các nước châu Phi, tương đương 7,5% dân số châu lục này, được tiêm chủng đầy đủ.

Là một nhà kinh tế học, Cha Chilufya nhận thức sâu sắc về việc COVID-19 không được kiểm soát đang tàn phá cuộc sống và sinh kế trên khắp thế giới như thế nào.

Ngài nói: “Nếu chúng ta không đạt được tỷ lệ tiêm chủng 70% trên toàn cầu vào giữa năm 2022, chúng ta sẽ mất hơn 5 nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới”.

Cha Chilufya đã hợp tác với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhà hoạt động trên toàn cầu kêu gọi đình chỉ một số biện pháp bảo hộ bằng sáng chế để vắc xin có thể được sản xuất ở hoặc gần các quốc gia cần chúng.

Ngài nói: “Chúng tôi cần nhiều hơn những phản ứng ngắn hạn của việc hiến tặng vắc xin, đồng thời lưu ý rằng việc từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vắc xin “sẽ tránh được những thiệt hại không đáng có về nhân mạng, ngăn chặn tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng và tình trạng thiếu lương thực”.

“Cô lập các quốc gia như Nam Phi và những quốc gia khác trong khu vực không phải là giải pháp,” Cha Chilufya nói. “Biến thể mới đã lan rộng trên toàn cầu và khẳng định những gì chúng tôi đã từng nói trước đây – không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn, tức là tất cả mọi người đều phải được tiêm chủng.”

Bên cạnh lệnh cấm đi lại của các nước phát triển, vắc xin đã công bố những hạn chế mới của riêng mình, bao gồm thời hạn cách ly 10 ngày đối với những người nhập cảnh vào nước này. Nhưng những hạn chế này phần lớn bị bỏ qua, Yvonne Fildah Takawira-Matwaya, người đứng đầu Ủy ban công lý và hòa bình của các Giám mục Zimbabwe cho biết.

Hầu hết người dân ở vắc xin, có dân số 16 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp là 90%, sống bằng 1 đô la mỗi ngày. Họ kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, chủ yếu bán hàng hóa mua ở nước láng giềng Nam Phi.

“Mọi người đang lo lắng về cách họ sẽ tồn tại. Không ai sẵn sàng ở yên trong nhà; họ không đủ khả năng,” Takawira-Matwaya nói với CNS ngày 10 tháng 12. Bà nói: Mọi người tìm mọi cách để ra vào Zimbabwe, bất kể những hạn chế nào.

Đại diện của 174 quốc gia thành viên của Tổ chức Di cư Quốc tế đã gặp nhau tại Geneva vào đầu tháng 12, để xem xét cách tạo ra các phương án di chuyển xuyên biên giới có thể sử dụng được, khi đối mặt với hơn 111.000 biện pháp liên quan đến du lịch được thực hiện để ngăn chặn COVID-19.

António Vitorino, tổng giám đốc của IOM, cho biết đại dịch “dường như đã thúc đẩy các luận điệu thù địch đối với người di cư vốn đã gia tăng trong thập kỷ qua.”

Hoàng Tiến (theo CRUX)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube