Ủy ban Đối thoại và Đại kết đã tổ chức một buổi hội thảo, với sự tham dự của các tín hữu Công giáo, Ấn giáo và Hồi giáo. “Các chính trị gia thường chỉ hoạt động vì lợi ích riêng của họ. Các Kitô hữu phải tổ chức thêm nhiều buổi hội thảo liên tôn hơn nữa để có thể giảm bớt sự cuồng tín tôn giáo tại Bangladesh”.
“Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy cứ đến gặp tôi bất cứ lúc nào nếu như quý vị biết được những tin tức về các cuộc bách hại chống lại các tín hữu Kitô giáo và Ấn giáo. Tôi hứa sẽ tới ngay hiện trường và sẽ ngăn chặn vấn đề này”: Đây là lời hứa hẹn được thốt ra bởi ông Alhaj Nazrul Islam Molla, Chủ tịch thị trấn dell’Ulama League Dakop, huyện Khulna (phía tây nam Bangladesh).
Nhà lãnh đạo người Hồi giáo đã phát biểu tại một cuộc hội thảo về Đối thoại Liên tôn được tổ chức tại Thánh đường kính Thánh Micae, Giáo xứ Chalna. Sự kiện đã quy tụ 65 đại diện đến từ các tôn giáo: Công giáo, Ấn giáo và Hồi giáo – những người đã cam kết tham gia vào việc tạo ra một xã hội hòa bình và hòa hợp.
Hội thảo được tổ chức bởi Ủy ban Giáo phận Khulna về Đối thoại và Đại kết. Khai mạc hội nghị, Đức Cha James Romen Boiragi đã giải thích lý do đối với những sáng kiến như vậy.
“Chúng tôi muốn thúc đẩy sự hiểu biết giữa các thành viên thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau – Đức Cha Boiragi nói – tất cả chúng ta cần phải hiểu nhau cách sâu sắc”. Lý do là bởi vì – Đức Cha Boiragi nhấn mạnh – “việc thiếu hiểu biết lẫn nhau mang lại những hiểu lầm và xung đột giữa những tín điều khác nhau”.
Theo Đức Cha Boiragi, thường thì “các chính trị gia chỉ hoạt động vì lợi ích riêng của họ, chứ không lo xây dựng hòa bình. Nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo biết cùng cộng tác với nhau, họ có thể có được hòa bình bằng những cách thế đơn giản nhất thông qua các cuộc thảo luận cũng như các kiến nghị”.
Về phần mình, ông Alhaj Molla Nazrul Islam cho biết “Hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình. Tiên tri Muhammad của chúng tôi đã phải chịu nhiều đau khổ thuở sinh thời của mình để có thể thiết lập hòa bình. Chúng ta cũng phải làm như vậy”. Kế đến, các nhà lãnh đạo Hồi giáo, là những người rất có ảnh hưởng nơi cộng đồng của mình, đã mời gọi tất cả mọi người hãy trình báo tất cả những vụ vi phạm bạo lực hoặc phân biệt đối xử chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số. “Nếu quý vị thấy ai đó – ông đề nghị – đang cố gắng gây hấn nơi cộng đồng của quý vị nhân danh đạo Hồi, hãy thông báo cho tôi. Tôi sẽ giải quyết triệt để vấn đề và giúp quý xử lý”.
Một nhà lãnh đạo Hindu – ông Madon Mohon Roy – cho biết truyền thống Hindu luôn chủ trương cổ võ hòa bình: “Thần Krishna đã đến thế gian để thiết lập hòa bình. Việc tôn trọng các tôn giáo khác là cách duy nhất để có thể kiến tạo một thế giới hòa bình”.
Linh mục Pietanza Dominico Mimmo – Giám đốc Trung tâm Đối thoại Liên tôn Khulna và cũng là một trong những thành viên thuộc ban tổ chức, tin rằng “Các cuộc hội thảo như thế này sẽ mang lại những kết quả hết sức tích cực, với những mối quan hệ thân thiện giữa các thành viên thuộc nhiều niềm tin tôn giáo khác nhau”.
“Cho rằng các Kitô hữu chúng ta là một nhóm tôn giáo thiểu số – Linh mục Mimmo nói – chúng ta nên tổ chức các cuộc hội thảo tương tự nhiều hơn để có thể giảm sự cuồng tín tôn giáo tại Bangladesh”.
Tại Bangladesh, các Kitô hữu chiếm khoảng 0,6% trong tổng số hơn 160 triệu dân. Trong số các Kitô hữu, cộng đồng lớn nhất là Công giáo La Mã, với gần 600.000 tín hữu.
Minh Tuệ chuyển ngữ