Các nhà lãnh đạo Giáo hội thúc đẩy việc mở rộng vai trò gìn giữ hòa bình của mình tại Châu Phi

Một đoàn xe gồm các binh sĩ Nigeria tuần tra bên ngoài thị trấn Ouallam ngày 6 tháng 7 năm 2021. Các nhà lãnh đạo Giáo hội đang thúc đẩy việc mở rộng vai trò gìn giữ hòa bình của họ ở châu Phi (Ảnh: CNS / Reuters / Media Coulibaly)

Một đoàn xe gồm các binh sĩ Nigeria tuần tra bên ngoài thị trấn Ouallam ngày 6 tháng 7 năm 2021. Các nhà lãnh đạo Giáo hội đang thúc đẩy việc mở rộng vai trò gìn giữ hòa bình của họ ở châu Phi (Ảnh: CNS / Reuters / Media Coulibaly)

Các vị đại diện của Giáo hội từ châu Phi nói tiếng Pháp đã kêu gọi sự hợp tác khu vực chặt chẽ hơn trong việc xây dựng hòa bình của Giáo hội Công giáo để bù đắp những thách thức về kinh tế và an ninh đang gia tăng trên khắp lục địa.

“Giáo hội thường xuyên lên tiếng chống lại hành vi tham nhũng của chính phủ và sự thất bại trong việc giải quyết xung đột – nhưng Giáo hội chỉ đơn giản là bị phớt lờ”, Stephen Hilbert, Cố vấn về châu Phi và sự phát triển toàn cầu của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, giải thích.

“Trong khi đó, Giáo hội thường thậm chí không được mời tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Bởi vì đó là thực thể đầy sức sống, đáng tin cậy, cân bằng và phi đảng phái nhất ở châu Phi, điều này rất khó chịu”, ông Hilbert cho biết hôm 27 tháng 6, sau khi chủ trì một hội đồng bao gồm các chuyên gia về xây dựng hòa bình đến từ Burundi, Niger và Congo trong một hội nghị trực tuyến kéo dài bốn ngày.

Ông cho biết Giáo hội Công giáo ở phần lớn châu Phi được giao cho nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng hòa bình, nhưng cũng nhận thấy các đề xuất của họ thường xuyên bị các tổ chức quốc tế và chính phủ phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ phớt lờ.

“Nhiều tổ chức phi chính phủ có thể đạt được những điều tuyệt vời với sự hỗ trợ của Giáo hội, nhưng với quan điểm thế tục của họ, họ thường không nhìn thấy điều này”, ông Hilbert, người đã dành suốt 22 năm ở Châu Phi cộng tác với tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, cho biết.

Ông Hilbert phát biểu với CNS rằng nhiều sáng kiến xây dựng hòa bình Công giáo và liên tôn có xu hướng trở nên “có quy mô nhỏ và giới hạn về mặt địa lý”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng các chính phủ ở Nigeria và các nơi khác đã phải đối mặt với cáo buộc “thiếu thiện ý và không hành động” khi tham gia cùng với Giáo hội.

“Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ rất nhiều cho Giáo hội, nhưng thường là cho các dự án cụ thể trong các lĩnh vực như y tế, nước và vệ sinh. Khi nói đến bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề chính trị, cần tránh những lời buộc tội phiến diện”, ông Hilbert cho biết thêm.

Hội nghị từ ngày 20-24 tháng 6 với đề tài “Xây dựng Hòa bình Công giáo trong Thời đại Khủng hoảng”, có sự tham dự trực tuyến của khoảng 1.000 người và các bài phát biểu của 75 chuyên gia đến từ 30 quốc gia, bao gồm Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc; Đức Tổng Giám mục Luis José Rueda Aparicio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Colombia; và Đức Hồng y Charles Bo Địa phận Yangon, Myanmar, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu.

Hội nghị được đăng cai tổ chức bởi Mạng lưới Xây dựng Hòa bình Công giáo, đặt tại Đại học Notre Dame, phối hợp với Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, Caritas Quốc tế và 24 trường đại học và tổ chức Công giáo. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các vấn đề về biến đổi khí hậu, trật tự kinh tế và cuộc nổi dậy vũ trang có vẻ đang trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu lương thực tê liệt vì cuộc chiến ở Ukraine.

Linh mục Dòng Tên Rigobert Minani, Điều phối viên khu vực của Mạng lưới Giáo hội về Rừng lưu vực Congo, phát biểu với hội nghị rằng sự vắng mặt thường xuyên của Giáo hội trong các hội nghị hòa bình khu vực ở Trung Phi và khu vực Sahel đã ngăn cản việc nêu ra các vấn đề quan trọng như vi phạm nhân quyền, bảo vệ nạn nhân, công lý và việc bồi thường chiến tranh.

 “Trong hầu hết các cuộc xung đột, các tác nhân không chỉ là các nhóm vũ trang, mà là chính các chính phủ”, Cha Minani, người đứng đầu hoạt động tông đồ xã hội của Tỉnh Dòng Trung Phi thuộc Dòng Tên, cho biết.

“Khó khăn nảy sinh khi các Hội đồng Giám mục không có đủ năng lực để tác động đến các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội, do đó tạo ra sự mất cân bằng trong sự tham gia của Giáo hội trong khu vực và quốc gia”, Cha Minani nói.  Vị Linh mục Dòng Tên cho biết ở Congo, Burundi và Rwanda, Giáo hội đã hoạt động rất tích cực ở cấp cơ sở, nhưng có rất ít tác động đến các chủ thể nhà nước chính ở cấp khu vực.

Đức Tổng Giám mục Djalwana Laurent Lompo Địa phận Niamey, Niger, được bổ nhiệm vào tháng 6 năm 2015, sáu tháng sau khi hầu hết các nhà thờ bị phá hủy trong các cuộc bạo động chống Công giáo. Vị Giám chức cho biết nhà thờ của ngài đang làm việc thông qua cơ quan từ thiện Công giáo Caritas “để biến mọi người trở thành những tác nhân vì hòa bình ở mọi cấp độ”.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Lompo cũng cho biết thêm rằng hoạt động kinh tế và xã hội vẫn không thể thực hiện được ở các khu vực giáp ranh với Mali và Burkina Faso, nơi các vụ tấn công của lực lượng Hồi giáo đã khiến 1,5 triệu người phải di tản mà không có nhiều khả năng tiếp cận viện trợ.

“Bạo lực ở đây có cuộc đối thoại liên tôn phức tạp, nhưng cũng thúc giục chúng ta trở thành những tác nhân vì hòa bình, những nỗ lực hòa hợp và trang bị cho mọi người tránh xung đột trong tương lai”, Đức Tổng Giám mục Lompo mục nói.

“Tất cả chúng ta hiện đang bị tấn công bởi cùng một lực lượng, sử dụng cùng một chiến lược và các nhà chức trách chính trị của chúng ta đã nhận thấy tầm quan trọng của đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo trong việc đấu tranh chống lại tai họa này, đặc biệt là khi sự thiếu hiểu biết về đức tin và thực hành tôn giáo của chính chúng ta đã dẫn đến tình trạng bạo lực như vậy trong quá khứ. Nhưng chúng ta vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, chuyển từ lời nói sang hành động để tìm kiếm hòa bình”.

Các tổ chức Giáo hội đã nhiều lần yêu cầu xã hội dân sự tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề như nghèo đói và bất bình đẳng, khai thác tài nguyên, di cư, nợ nần và mất đa dạng sinh học.

Cha Emmanuel Ntakarutimana, Linh mục Dòng Đaminh, người chỉ đạo Diễn đàn Các Mạng lưới xã hội dân sự có trụ sở tại Burundi, cho biết Hội đồng Giám mục Congo đã nỗ lực làm việc để trao đổi kinh nghiệm về vấn đề nhân quyền, các hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các sắc tộc với các đối tác ở các nước châu Phi khác, đồng thời thúc đẩy các nền tảng xây dựng hòa bình chung.

Tuy nhiên, Cha Ntakarutimana cho biết thêm rằng mỗi quốc gia “hiểu tình hình nội bộ của mình một cách khác nhau”, và ngài cho biết các dự án chung thường kết thúc khi các điều kiện được cải thiện bên ngoài, khiến các vấn đề sâu sắc hơn chưa được giải quyết.

“Một số quốc gia đã trải qua những sự kiện khủng khiếp trong nhiều thập kỷ nhưng không có bất kỳ năng lực nào để chịu trách nhiệm và đưa ra các giải pháp”, vị Linh mục Dòng Đaminh chia sẻ tại hội nghị.

“Trong sứ mạng đồng hành tâm linh và đồng hành với con người, các Giáo hội và các giáo phái tôn giáo, ngay cả khi thiếu phương tiện kỹ thuật, đã phải nỗ lực làm việc để chữa lành những ký ức, đồng thời làm trung gian chống lại sự thao túng chính trị và bồi dưỡng giáo dục công dân thông qua việc vận động và hành động chung”.

Minh Tuệ (theo NCR Online)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube