Các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Vatican và Ukraine suy ngẫm về hai năm chiến tranh

Đức Hồng Y Konrad Krajewski cầu nguyện tại một ngôi mộ tập thể ở Izyum, Ukraine, vào ngày 19 tháng 9 năm 2022. (Ảnh: Vatican Media.)

Đức Hồng Y Konrad Krajewski cầu nguyện tại một ngôi mộ tập thể ở Izyum, Ukraine, vào ngày 19 tháng 9 năm 2022. (Ảnh: Vatican Media.)

Nhân kỷ niệm hai năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine và cuộc chiến mà nó gây ra, các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Ukraine và tại Vatican đã than thở về những thiệt hại về con người và xã hội đang diễn ra, đồng thời kêu gọi hòa bình và chấm dứt buôn bán vũ khí toàn cầu.

Tổng cộng, khoảng sáu triệu người đã trốn khỏi Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong khi nam giới ở lại chiến đấu ở tiền tuyến. Trong khi một số gia đình đã trở về, hầu hết đều sống ở nước ngoài với tư cách là người tị nạn, được các gia đình tư nhân hoặc các tổ chức từ thiện khác nhau tiếp đón.

Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski đã viết một bài suy tư về cuộc chiến ở Ukraine cho Vatican News, nhân kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm lược, nói rằng ngài đeo một chiếc ghim có hình lá cờ Ukraine mỗi ngày và suốt hai năm qua “Tôi mang cảm nhận Ukraine và tôi đau khổ cùng họ.”

Đức Hồng Y Krajewski, vị phụ trách phát chẩn của Đức Thánh Cha, đã dẫn đầu một số sứ mệnh từ thiện đến Ukraine, thực hiện bảy chuyến đi để vận chuyển 240 xe tải viện trợ trong hai năm qua.

Đức Hồng Y cho biết ngài cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine mỗi ngày trong Thánh lễ, và trong hai năm qua, ngài đã cầu nguyện đặc biệt cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như các bộ trưởng hàng đầu “ngồi quanh bàn” của họ,.

“Phải giúp cứu sống mạng người. Cho đến khi họ làm như vậy, dấu vết của những cái chết sẽ tiếp tục”, ngài nói.

Trong bảy chuyến đi tới Ukraine, ĐHY Krajewski nói rằng ngài đã thấy “những gì không bao giờ nên xảy ra: một người đàn ông giết một người đàn ông khác và một người anh em giết anh em mình”.

“Chiến tranh dường như được kích hoạt bởi sự hận thù chống lại một dân tộc có quyền sống trong hòa bình”, ngài nói, đồng thời cho biết ngài đã chứng kiến thảm kịch lớn lao, nhưng cũng là tình đoàn kết lớn lao, khi mọi người dành thời gian và vô số nguồn lực để giúp đỡ hàng triệu người phải trốn chạy hoặc thiếu thốn.

ĐHY lặp lại lời lên án của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu, khi nói rằng “tất cả các quốc gia đều sản xuất vũ khí, bán chúng và kiếm được rất nhiều tiền. Và cũng đúng không kém là hầu như không ai nói về hòa bình, ngoại trừ Đức Thánh Cha. Họ chỉ lặp lại câu: ‘ai muốn hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh.’”

ĐHY Krajewski nói, hòa bình bắt đầu bằng lòng thương xót, khi một người cảm nghiệm được sự tha thứ và sau đó có thể tha thứ cho người khác.

“Lòng thương xót là danh xưng thứ hai của Thiên Chúa, danh xưng thứ nhất là tình yêu,” ngài nói, đồng thời nói rằng hòa bình không chỉ là một lệnh ngừng bắn hay đình chiến, mà còn hàm ý “bao phủ bản thân bằng lòng thương xót, nghĩa là tha thứ và cầu xin sự tha thứ”.

ĐHY Krajewski cho biết Vương cung thánh đường Thánh Sophia của Công giáo Hy Lạp Ukraina ở Roma sẽ gửi một chiếc xe tải khác chở đầy hàng viện trợ nhân đạo vào ngày 24 tháng 2, để đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm lược, nhằm “giúp đỡ những người kiệt sức vì chiến tranh, nhưng không nản lòng và tin chắc rằng hòa bình vẫn có thể xảy ra.”

Tương tự như vậy, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, đã có một cuộc phỏng vấn dài với Vatican News nhân kỷ niệm hai năm chiến tranh, nói về chi phí nhân mạng và sự cần thiết phải giữ vững niềm hy vọng trong khi cầu nguyện cho hòa bình.

“Lời cầu nguyện đầu tiên của tôi vào buổi sáng khi tôi thức dậy là một lời cầu nguyện tạ ơn, bởi vì khi bạn thức dậy còn sống, bạn đã có lý do chính đáng để tạ ơn Chúa”, ngài nói.

Đức TGM Shevchuk cho biết cuộc chiến đã không bắt đầu cách đây 2 năm, mà đã hoành hành trong 10 năm, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xâm chiếm các thành phố Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine vào năm 2014.

Tuy nhiên, với tình hình chiến tranh đang hoành hành khắp đất nước sau cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022 của Nga, ngài nói, Giáo Hội đã ở tuyến đầu trong việc điều hướng hậu quả về mặt con người và xã hội của chiến tranh, phát triển một “loại hình chăm sóc mục vụ đặc biệt mà tôi gọi là ‘chăm sóc mục vụ tang tóc.’”

“Chúng tôi phải đồng hành với những người đang khóc, những người đau khổ, những người đau buồn vì mất đi người thân, nhà cửa, thế giới của họ. Đó là một thách thức vì làm mục tử của những người hạnh phúc thì rất dễ dàng”, ngài nói.

Trong thời kỳ bình thường, văn hóa phương Tây ngày nay cần một “sự chăm sóc mục vụ cho niềm vui” hay “sự thoải mái”, ngài nói, đồng thời nói rằng đây là một sự chăm sóc mục vụ được thiết kế riêng cho thế giới tiêu thụ, vốn cảnh báo mọi người chống lại “nền văn hóa lãng phí chỉ tìm kiếm niềm vui mãnh liệt hơn với ít trách nhiệm hơn”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh, thách thức lại khác, ngài nói, “chúng tôi đang sống trong thảm kịch của sự tàn phá đất nước chúng tôi, của các thành phố của chúng tôi mỗi ngày, mỗi ngày chúng tôi phải đối mặt với cái chết, và thật không may, chúng tôi vẫn không biết khi nào tất cả những điều này sẽ kết thúc”.

Sự không chắc chắn này gây ra đau khổ và làm cho nhiều người cảm thấy bất lực, Đức TGM Shevchuk nói, đồng thời nói rằng “Việc chăm sóc mục vụ tang tóc này là một thách thức, nhưng nó cũng là một sự chăm sóc mục vụ cho niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi nhận ra rằng đức tin Kitô giáo mời gọi chúng tôi mang lại niềm hy vọng Phục sinh giữa những người đau buồn trước những mất mát của họ”.

Đức TGM Shevchuk nhấn mạnh tầm quan trọng của các bí tích trong việc tìm kiếm sức mạnh và khả năng tiến bước, ngài nói rằng Thánh lễ và Bí tích Giải tội đặc biệt quan trọng.

“Chúng tôi sống trong nguy cơ tử vong liên tục bất cứ lúc nào. Ví dụ, tôi không biết liệu tôi có còn sống trong một giờ nữa hay không: đây là thực tế của chúng tôi. Do đó, chúng tôi phải luôn sẵn sàng chết và trình diện trước mặt Chúa”, ngài nói.

Bất chấp những đau khổ to lớn mà mọi người đang sống, Đức TGM Shevchuk nói rằng họ vẫn còn hy vọng, đó “không phải là một cảm giác trống rỗng, tin tưởng một cách mù quáng vào những gì bạn không biết”, nhưng đúng hơn là “sự sống của Đấng Phục sinh: chúng ta chắc chắn sẽ sống lại”.

“Niềm hy vọng Kitô giáo là một nhân đức liên quan đến ý chí, cách suy nghĩ, lý trí và cảm xúc của bạn… chúng ta có một niềm hy vọng Kitô giáo chống lại sự tuyệt vọng của con người. Do đó, con mắt Kitô giáo có thể nhìn thấy trong những điều kiện này một ánh sáng đức tin mà có lẽ những người không tin không thể cảm nhận được”, ngài nói.

Lưu ý rằng vào tháng Hai, Thượng Hội đồng Giám mục Công giáo Hy Lạp tại Ukraine được triệu tập, nhấn mạnh việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình là một ưu tiên cấp bách.

Đức TGM Shevchuk lưu ý rằng nhiều gia đình đã mất người thân, trong khi những gia đình khác bị chia ly, và vẫn còn những gia đình khác đang đối phó với việc chăm sóc người thân bị thương hoặc bị tàn phế.

“Làm thế nào bạn có thể cung cấp sự đồng hành thiêng liêng cho một phụ nữ 23 tuổi bị mất cánh tay? Đó thực sự là một thách thức lớn”, ngài nói, lưu ý rằng nhiều thân nhân của những người bị thương cần được chăm sóc đặc biệt đã không còn đủ khả năng chi trả các nhu yếu phẩm cơ bản.

Gần 200.000 người ở mọi lứa tuổi đã bị thương, trong đó có khoảng 50.000 người bị mất chân hoặc tay, ngài nói rằng việc chữa lành thể xác là một thách thức, nhưng họ cũng cần được chữa lành tâm lý và đồng hành tâm linh đặc biệt.

Ngài nói, các gia đình khác sống trong lo lắng cho những người thân yêu là tù nhân hoặc mất tích, đồng thời cho biết các ước tính chính thức cho biết số người mất tích là 35.000 người, khiến các gia đình rơi vào tình trạng lấp lửng, “trở thành cực hình”, trong khi những gia đình khác đấu tranh để biết khi nào những người thân đang bị cầm tù sẽ được thả ra.

Đức TGM Shevchuk nói rằng mỗi giáo xứ ngài đến thăm đều tặng ngài “danh sách vô tận” những người là tù nhân chiến tranh, và ngài “không ngừng” thu thập những danh sách này và gửi chúng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì Vatican luôn hỗ trợ đàm phán trao đổi tù nhân, và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha vì “cam kết của ngài đối với việc thả tù nhân chiến tranh”.

Tác động của chiến tranh đối với trẻ em cũng là một mối quan tâm lớn, ngài nói rằng gần 600 trẻ em đã thiệt mạng trong chiến tranh và khoảng 1.224 trẻ em bị thương ở các mức độ khác nhau, trong khi hàng ngàn trẻ em khác, chủ yếu từ các thành phố bị chiếm đóng, đã bị đem sang Nga.

Các quan chức Ukraine đã xác định được 20.000 trẻ em bị đem sang Nga, trong khi Nga tuyên bố con số này là gần 700.000, Đức TGM Shevchuk nói, lưu ý rằng tính đến ngày 24/1, chỉ có 388 trẻ em được trả lại, và gọi tình hình là “thảm họa nhân đạo”.

“Chúng ta phải lên tiếng cho những đứa trẻ không có tiếng nói này, giúp các bậc cha mẹ tìm thấy con cái của họ, và cũng đồng hành với họ”, ngài nói, và cảm ơn những con người khác nhau, bao gồm Đức Hồng y Matteo Zuppi Địa phận Bologna, đặc phái viên hòa bình cá nhân của Đức Thánh Cha tại Ukraine, vì những nỗ lực của họ trong việc tạo điều kiện cho trẻ em Ukraine trở về.

Đức TGM Shevchuk cho biết những đứa trẻ này cần được chăm sóc đặc biệt, “bởi vì khi còn nhỏ, chúng đã phải trải qua sự tàn ác không thể tưởng tượng được của con người và một số trong số chúng đã bị lạm dụng tình dục. Đây là tiếng kêu đau đớn của Ukraine mà cả thế giới phải nhận thức và lắng nghe.”

Khi được hỏi ngài muốn gửi thông điệp gì đến người Công giáo trên khắp thế giới, Đức TGM Shevchuk nói rằng mọi thứ phải được thực hiện “để kiềm chế kẻ xâm lược”, và yêu cầu những người ở châu Âu và hơn thế nữa “hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là một ‘cuộc chiến Ukraine’… đó là một thực tế đang xâm chiếm thế giới, giống như một ngọn núi lửa phun trào trên lãnh thổ Ukraine, nhưng khói và dung nham của nó mở rộng ra ngoài “.

“Cuộc chiến này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ những người lính ở tiền tuyến và gia đình họ”, ngài nói, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết và xin thế giới đừng quên Ukraine.

“Nếu chúng tôi bị lãng quên và bị bỏ rơi, trận động đất mà chúng tôi đang trải qua ở Ukraine ngày nay sẽ làm rung chuyển toàn thế giới. Đừng quên Ukraine; đừng bỏ rơi chúng tôi trong tang tóc và đau đớn của chúng tôi”, ngài nói.

Theo CRUX

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết