Các nhà lãnh đạo đức tin Vương quốc Anh kêu gọi hành động chống lại vấn đề biến đổi khí hậu trước thềm COP26

Ngọn lửa bùng lên một cây Sequoia khổng lồ ở bang California của Hoa Kỳ (AFP)

Ngọn lửa bùng lên trên một thân cây Sequoia khổng lồ ở bang California của Hoa Kỳ (Ảnh: AFP)

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Scotland và Vương quốc Anh đang kêu gọi các chính phủ thực hiện hành động chống lại vấn đề biến đổi khí hậu tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) sắp tới ở Glasgow.

Trong Tuần lễ khí hậu ‘Climate Fringe Week’, một sự kiện trực tuyến diễn ra ở Scotland từ ngày 18 đến ngày 26 tháng 9 trước thềm hội nghị COP26, hơn 50 nhà lãnh đạo đức tin đã ký một tuyên bố chung kêu gọi những người cầm quyền tiến hành Thỏa thuận Paris.

Thỏa thuận được thông qua tại COP21 năm 2015 bởi 196 bên tham dự, cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Hành động khẩn cấp là hết sức cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa của vấn đề biến đổi khí hậu

Nhắc nhở các chính phủ về các cam kết của họ và Điều 17 của Tuyên bố chung về Đạo đức sinh học và Nhân quyền để bảo vệ môi trường, sinh quyển và đa dạng sinh học, được ký năm 2005, “Tuyên bố đa đức tin Glasgow” kêu gọi họ thực hiện “hành động khẩn cấp cần thiết nhằm ngăn chặn sự mất mát, thiệt hại và tình trạng di cư cưỡng bức bị đe dọa bởi vấn đề biến đổi khí hậu”.

Các bên ký kết chỉ ra rằng “gánh nặng của sự mất mát và thiệt hại đổ dồn nhiều nhất lên những người sống trong cảnh nghèo đói, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

Nỗ lực làm việc để tạo ra một tầm nhìn tích cực cho năm 2050

Do đó, họ kêu gọi các chính phủ “cùng cộng tác với nhau và với những người khác để tạo ra một tầm nhìn tích cực cho năm 2050”.

“Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, các nhà lãnh đạo tôn giáo nói, “không chỉ là cơ hội để ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, mà còn: nhằm có được bầu không khí và nguồn nước trong sạch hơn; giảm lãng phí thực phẩm; đảm bảo sự chia sẻ công bằng các nguồn tài nguyên của trái đất; và bảo vệ môi trường sống mà chúng ta chia sẻ cùng với tất cả sự sống khác mà chúng ta cũng phụ thuộc vào sức khỏe của chúng”.

Cam kết ủng hộ công lý

Về phần mình, các nhà lãnh đạo đức tin ở Vương quốc Anh nhắc lại cam kết của họ để ứng phó với thách thức này bằng cách suy tư sâu sắc trong lời cầu nguyện “nhằm phân biệt cách chăm sóc trái đất và chăm sóc lẫn nhau”.

Các nhà lãnh đạo đức tin cho biết rằng sự quan tâm chăm sóc này bao gồm việc tạo ra “sự thay đổi mang tính chuyển đổi” trong cuộc sống của chính họ và trong cuộc sống của cộng đồng của họ, trở nên “những người ủng hộ công lý”, và đồng thời kêu gọi những người thực thi quyền lực và có tầm ảnh hưởng “thực hiện chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và công bằng ưu tiên và cam kết thực hiện các mục tiêu dựa trên khoa học phù hợp với một tương lai lành mạnh, có khả năng phục hồi và không phát thải”.

Cung cấp hy vọng cho tương lai

“Vượt qua những khác biệt về học thuyết và chính trị, chúng tôi biết rằng chúng ta cần phải thay đổi cách thức của mình để đảm bảo chất lượng cuộc sống mà tất cả mọi người đều có thể chia sẻ, và chúng ta cần mang lại hy vọng cho tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi, ở mọi nơi, bao gồm cả các thế hệ tương lai”, các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết thêm, đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết của những người nắm quyền để “hiểu được vai trò quan trọng mà họ phải thực hiện tại hội nghị COP26 tại Glasgow”.

“Năng lượng tập thể và những lời cầu nguyện của chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng với những người nỗ lực làm việc vì một kết quả thành công”, Tuyên bố kết luận.

Những người ký Tuyên bố Glasgow bao gồm Đức Giám mục Brian McGee, Chủ tịch Ủy ban Đối thoại liên tôn giáo của các Giám mục Công giáo Scotland, Đức và Giám mục John Arnold, lãnh đạo Ủy ban về Môi trường trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales (CBCEW).

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube