Chuyến hành trình kéo dài hai tuần lễ của Đức Giáo hoàng Phanxicô qua Châu Á và Châu Đại Dương đã cho ngài cơ hội để nhấn mạnh một số chủ đề đặc trưng trong triều đại Giáo hoàng của mình, nhưng khi nói đến sự bận tâm của ngài trong việc chống lại vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng đã háo hức tận dụng chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng để đưa ra lời kêu gọi rõ ràng của riêng họ về hành động toàn cầu quyết liệt hơn.
“Trọng kính Đức Thánh Cha, biến đổi khí hậu là một thực tế”, là những lời đầy cảm xúc của Toàn quyền Papua New Guinea, Bob Dadae, khi Đức Giáo hoàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ và xã hội dân sự vào ngày 7 tháng 9 khi ngài đến quốc gia Nam Thái Bình Dương này.
“Mực nước biển dâng cao đang ảnh hưởng đến sinh kế của người dân chúng tôi ở các đảo xa xôi của Papua New Guinea và trên khắp Thái Bình Dương”, Toàn quyền Bob Dadae tiếp tục. “Chúng tôi đánh giá cao công việc của các nhà truyền giáo Công giáo và những người thuộc các đức tin Kitô giáo khác, những người vẫn tiếp tục phục vụ những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu”.
Toàn quyền Bob Dadae có lý do chính đáng để lo ngại: Đất nước này đang có nguy cơ cực kỳ cao xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và được coi là một trong 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do vấn đề biến đổi khí hậu, với tình trạng lở đất và lũ lụt đe dọa đến tính mạng của hàng nghìn người mỗi năm.
Với gần 75% dân số đất nước sống trong cảnh nghèo đói, Toàn quyền Bob Dadae đã không ngần ngại tận dụng chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng – trước sự chứng kiến của giới truyền thông thế giới tháp tùng ngài – để làm nổi bật sự giao thoa giữa những đau khổ chính của đất nước.
“Kinh nghiệm trên khắp Thái Bình Dương là các đảo đang bị nhấn chìm, người dân bị ảnh hưởng và phải di tản, trong khi thế giới vẫn tiếp tục chỉ nói suông”, vị Toàn quyền Lutheran than phiền với Đức Giáo hoàng. Ông kêu gọi Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục sử dụng tiếng nói của mình để “ủng hộ hành động toàn cầu và vận động về biến đổi khí hậu”.
“Chúng tôi muốn thế giới biết rằng không còn thời gian để thảo luận nữa”, ông nói. “Điều thế giới cần là cam kết hành động”.
Bản thân Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự vào năm ngoái trong Laudate Deum, Tông Huấn “về cuộc khủng hoảng khí hậu”, ngài viết rằng “phản ứng của chúng ta cho đến nay vẫn chưa thỏa đáng” trong việc giảm lượng khí thải nhà kính gây hiệu ứng nhà kính ở quy mô và tốc độ tương xứng với những gì các nhà khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của vấn đề biến đổi khí hậu.
Một tuần sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ nhà lãnh đạo Papua New Guinea, tại một địa điểm hoàn toàn khác, một cảnh tượng tương tự đã diễn ra.
Lần này, Đức Giáo hoàng đã ngồi cùng với ông Tharman Shanmugaratnam, Tổng thống Singapore, quốc gia giàu có nhất châu Á.
“Chúng ta đang chứng kiến vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, khiến thế giới trở nên kém an toàn hơn đối với nhân loại”, Tổng thống Singapore nói với Đức Giáo hoàng vào ngày 12 tháng 9. “Cộng đồng toàn cầu cần phải nỗ lực quyết tâm và thẳng thắn hơn để giải quyết từng thách thức này”.
“Sự ủng hộ của Đức Thánh Cha đối với Thỏa thuận Paris năm 2015 và lời kêu gọi hành động của ngài về một thỏa thuận về hành động vì khí hậu tại COP28 đã truyền cảm hứng cho nhiều người”, Tổng thống Singapore tiếp tục. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Thông điệp năm 2015 “Laudato Si’, về việc Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta” của Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong đó Đức Giáo hoàng tán thành sự đồng thuận khoa học về sự cần thiết đối với nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại vấn đề biến đổi khí hậu.
“Thông điệp này càng có ý nghĩa hơn khi thế giới đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong khi vẫn đạt được quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”, Tổng thống Singapore nói, dành gần một phần ba bài phát biểu của mình để nói về cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trong những bình luận của mình trong cuộc gặp gỡ, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết không thể che giấu được những cuộc khủng hoảng môi trường mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay. “Chúng ta không nên đánh giá thấp tác động mà một quốc gia nhỏ như Singapore có thể tạo ra về vấn đề này”, Đức Giáo hoàng cho biết thêm.
“Vị trí độc đáo của các bạn giúp các bạn tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ và nhân tài, những nguồn lực có thể thúc đẩy sự đổi mới nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe của ngôi nhà chung của chúng ta”.
Khi đến thủ đô Jakarta của Indonesia để bắt đầu chuyến viếng thăm — một nơi được gọi là “thành phố đang bị nhấn chìm” do ước tính 40% thành phố đã nằm dưới mực nước biển và các nhà lãnh đạo Indonesia đang tiến hành kế hoạch di dời thủ đô do mực nước biển dâng cao — Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Imam của Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
“Cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra này đã trở thành rào cản đối với sự chung sống hòa bình của các dân tộc”, tuyên bố nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng đối thoại liên tôn là một phản ứng hiệu quả đối với các cuộc xung đột toàn cầu và tình trạng khí hậu ngày càng trầm trọng.
Vào tháng 12 năm ngoái, — Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dự định đến Dubai để tham dự hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc được gọi là COP28, nơi ngài dự kiến sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hành động đa phương hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, do các vấn đề về hô hấp, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã buộc phải hủy chuyến thăm của mình vào phút chót. Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã thay mặt Đức Giáo hoàng phát biểu tại sự kiện.
Phản hồi về chuyến Tong du của Đức Giáo hoàng Phanxicô qua Châu Á và Châu Đại Dương cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn trông đợi Đức Phanxicô để ngài dùng tiếng nói của mình thay mặt họ khi đối mặt với các thảm họa về môi trường.
Minh Tuệ (theo NCR)