Hơn 160 vụ tấn công bạo lực nhằm vào các Kitô hữu đã được báo cáo tại Ấn Độ trong năm qua khi các luật do chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu cầm quyền của nước này thông qua làm gia tăng mối đe dọa đối với quyền tự do tôn giáo ở quốc gia này.
Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), các Kitô hữu ở Ấn Độ đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng về bạo lực và phân biệt đối xử tôn giáo.
USCIRF hiện đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo quốc tế với tư cách là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) — một động thái đã gây ra sự phẫn nộ từ chính phủ nước này.
Hôm thứ Năm tuần trước, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lên tiếng phản đối USCIRF, mô tả cơ quan này của Hoa Kỳ là “một tổ chức thiên vị với chương trình nghị sự chính trị”, theo các báo cáo.
“Chúng tôi bác bỏ báo cáo hiềm thù này”, nười phát ngôn cho biết, “vốn chỉ làm mất uy tín của USCIRF thêm mà thôi”.
Người phát ngôn kêu gọi USCIRF “từ bỏ những nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự như vậy” và thay vào đó tập trung sự chú ý vào các vấn đề nhân quyền tại đất nước của mình.
Các vụ việc vi phạm quyền tự do tôn giáo được liệt kê trong báo cáo của USCIRF bao gồm các vụ tấn công nhắm vào các cá nhân, các địa điểm thờ phượng và trường học; hạn chế cầu nguyện nơi công cộng; và các cáo buộc sai sự thật về “cải đạo cưỡng bức” với hình phạt từ tiền phạt lớn ở một số tiểu bang đến tù chung thân ở những tiểu bang khác.
Các vụ việc tấn công bạo lực và phân biệt đối xử
Theo báo cáo của USCIRF, “từ tháng 1 đến tháng 3, đã có 161 vụ bạo lực nhắm vào các Kitô hữu ở Ấn Độ được báo cáo — 47 vụ trong số đó xảy ra ở bang Chhattisgarh”.
“Những vụ việc như vậy bao gồm từ các vụ tấn công bạo lực nhắm vào nhà thờ và các buổi cầu nguyện cho đến các vụ hành hung, quấy rối và cáo buộc sai trái về việc cưỡng bức cải đạo”, báo cáo cho biết.
Tại tiểu bang Assam ở đông bắc Ấn Độ, chính quyền đã nhiều lần nhắm vào các Kitô hữu trong suốt năm qua, thông qua các đạo luật như Dự luật Thực hành Chữa bệnh (Phòng ngừa tệ nạn) của Assam, cấm cầu nguyện cho người bệnh. Theo USCIRF, Thủ hiến Assam đã tuyên bố ý định “hạn chế truyền giáo và cải đạo Kitô giáo trong tiểu bang bằng dự luật này”.
Một trường học Công giáo trong tiểu bang đã bị một số tổ chức Hindu nhắm tới và “yêu cầu các giáo viên chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và biểu tượng Kitô giáo”.
Tại tiểu bang Chhattisgarh ở phía đông, các Kitô hữu bị từ chối tiếp cận nguồn nước cộng đồng và trong một số trường hợp, theo nguồn tin do USCIRF trích dẫn, các Kitô hữu qua đời còn không được dân làng theo đạo Hindu địa phương chôn cất.
Các vụ bắt giữ tùy tiện vì luật ‘chống cải đạo’
Chính quyền đã bắt giữ hàng chục Kitô hữu với cáo buộc “tiến hành hoặc tham gia vào việc cải đạo cưỡng bức” kể từ năm 2021. Theo luật “chống cải đạo” hiện hành tại 12 trong số 28 tiểu bang của Ấn Độ, chính quyền có thể truy tố các nhóm tôn giáo thiểu số vì cáo buộc nỗ lực cải đạo cưỡng bức. Theo USCIRF, nhiều luật trong số này “vượt xa các trường hợp cưỡng bức”.
Ví dụ, báo cáo trích dẫn một sự việc xảy ra ở Uttar Pradesh, nơi 13 Kitô hữu, bao gồm 4 Mục sư, đã bị bắt giữ sau khi tham gia một buổi cầu nguyện tại tư gia sau khi dân làng địa phương báo cáo họ với cảnh sát vì nghi ngờ có “hoạt động cải đạo”.
Tại Uttar Pradesh, một luật mới được thông qua cho phép bất kỳ ai, không chỉ nạn nhân hoặc người thân huyết thống, được nộp Báo cáo sơ thẩm (FIR) đối với bất kỳ nghi phạm nào bị cáo buộc về tội “cưỡng ép cải đạo”. Những người bị bắt giữ và bị buộc tội ở tiểu bang miền bắc Ấn Độ này phải đối mặt với án tù chung thân mà không được phép nộp đơn xin tại ngoại.
Bầu khí chính trị
Trước cuộc bầu cử gần đây nhất của đất nước vào tháng 6, các chính trị gia bao gồm Thủ tướng Narendra Modi và các thành viên của Đảng Bharatiya Janata đã áp dụng các khẩu hiệu theo chủ nghĩa sắc tộc Hindu cho các chiến dịch của họ. Theo báo cáo, các chính trị gia này đã thúc đẩy “ngày càng nhiều những phát ngôn thù địch và phân biệt đối xử” đối với các cộng đồng tôn giáo thiểu số như Kitô giáo và Hồi giáo.
USCIRF lưu ý rằng Thủ tướng Modi đặc biệt cáo buộc phe đối lập của ông có ý định “xóa bỏ đức tin Hindu khỏi đất nước” và biến người Hindu thành “công dân hạng hai tại chính đất nước của họ”. Ông Modi đặc biệt nhắm nhiều bình luận của mình vào người Hồi giáo, những người mà ông gọi là “những kẻ được cài cắm”.
Minh Tuệ (theo CNA)