Các học giả Phật giáo và Công giáo ở Bangkok đồng ý dùng “lòng trắc ẩn” để chữa lành thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón vị tu sĩ Phật giáo hàng đầu của Myanmar, Hòa thượng Bhaddanta Kumarabhivamsa, sau cuộc gặp gỡ của họ tại Yangon vào ngày 29 tháng 11 năm 2017 (Ảnh: Kyodo/MAXPPP)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón vị tu sĩ Phật giáo hàng đầu của Myanmar, Hòa thượng Bhaddanta Kumarabhivamsa, sau cuộc gặp gỡ của họ tại Yangon vào ngày 29 tháng 11 năm 2017 (Ảnh: Kyodo/MAXPPP)

Lòng trắc ẩn là điều tối quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và trong việc thiết lập các hành động chung để chữa lành vết thương của nhân loại và Trái đất, các học giả Phật giáo và Công giáo cho biết.

“Mặc dù giáo lý tôn giáo của chúng ta mời gọi chúng ta xây dựng một nền văn hóa từ bi, nhưng chúng ta thường nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ ngày nay. Chúng tôi lấy làm tiếc về những lời nói và hành động đã cố ý hoặc vô tình góp phần gieo rắc sự chết chóc và sự hủy diệt, sự hận thù và sự trả thù. Chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta thuộc về cùng một gia đình nhân loại và mọi người đều có phẩm giá và sự tôn trọng như nhau”, các học giả cho biết trong tuyên bố chung kết của họ sau Hội thảo chuyên đề Phật giáo-Kitô giáo lần thứ VII, diễn ra từ ngày 13-16 tháng 11 tại Bangkok.

“Không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau vì chúng ta có sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta cần hợp tác với tất cả mọi người: xã hội dân sự, các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhân viên truyền thông, các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cộng đồng học thuật và khoa học, và tất cả các bên có liên quan khác nhằm thúc đẩy một thế giới hòa nhập”, các học giả cho biết.

“Chúng ta sở hữu những tác phẩm kinh điển về tôn giáo cũng như kinh nghiệm và trí tuệ hàng thế kỷ. Chúng ta cần làm những điều này phù hợp với nhân loại đang bị tổn thương của chúng ta và cứu lấy trái đất đang bị tàn phá. Do đó, chúng tôi ủng hộ những nỗ lực học thuật giữa các tổ chức học thuật và nghiên cứu với mục tiêu giúp các phong trào tôn giáo thay đổi cách họ nhận thức, suy nghĩ và quan niệm về người khác cũng như về hành tinh”, các học giả cho biết thêm.

Sự kiện này được tổ chức bởi Thánh Bộ Đối thoại Liên tôn của Vatican phối hợp với Hội đồng Giám mục Công giáo Thái Lan và Đại học Phật giáo Mahachulalongkornrajavidyalaya. Các tham dự viên tham gia hội thảo là các nhà lãnh đạo tôn giáo và Phật giáo và Kitô giáo, các nhà thần học và học giả từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Campuchia, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Singapore, Sri Lanka, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Vương quốc Anh. Họ khám phá những đặc điểm và mối quan hệ sâu sắc giữa “Karuna” và “Agape”, phản ánh các khái niệm của Phật giáo và Kitô giáo về lòng từ bi và tình yêu nhưng không. “Karuna và Agape đối thoại để chữa lành nhân loại và trái đất bị thương tích” là chủ đề của buổi hội thảo.

Tạo dựng một gia đình yêu thương

“Cuộc đối thoại hứa hẹn sẽ là cơ hội hợp tác và tầm nhìn chung vì sự thịnh vượng của cộng đồng chúng ta”, Đức Giám mục Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông Tòa Phnom Penh tại Campuchia, một quốc gia có đa số Phật tử, một trong những người tham gia hội thảo, cho biết. “Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới và tạo dựng nên con người. Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt lành, như trong Sách Sáng thế ký. Thiên nhiên và con người được giao phó cho trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau mơ về một thế giới trong đó không có giàu cũng không có nghèo, trong đó không có ai bị loại trừ hoặc bị khinh thường. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, ở Châu Á và trên thế giới, là tạo dựng một đại gia đình yêu thương lẫn nhau, lắng nghe nhau và tha thứ cho nhau. Chúng ta bắt đầu từ sự hòa hợp, từ hòa bình, từ việc chia sẻ với những người xung quanh những giá trị tinh thần mà trên đó chúng ta có thể xây dựng các xã hội công bằng và huynh đệ”, vị Giám chức nói.

Hòa thượng Phra Brahmapundit, nhà lãnh đạo Phật giáo và thành viên Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan, trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp đã lưu ý rằng nhân loại và trái đất có mối liên hệ với nhau và “cả hai đều phải chịu đựng đau khổ, bị tổn thương bởi sự hủy diệt, khí hậu, nghèo đói và chiến tranh”. Do đó, “‘Karuna’ là điều cần thiết nhất để giảm bớt sự đau khổ của trái đất”. “Karuna”, được dịch là “lòng từ bi”, là một trong bốn “tâm cao thượng” trong thần học Phật giáo và đề cập đến nhận thức về sự đau khổ và mối liên hệ giữa tất cả chúng sinh với nhau. “Khi người khác đau khổ, ‘Karuna’ lay động trái tim mọi người để xoa dịu nỗi đau khổ của những chúng sinh đang cần giúp đỡ mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Karuna không thể tách rời khỏi ‘Metta’, nghĩa là ‘lòng nhân ái’ và có nghĩa là tình yêu vô điều kiện, Hòa thượng Phra Brahmapundit. Thông qua Karuna, người ta có thể “cố gắng chữa lành vết thương cho nhân loại và cứu hành tinh Trái đất khỏi sự ô nhiễm do con người tạo ra”, Hòa thượng Phra Brahmapundit giải thích.

Các học giả tại hội thảo cũng chỉ ra rằng “Về mặt cá nhân cũng như xã hội, chúng ta cần nuôi dưỡng sự đồng cảm với nỗi đau khổ của người khác và môi trường. Vì vậy, chúng ta cần lòng trắc ẩn trong các quyết định chính trị và kinh tế để ngăn chặn sự loại trừ và bất bình đẳng cũng như thúc đẩy sự hòa nhập, công lý và sự tôn trọng”.

ĐTC Phanxicô gặp gỡ lãnh đạo Phật giáo tại Mông Cổ  (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ lãnh đạo Phật giáo tại Mông Cổ (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Đức Thánh Cha Phanxicô và Phật giáo

Karuna cũng là chủ đề thường xuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô khi tiếp xúc với các Phật tử. Phát biểu tại Vatican với phái đoàn Phật giáo đặc biệt bao gồm các Tu sĩ Phật giáo và 60 cư sĩ Phật tử đến từ Thái Lan vào năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc đối với những giáo huấn của Đức Phật và đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tiếp tục hợp tác liên tôn hướng tới một phong trào toàn cầu dựa trên lòng từ bi— đặc biệt đối với các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương, những người có nguy cơ cao nhất trước nhiều cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt. “Vào thời điểm mà gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đa dạng, sự cần thiết đối thoại và hợp tác liên tôn giáo ngày càng cần thiết”, Đức Thánh Cha nói.

“Đức Phật và Chúa Giêsu hiểu sự cần thiết phải vượt qua chủ nghĩa ích kỷ vốn gây ra xung đột và bạo lực”, Đức Thánh Cha nói. “Kinh Pháp Cú tóm tắt giáo huấn của Đức Phật như sau: ‘Tránh điều ác, tu dưỡng điều thiện, và giữ tâm trong sạch – đây là lời dạy của Đức Phật’. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: ‘Thầy ban cho các con một Điều Răn mới, đó là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau'”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube