Các Giám mục Trung Mỹ cảnh báo về cuộc khủng hoảng di cư ‘chưa từng có’

(Ảnh: Marco Ugarte/AP)

(Ảnh: Marco Ugarte/AP)

SÃO PAULO, Brazil – Với sự gia tăng chưa từng thấy vào năm 2023 về số lượng người nhập cư băng qua Trung Mỹ trong nỗ lực đến Hoa Kỳ và Canada, các Giám mục trong khu vực đang thúc giục chính quyền địa phương thiết lập các chương trình thích hợp để đối phó với họ và đảm bảo sự an toàn của họ.

 Cuộc khủng hoảng di cư là mối bận tâm chính của các vị Giám chức tập trung tại Guatemala từ ngày 27 đến 30 tháng 11 để tham dự hội nghị thường niên của Ban Thư ký Giám mục Trung Mỹ. Trong tài liệu chung kết của mình, được công bố vào ngày cuối cùng của cuộc gặp gỡ, các Giám mục nhấn mạnh rằng các quốc gia Trung Mỹ chưa giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.

“Chúng ta nhận thấy sức sống ngày càng tăng của các công việc mục vụ di dân trong các Giáo hội của chúng ta, trái ngược với sự kém hiệu quả của các chương trình của chính phủ, hoàn toàn bị chi phối bởi các chính sách của nhà nước coi người di cư là mối nguy hiểm cho vấn đề an ninh”, tuyên bố viết.

Bức thư định nghĩa “thảm kịch di cư” là một “tiếng kêu không được lắng nghe đầy đủ” và đồng thời đề cập đến những đoàn lữ hành di cư của “thanh niên thất nghiệp, mạng sống của họ đang bị đe dọa bởi bạo lực”.

“Nhiều người trong số họ [cuối cùng] bị hình sự hóa trong các trung tâm giam giữ và trong tình trạng không chắc chắn về tương lai của họ. Họ là những anh hùng của nền kinh tế của đất nước chúng ta, tạo ra doanh thu kiếm được trong môi trường thiếu việc làm và thiếu thốn trầm trọng”, các Giám mục Trung Mỹ cho biết.

Đức Giám mục Javier Román Arias Địa phận Limón, Costa Rica, phát biểu với Crux rằng cuộc khủng hoảng di cư, cùng với những thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội trong khu vực, đã xuất hiện trong phần trình bày của tất cả các phái đoàn tham gia hội nghị.

“Có những tình huống đặc biệt phức tạp đang diễn ra ở biên giới giữa Panama và Costa Rica, Guatemala và Mexico. Honduras tiếp tục là một trong những nguồn thanh niên nhập cư chính trong khu vực”, Đức Giám mục Arias nói.

Đức Giám mục phụ tá Daniel Blanco Địa phận San José, Costa Rica, người phụ trách ủy ban quốc gia về vấn đề di dân, phát biểu với Crux rằng hàng Giám mục Trung Mỹ “nhận thức được cuộc khủng hoảng nhập cư trong khu vực và đã liên tục làm việc để đáp ứng nhu cầu của những người di cư”.

“Trên khắp khu vực, Giáo hội đồng hành cùng những người nhập cư trong các thành phố và trên các ngả đường. Các Giáo phận và dòng tu có các trung tâm chào đón để cung cấp cho họ nơi ở tạm thời và các văn phòng hỗ trợ pháp lý để giúp họ có được giấy tờ”, Đức Giám mục Blanco khẳng định.

Người Venezuela, người Haiti và người Ecuador tiếp tục chiếm phần lớn số người nhập cư từ Colombia tiến về phía bắc, “nhưng có những người thuộc hơn 30 quốc tịch đến Panama hàng tháng, bao gồm cả các anh chị em từ Châu Phi và Châu Á”, vị Giám chức giải thích.

“Việc vượt qua Darien Gap giữa Colombia và Panama [một khu vực rừng hoang dã có nhiều băng nhóm tội phạm] là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất đối với người nhập cư trên thế giới”, Đức Giám mục Blanco nói.

Hầu hết những người nhập cư muốn chuyển đến Hoa Kỳ để tìm việc làm, nhưng nhiều người cuối cùng vẫn ở lại các quốc gia như Panama và Costa Rica, nơi họ tìm thấy sự ổn định không tồn tại ở quốc gia ban đầu của họ. Đó là một lý do bổ sung tại sao các Giám mục yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp các chương trình chăm sóc người nhập cư.

“Tháng trước, Costa Rica đã ban bố tình trạng khẩn cấp vấn đề do di cư, điều giúp chính phủ dễ dàng phân bổ vốn hơn cho các chương trình cần thiết”, Đức Giám mục Blanco cho biết.

Cha Gustavo Meneses, phụ trách Đài quan sát mục vụ xã hội Mesoamerican và Caribbean về vấn đề di dân (được gọi là OSMECA trong tiếng Tây Ban Nha), nói với Crux rằng khoảng 500.000 người nhập cư đã vượt qua Darien Gap vào năm 2023. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc, 82.000 người đã đến Panama chỉ trong tháng 8.

“Những người đó thực sự đang bị trục xuất khỏi đất nước của họ do hoàn cảnh kinh tế xã hội khắc nghiệt. Mọi người rời đi vì họ không thể tìm được điều kiện sống có phẩm giá”, Cha Meneses nói.

Giáo hội là một trong những tổ chức xã hội tích cực nhất trong việc giải quyết vấn đề này. Giáo hội nhận được sự hỗ trợ từ các chi nhánh của Liên hợp quốc làm việc với trẻ em, người nhập cư và người tị nạn, nhưng cũng sử dụng nguồn lực của chính mình để làm việc đó.

“Tình hình tài chính của Giáo hội hiện nay rất khó khăn. Hầu hết số tiền quyên góp đến từ các Giáo phận và Giáo xứ địa phương”, Cha Meneses nói.

Các trung tâm Công giáo dành cho người nhập cư phụ thuộc vào công việc của các tình nguyện viên. Theo Cha Meneses, có những nhóm giáo dân được thành lập rất tốt ở tất cả các quốc gia Trung Mỹ đang làm việc với những người nhập cư.

 “Nhưng đó quả là một nhiệm vụ khá khắt khe. Đó là lý do tại sao các Giám mục đã thảo luận trong cuộc họp tuần trước về cách thức đưa ra sự giúp đỡ cho các tình nguyện viên, bao gồm cả sự quan tâm về mặt tâm lý”, Cha Meneses cho biết thêm.

Cha Meneses cho biết các Giám mục Trung Mỹ dự định công bố một lá thư mục vụ về vấn đề nhập cư vào năm 2024. Đây là một phần trong nỗ lực lên án cuộc khủng hoảng với xã hội và gia tăng áp lực lên chính quyền địa phương.

“Chúng tôi có kế hoạch thúc đẩy các cuộc tụ họp giữa các cộng đồng ở Trung Mỹ và những cộng đồng nơi người nhập cư sinh sống ở Hoa Kỳ nhằm nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng. Chúng tôi cũng muốn tiếp cận với các chính trị gia, cả trong khu vực lẫn ở Hoa Kỳ”, Cha Meneses nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube