Các Giám mục Nam Sudan kêu gọi hành động nhân đạo khẩn cấp

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 26-03-2017 | 06:48:09

RV24271_Articolo

Hàng ngàn người dân Nam Sudan dễ bị tổn thương đang có nguy cơ phải đối diện với tử thần vì đói và thiếu thuốc men.

Cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở quốc gia non trẻ nhất thế giới hiện đang phải chứng kiến nạn đói vốn đã được tuyên bố trong bối cảnh của cuộc nội chiến.

Tổ chức Caritas Quốc tế và các cơ quan viện trợ khác cho biết hiện nay có tới 1 triệu người tại Nam Sudan đang có nguy cơ phải chết đói và tổng cộng có tới 5,1 triệu người đang cần được giúp đỡ về lương thực và sinh kế. Ít nhất 270.000 trẻ em đang bị suy dinh dưỡng cấp.

Các tổ chức này cảnh báo rằng nếu việc viện trợ với quy mô lớn về thực phẩm và dược phẩm không đến trước mùa mưa sắp tới thì hậu quả là sẽ sớm có thêm nhiều người thiệt mạng.

Đức Giám Mục Erkolano Lodu Tombe – Chủ Tịch Caritas Nam Sudan và đồng thời là Giám Mục Địa phận Yei – hiện đang có mặt tại Rôma để tham dự một hội nghị cấp cao của tổ chức Caritas Quốc tế nhằm vạch ra kế hoạch nhân rộng phản ứng khẩn cấp qua việc hợp tác tăng cường giữa các tổ chức Caritas trong khu vực.

Phát biểu với Linda Bordoni – cộng tác viên Vatican Radio, Đức Giám mục Lodu Tombe đã kêu gọi tất cả mọi người thiện chí đừng nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của những người dân Nam Sudan.

Đức Cha Lodu Tombe nói về hội nghị cấp cao Caritas Quốc tế hiện nay vốn đã được lên kế hoạch khá lâu với mục đích xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các văn phòng Caritas địa phương nhằm hỗ trợ sự phát triển của Nam Sudan để trở nên độc lập vào năm 2011.

“Hội nghị đã bắt kịp các vấn đề khác như: tình hình nạn đói đang lan rộng tại Nam Sudan – ngay cả chính phủ – đã tuyên bố nạn đói: chúng ta đang nói đến việc gần 5 triệu người hiện đang phải đối mặt với nạn đói”, Đức Cha Lodu Tombe nói.

Vì vậy – Đức Cha Lodu Tombe tiếp tục – chúng tôi quyết định “lên tiếng để những ai có tấm lòng thành tâm thiện chí hãy lắng nghe tiếng kêu cứu của những nạn nhân của nạn đói, đang chết dần chết mòn” có thể, trong khả năng của mình, rộng tay giúp đỡ.

Đức Giám Mục Ludu Tombe cho biết nguyên nhân của nạn đói hiện nay đang ảnh hưởng đến người dân một cách nghiêm trọng đó chính là “do con người tạo ra” theo ý nghĩa rằng nó là hậu quả của cuộc chiến nổ ra hồi tháng 7/2013 tại Juba và lan rộng đến nhiều khu vực trong nước.

Chính phủ – Ngài nói – đang phải đối diện với cuộc nổi dậy ở nhiều khu vực của Nam Sudan, đặc biệt là ở Equatoria State, “đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc người dân di tản, phá hoại các ngôi làng, thiêu hủy các ngôi nhà, và dẫn đến nạn đói, vì người dân – như những người dân tại khu vực Yei – không thể thu hoạch mùa màng của họ”.

Việc thiếu an ninh – Đức Cha Lodu Tombe giải thích – đã ngăn cản các nông dân không những không thể thu hoạch vụ mùa cuối năm mà còn không thể gieo hạt cho mùa vụ tới và điều này quả thật là vô cùng thẩm hại.

Đức Cha Lodu Tombe cũng chia sẻ về một tình huống nghiêm trọng và nguy hiểm bắt nguồn từ một thực tế là nhiều con đường đã bị phong tỏa vì lý do an ninh.

Chẳng hạn như – Đức Cha Lodu Tombe cho biết – thị trấn Yei bị cô lập – ngoại bất nhập (bao gồm cả các đoàn thiện nguyện viên nhân đạo với thực phẩm và thuốc men) hoặc nội bất xuất – và hiện tại hơn 100.000 người bị mắc kẹt ở đó.

Cũng theo Đức Cha Lodu Tombe, tình hình bên ngoài thị trấn cũng vô cùng thảm khốc, bởi vì toàn thể cộng đồng không được tiếp cận với việc viện trợ, nước uống sạch, cũng như việc giáo dục cho con cái của họ.

“Cho dù họ đang ở trong hay bên ngoài thị trấn, thì tình hình cũng vô cùng thảm khốc: đây quả thực là một tình trạng của một cuộc chiến tranh”, Đức Cha Lodu Tombe nói.

Đức Cha Lodu Tombe cũng nói về mối quan ngại của ngài rằng phần lớn bạo lực đang được gây ra bởi các lực lượng của chính phủ chống lại thường dân.

“Quân đội của chính phủ dường như đang chống lại nhân dân”, Đức Cha Lodu Tombe cho biết.

Ngài giải thích rằng khi các nhóm vũ trang tấn công các binh lính của chính phủ trong các hầm trú và sau đó tháo chạy, phản ứng của quân đội đối với dân chúng quả là không phù hợp và những người dân vô tội cuối cùng phải chịu đựng hậu quả cũng như các cuộc đụng độ đối với tình hình.

“Người dân bị giết hại, cái ngôi làng bị thiêu rụi, và đôi khi những người bị giết hại đã bị thiêu chết trong các túp lều tạm bợ của họ”, Đức Cha Lodu Tombe nói.

Trong lá thư mục vụ gần đây, các Giám mục Nam Sudan đã cho thấy “một sự im lặng đáng sợ” mà trong đó một cuộc khủng hoảng đang dần mở ra.

Đức Cha Lodu Tombe cho biết Giáo hội là thể chế duy nhất đã lên tiếng cho những người dân đau khổ trước nạn đói kể từ cuối tháng Tám năm ngoái.

“Đó là tiếng nói mạnh mẽ của Giáo hội vốn đã thu hút những người theo chủ nghĩa nhân đạo đến với Yei, chẳng hạn như qua đường hàng không, để có thể chứng kiến một sự thật đau lòng về những điều đang xảy ra tại đây”, Đức Cha Lodu Tombe nói.

Ngài cũng cho biết rằng thậm chí ngay cả chính phủ nước này cũng đã vẫn giữ im lặng cho tới nay.

Đức Giám mục Ludu Tombe cho biết lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô nhằm kêu gọi sự chú ý đến Nam Sudan – để bắt đầu thực hiện một điều gì đó – đã mở đôi tai của rất nhiều người mà trước đó đã vờ như chẳng nghe thaaysnhungwx tiếng kêu đau khổ này.

“Tiếng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến cho nhiều người thực sự hiểu rằng tình hình tại Nam Sudan lúc này quả thực vô cùng bi đát”, Đức Cha Lodu Tombe cho biết.

Đức Cha Lodu Tombe cũng chia sẻ về ý nghĩa sâu xa của chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô nếu có thể sẽ cho phép Đức Thánh Cha đến thăm nếu như tình hình an ninh cho phép.

Đức Cha Lodu Tombe  cho biết chuyến viếng thăm này dự kiến sẽ có thể diễn ra vào tháng 10 sắp tới cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury, “đây sẽ là chuyến viếng thăm rất quan trọng nhằm mang lại niềm hy vọng cũng như sự can đảm cho tất cả mọi người dân tại Nam Sudan, không chỉ riêng đối với các Kitô hữu”.

“Mọi người dân đều muốn diện kiến vị lãnh đạo tôn giáo vĩ đại của Giáo hội Công giáo này (…) đó sẽ là một sự cổ võ to lớn đồng thời sẽ mang lại sức mạnh cho những người dân Nam Sudan, những người có đức tin”.

Đức Cha Lodu Tombe cho biết rằng tiếng nói đáng tin cậy duy nhất đối với mọi người dân tại Nam Sudan trong nhiều năm qua chính là tiếng nói của Giáo hội, và sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một bằng chứng cụ thể hơn nữa cho điều này.

Sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô – Đức Cha Lodu Tombe cho biết – sẽ khảng định rằng “những gì mà chúng ta đang thực hiện là những điều đáng thực hiện” đồng thời sẽ mang lại sức mạnh lạ thường cho Giáo hội địa phương, cho các Giám mục, các Linh mục, các giáo lý viên và hơn thế nữa.

Đức Giám Mục Lodu Tombe kết luận với một lời kêu gọi chân thành đến tất cả những ai có tâm hồn thành tâm thiện chí để giúp cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người dân đang chết dân chết mòn vì đói.

“Chúng tôi không thể chờ đợi quá lâu. Mùa mưa sắp bắt đầu, và nếu như việc viện trợ nhân đạo không được chuyển tới người dân ngay trong mùa khô, thì việc này sẽ không thể thực hiện được khi đường sá lầy lội và bị ngăn cách bởi những dòng nước dữ”, Đức Cha Lodu Tombe nói.

Vì vậy – Đức Cha Lodu Tombe nói – bất cứ ai muốn thực hiện việc giúp đỡ người dân nơi đây, hãy khẩn trương thực hiện bằng cách hỗ trợ Caritas Quốc tế vốn đang tăng cường hỗ trợ cho các văn phòng Caritas địa phương.

“Hõi những người thành tâm thiện chí, hỡi những người mang trong mình quả tim của một con người, xin đừng nhắm mắt thờ ơ trước nỗi đau khổ của người dân nơi đây; đặc biệt là tại châu Âu – nơi mà ai ai cũng đều có tivi cũng như các phương tiện truyền thông khác và đã chứng kiến những hình ảnh của những người đang phải chịu đựng đau khổ tại Nam Sudan: chớ gì người ta sẽ không chỉ “làm ngơ khoanh tay đứng nhìn” trước những điều đang xảy ra nơi đây; xin hãy làm một điều gì thiết thực để giúp đỡ cho những người dân đang phải hao mòn lực kiệt và chết dần chết mòn có thể được sống sót và đồng thời để họ lấy lại phẩm giá của mình để họ có thể được sống như những con người thực sự để rồi không còn phải sống trong những tình huống khốn khổ không khác gì những loài thú vật”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube