Các Giám mục Nam Phi cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của ISIS

Các chiến binh ISIS ở Nam Phi (Ảnh chụp màn hình.)

Các chiến binh ISIS ở Nam Phi (Ảnh chụp màn hình)

Trong bối cảnh các mối đe dọa khủng bố gia tăng ở các quốc gia láng giềng, các Giám mục Công giáo ở miền Nam châu Phi đã lên tiếng báo động rằng các chính phủ dường như không quan tâm đủ đến các hoạt động quân sự và tài chính liên quan đến ISIS trong khu vực.

Những lo ngại này được nêu ra trong phiên họp toàn thể vào tháng 8 của Hội đồng Giám mục Công giáo Nam Phi, quy tụ các Giám mục đến từ Botswana, Nam Phi và Eswatini (trước đây gọi là Swaziland).

“Điều đáng lo ngại là tin tức gần đây về sự hiện diện và hoạt động tài chính của những cá nhân có liên quan đến ISIS ở Nam Phi. Tôi chưa nghe nhiều phản ứng từ chính phủ về vấn đề này; có lẽ họ cho rằng nó không đáng kể”, Đức Giám mục Sithembele Sipuka Địa phận Mthatha ở Nam Phi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cho biết trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc họp từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 8.

Đức Cha Sipuka bày tỏ lo ngại rằng các cuộc xung đột do ISIS gây ra ở các quốc gia láng giềng như Mozambique và Nigeria cũng có thể lan sang Nam Phi.

“Sự liên kết giữa ISIS với tình trạng bất ổn của các quốc gia như Mozambique và Nigeria gây ra mối quan ngại, vì nó gây ra nhiều đau khổ cho người dân thường, như bằng chứng ở Cabo Del Gardo ở Mozambique”, Đức Cha Sipuka cho biết.

Lời cảnh báo của các Giám mục được các tổ chức quốc tế khác theo dõi hoạt động khủng bố ủng hộ, với nhiều báo cáo khác nhau cho rằng ISIS sử dụng Nam Phi làm trung tâm để chuyển tiền từ nơi này sang nơi khác trong vùng bị cô lập.

Vào tháng 3 năm 2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã chỉ định một số cá nhân và tổ chức hoạt động tại Nam Phi là trung gian trong các hoạt động tài trợ của nhóm Hồi giáo xuyên quốc gia. Cụ thể, họ đã chỉ định Abubakar Swalleh (“Swalleh”) là một điệp viên ISIS có trụ sở tại Nam Phi và Zambia tham gia vào việc chuyển tiền từ Nam Phi sang Cộng hòa Dân chủ Congo.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, Swalleh cũng tạo điều kiện cho hoạt động của các cá nhân có liên hệ với ISIS từ Uganda đến Nam Phi và ngược lại.

Zayd Gangat (“Gangat”) cũng được chỉ định là người hỗ trợ và đào tạo cho ISIS tại Nam Phi, và Hamidah Nabagala (“Nabagala”) tại DRC được cho là đóng vai trò trung gian cho dòng tiền của ISIS ở miền trung châu Phi.

“Những cá nhân này đóng vai trò là những nhà tài trợ chính và là những điệp viên đáng tin cậy, tạo điều kiện cho các hoạt động của ISIS và các thủ lĩnh của chúng trên khắp Trung, Đông và Nam Phi”, báo cáo nêu rõ. “Họ cũng đóng vai trò là những mắt xích quan trọng giữa các hoạt động trải rộng của ISIS, bao gồm các chi nhánh ISIS ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Mozambique, Somalia và các nhóm ISIS ở Nam Phi, cho phép các thủ lĩnh ISIS tận dụng năng lực của từng chi nhánh để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Mozambique đã trở thành tâm điểm của bạo lực khủng bố kể từ năm 2017 khi ISIS-Mozambique, còn được gọi là Ansar al-Sunna và được biết đến tại địa phương là al-Shabaab (không liên quan đến nhóm khủng bố Somalia), đã bắt đầu cuộc nổi loạn bạo lực với mục đích lật đổ chính phủ và áp đặt một nhánh Hồi giáo cực đoan.

Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 6500 người đã thiệt mạng, hơn một triệu người phải di tản kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu.

Tại Nigeria, nơi nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram bắt đầu chiến dịch giết chóc vào năm 2009, ít nhất 52.000 người đã bị giết hại trong vòng 14 năm, theo tổ chức phi chính phủ lấy cảm hứng từ Công giáo mang tên Hiệp hội Quốc tế vì Quyền tự do Dân sự và Pháp quyền, còn được gọi là “Intersociety”.

Đức Cha Sipuka tin rằng đây sẽ là viễn cảnh đáng sợ nếu loại bạo lực đó xảy ra ở Nam Phi, ngay cả khi có những dấu hiệu cho thấy điều này là không thể tránh khỏi.

“Một địa điểm ở Limpopo được cho là dùng để huấn luyện an ninh nhưng lại được cho là có dấu hiệu của một trại lính đã được phát hiện”, vị Giám chức nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng sự hiện diện của ISIS có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh vốn đã bấp bênh ở một quốc gia đang phải hứng chịu các vụ cướp bóc có vũ trang, các vụ bắt cóc và trộm cắp gia súc.

Ngoài những lo ngại về an ninh, các Giám mục cũng đã đánh giá việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất ở Nam Phi và hướng đi hiện tại của đất nước này khi thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

Đức Cha Sipuka cho biết chính phủ mới mang đến cho Nam Phi “một luồng gió mới” vì chính phủ độc đảng đã trở thành biểu tượng của tình trạng trì trệ.

“Với việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, hy vọng rằng trọng tâm sẽ chuyển từ lợi ích đảng phái sang các chính sách và hoạt động thực tiễn nhằm cải thiện cuộc sống của người dân”, vị Giám chức cho biết.

“Điều thú vị về kết quả bầu cử là người dân Nam Phi bắt đầu hiểu và thực hành dân chủ, ưu tiên thiện ích chung hơn là sự trung thành với đảng phái”, Đức Cha Sipuka cho biết.

Sự kiện diễn ra từ ngày 5-9 tháng 8 đã chứng kiến ​​việc bầu chọn 3 vị Giám mục để tiếp quản vai trò lãnh đạo của Hội đồng Giám mục. Đức Hồng y Stephen Brislin Địa phận Cape Town đã được bầu làm Chủ tịch, Đức Tổng giám mục Zolile Peter Mpambani Địa phận Bloemfontein được bầu làm phó Chủ tịch thứ nhất, và Đức Tổng giám mục Siegfried Mandla Địa phận Durban được bầu làm phó Chủ tịch thứ hai.

Nhiệm kỳ của họ bắt đầu vào tháng 1 năm 2025 và cả Đức Hồng y Brislin lẫn Đức Tổng Giám mục Mpambani đều cho biết họ sẽ cố gắng tiếp tục “công việc tốt đẹp” của vị Giám chức điều hành sắp mãn nhiệm.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết