Các Giám mục Hoa Kỳ và Nhật Bản ca ngợi hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về việc cấm vũ khí hạt nhân là ‘hành trình hướng tới hy vọng’

Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 11 tháng 11 năm 2019, trong khuôn khổ chuyến tông du tới Thái Lan và Nhật Bản (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 11 tháng 11 năm 2019, trong khuôn khổ chuyến tông du tới Thái Lan và Nhật Bản (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Một nhóm các Giám mục Công giáo Nhật Bản và Hoa Kỳ đã hoan nghênh cuộc họp tuần này của các quốc gia đã chính thức tham gia Hiệp ước Liên hợp quốc về cấm vũ khí hạt nhân như “một bước lịch sử khác trên hành trình hướng tới hy vọng, hướng tới ánh sáng, hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Cuộc họp lần thứ hai của các quốc gia tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu vào ngày 27 tháng 11 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York và sẽ kéo dài đến ngày 1 tháng 12. Cuộc họp được chủ trì bởi Juan Ramón de la Fuente Ramírez, Đại diện thường trực của Mexico.

Trọng tâm của cuộc họp, theo thông cáo báo chí từ chính phủ Mexico, là đánh giá tình trạng thực thi hiệp ước và thảo luận về tác động nhân đạo của vũ khí hạt nhân. Ngoài đại diện của các quốc gia-dân tộc đã tham gia hiệp ước, có mặt tại cuộc họp sẽ có những nạn nhân sống sót sau của các vụ thử bom nguyên tử và thử nghiệm hạt nhân, đại diện của các tổ chức quốc tế và các đại diện khác của xã hội dân sự và cộng đồng khoa học.

“Nhiệm vụ của các Giáo phận của chúng ta là ủng hộ Hiệp ước này trong khi nỗ lực hướng tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, có thể kiểm chứng được”, các Giám mục cho biết trong một tuyên bố chung vào ngày 27 tháng 11. “Chúng tôi lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Cuộc họp lần thứ hai của các quốc gia thành viên Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân”.

Nhóm các Giám mục, mà các Giáo phận của họ đều có mối liên hệ với vũ khí hạt nhân và đều là những người ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân lâu năm, gọi cuộc họp này là điều mang tính lịch sử bất chấp những hạn chế của nó, vì những người tham gia chỉ bao gồm những quốc gia đã ký hiệp ước.

“Sức mạnh pháp lý quốc tế của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân chỉ giới hạn ở những quốc gia đã chính thức tham gia Hiệp ước, nhưng sức mạnh đạo đức của nó không thừa nhận ranh giới giữa các quốc gia cũng như các đường trên bản đồ – sức mạnh đạo đức của Hiệp ước này có tính chất toàn cầu và phổ quát”, các Giám mục nói.

Nhóm các Giám mục bao gồm các Đức Tổng Giám mục người Mỹ John Wester Địa phận Santa Fe và Đức Tổng Giám mục Paul Etienne Địa phận Seattle, cả hai đều lãnh đạo một Tổng Giáo phận có quan hệ với việc sản xuất và triển khai vũ khí hạt nhân. Nhóm này cũng bao gồm Đức Tổng Giám mục người Nhật Bản Peter Michiaki Nakamura Địa phận Nagasaki, Đức Giám mục Alexis Mitsuru Shirahama Địa phận Hiroshima, và Đức nguyên Tổng Giám mục Joseph Mitsuaki Takami Địa phận Nagasaki, người lãnh đạo các Giáo phận Nhật Bản bị Mỹ ném bom vào ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945.

Nhóm các Giám mục đã đến với nhau trong một “cuộc hành hương vì hòa bình” đến Nhật Bản vào mùa hè do Đức Tổng Giám mục Wester và Đức Tổng Giám mục Etienne dẫn đầu, những người được tháp tùng bởi các tổ chức và các quan chức Tổng Giáo phận chuyên vận động giải trừ vũ khí hạt nhân. Chuyến đi trùng với dịp kỷ niệm 78 năm vụ đánh bom nguyên tử ở Nagasaki.

Đồng thời, nhóm đã công bố một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Về bản chất, sáng kiến này là lời kêu gọi các Giáo phận trên toàn thế giới ủng hộ, đối thoại, giáo dục và cầu nguyện cho việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Trở lại tháng 5 năm 2023, nhóm cũng kêu gọi lãnh đạo các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy quốc gia thực hiện các bước cụ thể hướng tới việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Trong tuyên bố vào ngày 23 tháng 11 về cuộc họp tuần này, các Giám mục thừa nhận rằng “thông điệp đã bị phớt lờ và chúng tôi đã không nhận được phản hồi nào”.

Không có quốc gia G7 nào ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Trong số các quốc gia đó, Mỹ có nhiều đầu đạn hạt nhân nhất với 5.244 đầu đạn tính đến năm 2022, theo dữ liệu được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ công bố vào tháng 3. Dữ liệu cho thấy con số này chỉ đứng sau Nga, quốc gia có kho vũ khí gồm 5.899 đầu đạn hạt nhân.

Đứng thứ ba trong danh sách là Trung Quốc với 410 đầu đạn hạt nhân, tiếp theo là các nước G7 Pháp và Anh với lần lượt 290 và 225 đầu đạn hạt nhân. Sau đó là Pakistan với 170 đầu đạn và Ấn Độ với 164. Không quốc gia nào khác có kho vũ khí hơn 90 đầu đạn hạt nhân, dữ liệu cho thấy.

Vatican là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân khi mở đầu cho các chữ ký vào tháng 7 năm 2017. Hiệp ước có hiệu lực vào tháng 1 năm 2021. Cho đến nay, 69 quốc gia đã ký và phê chuẩn hiệp ước, và 24 quốc gia khác đã ký nhưng chưa được phê chuẩn.

Năm 2019, tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là điều “trái với luân lý”. Đức Thánh Cha cũng phát biểu tại tâm điểm của vụ đánh bom nguyên tử ở Nagasaki rằng “chúng ta không bao giờ được mệt mỏi khi nỗ lực làm việc để hỗ trợ các công cụ pháp lý quốc tế chính về giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân”.

Trong tuyên bố vào ngày 27 tháng 11, nhóm các Giám mục kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được sự tiến bộ rõ rệt hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân nhân dịp kỷ niệm 80 năm vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 2025.

“Chúng tôi đặc biệt kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chứng minh tiến bộ có thể đo lường được trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân trước dịp kỷ niệm 80 năm vụ đánh bom nguyên tử”, các Giám mục nói. “Chúng tôi biết những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với nhân loại đang ngày càng gia tăng. Tháng 8 năm 2025 sẽ là thời điểm thích hợp để buộc các nhà lãnh đạo thế giới phải chịu trách nhiệm về những tiến bộ đạt được trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân đã bị trì hoãn từ lâu”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube