Các Giám mục Hoa Kỳ mời gọi các tín hữu Công giáo ‘cầu nguyện, suy ngẫm và hành động’ để thúc đẩy tự do tôn giáo

(Ảnh: Pexels)

(Ảnh: Pexels)

Các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đang mời gọi các tín hữu Công giáo cử hành tuần lễ dành riêng cho việc cầu nguyện, suy tư và hành động liên quan đến tự do tôn giáo với các chủ đề như việc phá hoại nhà thờ, luật báng bổ, và cuộc bách hại Kitô giáo ở Ấn Độ như là những lĩnh vực trọng tâm cụ thể.

Đánh dấu Tuần lễ Tự do Tôn giáo, bắt đầu vào ngày 22 tháng 6, Lễ Thánh Tôma More và Gioan Fisher, các Giám mục đã mời gọi các tín hữu Công giáo suy ngẫm về một chủ đề cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo vào mỗi ngày trong tuần.

Dưới đây là thông tin chi tiết về các ngày trong Tuần lễ Tự do Tôn giáo năm 2024, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 6.

Ngày 22 tháng 6: Những không gian linh thiêng

Vào ngày này, các tín hữu Công giáo được mời gọi cầu nguyện để tất cả những người có đức tin được tự do quy tụ tại các nhà thờ mà không phải sợ hãi.

Các Giám mục đã theo dõi hơn 320 trường hợp phá hoại chống lại các thực thể Công giáo kể từ năm 2020, bao gồm cả các vụ phá hoại nhắm vào các nhà thờ Công giáo, các trung tâm mang thai ủng hộ bảo vệ sự sống, nhà hộ sinh và các tổ chức ủng hộ việc bảo vệ sự sống khác trên khắp đất nước. Những vụ tấn công này dưới hình thức vẽ bậy thô tục, gây thiệt hại tài sản, đe dọa, trộm cắp và đốt phá. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy các vụ việc chống Do Thái đã gia tăng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas.

“Bản chất của một không gian linh thiêng là nó được tách biệt khỏi những không gian khác như một nơi để tìm kiếm sự hiệp thông với Thiên Chúa và do đó cần được đối xử với sự tôn trọng. Trong một xã hội đa nguyên như xã hội của chúng ta, việc tôn trọng những không gian linh thiêng là đặc biệt quan trọng vì hòa bình dân sự, vốn là một phần của công ích”, các Giám mục nói.

Ngày 23 tháng 6: Luật báng bổ và bội giáo

Người Công giáo trong ngày này được mời gọi cầu nguyện cho tất cả những người có đức tin đang sống trong nỗi sợ hãi bị bách hại dưới luật báng bổ bất công cũng như những người đang sống dưới luật hình sự hóa việc bội đạo.

Luật báng bổ tồn tại ở gần 40% quốc gia trên thế giới. Các Kitô hữu ở các quốc gia như PakistanNigeria trong những năm gần đây đã phải đối mặt với sự kết án và đôi khi thậm chí là bạo lực của đám đông vì những vi phạm rõ ràng đối với luật báng bổ của các quốc gia này, vốn thường hình sự hóa bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Hồi giáo.

“Hình phạt cho tội báng bổ rất khác nhau, từ phạt tiền, phạt tù cho đến xử tử. 7 quốc gia áp dụng án tử hình vì tội báng bổ – Nigeria, Pakistan, Iran, Afghanistan, Somalia, Mauritania và Ả Rập Saudi”, các Giám mục lưu ý.

Các giám mục kêu gọi người Công giáo ủng hộ công việc của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), một tổ chức từ thiện thuộc Giáo hoàng hoạt động nhằm hỗ trợ các Kitô hữu bị đàn áp trên toàn thế giới.

Ngày 24 tháng 6: Tự do nói lên sự thật

Vào ngày này, các Giám mục mời gọi các tín hữu Công giáo cầu nguyện để Chúa Thánh Thần “ban cho chúng ta lòng can đảm để làm chứng cho sự thật của Tin Mừng, ngay cả khi đối mặt với áp lực xã hội và pháp lý”.

“Tất cả các Kitô hữu đã được rửa tội đều được mời gọi chia sẻ niềm vui Tin Mừng với người khác. Nhưng trong nhiều môi trường – trường học, nơi làm việc, chăm sóc sức khỏe – các cá nhân đang bị áp lực phải tuân theo ý thức hệ chính thống về giới tính”, các Giám mục nói.

“Dưới chính quyền hiện tại, các cơ quan chính phủ đang đề xuất các quy định, nhân danh việc cấm quấy rối, sẽ dội gáo nước lạnh hoặc cấm những lời nói ủng hộ bản chất của hôn nhân vợ chồng, thực tế thể xác của con người và thậm chí cả sự thánh thiêng của sự sống”.

“Chắc chắn chúng ta nên tiếp cận những người không đồng ý với chúng ta về những vấn đề này bằng sự dịu dàng và lòng trắc ẩn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta buộc phải nói dối. Và trong một xã hội đa nguyên, chính phủ nên dành không gian rộng rãi cho những người có nền tảng và thế giới quan khác nhau để có thể làm việc cùng với nhau”, các Giám mục kết luận.

Các giám mục đã quảng bá một trang web mới, Love Means More, như một nguồn, được thiết kế để “mang lại sự rõ ràng và lòng trắc ẩn” cho các vấn đề xung quanh tình yêu, hôn nhân và tính dục bằng cách đề cập “những giả định ẩn khuất về tình yêu”.

Ngày 25 tháng 6: Phục vụ người nhập cư

Người Công giáo trong ngày này được mời gọi cầu nguyện để “Thiên Chúa sẽ bảo vệ tất cả những người di cư và tị nạn và tất cả những người làm việc với những người đang di cư sẽ được tự do để phục vụ”.

“Là một phần trong nghĩa vụ duy trì công ích, chính quyền dân sự có trách nhiệm đảm bảo trật tự công cộng, bao gồm cả việc duy trì biên giới quốc gia. Đồng thời, Giáo hội được Chúa Giêsu Kitô truyền lệnh phải phục vụ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm cả những người di cư và tị nạn, đồng thời nhìn nhận phẩm giá do Thiên Chúa ban cho họ”, các Giám mục nói.

“Giáo hội từ lâu đã tìm cách phục vụ nhu cầu của ‘những người đang di cư phải lênh đênh nay đây mai đó’, từ việc cung cấp các nhu cầu cơ bản đến hỗ trợ tái định cư cho người tị nạn đến cung cấp các dịch vụ pháp lý để giúp những người mới đến đáp ứng những kỳ vọng của quốc gia tiếp nhận họ”.

Các Giám mục chỉ trích điều mà họ gọi là “các cuộc công kích” nhắm vào các tổ chức từ thiện Công giáo giúp đỡ người di cư, một số trong số đó đã phải đối mặt với sự chỉ trích của công chúng trong những năm gần đây.

“Đáng buồn thay, trong những năm gần đây, các dịch vụ Kitô giáo dành cho người di cư đã phải đối mặt với những cuộc công kích hèn hạ bởi cả các nhân vật truyền thông lẫn các nhà lãnh đạo chính trị đang tìm cách đưa ra quan điểm về các xu hướng nhập cư hiện nay. Các cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư và biên giới chỉ đơn giản là một phần của đời sống chính trị Hoa Kỳ, và các Kitô hữu nên góp phần làm cho những cuộc thảo luận đó trở nên lành mạnh và hiệu quả”, các Giám mục kết luận.

Các Giám mục kêu gọi các tín hữu Công giáo tham gia nỗ lực ủng hộ cuộc cải cách nhập cư toàn diện của lưỡng đảng.

Ngày 26 tháng 6: Ấn Độ

Các tín hữu Công giáo được kêu gọi cầu nguyện cho “anh chị em Kitô giáo của chúng ta ở Ấn Độ, những người đang phải đối mặt với sự quấy rối và tấn công bạo lực”.

Trong những năm gần đây, các Kitô hữu ở Ấn Độ đã lên án sự gia tăng rõ ràng về bạo lực chống Kitô giáo và chủ nghĩa cực đoan Ấn Độ giáo. Đám đông những người theo đạo Hindu – thường bị thúc đẩy bởi những cáo buộc sai trái về việc cưỡng bức cải đạo – đã tấn công các Kitô hữu, phá hủy các nhà thờ và làm gián đoạn các buổi thờ phượng tôn giáo.

Một cơ quan giám sát tự do tôn giáo của Hoa Kỳ gần đây đã thúc giục chính quyền Biden bổ sung chính phủ Ấn Độ vào danh sách những quốc gia vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới, với lý do Ấn Độ “tăng cường nhắm mục tiêu xuyên quốc gia vào các nhóm tôn giáo thiểu số và những người ủng hộ họ”.

Các Giám mục đã cổ võ hoạt động của Hiệp hội Phúc lợi Công giáo Cận Đông (CNEWA), do Đức Giáo hoàng Piô XI thành lập năm 1926 như “một công cụ của tình yêu và là dấu chỉ của niềm hy vọng cho những người gặp khó khăn rải rác khắp các vùng đất lịch sử nhưng không ổn định của các Giáo hội Đông phương cổ đại” — Trung Đông, Đông Bắc Phi, Ấn Độ và Đông Âu”.

Ngày 27 tháng 6: Đức tin tại môi trường làm việc

Các Giám mục kêu gọi hãy cầu nguyện để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được tự do cổ võ nền văn hóa sự sống tại nơi làm việc của họ.

Cụ thể, các Giám mục đã thảo luận về Đạo luật Công bằng cho Người lao động Mang thai, vốn yêu cầu người sử dụng lao động phải đáp ứng những hạn chế tại nơi làm việc của phụ nữ phát sinh từ việc mang thai, sinh con hoặc các tình trạng y tế liên quan và đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ khi các nhà lập pháp xem xét dự luật vào năm 2022. Tuy nhiên, các quy định do Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng của Tổng thống Joe Biden ban hành năm nay đã giải thích các điều kiện y tế liên quan được quy định trong luật bao gồm cả phá thai.

Vào tháng trước, các Giám mục Hoa Kỳ đã đệ đơn yêu cầu tòa án hủy bỏ quy định về điều chỉnh việc phá thai.

“Các nhà tuyển dụng tôn giáo nên tôn trọng mục đích ủng hộ phụ nữ, ủng hộ sự sống của luật mà Quốc hội đã thông qua và cung cấp cho những nhân viên đang mang thai những phương tiện trợ giúp hợp lý để họ có thai kỳ khỏe mạnh”, các Giám mục kết luận.

Ngày 28 tháng 6: Sự văn minh

Vào ngày này, các tín hữu Công giáo được mời gọi cầu nguyện để “Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết nhớ đến phẩm giá của tất cả mọi người và mời gọi những người khác cũng làm như vậy”.

“Với tư cách là một Giáo hội và một quốc gia, chúng ta bị phân cực và chia rẽ. Nhưng như Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Fratelli Tutti, chúng ta có thể tìm kiếm ‘một hình thức chính trị tốt hơn, một hình thức chính trị thực sự phục vụ công ích’”, các Giám mục viết.

“Chúng ta có thể coi mình là thành viên của một gia đình. Chúng ta có thể tìm cách gặp gỡ và phát triển. Chúng ta có thể xác định các giá trị chung. Chúng ta có thể lắng nghe để hiểu. Chúng ta có thể cùng nhau tìm kiếm sự thật. Chúng ta có thể cùng nhau đưa ra những giải pháp sáng tạo cho những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt”.

Để đạt được mục tiêu này, các Giám mục đã thúc đẩy một sáng kiến ​​được hình thành vào năm 2021 có tên là “Truyền bá sự Văn minh” (Civilize It), được đưa ra nhằm thúc đẩy sự văn minh trong bối cảnh của sự phân cực chính trị, lấy cảm hứng từ Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngày 29 tháng 6: Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Công giáo

Vào ngày này, các tín hữu được mời gọi cầu nguyện để các chính phủ sẽ tôn trọng lương tâm của tất cả các cá nhân và tổ chức chăm sóc các bệnh nhân và những người dễ bị tổn thương, các Giám mục nói.

“Trong nhiều thế kỷ, các Kitô hữu đã thực hiện sứ vụ chữa lành của Chúa Kitô bằng cách xây dựng các cơ sở chuyên cung cấp thuốc men và đồng hành với người đang hấp hối. Tuy nhiên, các bệnh viện Công giáo và các chuyên gia y tế ngày nay phải đối mặt với vô số thách thức đối với sứ mạng của họ”, các Giám mục nói.

Trong số những thách thức này, các Giám mục nói, là sự xói mòn các biện pháp bảo vệ lương tâm dưới thời chính quyền Biden đối với các chuyên gia y tế phản đối các hoạt động và thủ tục như phá thai và phẫu thuật chuyển giới.

Trước vấn đề này, các tín hữu Công giáo được mời gọi cầu nguyện để các chính phủ tôn trọng lương tâm của tất cả các cá nhân và tổ chức chăm sóc các bệnh nhân và những người dễ bị tổn thương. Các Giám mục cũng mời gọi các tín hữu Công giáo đăng ký để nhận thông báo về những cơ hội mới nhằm cho các cơ quan chính phủ biết rằng họ “ủng hộ quyền của Giáo hội trong việc vận hành các tổ chức của mình phù hợp với đức tin của Giáo hội vào Chúa Giêsu Kitô”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết