Các Giám mục Công giáo Nga lên tiếng về cuộc chiến của Putin

(Ảnh: Olga MALTSEVA | AFP)

(Ảnh: Olga MALTSEVA | AFP)

Hội đồng Giám mục Công giáo Nga đã đưa ra một tuyên bố gọi cuộc xâm lược Ukraine của Moscow là một “cuộc đối đầu khắc nghiệt” vốn “đe dọa sự tồn tại của toàn thế giới”.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin huy động một phần nhằm thúc đẩy các nỗ lực chiến tranh của ông ở Ukraine, Hội đồng Giám mục Công giáo Nga đã đưa ra lời kêu gọi trong đó nói rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” đã tạo ra “hàng nghìn nạn nhân” và đồng thời “làm xói mòn lòng tin và sự thống nhất giữa các quốc gia”.

“Cuộc đối đầu gay gắt ở Ukraine đã trở thành một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn đã gây ra hàng nghìn nạn nhân, làm xói mòn lòng tin và sự đoàn kết giữa các quốc gia và các dân tộc, đồng thời đe dọa sự tồn tại của toàn thế giới”, theo nội dung tuyên bố được công bố hôm thứ Tư ngày 28 tháng 9 và được ký bởi Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi của Tổng Giáo phận Công giáo Latinh Mẹ Thiên Chúa tại Moscow, thay mặt cho Hội đồng Giám mục.

Các Giám mục Công giáo nghi lễ Latinh trong nước, chỉ có 5 vị Giám chức, đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình.

Kể từ sau cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, chính phủ Nga đã đàn áp các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Nga. Ngay cả việc gọi “hoạt động quân sự đặc biệt” là một cuộc chiến cũng có thể khiến ai đó phải ngồi tù.

Lời kêu gọi gần đây của Putin đối với những người dự bị quân sự đã vấp phải sự phản đối của nhiều người và một cuộc di cư ồ ạt của những người đàn ông trốn khỏi đất nước, những người không sẵn sàng tham chiến ở Ukraine.

“Chúng tôi muốn làm theo Giáo huấn của Giáo hội, theo Phúc âm và Truyền thống của Giáo hội lâu đời: Chiến tranh chưa bao giờ cũng như sẽ không phải là phương tiện giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia”, theo nội dung lời kêu gọi của các Giám mục, trích dẫn lời của Đức Giáo hoàng Piô XII, người vào năm 1939 đã tuyên bố: “Chẳng có gì mất đi khi có hòa bình, mọi thứ đều có thể biến mất với chiến tranh”.

Họ cũng trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã chia sẻ trong Thánh lễ mà ngài cử hành tại Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9:

“Chớ gì chúng ta đừng bao giờ quen với chiến tranh, hoặc cam chịu sự tất yếu của nó. Chúng ta hãy giúp đỡ những người đau khổ và nhấn mạnh rằng những nỗ lực thực sự phải được thực hiện để đạt được hòa bình. Điều gì vẫn cần phải xảy ra, và sẽ còn bao nhiêu người phải ngã xuống, trước khi xung đột nhường đường cho đối thoại vì lợi ích của các dân tộc, các quốc gia và toàn thể nhân loại? Giải pháp duy nhất là hòa bình và cách thức duy nhất để đạt được hòa bình là thông qua đối thoại”.

Sự phản đối theo lương tâm

 Hội đồng Giám mục Nga cho phép các chính phủ đôi khi phải tự vệ về mặt quân sự, và các công dân được kêu gọi chiến đấu phải hoàn thành nghĩa vụ của mình miễn là lương tâm của họ nhận thấy rằng hành động quân sự là chính đáng. Các Giám mục trích dẫn Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (2302-2317), thừa nhận việc sử dụng chiến tranh để phòng vệ chính đáng và chỉ trong trường hợp một số điều kiện nhất định xảy ra.

Trái ngược với thông báo của chính phủ vào ngày 25 tháng 9 rằng những người phản đối theo lương tâm sẽ không có lựa chọn thực hiện dịch vụ cộng đồng thay vì cầm vũ khí, các Giám mục cho biết trong tuyên bố của họ rằng Hiến pháp Nga bảo vệ những người phản đối theo lương tâm.

Lời kêu gọi của họ cũng tuyên bố rằng việc tham gia chiến tranh của các Giám mục bị cấm theo truyền thống của Giáo hội và theo các công ước quốc tế.

Tuyên bố kết thúc với lời kêu gọi tất cả các tín hữu Công giáo ở Nga ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình, đồng thời kêu gọi các Linh mục dâng Thánh lễ với những lời cầu nguyện cụ thể cho cùng một ý chỉ.

Đức Phanxicô: Đây là cuộc chiến phức tạp

Trong khi đó, bản ghi cuộc trò chuyện giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các Tu sĩ Dòng Tên ở Nga và các quốc gia khác đã được phát hành, tiết lộ thêm về thái độ của Đức Thánh Cha đối với cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.

“Có một cuộc chiến đang diễn ra và tôi thiết nghĩ thật sai lầm khi nghĩ nó giống như một bộ phim cao bồi, trong đó có cả người tốt lẫn kẻ xấu”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu hôm 15 tháng 9, trong một cuộc họp mà ngài tổ chức trong chuyến Tông du đến Kazakhstan. “Và cũng thật sai lầm khi nghĩ rằng đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và chỉ có thế. Không. Đây là một cuộc chiến tranh thế giới”.

Vị Giáo hoàng Dòng Tên đã thường xuyên gặp gỡ các thành viên của Dòng Chúa Giêsu trong các chuyến Tông du nước ngoài. Đây là cuộc gặp gỡ với các Tu sĩ Dòng Tên đang làm việc tại Khu vực người Nga của Dòng Tên, đặc biệt là ở Nga, Belarus và Kyrgyzstan.

Những lời bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại những tuyên bố trước đây vốn đặt vấn đề về câu chuyện rằng trách nhiệm cho cuộc xâm lược Ukraine phải được đặt hoàn toàn dưới chân Moscow. Đức Thánh Cha cho biết rằng tất cả không phải chỉ có như vậy và không cần bàn gì thêm.

“Người ta phải điều tra các động lực phát triển xung đột”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Có những yếu tố quốc tế đã góp phần kích động chiến tranh. Tôi đã đề cập rằng một nguyên thủ quốc gia, vào tháng 12 năm ngoái, đã đến nói với tôi rằng ông ấy rất lo ngại vì NATO đã sủa tại các cửa khẩu của nước Nga mà không hiểu rằng người Nga là một đế quốc và họ lo sợ mất an ninh biên giới. Ông ấy bày tỏ lo sợ rằng điều này sẽ kích động một cuộc chiến, và chiến tranh đã nổ ra sau đó hai tháng”.

Khi Nga tăng cường quân sự dọc theo biên giới Ukraine trong suốt năm 2021 và đầu năm 2022, ông Putin đã bày tỏ quan ngại rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã mở rộng sang các quốc gia ngày càng gần Nga hơn. Ông đặc biệt tìm kiếm sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ không tham gia Liên minh.

“Vì vậy, người ta không thể đơn giản hóa lý luận về nguyên nhân của cuộc xung đột. Tôi thấy các đế quốc đang xung đột”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục. “Và khi họ cảm thấy bị đe dọa và suy tàn, những người theo chủ nghĩa đế quốc phản ứng bằng cách nghĩ rằng giải pháp là tiến hành một cuộc chiến tranh để tự làm lại chính họ, đồng thời cũng nhằm mục đích bán và thử nghiệm vũ khí”.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan điểm của mình rằng “chúng ta đang trải qua qua Thế chiến III”, một ý tưởng mà ngài đã đề xuất trong vài năm qua.

Bất chấp sự ám chỉ của Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc trò chuyện với “vị nguyên thủ quốc gia” giấu tên, Đức Thánh Cha vẫn nhấn mạnh rằng “nạn nhân” của cuộc xung đột hiện nay là Ukraine. Đức Thánh Cha nhắc nhở các khán thính giả của mình rằng trước đây ngài đã gọi cuộc xâm lược Ukraine là một “hành động xâm lược không thể chấp nhận được, đáng ghê tởm, vô nghĩa, man rợ, phạm thánh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cho Ukraine trong hầu hết các bài phát biểu công khai.

Minh Tuệ (theo Aleteia)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube