Các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ khẳng định sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Ukraine với Nga

 Đức Tổng Giám mục Công giáo Ukraine Borys Gudziak, Tổng giáo phận Công giáo Ukraine, Philadelphia

Đức Tổng Giám mục Công giáo Ukraine Borys Gudziak, Tổng giáo phận Công giáo Ukraine, Philadelphia

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Gudziak cho biết rằng 14 triệu người Ukraine đã phải di tản và đồng thời kêu gọi các Giám mục giúp chào đón thêm nhiều người Ukraine nhập cư vào Hoa Kỳ.

Các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã thể hiện sự ủng hộ của họ đối với nỗ lực chiến tranh Ukraine tại cuộc họp mùa thu của họ ở Baltimore hôm thứ Tư, cam kết liên đới và tiếp tục viện trợ nhân đạo sau bài phát biểu sôi nổi về cuộc chiến chống Nga của Đức Tổng Giám mục Công giáo Ukraine Borys Gudziak.

Đức Hồng Y Robert McElroy Địa phận San Diego, người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Hồng y đoàn vào tháng 5 vừa qua, đã kêu gọi Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đứng về phía Ukraine.

Đề cập đến những lời đồn đoán rằng Quốc hội Hoa Kỳ có thể làm giảm cam kết của quốc gia đối với nỗ lực chiến tranh ở Ukraine, Đức Giám mục McElroy kêu gọi các Giám mục hành động nhanh chóng để đảm bảo sự ủng hộ tiếp tục của Hoa Kỳ.

“Tôi kêu gọi Hội đồng Giám mục đặt ưu tiên cao độ để hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn bất kỳ động thái nào trong chính sách quốc gia của chúng ta theo hướng đó”, Đức Giám mục McElroy nói.

Ghi nhận sự ủng hộ trong quá khứ của mình đối với việc theo đuổi các biện pháp hòa bình nhằm chấm dứt xung đột, Đức Giám mục McElroy cho biết rằng cuộc chiến giữa Ukraine và Nga thì khác.

“Đây là một trường hợp đòi hỏi cần phải phản kháng”, Đức Giám mục McElroy nói với các Giám mục đang hiện diện.

‘Đó là Tự do hay Cái chết’

Những bình luận của Đức Giám mục McElroy được đưa ra sau bài phát biểu xúc động của Đức Tổng Giám mục Gudziak, Tổng Giám mục người Mỹ của Tổng giáo phận Công giáo Ukraine ở Philadelphia, trong đó ngài cảm ơn các Giám mục đã đứng về phía Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Gudziak đã mô tả cuộc xâm lược của Nga như một dấu chỉ của hình thức “chủ nghĩa đế quốc” không còn được dung thứ trên thế giới.

“Nga là đế chế cuối cùng của châu Âu, và thật đáng hổ thẹn, nó là đế quốc cuối cùng lợi dụng Tin Mừng, lợi dụng Giáo hội, để biện minh cho chủ nghĩa thực dân”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói.

Đức Tổng Giám mục Gudziak cảm ơn các Giám mục vì “sự liên đới của Giáo hội Công giáo cũng như sự liên đới của người Mỹ” với người dân Ukraine, những người mà ngài nói vẫn còn công khai phản đối.

 “Người Ukraine đang nói rằng: ‘Mọi chuyện đã kết thúc. Chúng tôi sẽ không trở thành thuộc địa. Chúng tôi sẽ không trở thành những kẻ bị trị. Đã qua rồi. Đó là tự do hay là cái chết”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói.

Khi được hỏi về cơ hội đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói rằng Nga trước hết cần phải rời khỏi Ukraine.

“Tất cả người dân Ukraine đều hết sức ủng hộ hòa bình; đất nước đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, giảm 80% quân đội và họ chỉ mong muốn hòa bình trên khắp đất nước. Vì vậy, khi Nga sẵn sàng rời đi, các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán sẽ được đưa ra”, vị Giám chức phát biểu với CNA.

“Giống như ai đó xông vào nhà bạn, chiếm phòng ngủ của bạn và nói: ‘Bây giờ chúng ta hãy thương lượng về nhà bếp của bạn’”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói.

Viện trợ của Hoa Kỳ và Giáo hội Công giáo cho Ukraine

Bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Gudziak đã thừa nhận sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ đối với nỗ lực chiến tranh. Chính quyền Biden đã cam kết hỗ trợ quân sự 18,2 tỷ đô la cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược và đã đóng góp 302 triệu đô la viện trợ nhân đạo trong năm nay.

Khi cảm ơn sự trợ giúp của các Giám mục, Đức Tổng Giám mục Gudziak lưu ý rằng các Giáo phận Công giáo đã quyên góp được 40 triệu đô la cho việc viện trợ nhân đạo, tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (CRS) đã đóng góp 100 triệu đô la (với một số dưới hình thức hợp đồng của chính phủ) và Tổ chức Hiệp sĩ Columbus cũng đã quyên góp thêm 20 triệu đô la.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Gudziak cho biết rằng 14 triệu người Ukraine đã phải di tản và đồng thời kêu gọi các Giám mục giúp chào đón thêm nhiều người Ukraine nhập cư vào Hoa Kỳ.

“Cùng với Đức Giám mục Mario Dorsonville, chúng tôi yêu cầu tất cả các Giáo phận và tất cả các Giám mục cân nhắc tiếp nhận một gia đình. Bạn chỉ có thể tiếp cận quỹ nhân đạo nếu bạn được bảo lãnh. Cho đến nay đã có 150.000 người đã tiếp cận được với quỹ nhân đạo”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói.

Vị Giám chức đã so sánh 150.000 người Ukraine được chào đón vào Hoa Kỳ với số lượng lớn hơn được các quốc gia châu Âu chào đón.

“Nhưng hãy nhìn vào sự tiếp đón của người dân châu Âu. Ba Lan và Đức hiện đã tiếp nhận hơn một triệu người. Pháp tiếp nhận 200.000 người và Ý có lẽ có 300.000 người. Tất cả các quốc gia này đã rất hào phóng”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói.

Đức Tổng Giám mục Gudziak nhắn nhủ với các Giám mục tập hợp rằng Giáo hội Công giáo ở Ukraine và Hoa Kỳ đã có tác động tích cực đến Ukraine, đặc biệt là đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Vị Giám chức cho biết cựu diễn viên hài 44 tuổi đã trở thành “tín đồ” của người Công giáo Ukraine và được họ “phong thánh”.

“Các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ đã ủng hộ Giáo hội Công giáo bất chấp những thăng trầm và khó khăn thử thách ở Ukraine”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói. “Anh chị em đã giúp đỡ thông qua học bổng, thông qua việc thực tập, thông qua các điều kiện đào tạo trong các Chủng viện, các Tu sĩ và anh chị em giáo dân để mọi người hiểu Học thuyết Xã hội Công giáo là gì. Đó là sự hỗ trợ trong quân đội, đó là sự liên đới giữa những người tị nạn. Đó là sự sẵn sàng hy sinh mạng sống của anh chị em vì phẩm giá Thiên Chúa đã ban tặng”.

Về Tổng thống Zelenskyy, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói: “Đó là cuộc trò chuyện về lòng hào hiệp phổ biến, và nó đã trở thành ngôn ngữ của một Tổng thống thế tục. Ông ấy không biết rằng anh chị em đã tác động đến ông ấy. Và ông ấy đang ảnh hưởng trở lại thế giới. Ông ấy đang mang ngôn ngữ của các giá trị trở lại diễn ngôn địa chính trị toàn cầu trên thế giới”.

 Các Giám mục đã dành cho Đức Tổng Giám mục Gudziak sự hoan nghênh nhiệt liệt. Sau bài phát biểu, một số Giám mục đã đứng lên để khẳng định sự ủng hộ của các Giám mục Hoa Kỳ đối với Ukraine và cam kết tiếp tục viện trợ nhân đạo.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube