Các chuyên gia: Nigeria có nhiều Kitô hữu tử đạo hơn bất kỳ nơi nào khác trên trái đất

Ảnh tư liệu về cậu bé giúp lễ tại Nhà thờ Công giáo St. Charles ở Kano, Nigeria, vào năm 2019 (Ảnh: Ben Curtis/AP.)

Ảnh tư liệu về cậu bé giúp lễ tại Nhà thờ Công giáo St. Charles ở Kano, Nigeria, vào năm 2019 (Ảnh: Ben Curtis/AP)

YAOUNDÈ, Cameroon – Khi “Mary Olowe”, một biệt danh được sử dụng vì mục đích an ninh, cải đạo từ Hồi giáo sang Kitô giáo, cha và các anh trai của chị đã đe dọa giết chị. Lo sợ cho tính mạng của con gái mình, mẹ của Mary đã đưa chị đến một cộng đồng Kitô giáo và cả hai đã tìm kiếm và may mắn nhận được lệnh bảo vệ từ tòa án cấp cao ở miền bắc Nigeria.

Lệnh của tòa án ngăn cản cha và các anh trai của Mary “đe dọa tính mạng của nguyên đơn sau quyết định thay đổi từ thực hành Hồi giáo sang Kitô giáo của chị và cũng không vi phạm các quyền cơ bản của chị về việc lựa chọn tôn giáo hoặc suy nghĩ của mình”.

Chiến thắng biệt lập đó đã mang lại sự nhẹ nhõm phần nào cho Mary và mẹ của chị, cũng như cho tất cả những người bảo vệ Kitô giáo khỏi bị tấn công.

“Chúng tôi rất biết ơn khi tòa án và cộng đồng có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ cho những người cải đạo”, Megan Meador, Cán bộ Truyền thông của tổ chức vận động pháp lý dựa trên đức tin, Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế (ADF), cho biết.

“Nhưng xu hướng ở nhiều nơi thật tồi tệ”, bà Meador cho biết thêm, thừa nhận sự khó khăn trong việc sống đức tin Kitô giáo ở quốc gia đông dân nhất Châu Phi.

“Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Nigeria, bao gồm các Kitô hữu như Maryam đã cải đạo từ Hồi giáo, thường bị từ chối khả năng tự do sống theo đức tin của họ vì các mối đe dọa và tấn công có chủ đích chống lại họ”, bà Meador phát biểu với Crux.

“Điều này đặc biệt khó khăn đối với những người cải đạo Kitô giáo, đặc biệt là ở miền bắc đất nước, bởi vì thường thì bạn bè và gia đình của họ, hoặc thậm chí cả cộng đồng, đều từ chối họ”.

Bà Meador cho biết 20 năm qua đã được đánh dấu bằng xu hướng bất khoan dung tôn giáo ngày càng gia tăng ở Nigeria, đặc biệt là ở miền Bắc. Và đất nước này đã nổi tiếng là quốc gia bách hại các Kitô hữu tồi tệ nhất thế giới.

Trong số 5.500 Kitô hữu bị giết hại vào năm ngoái vì đức tin, 90% là người Nigeria. Theo báo cáo tháng 4 của Hiệp hội Quốc tế về Tự do Dân sự và Pháp quyền (Intersociety), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính ở Đông Nigeria, ít nhất 52.250 người đã bị sát hại trong 14 năm qua ở Nigeria vì là người Kitô hữu.

“Có nhiều vị tử đạo Kitô giáo ở Nigeria hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất. 90% Kitô hữu bị giết hại vì đức tin của họ trong năm qua đã bị sát hại ở Nigeria”, bà Meador nói với Crux.

“Cuộc đàn áp xuất phát từ những kẻ khủng bố, từ lực lượng dân quân cầm dao rựa, từ bạo lực đám đông và luật pháp ngầm khuyến khích họ, và từ chính quyền thờ ơ với tình trạng hỗn loạn và coi nhẹ những hành động tàn bạo này, cho phép những kẻ thủ phạm được tự do trong khi trừng phạt các nạn nhân”.

Hiến pháp Nigeria rõ ràng nghiêm cấm chính phủ liên bang và tiểu bang thiết lập một tôn giáo quốc gia, cấm thành kiến tôn giáo và đảm bảo quyền tự do lựa chọn, thực hành, truyền bá hoặc sửa đổi đức tin của người dân.

Bà Meador thừa nhận rằng Hiến pháp về mặt giá trị “cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ cho quyền tự do tôn giáo, ngang bằng với sự bảo vệ theo luật pháp quốc tế. Nhưng khi các bang thực thi luật hình sự Sharia, rõ ràng nó đã vượt quá hiến pháp và dẫn tới những kết quả bi thảm”.

“Chúng tôi đã có những trường hợp các Kitô hữu bị đưa ra trước tòa án Sharia, không có thẩm quyền xét xử, và bị buộc tội về các tội như bội đạo, vốn không được coi là tội phạm ở Nigeria”, bà Meador nói.

“Hiện tại, chúng tôi đang ủng hộ một ca sĩ trẻ theo Hồi giáo Sufi, Yahaya Sharif-Aminu, người đã bị kết án tử hình vì cáo buộc báng bổ vì đăng lời bài hát lên mạng xã hội và hiện đang chính thức phản đối luật đó tại Tòa án Tối cao. Nigeria cần thực hiện đầy đủ những gì được Hiến pháp bảo vệ”, Meador nói.

Bà Meador cho biết tổ chức của bà đã hỗ trợ các trường hợp tự do tôn giáo ở Nigeria trong nhiều năm – các Kitôh hữu phải đối mặt với các vụ tấn công, cáo buộc sai trái và phân biệt đối xử, và các nhóm tôn giáo thiểu số muốn bày tỏ niềm tin của mình một cách tự do mà không sợ luật pháp và cáo buộc báng bổ.

“Các luật sư đồng minh mà chúng tôi hợp tác là những người bảo vệ đáng kinh ngạc, tận tâm và không mệt mỏi cho quyền cơ bản về tự do tôn giáo, và chúng tôi đã và đang hỗ trợ sự phát triển của nhiều luật sư hơn để bảo vệ nhiều cá nhân hơn. Chúng tôi cũng đã làm việc với các chính phủ và tổ chức quốc tế ở cấp cao nhất để họ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của cuộc đàn áp và khuyến khích họ hành động nhiều hơn nữa”.

“Chúng tôi muốn mọi nạn nhân đều có thể tìm đến công lý và muốn thấy những thay đổi rộng rãi hơn về luật pháp và chính sách nhằm ngăn chặn việc các Kitô hữu ở Nigeria tiếp tục trở thành nạn nhân”, bà Meador nói.

Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, bà Meador tin rằng đã đến lúc cần phải có sự phản đối kịch liệt “từ mọi nơi trên thế giới về những gì đang xảy ra với các Kitô hữu ở Nigeria, nhưng thường thì không có như vậy”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube