Trong những thập niên gần đây, đời sống tu trì nói chung, và Dòng Chúa Cứu Thế nói riêng, đã chứng kiến nhiều hơn bao giờ hết nhu cầu bức thiết về tái cấu trúc (restructuring) và đem lại sức sống mới (revitalization) sẽ cho phép chúng ta đáp ứng lại những nhu cầu của một thế giới toàn cầu hóa, tục hóa và luôn luôn thay đổi. Nói một cách chính xác, các ưu tiên cơ bản, những mục vụ cấp bách và các sứ vụ cần ưu tiên hơn được xác định trong các Kế hoạch Tông đồ của mỗi Vùng (conference) sẽ giúp chúng ta xác định trọng tâm và vị trí của mình trong thế giới bị thương tổn ngày nay.
Trong bối cảnh luôn thay đổi này, lý do tồn tại (raison d’être) của ơn gọi và đặc sủng của chúng ta có thể trở nên mờ nhạt. Chúng ta hiểu lý do tồn tại của mình phải là “Bước theo Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế trong việc rao giảng Lời Chúa cho người nghèo.” Một cách chính xác, một trong những nguyên tắc cơ bản của quá trình tái cấu trúc trong những năm gần đây luôn khẳng định: tái cấu trúc là vì sứ vụ. Nhưng là sứ vụ nào? Thưa, đó phải là việc loan báo Tin mừng cho những người bị bỏ rơi nhất, đặc biệt là người nghèo. Đây là sứ vụ mà Dòng Chúa Cứu Thế đã lãnh nhận và là tâm điểm của mọi công tác tông đồ. Do đó, điều cấp thiết là phải duy trì một bầu khí liên tục suy tư về các mối liên kết chặt chẽ tồn tại giữa đức tin Kitô giáo, đặc sủng Dòng Chúa Cứu Thế, và hành động cụ thể của chúng ta trong việc ủng hộ công lý, hòa bình và tính toàn vẹn của hệ sinh thái (the integrity of Creation), và do đó có thể ứng đáp cách đầy đủ cho sứ mệnh mà chúng ta đã nhận lãnh. Chúng ta không thể – và chúng ta thậm chí cũng không nên cố gắng – để phân tách việc thúc đẩy công lý, hòa bình và sự toàn vẹn của hệ sinh thái ra khỏi việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì tất cả những việc ấy thuộc về sứ vụ truyền giáo duy nhất. Công lý, hòa bình và tính toàn vẹn của hệ sinh thái có liên quan chặt chẽ với nhau và liên kết tự trong bản chất với sứ vụ của chúng ta.
Bạo lực và bất bình đẳng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của nghèo đói, và nghèo đói, đến lượt nó, là một nguyên nhân của bạo lực giữa các cá nhân, các nhóm và tàn phá trái đất, tất cả hội tụ để làm suy yếu sự sống dồi dào mà mỗi người và chính bản thân trái đất xứng đáng có được. Chúa Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình và công lý. Mối liên kết này đã được xác nhận khi Công đồng Vatican II khẳng định rằng sự bất bình đẳng quá mức về kinh tế và xã hội giữa các thành viên và các dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại đe dọa phẩm giá của con người và trái ngược với công bằng xã hội và hòa bình quốc tế (xem GS. 29). Hơn nữa, tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất hội tụ trong một tiếng kêu duy nhất (xem LS. 48), vì rằng khi ngôi nhà chung bị lạm dụng, chính những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất phải chịu đựng nhiều nhất bởi tác động của ô nhiễm, phá rừng, sa mạc hóa, và xói mòn đất. Do đó, hoạt động vì công lý, hòa bình và chăm sóc hệ sinh thái thể hiện sự trung thành với sứ mệnh và đặc sủng mà chúng ta đã nhận trong tư cách là những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Tổng Công Hội XXV đã lựa chọn cách diễn đạt “thế giới đầy thương tổn” như một cách mô tả lĩnh vực hành động và đối tượng thụ hưởng thành quả công việc của Dòng Chúa Cứu Thế. Đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, việc chữa lành một thế giới bị thương tổn đồng nghĩa với việc xây dựng một thế giới hài hòa hơn, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta. Rõ ràng công việc này hoàn toàn phù hợp với hiến pháp, vốn nêu rõ rằng sứ mệnh của chúng ta được đặc trưng bằng việc phục vụ con người, đặc biệt là “người nghèo và những người bị bỏ rơi hơn hết bởi Giáo hội và cả xã hội” (Hiến pháp 14). Sứ mệnh này bao hàm “giải phóng và ơn cứu độ con người toàn diện.” Chính sứ mệnh này dẫn dắt mọi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế “liên đới với người nghèo bằng cách thúc đẩy các quyền cơ bản về công lý và sự tự do của họ” (Hiến pháp 5). Vì vậy, theo gương của Đức Kitô trong việc tận hiến cho những người bị áp bức bởi sự dữ và tất cả các biểu hiện của nó, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhận lấy “lựa chọn cho người nghèo” (option for the poor) là lý do tồn tại của mình trong lòng Giáo hội (xem Hiến Pháp số 5).
Như vậy, sứ mệnh của chúng ta bao gồm việc rao giảng về Chúa Giêsu Kitô, trong tình liên đới với người nghèo và giải phóng cấu trúc của sự chết (structure of death), một lời rao giảng được minh chứng bởi việc loan báo Tin Mừng, và bởi lối sống của chúng ta và cam kết của chúng ta trong việc biến đổi xã hội.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định rằng “các vấn đề xã hội và Tin Mừng là không thể tách rời” (Bài giảng ngày 10 tháng 9, năm 2006). Vì lý do đó, việc thúc đẩy công lý và hòa bình không đơn thuần chỉ là việc thích thì làm hoặc chỉ là một lựa chọn ý thức hệ (cho dù cánh tả hay cánh hữu). Ý thức về cam kết xã hội là tinh thần mà chúng ta phải kết hợp trong các hành động của mình bởi vì đây là căn tính của sứ mạng Dòng Chúa Cứu Thế.” Trong mọi trường hợp, loan báo Tin Mừng không chỉ gói gọn trong việc dạy một mớ giáo lý nhưng là sự loan báo về Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói và hành động, nói cách khác, trở thành một công cụ cho sự hiện diện và hành động của Ngài trong thế giới này.”
Người ta có thể cho rằng mục vụ xã hội là một lĩnh vực chuyên môn dành riêng cho một nhóm hoặc cho những “chuyên gia” và những người “gắn bó với lĩnh vực này.” Sự thật là mục vụ xã hội không là một trách nhiệm độc quyền của riêng, đồng thời không ai có thể giả vờ lảng tránh tham gia, vì rằng các các giá trị của công lý, hòa bình và tính toàn vẹn của hệ sinh thái xuất từ cùng một ơn cứu độ và sự giải phóng toàn diện mà Đấng Cứu Thế của chúng ta đã khai mở. Nhận thức này nên thấm nhuần trong cách chúng ta suy nghĩ và thực hiện đặc sủng của chúng ta và dẫn chúng ta đến thói quen mới phù hợp hơn với các điều cốt yếu của đức tin Kitô giáo của chúng ta và với cam kết của chúng ta trong tư cách là những người được thánh hiến.
Nếu ơn gọi của chúng ta về bản chất là bước theo dấu chân của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, nhân cách của chúng ta với tư cách là các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải luôn được uốn nắn bởi những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã làm. Các sách Tin Mừng cho chúng ta hiểu rằng sứ mệnh của Chúa Giêsu liên kết chặt chẽ với thế giới của người nghèo. Bên trong hội đường ở Nazareth, lời phát biểu của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo là không thể tách rời con người của Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài. Điều này khiến chúng tôi nhận ra và tái khẳng định rằng dấu chỉ đặc trưng của Dòng Chúa Cứu Thế do Thánh Anphongsô thành lập là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Câu hỏi gợi ý suy ngẫm:
1. Vai trò của Mục vụ Xã hội trong sứ vụ của Dòng Chúa Cứu Thế là gì ?
2. Chúng ta là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế theo những cách cụ thể nào làm cho Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hiện diện trong thế giới?
Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ