Chúng ta cần những quả khinh khí cầu để Việt Nam phát triển và bay cao bay xa, chứ không phải những bong bóng xà phòng được nhà nước thổi lên, chỉ có thể làm cho những đứa trẻ vui thú trong chốc lát.
Một khối cầu được tạo ra bởi một màng rất mỏng từ hỗn hợp nước và xà phòng đẹp lung linh, hút hồn, quyến rũ với bảy sắc cầu vồng tươi tắn chuyển động nhẹ nhàng, lủng lơ trong không khí. Bong bóng xà phòng mỏng manh dễ vỡ trong không khí hay khi va chạm với những vật khác. Nó đơn thuần là hình thức giải trí dân dã, không tốn kém, luôn có sức cuốn hút trẻ con nhưng lại làm phiền người lớn.
Cái bong bóng xà phòng ấy được “chú vành khuyên” Mai Phan Lợi thổi lên Facebook khi đề cập đến “những mảnh vỡ” được tìm thấy của chiếc phi cơ CASA cứu hộ mất tích. Và chú đã “tan xác” khi bị Bộ Thông tin Tuyên truyền rút thẻ nhà báo vì đã “tàn nhẫn” xoáy vào nỗi đau của các chiến sĩ nạn nhân. Mới đây, ngày 23/6/ 2016 cô Trần Thị Mỹ Hà, giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã bị quyết định hình thức cảnh cáo về mặt đảng vì “thổi bong bóng” trên trang facebook của mình, khi cho rằng quyết định đặc cách cho vợ của phi công Trần Quang Khải, người đã hy sinh trong vụ máy bay rơi, vào trường chuyên Chu Văn An, là “giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học”. Trước đó, ngày 15/10/2015, cô giáo Lê Thị Thùy Trang bị phạt 5 triệu vì “thổi bong bóng” Chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã xa dân lại kênh kiệu.
Nhà cầm quyền đã thổi một “chùm bong bóng” những quy định chế tài cho những ai ham “thổi bong bóng” trên mạng, từ công sở, công ty, nhà trường và từng cá nhân.
Loại trừ những lời lẽ vu khống và vi phạm đạo đức khi nhận xét, chỉ trích, phê bình… còn thì phải chấp nhận việc bày tỏ ý kiến thuộc quyền tự do ngôn luận, là một quyền của con người, nhất là trong những vấn đề liên quan đến quốc gia, dân tộc do bởi những cái sai, cái xấu từ những chính sách và sự ứng xử của chính quyền.
Nhưng làm sao phân biệt được làn ranh mỏng manh và thường bị cắt nghĩa có tính quy chụp giữa việc đấu tranh chống lạm quyền, tham nhũng với tội chống đối chế độ; giữa việc phê phán hành vi vi phạm quyền công dân với tội chống người thi hành công vụ; giữa quyền thông tin được quy định trong luật pháp với tội lợi dụng truyền thông để tác động xấu tới xã hội; giữa việc phản kháng những chủ trương sai, những chính sách bất lợi cho người dân với tội chống đối luật pháp của nhà nước, chống đối đường lối của đảng?
Làm sao minh bạch được sự phân biệt giữa ý kiến đúng, trung thực của cá nhân và “bong bóng xà phòng?”… Ai sẽ là trọng tài hoặc thẩm phán minh xử công minh?
Nhà nước vừa khuyến khích các cơ quan truyền thông và người dân đưa thông tin đúng, chính xác, khách quan, kịp thời, để tạo niềm tin trong xã hội, nhưng lại luôn có những biện pháp khống chế bằng những thái độ thiếu minh bạch, che giấu sự thật, đánh lận con đen, lấp liếm thực chất các vấn đề của những thông tin ấy, cũng như sẵn sàng huy động cả hệ thống truyền thông tuyên truyền vào việc đấu tố và khép tội lan truyền những thông tin độc hại, gây hoang mang trong xã hội, gây đủ thứ bất lợi những ai dại dột lỡ gõ vào trang facebook của mình những sự kiện có thật hoặc những cảm xúc chân thành.
Về phương diện này, chính quyền Việt Nam quả xuất sắc trong việc “thổi bong bóng” với những sắc màu vu khống, dựng tội, hoặc như quả bong bóng ân huệ, nhân ái dành cho vợ con anh phi công tử nạn và những quả bong bóng lung linh tung hô góp phần từ hệ thống tuyên truyền và truyền thông nhà nước, đến độ người ta quên mất câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, vì sao hai chiếc phi cơ tối tân ấy lại, ừ thì không phải tan xác, nhưng “vỡ tan từng mảnh” trong không phận Việt Nam?
Từ việc lớn như làm chủ bầu trời tổ quốc đến cả bầu trời bé con “trên mạng”, nhà cầm quyền vì chỉ nghĩ đến một việc duy nhất là đánh bóng sự anh minh, thiên tài và duy trì sự tồn tại của chế độ mình, nên luôn tỏ ra cẩn trọng, e dè, nghi kị và sợ hãi. Có lẽ họ sợ cả cái bóng của chính họ. Nếu không thể lấy tay che bầu trời, thì vẫn còn giải pháp “thổi bong bóng”, những chùm quả bong bóng lung linh sắc màu hút mắt người dân, vừa né tránh vấn đề của mình vừa khoả lấp những vấn đề của người dân.
Trên đồng tiền của người Mỹ có câu “In God We Truth” cho thấy ít ra, họ còn tin vào Thượng đế, còn tín thác vào Chúa. Dù có thể trong xã hội, họ vẫn dùng những đồng tiền ấy để hối lộ và lấy những đồng tiền ấy để làm lệch cán cân công lý, nhưng họ vẫn tôn trọng sự thật, vẫn còn quý những người công khai đấu tranh cho sự thật. Còn ở nước ta, một khi chính quyền đã có chủ tâm dối trá, xây dựng nền tảng xã hội trên sự dối trá, thì sự thật vẫn là sự thật, sự thật như cây kim trong bọc, lâu ngày sẽ lòi ra, và lúc đó người ta sẽ thảng thốt kêu lên: “Oh my God”.
Chế độ này có thể tôn trọng sự thật? Chuyện hoang đường! Nếu chế độ này cứ mãi ngụp sâu trong sự giả dối, thì chuyện “thả bong bóng” sẽ còn dài dài trong những sự kiện, những nhân vật mà họ khoanh vùng là “nhạy cảm”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có lời phát biểu trước hàng nghìn cử toạ tại Hà Nội sáng ngày 24/5/2016: “Khi quyền tự do biểu đạt và quyền tự do ngôn luận được tôn trọng và khi người dân có thể chia sẻ ý tưởng, truy cập internet và mạng xã hội mà không bị cản trở, nó sẽ là nhiên liệu cho sự năng động mà nền kinh tế cần để phát triển. Đó là cách mà các ý tưởng mới hình thành, là cách mà Facebook xuất hiện. Đó là cách những công ty vĩ đại của chúng tôi hình thành. Vì con người có ý tưởng mới, mang tính khác biệt và họ có thể chia sẻ nó.
Khi quyền tự do báo chí được tôn trọng, khi nhà báo, blogger có thể đưa ra ánh sáng những vụ việc bất công và lạm dụng, nó sẽ khiến các công chức trở nên có trách nhiệm và giúp công chúng tự tin hơn rằng hệ thống thực sự hiệu quả.
Khi ứng cử viên có thể ứng cử và tranh cử một cách tự do và cử tri có thể chọn người lãnh đạo của mình trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, nó giúp cho đất nước bền vững vì người dân biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và sự thay đổi trong hòa bình là hoàn toàn có thể. Và nó cũng giúp có thêm nhân lực mới cho hệ thống.
Khi quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng, nó không chỉ cho phép người dân được bày tỏ tình yêu và đức tin của mình vào một tôn giáo nào đó mà còn cho phép các tổ chức tín ngưỡng được phục vụ cộng đồng của mình thông qua trường học, bệnh viện và chăm sóc người nghèo và những người yếu thế.
Khi quyền tự do hội họp được tôn trọng, và công dân có quyền tự do tham gia các tổ chức xã hội dân sự, đất nước sẽ có khả năng giải quyết các thách thức mà đôi khi chính quyền không thể tự mình đối phó.
Do đó, tôi cho rằng bảo vệ các quyền con người không phải là sự đe dọa cho sự ổn định xã hội mà chính là góp phần củng cố sự ổn định xã hội và là nền móng cho sự phát triển.
Ông còn nói: “Chúng tôi vẫn có vấn đề và vẫn bị chỉ trích; tôi cam đoan với các bạn, tôi nghe những lời chỉ trích đó hàng ngày.
Nhưng chính sức ép đó, những tranh luận mở đó, việc đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình, và việc cho phép mọi người đều được có tiếng nói, đã giúp chúng tôi lớn mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và công bình hơn.”
Chúng ta cần những quả khinh khí cầu để Việt Nam phát triển và bay cao bay xa, chứ không phải những bong bóng xà phòng được thổi lên bởi nhà nước chỉ để làm cho những đứa trẻ vui thú trong chốc lát.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.