Bốn quốc gia Mỹ Latinh nằm trong top 50 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các Kitô hữu

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Tổ chức Open Doors đã công bố một bảng xếp hạng cập nhật về 50 quốc gia đứng đầu trên thế giới nơi các Kitô hữu bị đàn áp nhiều nhất và bốn quốc gia Mỹ Latinh đã lọt vào danh sách này.

Cuộc nghiên cứu tiết lộ rằng “số lượng các tín hữu Kitô giáo bị ngược đãi lên đến tổng cộng 360 triệu người trên toàn thế giới”.

Kể từ năm 1993, Open Doors đã công bố bảng xếp hạng hàng năm về 50 quốc gia nơi mà việc theo Chúa Giêsu là điều gian nan nhất.

Theo nghiên cứu, Colombia là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu ở châu Mỹ và đứng thứ 22 trên toàn thế giới.

Bất chấp thực tế là hầu hết cư dân của quốc gia này đều theo Kitô giáo, các Kitô hữu ở các vùng nông thôn “chịu sự ngược đãi từ chính các cộng đồng bản địa của họ”.

Nghiên cứu của tổ chức Open Doors lưu ý rằng ở Colombia, “các nhóm du kích vũ trang và các băng nhóm vẫn tiếp tục kiểm soát và tranh giành phần lớn lãnh thổ quốc gia”.

Đối với các nhóm này, Giáo hội bị coi là “mối đe dọa đối với quyền lực và sự ổn định của họ, đặc biệt khi các thành viên băng đảng trở thành Kitô hữu hoặc các nhà lãnh đạo Giáo hội lên tiếng chống lại tình trạng bạo lực và vấn nạn tham nhũng”.

Quốc gia Châu Mỹ Latinh tiếp theo trong danh sách các quốc gia nguy hiểm nhất đối với Kitô hữu là Cuba, đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng, nơi Giáo hội liên tục bị đàn áp bởi chế độ cộng sản.

“Các nhà hoạt động Kitô giáo hoặc lãnh đạo Giáo hội lên tiếng chống lại vấn nạn tham nhũng hoặc các vấn đề chính trị có thể bị bắt giữ và bị cầm tù”, nghiên cứu lưu ý.

“Chính quyền biên soạn một cơ sở dữ liệu về các nhà thờ và linh mục bị coi là ‘phản cách mạng’, điều mà những Kitô hữu này lo sợ sẽ là một cách thức khác để theo dõi và kiểm soát họ”, Open Doors giải thích.

Mexico đứng thứ 38 trong danh sách này và là quốc gia nguy hiểm thứ ba đối với các Kitô hữu ở Mỹ Latinh.

Ở đất nước Aztec có khoảng 150 băng nhóm tội phạm có tổ chức được tài trợ bởi các băng đảng ma túy hùng mạnh.

Nghiên cứu giải thích rằng những Kitô hữu sống trong các khu vực do các nhóm này thống trị thường xuyên bị đe dọa vì dám lên tiếng chống lại vấn đề tội phạm.

Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn bởi “sự bất ổn chính trị và trạng thái miễn tội trước pháp luật góp phần vào việc thiếu công lý”.

Quốc gia Mỹ Latinh thứ tư và đứng cuối cùng trong danh sách top 50 là Nicaragua, quốc gia hiện đang bị trị bởi chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo.

“Các nhà thờ Công giáo La Mã dễ bị [chính phủ] chống đối nhất”, Open Doors chỉ ra.

Ngoài ra, “chính phủ đặc biệt thù địch với các nhà thờ đã cung cấp nơi trú ẩn và chăm sóc cho người dân trong các cuộc biểu tình lan rộng nổ ra chống lại chế độ độc tài của đất nước vào năm 2018”.

Đứng đầu danh sách do Open Doors công bố là Bắc Triều Tiên, quốc gia tiếp tục là một quốc gia “cực kỳ thù địch với các Kitô hữu”.

 “Nếu bị chính quyền phát hiện, các tín hữu hoặc sẽ bị đưa đến các trại lao động như những tù nhân chính trị với những điều kiện hết sức tồi tệ, hoặc bị giết ngay tại chỗ — và gia đình của họ cũng sẽ chịu chung số phận”, báo cáo nêu rõ.

Ở Bắc Triều Tiên, “Kitô giáo bị coi là mối đe dọa đặc biệt đối với hệ tư tưởng độc tài và sự cai trị của chế độ man rợ của đất nước này”.

Theo sau Bắc Triều Tiên trong danh sách là các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số như: Somalia, Yemen, Eritrea, Libya, Nigeria, Pakistan, Iran, Afghanistan và Sudan.

Ông Marco Cruz, Giám đốc của tổ chức Open Doors, tin rằng để giải quyết cuộc đàn áp cực đoan này, “cần phải nhận thức được thực tế mà anh chị em của chúng ta đang phải đối mặt”, ông Cruz cho biết.

Ngoài ra, ông Cruz cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ứng với tình trạng bạo lực này “với tình yêu tột bậc”.

“Tình yêu này thôi thúc chúng ta cầu nguyện và hành động để đáp ứng nhu cầu của anh chị em của chúng ta, giúp họ luôn vững vàng trong tình yêu vốn xua tan mọi sự sợ hãi”, ông Cruz kết luận.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube