Bốn hồng y yêu cầu Đức Giáo hoàng giải thích về "Amoris Laetitia"

Các Hồng y Brandmüller, Burke, Caffara và Meisner gửi thư cho Đức Giáo hoàng: “Đang có những lời giải thích đối nghịch nhau, yêu cầu giải quyết những điểm nghi nan”

cardinali 4

Bốn vị hồng y xin Đức Giáo hoàng làm rõ một số nghi ngờ liên quan đến Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng “Amoris Laetitia” về hôn nhân và gia đình. Đó là các Đức Hồng y Walter Brandmüller, cựu Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học lịch sử; Raymond L. Burke, lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta, Charles Caffara (nguyên Tổng Giám mục Bologna) và Joachim Meisner (nguyên Tổng Giám mục Cologne).

Được gửi cho Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 19/9, lá thư của bốn vị hồng y đã được công bố hôm qua, thứ Hai 14/11, trên trang Espresso của Sandro Magister và tờ báo điện tử La Nuova Bussola.

Bốn vị hồng y quyết định công bố các tài liệu đã được gửi đến Bộ Giáo lý – Đức tin, bởi vì cho đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời của Đức Thánh Cha và của Bộ này.

“Chúng tôi nhận thấy có một tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều tín hữu và một sự lầm lẫn lớn lao – bốn vị hồng y viết – về vấn đề rất quan trọng đối với đời sống của Giáo hội. Chúng tôi nhận thấy rằng ngay cả các giám mục cũng đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn nhau về chương VIII của “Amoris Laetitia“. Truyền thống của Giáo hội dạy chúng ta rằng cách ra khỏi tình huống như thế này là cậy dựa vào Đức Thánh Cha, bằng cách xin Tông Tòa giải quyết những nghi ngờ vốn là nguyên nhân của sự hoang mang và bối rối”.

“Đức Thánh Cha – lá thư tiếp tục – đã quyết định không trả lời. Chúng tôi giải thích quyết định này như một lời mời gọi tiếp tục suy tư và thảo luận, trong sự bình tĩnh và đầy lòng tôn trọng. Và do đó, chúng tôi thông báo ý kiến ​​của chúng tôi cho toàn thể Dân Chúa, bằng cách cung cấp tất cả tài liệu. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ không có ai giải thích sự kiện này theo lược đồ “cấp tiến – bảo thủ”: đó sẽ là hoàn toàn sai lạc. Chúng tôi lo ngại sâu sắc cho phần rỗi đích thực của các linh hồn, luật tối cao của Giáo hội, và không thúc đẩy trong Giáo hội bất cứ kiểu cách chính trị nào. Chúng tôi hy vọng sẽ không có ai phán xét chúng tôi, cách không công bằng, mà coi chúng tôi là những đối thủ của Đức Thánh Cha hay coi chúng tôi là những kẻ không có lòng thương xót. Những gì chúng tôi đã làm và đang làm xuất phát từ tình hiệp đoàn sâu xa liên kết chúng tôi với Đức Thánh Cha, và từ sự quan tâm sâu sắc đến lợi ích của các tín hữu”.

Tài liệu này có hình thức những “dubia” (nghi ngờ) thường được trình bày với Bộ Giáo lý – Đức tin, theo một hình thức cho phép trả lời “có” hoặc “không”.

Sau đây là nội dung của các câu hỏi liên quan đến chương VIII của Tông huấn “Amoris Laetitia”, là chương dành riêng cho chủ đề đồng hành với các gia đình bị tổn thương:

  1. Phải chăng, theo những gì được nói trong “Amoris Laetitia” các số 300-305, ngày nay đã có thể cho phép một người, bị ràng buộc bởi hôn nhân thành sự, đang sống với một người khác “như vợ chồng”, được lãnh nhận Bí tích Hòa giải và nhờ vậy được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, mà không cần phải thỏa mãn các điều kiện được quy định bởi “Familiaris Consortio” số 84 và sau đó được lặp lại bởi “Reconciliatio et Paenitentia” số 34 và “Sacramentum Caritatis” số 29? Cách nói “trong một số trường hợp” ở chú thích 351 (số 305) của Tông huấn “Amoris Laetitia” có thể được áp dụng cho những người ly dị đang ở trong một kết hợp mới, liên tục sống “như vợ chồng”?
  1. Có tiếp tục có giá trị, sau Tông huấn hậu Thượng Hội đồng “Amoris Laetitia” (xem số 304), giáo huấn của Thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II “Veritatis Splendor” số 79, dựa trên Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo hội, về sự tồn tại của các chuẩn mực luân lý tuyệt đối, có giá trị mà không có ngoại lệ, cấm các hành vi tự bản chất là xấu xa?
  1. Sau những lời khẳng định của “Amoris Laetitia” số 301, vẫn còn có thể nói rằng một người thường xuyên sống mâu thuẫn với một điều răn của Thiên Chúa, chẳng hạn như điều răn nghiêm cấm ngoại tình (xem Mt 19,3-9), là đang ở trong tình cảnh khách quan của một tội nặng thông thường (xem Hội đồng Giáo hoàng về các văn bản luật pháp, Tuyên bố ngày 24 tháng sáu năm 2000)?
  1. Sau những tuyên bố của “Amoris Laetitia” số 302 về “những hoàn cảnh giảm nhẹ trách nhiệm luân lý”, có còn được coi là vẫn có giá trị, giáo huấn của Thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II “Veritatis Splendor” số 81, dựa trên Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo hội, theo đó: “các hoàn cảnh hay ý định không bao giờ có thể làm thay đổi một hành động tự bản chất là xấu đối với chủ thể của hành động ấy, thành một hành động chủ quan là tốt lành hay có thể được biện hộ như là một sự lựa chọn đúng”?
  1. Sau “Amoris Laetitia” số 303, được coi là vẫn còn giá trị giáo huấn của Thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II “Veritatis Splendor” số 56, dựa trên Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo hội, loại bỏ lối diễn giải sáng tạo về vai trò của lương tâm và khẳng định rằng lương tâm không bao giờ được uỷ quyền coi là hợp pháp các ngoại lệ đối với các chuẩn mực đạo đức tuyệt đối, vốn cấm các hành động tự bản chất là xấu đối với chủ thể?

Hoàng Vũ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết