Việc ông Obama, Tổng thống Hoa kỳ đến thăm Việt Nam vừa qua để bày tỏ thiện chí của người đứng đầu một nước từng là “cựu thù” là muốn hàn gắn vết thương chiến tranh, xoá bỏ những hàng rào ngăn cách, và muốn cùng với Việt Nam bước sang trang sử mới của việc hợp tác trong sự tôn trọng thể chế chính quyền Việt Nam. Không một chút trịch thượng, nhưng thân thiện và cởi mở, ông Obama cho thấy việc thắt chặt mối quan hệ với Hoa kỳ sẽ là một cầu nối quan trọng trong việc đưa Việt Nam vươn mình ra với thế giới, hàm chứa những cơ hội mang lại sự phát triển và thịnh vượng.
Điều này đòi phải có lòng tin. Và động thái tích cực của ông Obama là đơn phương và vô điều kiện, dỡ bỏ lịnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, đồng thời thúc đẩy Việt Nam đáp ứng những điều khoản khi tham gia hợp tác TPP. Đó chính là cơ hội giúp cho Việt Nam “lớn lên và mạnh mẽ” để phát triển và giữ được chủ quyền.
Quyết định thế nào tuỳ thuộc vào quyết sách của chính quyền nhà nước Việt Nam. Có nắm lấy cơ hội để thoát Trung để độc lập về chính trị và kinh tế, là vấn đề của Nhà cầm quyền và người dân Việt Nam.
Lòng dân mong muốn có sự thay đổi trong hệ thống chính quyền, chí ít là trong việc sửa sai và chấn chỉnh những thái độ đối với những bất công, tham nhũng và lạm quyền. Đáp lại, nhà nước sau đó càng hung hăng trong việc đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, những cuộc biểu tình tuần hành vì môi trường, hoặc bắt giam những cá nhân mà họ khép vào “thành phần nguy hiểm”, như vụ bắt giam bà Cấn thị Thêu, dân oan Dương nội mới đây, như việc bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài với tội danh thật “mơ hồ” không xét xử hơn sáu tháng qua, như vẫn “im ắng” trong vụ Trần Huỳnh Duy Thức, trong việc người dân sục sôi muốn nhà nước minh bạch như đã hứa về thảm hoạ Vũng áng…
Phải chăng đó là câu trả lời cho Tổng thống Obama và giải thích sự “rụt rè” của Nhà cầm quyền cộng sản trước những thái độ tích cực của Hoa kỳ?
Trong bản kiến nghị của hơn 142.000 người ký thỉnh nguyện thư kêu gọi Hoa kỳ can thiệp giúp đỡ tìm kiếm nguyên nhân thảm họa cá chết hàng loạt tại miền Trung, như bày tỏ thái độ bất tín nhiệm vào sự công tâm, khách quan của các cơ quan chuyên môn và của chính quyền Việt Nam. Nhà Trắng vừa có phản hồi hôm 24/6/2016 để “bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới người dân các tỉnh ven biển miền Trung trong lúc người dân nỗ lực vượt qua thiệt hại về hải sản ảnh hưởng đến sinh kế của họ.
Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam đối phó cuộc khủng hoảng môi trường này. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã tiếp cận các quan chức chính phủ cấp cao ở Hà Nội để ngỏ lời trợ giúp của chúng tôi, và hai chính phủ đang thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác.
Sự tham gia của công chúng là một phần quan trọng trong việc giải quyết những thách thức về môi trường. Tương tự như kinh nghiệm tại Hoa Kỳ, chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ về môi trường, những nới có thể giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết, đảm bảo trách nhiệm và tính minh bạch trong các nỗ lực làm sạch vùng biển, và giúp xây dựng chính sách để ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.“
Đó là thái độ của Hoa kỳ. Chuyện của Việt Nam do người Việt và chính quyền giải quyết. Hoa kỳ chỉ đề nghị những giải pháp hữu hiệu, cả về mặt chính trị lẫn khoa học trong việc giải quyết khủng hoảng môi trường khi trích lời phát biểu của Tổng thống Obama lúc trước: “Một khi người dân được quyền tự do tổ chức trong xã hội dân sự, quốc gia có thể giải quyết tốt hơn những vấn nạn mà chính quyền đôi khi không thể tự giải quyết”, và sẵn sàng giúp đỡ nếu chính quyền Việt Nam ngỏ lời. Nhưng chính quyền Việt Nam đã không ngỏ lời, vì còn rụt rè, lưỡng lự do quán tính nghi hoặc, hay vì một sức mạnh “bí ẩn” khống chế sát sườn!
Hoa kỳ mong muốn có sự hợp tác toàn diện từ phía Việt Nam. Bàn tay “thiện cảm” đưa ra, nắm hay không là do Việt Nam quyết định. Chính quyền Việt Nam có đại diện cho tất cả tầng lớp trong nước hay không, điều đó phụ thuộc vào chính người dân. Hoa kỳ không thể muốn hay không muốn, thích hay không thích được. Nói cách khác, Hoa kỳ chỉ ủng hộ các phong trào đấu tranh đòi dân quyền và dân sinh theo các công ước quốc tế, các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã ký kết và Hoa ký có liên quan, chứ Hoa kỳ không thể can thiệp sâu vào nội bộ Việt Nam được.
Bàn tay “thiện cảm” từ phía Hoa kỳ đưa ra còn thấy trong việc đề nghị phối hợp tìm kiếm hai chiếc máy bay và những người trên các chuyến bay bị rơi ấy, nhưng vẫn nhận được sự từ chối nhã nhặn đến “khó hiểu” từ phía Việt Nam, và càng “khó hiểu” hơn khi chính Việt Nam lại tin tưởng, cậy cục “xin” sự giúp đỡ từ phía Trung quốc, “anh bạn vàng” đã luôn có những chiêu bài làm Việt Nam và người dân Việt Nam khốn đốn và đang là mối nghi ngờ liên quan gì đó tới sự kiện hai chiếc máy bay…
Phải chăng đó là câu trả lời của Nhà cầm quyền cho thấy Việt Nam quyết ngả theo ai và chính sách Việt Nam sẽ không bao giờ như những gì Hoa kỳ đề nghị, dù là sự độc lập cho quốc gia, là sự thịnh vượng cho dân tộc, là hạnh phúc của người dân. Nhưng đó mới là câu trả lời từ phía chính quyền, còn câu trả lời của chính người dân? Câu trả lời của người dân mới là câu trả lời mà Hoa kỳ mong đợi và giữ nguyên những đề nghị có lợi cho Việt Nam, dĩ nhiên cho cả phía Hoa kỳ nữa, nhưng chí ít không làm cho người dân Việt Phải “vàng mắt” khi cứ bám vào anh bạn láng giềng.
Hoa kỳ, với sự thân thiện muốn giao hảo, với các giá trị văn minh và tự do mang cơ hội đến cho Việt Nam. Có nắm lấy cơ hội hay không, phụ thuộc vào những thay đổi trong những quyết định chính trị của Nhà cầm quyền, nhưng trên tất cả là do quyết định của người dân, của lòng dân, vì dân là gốc và ý dân là ý trời.
Jos. Ngô Văn Kha, C.SsR.