Bất chấp các vụ tấn công không ngừng, các tín hữu Công giáo Nigeria vẫn tiếp tục giữ vững đức tin

Cảnh sát và cư dân của Wumat, một thị trấn nông nghiệp cách Jos, Nigeria 45 dặm về phía nam, đến để khảo sát thiệt hại và giúp đỡ những người sống sót sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 22 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: Victor Nafor)

Cảnh sát và cư dân của Wumat, một thị trấn nông nghiệp cách Jos, Nigeria 45 dặm về phía nam, đến để khảo sát thiệt hại và giúp đỡ những người sống sót sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 22 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: Victor Nafor)

Tháng 11 được chứng minh là một tháng đặc biệt chết chóc ở miền Trung Nigeria, khiến những người Công giáo như Matthew Onah và gia đình anh phải vật lộn để đối phó với những đau thương mất mát của họ.

Tại vùng đất Công giáo Maikatako, 11 người đã bị sát hại vào ngày 15 tháng 11 trong một vụ tấn công của lực lượng dân quân có vũ trang, được cho là có số lượng từ 200 đến 300 người và mặc đồ đen.

Trong số các nạn nhân có cậu con trai 2 tuổi của Onah. Một thành viên của Hội Truyền giáo Độc lập Thánh Benedict Kuba thuộc Giáo phận Pankshin ở Bang Plateau, Onah cho biết vợ anh, Rosemary, 33 tuổi, đã bị thương nhưng đang hồi phục trong bệnh viện địa phương. Hai đứa con khác của họ sống sót sau vụ tấn công.

Một tuần sau, ít nhất 12 thường dân không vũ trang đã bị giết hại bởi lực lượng dân quân Hồi giáo cực đoan ở thị trấn Wumat, nằm cách Jos, thủ phủ của bang Plateau, 45 dặm về phía nam, theo Titus Alams, cựu diễn giả của Hạ viện bang Plateau.

Alamsphát biểu với CNA rằng hơn 200 kẻ khủng bố đã bao vây khu định cư trên đỉnh đồi vào đêm thứ Ba lạnh giá, bắn chết những người dân cố gắng trốn thoát.

Chiếc xe bị thiêu rụi ở thị trấn Wumat, Nigeria, nơi 12 dân làng bị giết hại trong một vụ tấn công khủng bố vào ngày 22 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: Victor Nafor)

Chiếc xe bị thiêu rụi ở thị trấn Wumat, Nigeria, nơi 12 dân làng bị giết hại trong một vụ tấn công khủng bố vào ngày 22 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: Victor Nafor)

Các vụ tấn công diễn ra sau nhiều tuần tấn công khủng bố nhằm vào các ngôi làng Kitô giáo xung quanh, khiến nông dân tránh xa các trang trại của họ, theo Cha Andrew Dewan, người phụ trách Hội Truyền giáo Độc lập Thánh Benedict Kuba, phục vụ khoảng 25 ngôi làng xung quanh.

“Chỉ mới tháng trước, chúng tôi đã chôn cất hai giáo dân của mình tại một thị trấn gần Maikatako”, Cha Dewan nói. “Họ đã bị giết hại bởi chính những chiến binh Fulani đã bắt cóc em gái của họ. Chúng bắt cóc các Kitô hữu để đòi tiền chuộc, phá hủy mùa màng và tiếp tục tiến hành các vụ tấn công, giết hại các Kitô hữu và phá hủy kế sinh nhai của họ”.

Động lực của các vụ tấn công là “chiếm đất đai và Hồi giáo hóa mạnh mẽ”, Cha Dewan nói.

“Họ đã chiếm nhiều cộng đồng của chúng tôi và biến chúng thành những khu vực cấm đi lại”, Cha Dewan nói.

Các quan chức ở Nigeria thường mô tả các vụ tấn công là xung đột giữa những người nông dân định canh định cư và những người chăn gia súc bán du mục trên vùng đất màu mỡ, mà họ cho rằng đã gia tăng do vấn đề biến đổi khí hậu.

Đức Giám mục Michael Gokum, người đứng đầu Giáo phận Pankshin, Nigeria.

Đức Giám mục Michael Gokum, người đứng đầu Giáo phận Pankshin, Nigeria.

Đức Giám mục Michael Gokum của Giáo phận Pankshin phát biểu với CNA rằng đây là hành động bóp méo sự thật.

“Nếu bạn đang ở trong nhà và ai đó xông đến và tấn công bạn, thì đó không phải là một cuộc đụng độ”, Đức Giám mục Gokum nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Chúng tôi lo lắng về những vụ giết người ngày càng gia tăng không chỉ đối với người Công giáo, nhưng tất cả các Kitô hữu vẫn tiếp tục không suy giảm”.

Các vụ tấn công của các nhóm dân quân Hồi giáo được gọi bằng nhiều cách khác nhau là “những người chăn gia súc”, “những kẻ cướp” hoặc “những tay súng vô danh” ngày càng trù dập các thị trấn nông nghiệp ở các bang thuộc Vành đai Trung tâm rộng lớn của Nigeria.

Ít nhất 18 người đã bị bắn và chém chết ở khu vực phía bắc của Bang Benue vào ngày 3 tháng 11 tại ba ngôi làng lân cận của Hạt Guma, Cha William Shom, một cư dân của quận, cho biết. Nhiều nạn nhân là trẻ em, Cha Shom phát biểu với CNA.

Điều đáng lo ngại hơn đối với các chuyên gia Nigeria là các vụ tấn công của những người chăn gia súc đang xuất hiện ở các bang miền nam Nigeria, nơi chúng hiếm khi xảy ra cách đây vài năm.

Vào ngày 21 tháng 11, một nhóm khủng bố được cho là nói ngôn ngữ của bộ tộc Fulani đã tấn công các ngôi làng ở khu vực phía nam của bang Enugu, cách các địa điểm tấn công ở hạt Bokkos, bang Plateau khoảng 400 dặm. Bang Enugu là nơi sinh sống của hơn một triệu cư dân Công giáo La Mã.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng các vụ tấn công không ngừng – nếu không được chống lại – có thể đẩy quốc gia đông dân nhất châu Phi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan.

“Đúng là những người nông dân Kitô giáo đã đụng độ với những người chăn nuôi du mục người Hồi giáo Fulani, hoặc các chiến binh, trong nhiều năm, nhưng các vụ tấn công gần đây của các chiến binh Fulani dường như được phối hợp và có chiến lược”, ông Kyle Abts, Giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc tế về Nigeria (ICON), phát biểu với CNA.

Nó “liên quan đến việc tiếp tục xảy ra các vụ giết người ở bang Plateau và chỉ vài ngày sau các vụ tấn công mới ở bang Enugu phía nam”, ông Abts cho biết thêm.

“Xuyên suốt Vành đai giữa, các lực lượng an ninh hoặc bị áp đảo, không thể ngăn chặn hoặc đồng lõa với các vụ tấn công này”, ông Abts cho biết.

Solomon Maren, một thành viên của Hạ viện Nigeria, cho biết Bokkos đã chứng kiến ​​sự gia tăng ổn định các cuộc tấn công vũ trang và thôn tính kể từ năm 2018.

“Người dân của chúng tôi ở các vùng nông thôn không còn có thể canh tác hoặc di chuyển tự do mà không sợ bị tấn công. Mới tháng trước, chúng tôi đã chôn cất hơn 30 người dân của chúng tôi, những người đã bị tấn công tại trang trại hoặc tại tư gia của họ”, ông Maren nói.

Thống đốc Simon Lalong đã ra lệnh trấn áp nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố ở Bokkos vào ngày 17 tháng 11. Phát ngôn viên quân đội, Thiếu tá Ishaku Takwa, phát biểu với CNA vào đêm hôm đó rằng nỗ lực đã được tiến hành.

Tuy nhiên, ba giờ sau, dường như, cùng một nhóm gồm 300 kẻ khủng bố vốn đã tấn công Maikatako đã tấn công một ngôi làng cách Maikatako khoảng hai dặm về phía tây.

Các lính canh tình nguyện ở Maikatako được trang bị súng ngắn chỉ bắn một viên đã nỗ lực chống lại vụ tấn công vào ban đêm một cách tốt nhất có thể, theo các vệ binh phát biểu với CNA.

“Họ ẩn nấp sau những ngôi nhà xả súng nhưng buộc phải rút lui trước vũ khí tối tân của bọn khủng bố, súng trường tấn công AK-47”, Bitrus Dang, trợ lý giám đốc cảnh sát đã nghỉ hưu, cho biết. Ông Dang và hai người đàn ông khác bị thương trong vụ tấn công.

Theo phát ngôn viên quân đội ở bang Plateau, Thiếu tá Ishaku Takwa, dân làng không đã gọi trợ giúp đủ sớm.

“Chia sẻ thông tin kịp thời là chìa khóa để chấm dứt các cuộc tấn công này”, Thiếu tá Takwa nói. “Những kẻ khủng bố này xuất hiện và tấn công trong vòng vài phút rồi biến mất nên chúng tôi cần thông tin ngay khi nó xảy ra”.

Một linh mục trong thị trấn yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù nói với CNA rằng hai xe tải quân đội chở ít nhất 5 người đàn ông trên mỗi chiếc đã đóng quân trên một đường vòng bao quanh Maikatako vào buổi tối trước đó khi có tin đồn về một vụ tấn công đã lên kế hoạch bắt đầu lan truyền. Tuy nhiên, họ đã đứng nghe nhạc trong vụ tấn công, vị giáo sĩ nói.

“Chúng tôi bất lực”, ông Dang nói.

“Bon chúng mang theo súng trường AK-47 và AK-49 cũng như các loại vũ khí tinh vi khác”, Ông Dang nói. “Chúng tôi chỉ có súng ngắn chỉ bắn một viên”. Ông cho biết vụ tấn công tiếp tục trong bốn giờ mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của cảnh sát hay binh lính.

Trong khi tìm kiếm trong đống đổ nát của ngôi nhà bị thiêu hủy vào sáng ngày 16 tháng 11, Onah đã tìm thấy một cuốn Kinh Thánh, vật dụng duy nhất của anh còn sót lại sau vụ phóng hỏa của những kẻ khủng bố.

“Tôi đã mất tất cả, kể cả con cái, xe hơi, nhà cửa, thức ăn và quần áo, nhưng với cuốn Kinh Thánh này, hy vọng của tôi được hồi sinh”, anh Onah nói.

“Không gì có thể ngăn cản tôi trở thành một người Công giáo. Không gì có thể ngăn cản tôi bước theo Đức Kitô”, anh Onah chia sẻ thêm.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube