Báo cáo mới: Tội ác do thù hận chống lại các Kitô hữu đang gia tăng ở châu Âu

Vào tháng 3 năm 2022, Chặng Đàng Thánh Giá này ở Giáo phận Augsburg, miền nam nước Đức, đã bị phá hoại (Ảnh: CNA Deutsch)

Vào tháng 3 năm 2022, Chặng Đàng Thánh Giá này ở Giáo phận Augsburg, miền nam nước Đức, đã bị phá hoại (Ảnh: CNA Deutsch)

Theo một báo cáo mới được công bố trong tuần này, tội ác thù hận chống lại các Kitô hữu đang gia tăng ở châu Âu.

Đài quan sát về sự không khoan dung và phân biệt đối xử với các Kitô hữu (OIDAC) ở Châu Âu đã ghi nhận hơn 500 tội ác căm thù chống lại các Kitô hữu — bao gồm bốn vụ giết người — ở Châu Âu vào năm 2021.

Kể từ năm 2005, tổ chức có trụ sở tại Vienna này đã theo dõi các trường hợp phân biệt đối xử và các tội ác do thù hận khác chống lại các Kitô hữu. Các trường hợp này bao gồm từ các phá hoại cho đếncác vụ giết người. Dữ liệu được thu thập được lưu trữ công khai, và bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra các số liệu và xem xét ngọn nguồn của cá vụ việc. Báo cáo đã tố cáo một “hiệu ứng ớn lạnh giữa các nạn nhân” và thiếu phương tiện truyền thông đưa tin.

Báo cáo mới dài 65 trang [PDF] và chứa đầy lịch sử của các vụ việc cũng như hai bài bình luận của chuyên gia và một lời khai. Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị cuối cùng.

Theo các số liệu mới, vào năm 2021, OIDAC đã ghi nhận các tội ác thù hận chống lại các Kitô hữu ở 19 quốc gia Châu Âu. Có 14 trường hợp bị hành hung, và 4 Kitô hữu bị sát hại.

Trong số 500 tội ác thù hận chống Kitô giáo được ghi nhận vào năm 2021, khoảng 300 tội phạm là hành vi phá hoại, chẳng hạn như vẽ bậy, phá hoại tài sản và phạm thánh. Có khoảng 80 trường hợp trộm cắp — từ các đồ dùng tôn giáo và Mìnhh Thánh cho đến các thiết bị nhà thờ.

Ngoài ra, có khoảng 60 vụ tấn công đốt phá hoặc các trường hợp cố ý đốt phá.

Cơ sở của những con số này là mối lo ngại rằng tội ác căm thù chống lại các Kitô hữu thường có thể bị xem nhẹ hoặc bị phớt lờ, trong khi người ta thường thừa nhận các trường hợp bài Hồi giáo hoặc bài Do Thái.

Báo cáo lưu ý rằng một phần của vấn đề nằm ở một ý kiến phản đối điển hình nói rằng: “Các Kitô hữu không thể bị phân biệt đối xử ở châu Âu vì họ chiếm đa số”.

Về vấn đề này, báo cáo lưu ý rằng “trong khi các nhóm thiểu số có thể dễ bị phân biệt đối xử hơn, thì đó là một sự hiểu biết sai lầm và không có căn cứ rằng các nhóm đa số không thể bị phân biệt đối xử, như lịch sử đã cho thấy”.

“Thay vì số lượng, nó phụ thuộc vào nhóm nào có nhiều quyền lực hơn để định hình diễn ngôn chính trị, để phân biệt đối xử, xúc phạm hoặc tấn công một nhóm nhất định mà không phải đối mặt với hậu quả. Đồng thời, điều quan trọng là phải phân biệt giữa Kitô giáo có tính văn hóa, vốn vẫn chiếm đa số ở châu Âu, với những người thực hành đức tin Kitô giáo”.

Báo cáo cũng viết về việc thiếu phương tiện truyền thông đưa tin và sự nhận thức bắt nguồn từ việc tự kiểm duyệt. Điều này được xác định trong năm lĩnh vực của cuộc sống: giáo dục, nơi làm việc, lĩnh vực công cộng, các tương tác xã hội riêng tư và trên các nền tảng truyền thông.

Trong số những câu chuyện không thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông rộng rãi hơn là các vụ tấn công chống lại hai cuộc rước Công giáo công khai ở Pháp: một vụ tấn công do một nhóm các nhà hoạt động cánh tả cực đoan thực hiện vào ngày 13 tháng 5, và một vụ khác vào tháng 12 do một nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện.

Vào tháng 8 năm 2021, một nhà truyền giáo Kitô giáo đã bị cảnh sát Vương quốc Anh thẩm vấn vì đọc to Kinh Thánh với giọng điềm tĩnh bên ngoài một nhà ga xe lửa ở Luân Đôn. Đó là một trong nhiều trường hợp các nhà thuyết giảng trên đường phố bị chính quyền cản trở trên đường phố công cộng vì rao giảng các giá trị Kitô giáo.

Theo báo cáo, những vụ việc này xảy ra vì “luật ngôn từ kích động thù địch có ngôn từ mơ hồ và luật trật tự công cộng đã làm suy yếu quyền Tự do Ngôn luận”.

Vào năm 2021, các nhóm truyền thông và chính trị đã khiến các Kitô hữu gia tăng sự định kiến, báo cáo cho biết thêm. Các tổ chức do Kitô giáo lãnh đạo đã bị cấm trên các nền tảng truyền thông xã hội vì bày tỏ những sự hiểu biết bất đồng, trong khi lời nói xúc phạm và bạo lực chống lại các Kitô hữu lại được cho phép trên cùng một nền tảng.

Một thông cáo báo chí của OIDAC lưu ý rằng “trong các bài báo, Kitô giáo được mô tả là một ‘hệ tư tưởng nguy hiểm’ và các tín hữu bị gọi là ‘những kẻ cuồng tín tôn giáo ngu ngốc’. Ví dụ, một chính trị gia Tây Ban Nha đã mô tả một đám rước Công giáo là một sự kiện ‘Taliban’, và một chính trị gia khác nhận xét rằng 7.000 người Công giáo bị sát hại trong Nội chiến Tây Ban Nha ‘lẽ ra phải nhiều hơn thế’”.

Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh chứng kiến sự thúc đẩy của “các vùng đệm tiếp cận an toàn” xung quanh các phòng khám phá thai. Điều này “hình sự hóa các hoạt động bao gồm canh thức cầu nguyện, trò chuyện với công chúng và các hình thức hoạt động ôn hòa khác”, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng bao gồm hai trường hợp nổi tiếng: đó là cựu bộ trưởng Phần Lan Päivi Räsänen, người bị buộc tội “phát ngôn gây thù hận” vì đã đăng tweet một đoạn trong Kinh Thánh về vấn đề đồng tính luyến ái.

Một trường hợp khác liên quan đến hai nữ hộ sinh Thụy Điển đã từ chối thực hiện phá thai và vì lý do đó, họ được cho là đã bị từ chối tuyển dụng.

“Thật không may, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã bác bỏ vụ kiện, tạo tiền lệ cho các vụ việc trong tương lai và khiến các học giả pháp lý thúc giục xem xét vụ việc một cách chính thức”, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng đề cập đến các luật mới áp đặt việc giáo dục giới tính, thường bao gồm lý thuyết về giới tính. Theo các tác giả, những điều này đã vi phạm quyền của cha mẹ trong việc quyết định cách giáo dục con cái của họ.

Các lĩnh vực quan tâm khác được xác định trong báo cáo là các quy tắc cho phép trẻ vị thành niên tự do phá thai và chuyển đổi giới tính cũng như “sự đối xử bất công và phân biệt đối xử” đối với các nhà thờ trong luật chống COVID-19.

Trong danh sách các khuyến nghị cuối cùng, báo cáo kêu gọi “các chính trị gia, các nhà báo và các nhân vật của công chúng khác” hỗ trợ “xây dựng một xã hội khoan dung hơn”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube