Báo cáo mới của ACN cho biết cuộc đàn áp các Kitô hữu vẫn tiếp tục gia tăng

Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro, Brasil, được chiếu sáng nhân sự kiện Thứ Tư Đỏ

Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro, Brasil, được chiếu sáng nhân sự kiện Thứ Tư Đỏ

Theo báo cáo mới nhất do Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ Vương quốc Anh đưa ra nhân dịp Tuần lễ Đỏ hàng năm, trong hai năm qua, tình trạng đàn áp hoặc bách hại các Kitô hữu đã gia tăng ở 75% các quốc gia được khảo sát.

Tổ chức Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) đang tổ chức chiến dịch Tuần lễ Đỏ quốc tế hàng năm nhằm thu hút sự chú ý đến vấn đề tự do tôn giáo và các Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới.

Theo truyền thống, chiến dịch này được tổ chức vào tháng 11 với việc các tòa nhà và các địa danh ở một số quốc gia khác nhau được thắp sáng bằng những ánh điện màu đỏ, cùng một loạt các sáng kiến, hành động cầu nguyện và những lời chứng đặc biệt.

Thứ Tư Đỏ ngày 23 tháng 11

Mặc dù các sự kiện diễn ra trong suốt tháng, nhiều đêm cầu nguyện và những lời chứng trên khắp thế giới sẽ được tổ chức vào Thứ Tư ngày 23 tháng 11, #RedWednesday.

Báo cáo “Bị bách hại và bị lãng quên?”

Chiến dịch hàng năm được khởi động vào ngày 16 tháng 11 với việc phát hành chính thức Báo cáo “Bị bách hại và bị lãng quên?” về các Kitô hữu bị áp bức vì Đức tin của họ từ năm 2020–2022 tại London. Nghiên cứu này bổ sung cho Báo cáo Tự do Tôn giáo hàng năm của tổ chức từ thiện quốc tế và được chuẩn bị bởi văn phòng quốc gia của ACN tại Vương quốc Anh.

Một trong những phát hiện quan trọng của báo cáo cho thấy rằng, ở 75% trong số 24 quốc gia được khảo sát, việc đàn áp các Kitô hữu đã gia tăng hơn nữa trong 2 năm qua.

Cuộc di cư của các Kitô hữu khỏi khu vực Trung Đông

Mối quan tâm đặc biệt là cảnh ngộ của các Kitô hữu ở Trung Đông, nơi mà ở một số quốc gia, các cộng đồng trước kia từng hưng thịnh có nguy cơ biến mất do hậu quả của việc di cư ồ ạt vì nhiều lý do, từ chủ nghĩa chính thống Hồi giáo cho đến sự phân biệt đối xử, chiến tranh và khủng hoảng kinh tế.

Theo báo cáo, kể từ khi thành lập Nhà nước Israel, vào năm 1948, số lượng các Kitô hữu ở các vùng lãnh thổ Palestine đã giảm mạnh từ 18% xuống dưới 1% dân số, do cuộc xung đột Israel-Palestine đang diễn ra và những khó khăn kinh tế. Trong hai năm qua, hơn 5.000 Kitô hữu đã rời các vùng lãnh thổ, trong đó có Giêrusalem, thêm vào con số hàng chục nghìn người đã rời  khỏi khu vực, chủ yếu là đến Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.

Iraq

Cuộc di cư của các Kitô hữu khỏi Syria và Iraq thậm chí còn kịch tính hơn, đặc biệt là trong cuộc nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo (Daesh) từ năm 2014-2017.

Ở Iraq, cuộc di cư bắt đầu sau sự can thiệp quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2003 lật đổ Saddam Hussein, do tình trạng mất an ninh và bạo lực, và đã gia tăng đáng kể trong thời gian Daesh chiếm đóng Đồng bằng Nineveh, cái nôi của Kitô giáo Lưỡng Hà, khi hơn 100.000 người bị buộc phải chạy trốn khỏi nhà của họ đang tìm kiếm nơi ẩn náu ở khu vực Kurdistan thuộc Iraq hoặc các nước láng giềng, hoặc rời khỏi khu vực này mãi mãi để đến Bắc Mỹ, Úc hoặc Châu Âu.

Việc di cư của các Kitô hữu Iraq vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, bất chấp sự thất bại quân sự của Daesh, do cuộc khủng hoảng kinh tế, sự phân biệt đối xử và bất ổn chính trị và mất an ninh đang diễn ra. Theo Đức Thượng phụ của Giáo hội Chaldean, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, cuộc di cư này chưa từng xảy ra trước đây.

Trước thềm Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai, các Kitô hữu ở Iraq ước tính có khoảng từ 1 đến 1,4 triệu người. Kể từ đó, số lượng các Kitô hữu nơi đây đã giảm ít nhất ba phần tư.

Syria

Tương tự như vậy ở Syria, cuộc nội chiến đang diễn ra giữa chế độ của Bashar al-Assad với quân nổi dậy và mối đe dọa về sự hồi sinh toàn diện của Daes, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vẫn đang buộc các Kitô hữu phải rời bỏ đất nước và đang ngăn cản nhiều người trong số họ trở về nhà của họ.

Kết quả là quy mô của cộng đồng Kitô giáo đã giảm từ 10% trước năm 2011 xuống dưới 2%, và hiện tại sự tồn tại của Kitô giáo nơi đây đang gặp nguy hiểm, theo báo cáo của ACN.

Lebanon

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế làm tê liệt diễn ra ở Lebanon, trong bối cảnh bất ổn chính trị và thể chế, nhiều Kitô hữu cũng tiếp tục rời khỏi đất nước này. Trong 30 tháng qua, Đại sứ quán Canada tại Beirut đã nhận được hơn 10.000 đơn xin nhập cư từ những người trẻ tuổi và các gia đình.

Theo báo cáo, nhiều Kitô hữu cũng đang rời khỏi Jordan, bất chấp sự ổn định chính trị tương đối và an ninh tốt hơn.

Châu Phi

Đối với các quốc gia ở các khu vực khác trên thế giới, nghiên cứu tiếp tục kêu gọi sự chú ý đối với sự gia tăng mạnh mẽ bạo lực khủng bố từ các chiến binh phi nhà nước, đặc biệt là ở Nigeria, nơi nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng và hơn 7.600 Kitô hữu Nigeria được cho là đã bị sát hại trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022.

Châu Á

Ở châu Á, cuộc đàn áp lên đến đỉnh điểm ở Bắc Triều Tiên, nơi đức tin và thực hành tôn giáo đã bị chế độ Kim đàn áp một cách có hệ thống trong nhiều thập kỷ.

Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc tôn giáo vẫn đang gây ra bạo lực ngày càng tăng đối với các Kitô hữu ở các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ và Sri Lanka.

Ấn Độ đã chứng kiến 710 vụ bạo lực chống Kitô giáo từ tháng 1 năm 2021 đến đầu tháng 6 năm 2022, thường do những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo gây ra.

Báo cáo “Bị bách hại và bị lãng quên?” còn phát hiện thêm rằng ở các quốc gia đa dạng như Ai Cập và Pakistan, các thiếu nữ Kitô giáo thường xuyên là đối tượng bị bắt cóc và hãm hiếp một cách có hệ thống với mục đích cưỡng bức cải sang đạo Hồi và cưỡng hôn.

Trước tình hình kịch tính này, Tổ chức Giáo hoàng đang kêu gọi các tín hữu tham gia cầu nguyện vào Thứ Tư ngày 23 tháng 11 tuần này và đồng thời yêu cầu các Giáo xứ chiếu sáng nhà thờ của họ như một hành động phản đối thầm lặng chống lại tai họa của cuộc đàn áp Kitô giáo.

Các sáng kiến Thứ Tư Đỏ

Một số quốc gia trên thế giới sẽ tham gia sáng kiến này.

10 Nhà thờ Chính Tòa sẽ được thắp sáng ở Úc, và Nhà thờ Chính Tòa ở Canberra sẽ tổ chức sự kiện cầu nguyện ‘Đêm Chứng Nhân’. Vương quốc Anh đã chuẩn bị nhiều sự kiện khác nhau ở cả Anh lẫn Scotland, bao gồm sáng kiến “Hương vị gia đình”, mời gọi mọi người cùng nhua quay quần với bạn bè và gia đình và chia sẻ bữa ăn truyền thống từ các quốc gia nơi các Kitô hữu bị bức hại, trong thời gian đó họ có thể trao đổi những câu chuyện về Giáo hội đau khổ, cầu nguyện và quyên tiền hỗ trợ những người tị nạn.

Hôm nay, thứ Tư, ngày 23 tháng 11, tại Pháp, chuông sẽ ngân vang từ 100 nhà thờ trên cả nước và một cuộc thảo luận bàn tròn sẽ diễn ra tại Les Bernardins, Paris, sau đó là buổi canh thức cầu nguyện buổi tối tại Montmartre, với lời chứng của Đức Tổng Giám mục Matthew Man-oso Ndagoso Địa phận Kaduna, Nigeria.

ACN Đức đã mời các vị khách đến từ Iraq, Nigeria và Pakistan đến làm chứng tại các Nhà thờ Chính Tòa Regensburg, Mainz và Augsburg, trong số những nơi khác.

Tuần lễ Đỏ bắt nguồn từ Brazil vào năm 2015, khi văn phòng ACN địa phương thắp sáng tượng đài Chúa Cứu Thế bằng màu đỏ để đánh dấu cuộc đàn áp các Kitô hữu ở Iraq. Vào tháng 4 năm 2016, lấy cảm hứng từ ý tưởng tương tự, CAN Ý đã chiếu sáng Fontana di Trevi.

ACN Vương quốc Anh đã tiếp tục phát triển ý tưởng này và thiết lập #RedWednesday để tưởng nhớ tất cả các Kitô hữu bị đàn áp vào một ngày thứ Tư cụ thể trong tháng 11, và điều này sau đó đã được mở rộng thành cả tuần lễ ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, ở Vương quốc Anh, sáng kiến này không chỉ được các giáo phái Kitô khác nhau mà cả các tôn giáo khác đón nhận, nhằm thể hiện tin thần liên đới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube