Báo cáo: Giáo hội ở Đức phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể về số lượng và doanh thu

Mọi người đi bộ bên ngoài Nhà thờ Chính Tòa ở Cologne, Đức, ngày 16 tháng 3 năm 2020. Giáo hội Công giáo tại Đức sẽ buộc phải từ bỏ một phần ba tài sản của mình do số lượng thành viên và doanh thu ngày càng giảm, theo một báo cáo mới, với nhiều nhà thờ phải đối mặt với việc bị phá hủy trừ khi được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác (Ảnh: OSV News/Theodor Barth, KNA)

Mọi người đi bộ bên ngoài Nhà thờ Chính Tòa ở Cologne, Đức, ngày 16 tháng 3 năm 2020. Giáo hội Công giáo tại Đức sẽ buộc phải từ bỏ một phần ba tài sản của mình do số lượng thành viên và doanh thu ngày càng giảm, theo một báo cáo mới, với nhiều nhà thờ phải đối mặt với việc bị phá hủy trừ khi được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác (Ảnh: OSV News/Theodor Barth, KNA)

Theo một báo cáo mới, Giáo hội Công giáo ở Đức sẽ buộc phải từ bỏ một phần ba tài sản của mình trước tình trạng số lượng thành viên và doanh thu ngày càng giảm sút. Nhiều tòa nhà phải đối mặt với việc phá hủy trừ khi được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

“Có một thực tế là việc đi lễ nhà thờ đã đã giảm mạnh, với sự sụt giảm đáng kể và đều đặn về ơn gọi Linh mục và tư cách thành viên Giáo hội, đồng thời ngày càng mất thu nhập về tài chính”, ông Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Đức, cho biết.

“Tuy nhiên, việc đóng cửa không chỉ ảnh hưởng đến các nhà thờ Giáo xứ — việc bỏ hoang các tu viện, cũng như các nhà thờ và các tổ chức từ thiện, cũng dẫn đến các nhà dòng, trung tâm hành hương và nhà nguyện trống rỗng”, ông Kopp phát biểu với OSV News.

Người giáo dân Công giáo đã phản ứng với báo cáo đầu tháng 5 trong tạp chí Kirche & Recht của Đức, trong đó cảnh báo rằng 40.000 nhà xứ, các trung tâm cộng đồng và nơi thờ tự sẽ phải bị bỏ hoang vào năm 2060.

 Trong một cuộc phỏng vấn của OSV News, ông Kopp cho biết rằng không rõ liệu dữ liệu của báo cáo đã được xác nhận bởi các nhà thờ Công giáo và Tin lành hay chưa, nhưng đồng thời cũng cho biết thêm rằng những điều chỉnh cần thiết đối với “các cấu trúc mục vụ lãnh thổ” đã được tiến hành từ lâu trên khắp nước Đức.

“Một số nơi thờ phượng không còn cần thiết nữa, hoặc không thực sự cần thiết, trong khi nhiều cộng đoàn đã buộc phải đóng cửa nhà thờ của họ ngoài thời gian diễn ra Thánh lễ”, ông Kopp nói với OSV News.

“Giáo hội phải thích ứng hoàn cảnh của các thành viên, cũng như các cơ sở, tài chính và các dịch vụ như Caritas. Điều này có nghĩa là những thay đổi là cần thiết, và đây là trách nhiệm của các Giáo xứ và các Giáo phận”.

Báo cáo của các chuyên gia pháp lý Adalbert Schmidt và Karl Schmiemann cho biết 80% trong số 42.500 nhà thờ Công giáo và Tin lành của Đức đã chính thức được liệt kê là những di tích kiến trúc.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết thêm rằng ít nhất 1.200  nhà thờ đã bị đóng cửa trong hai thập kỷ qua và cảnh báo rằng nhiều nhà thờ khác sẽ phải đối mặt với việc phá hủy trừ khi nhanh chóng chuyển đổi thành các trung tâm văn hóa và dân cư.

Báo cáo kêu gọi các quan chức bảo vệ di tích đưa ra các thủ tục đàm phán về việc sử dụng thay thế cho các địa điểm với 20 nhà thờ Tin lành khu vực và 27 Giáo phận Công giáo của Đức, trong đó các Giáo phận Aachen, Essen, Hildesheim, Limburg và Minster đã thực hiện hầu hết việc đóng cửa nhà thờ.

“Sự hợp tác giữa Giáo hội và các cơ quan quản lý di sản nhà nước rất khác nhau và đôi khi có vấn đề”, báo cáo cho biết thêm.

“Các chính trị gia và phần lớn xã hội cũng đòi quyền lợi công cộng và quyền tham gia vì tất nhiên các nhà thờ ảnh hưởng đến bầu không khí địa phương.…Việc bảo vệ minh chứng của tương lai chỉ có thể thành công nếu nhà nước và Giáo hội được trao trách nhiệm chung và bình đẳng”, các tác giả của báo cáo cho biết, chỉ ra rằng cả nhà nước và Giáo hội nên thể hiện sự quan tâm đến những gì xảy ra với các nhà thờ của Đức, trong đó có hàng trăm di tích lịch sử.

Giáo hội Công giáo ở Đức đã sáp nhập và tái tổ chức các Giáo xứ và bán bớt tài sản của Giáo hội trong hai thập kỷ qua, do số lượng thành viên và doanh thu giảm.

Các tu viện và nhà dòng cũng đã đóng cửa hoặc cho thuê mặt bằng để làm viện dưỡng lão, nhà tế bần và khách sạn, với 12.000 nữ tu Công giáo đang hoạt động, hầu hết đều trên 65 tuổi, so với 30.000 nữ tu hoạt động cách đây hai thập kỷ.

Trong khi đó, người ta cũng bày tỏ lo ngại về tương lai của các trường thuộc sở hữu của Giáo hội, những trường có quyền được bảo đảm theo hiến pháp năm 1949 của Đức, hay Luật Cơ bản, nhưng đã phải tăng học phí và đóng cửa có chọn lọc.

“Nếu hông có trường học của Giáo hội, xã hội thế tục sẽ mất đi một đối tác đã góp phần quan trọng vào sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và ý thức hệ của nó”, cựu Chủ tịch Quốc hội Bundestag của Đức, ông Wolfgang Thierse, cho biết trong một bài báo chung vào ngày 11 tháng 5 trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung với Cha Klaus Mertes, cựu Hiệu trưởng Trường trung học Canisius-Kolleg do Dòng Tên điều hành ở Berlin.

“Tuy nhiên, động lực hỗ trợ nhà nước với tư cách là một đối tác mạnh mẽ của xã hội dân sự thông qua cam kết đối với giáo dục đang giảm dần. Đời sống Giáo Hội ngày càng xa rời cộng đồng”, ông Thierse nói.

Vào tháng 4, Giáo phận Dresden-Meissen của Giáo hội cho biết họ sẽ cắt giảm 69% ngân sách giáo dục trong một chương trình thắt lưng buộc bụng mới, để đối phó với mức thâm hụt ngân sách hàng năm được dự đoán là ít nhất 19 triệu đô la, với khoản tiết kiệm bổ sung từ 26% đến 40% dự báo về nhân sự hành chính, mục vụ và công tác xã hội.

Các Giáo phận Công giáo Würzburg và Eichstätt cũng đã tuyên bố cắt giảm mạnh bất động sản do thâm hụt ngân sách, bao gồm cả việc bán bớt ít nhất 8 trường học, trong khi Giáo phận Rottenburg-Stuttgart đã xác nhận vào ngày 8 tháng 5 rằng cần phải có một “quy trình hợp nhất” nhằm đối phó với mức giảm doanh thu dự kiến là 40% vào năm 2040.

Trong cuộc phỏng vấn với OSV News, ông Kopp cho biết Hội đồng Giám mục Đức không có chính sách quốc gia phối hợp để giải quyết các vấn đề về tài sản, vốn là vấn đề của các Giáo phận địa phương, và không mong đợi sự hỗ trợ lớn hơn của nhà nước trong việc duy trì các trường học, các tổ chức từ thiện và các địa điểm thờ tự mang tính lịch sử để bù đắp cho doanh thu nhà thờ giảm.

Tuy nhiên, viên chức quan hệ công chúng và truyền thông của Giáo phận Eichstätt, bà Pia Dyckmans, cho biết các vấn đề hiện tại đã trở nên trầm trọng hơn do việc người Công giáo rời bỏ Giáo hội, được báo hiệu bằng việc ngừng chi trả Kirchensteuer hàng năm, hoặc thuế thành viên.

“Có cảm giác như chúng tôi đang đứng dựa lưng vào tường — ngay cả những Giáo phận được cho là giàu có như Rottenburg-Stuttgart cũng báo cáo rằng họ sẽ sớm không thể trang trải ngân sách của mình nữa”, bà Dyckmans nói với hãng tin Katholisch.de hôm 11 tháng 5.

“Những vụ bê bối, các cấu trúc lỗi thời và ngôn ngữ xa lạ đối với nhiều người đã khiến Giáo hội không hấp dẫn đối với đại đa số. … Những thay đổi trong bối cảnh Giáo hội đã được biết đến từ lâu và đang dần ảnh hưởng đến các cấu trúc và thể chế của chúng ta”, bà Dyckmans nói.

Người Công giáo chiếm khoảng 26% trong tổng số 84 triệu dân của Đức, mặc dù việc đi nhà thờ đã giảm mạnh kể từ năm 2019, với chỉ 4,3% người Công giáo hiện vẫn đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, theo báo cáo của Katholisch.de vào ngày 4 tháng 5.

Vào tháng 6 năm 2022, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức Giám mục Georg Bätzing Địa phận Limburg, cho biết ngài đã “rất chấn động” trước dữ liệu mới cho thấy 359.338 người Công giáo rời bỏ Giáo hội vào năm 2021, nhiều hơn 60% so với năm trước, với tỷ lệ rời bỏ Giáo hội cao nhất ở các Tổng Giáo phận Berlin, Cologne, Hamburg và Munich-Freising.

Mặc dù thuế thu nhập Kirchenstauer của Giáo hội đã trở lại mức trước đại dịch, đạt 7,32 tỷ đô la vào năm 2022, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng tình trạng lạm phát gia tăng, chi phí nhân sự, năng lượng và việc tu bổ sẽ ngày càng tiêu tốn ngân sách của Giáo hội, khi nhiều người Công giáo nộp thuế đến tuổi nghỉ hưu.

Vào tháng 3, Giáo hội Tin lành của Đức, chiếm 22% dân số, cho biết tổng số thành viên của họ đã giảm 2,9% trong năm 2022, với doanh thu từ Kirchensteuer cũng được dự báo sẽ giảm một nửa trong những năm tới.

Minh Tuệ (theo Aleteia)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube