Amoris Laetitia gây tranh luận (IV)

Các nhà thần học bảo vệ và đào sâu Amoris Laetitia (tiếp)

Rocco Buttiglione

Trả lời phỏng vấn của Vatican Insider ngày 30/05/2016, Giáo sư Rocco Buttiglione, một triết gia, học giả và chuyên viên sâu sắc về giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã nói: “Quan điểm của Đức Phanxicô hoàn toàn phù hợp với truyền thống. Điều mới mẻ là việc áp dụng vào tội ly dị tái hôn các giải pháp giảm khinh được dành cho tất cả các tội lỗi khác, như được nói đến trong sách Giáo lý của Thánh Piô X”.

Theo Rocco Buttiglione: “Amoris Laetitia liên quan đến các thách đố mục vụ. Một số người có thể nói đó là một chọn lựa mục vụ sai lầm, nhưng xin vui lòng bỏ qua những cung giọng đe dọa, và đừng nói rằng giáo lý về sự bất khả phân ly đang bị đặt thành vấn đề, khi chúng ta đang đối phó với một sự lựa chọn mục vụ có liên quan đến kỷ luật các bí tích và được gắn kết vào một con đường mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt cơ sở”.

Ngày 19/7/2016, báo L’Osservatore Romano đăng một bài phê bình của Giáo sư Rocco Buttiglione có tựa đề “Niềm vui của tình yêu và sự kinh ngạc của các nhà thần học”. Trong đó, ông viết:

“Tất cả sự khác biệt giữa Familiaris Consortio và Amoris Laetitia là ở đây. Không nghi ngờ gì sự kiện những người ly dị tái hôn đang ở trong điều kiện tội trọng xét về phương diện khách quan; Đức Thánh Cha Phanxicô không cho phép họ rước lễ, nhưng giống như với tất cả những người tội lỗi, ngài cho phép họ đến tòa xưng tội. Ở đó, họ sẽ trình bày những hoàn cảnh có thể giảm khinh và họ sẽ được nghe nói cho biết liệu họ có được lãnh nhận ơn xá giải hay không và với những điều kiện gì”.

Basilio Petrà

Cha Basilio Petrà là linh mục Giáo Phận Prato (Ý), và giáo sư thần học luân lý căn bản và luân lý gia đình tại Phân Khoa Thần Học Trung Ý (Florence). Ngài là chủ tịch của Hiệp Hội Thần Học Luân Lý Italia và là cố vấn biên tập của nhiều tạp chí thần học khác nhau. Ngài đã xuất bản nhiều tác phẩm về luân lý gia đình và là một chuyên gia trong lãnh vực này.

Quan điểm của Cha Basilio Petrà rất “thoáng”: ngài cho rằng thậm chí “không cần thiết” phải nhờ đến linh mục hay tòa trong bí tích, tức là tòa giải tội, để “phân định” xem một người ly dị tái hôn có thể rước lễ hay không.

Ngài viết: “Người tín hữu đã được soi sáng, có thể đi đến quyết định rằng trong trường hợp của mình việc xưng tội là không cần thiết”.

Ngài giải thích: “Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp một người không có ý thức luân lý phù hợp và / hoặc không có sự tự do hành động cách khác, thì mặc dù làm điều gì đó một cách khách quan bị xem là nghiêm trọng, người đó vẫn không mang một tội trọng theo nghĩa luân lý, và do đó không có nghĩa vụ phải đi xưng tội mới được rước Mình Thánh Chúa. AL 301 rõ ràng ám chỉ đến giáo lý này” (xem B. Petrà, Amoris laetitia. Un passo avanti nella Tradizione, «Il Regno – Attualità», 61 (2016), 8, pp. 243- 251 ).

Aristide Fumagalli

Số 7/8 năm 2016 của Tạp chí La Rivista del Clero Italiano 2016 đã đăng một bài luận dài của Cha Aristide Fumagalli nói về Chương VIII của AL. Cha Aristide Fumagalli là một thành viên của ban biên tập của tạp chí La Rivista del Clero Italiano và là Giáo sư Thần học luân lý tại Đại Chủng Viện Venegono và Phân Khoa Thần Học Milano. Tạp chí La Rivista del Clero Italiano được xuất bản bởi Đại học Công Giáo Milano.

Bài viết mang tựa đề “Via caritatis” – về chương VIII của “Amoris Laetitia”, cung cấp lời tường giải cẩn thận và chuẩn mực về Chương VIII, đặt trong bối cảnh của tông huấn, của huấn quyền của Đức Phanxicô và của hai Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm. Trong viễn tượng này, tiêu chí phù hợp nhất để giải thích lời giáo huấn kín đáo của bản văn AL liên quan đến việc lãnh nhận các bí tích của những tín hữu ly dị tái hôn, có vẻ là việc đặt nó vào trong logic của sự phân định, “cửa hẹp”, vốn là yếu tố duy nhất có thể dẫn đưa, trong sự thật, hành trình của tình yêu Kitô giáo.

Cha Aristide Fumagalli viết: “Việc đưa ra con đường phân định đặc biệt đầy đòi hỏi thay vì con đường của quy tắc chung chung, không hề có nghĩa là Đức Phanxicô làm giảm thiểu giá trị huấn quyền của ngài, nhưng là ngài đang bước đi trên con đường của Hội Thánh về trách nhiệm của tất cả mọi người: các tín hữu quan tâm sẽ tự vấn lương tâm về tình cảnh hôn nhân của họ; các nhà hoạt động mục vụ sẽ đồng hành với họ trên con đường tăng trưởng cá nhân; các linh mục thực hiện sự phân định cùng với họ; các giám mục có nhiệm vụ đưa ra những hướng dẫn phù hợp với giáo huấn của Đức Thánh Cha, vì ích lợi của các Hội Thánh địa phương.”

Cuối cùng, tác giả liệt kê một số tiêu chuẩn hướng dẫn việc phân định, trong ý thức rằng quá trình mà tông huấn mở ra có đặc tính mới mẻ sâu sắc.

 Giuse Nguyễn Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết