Cuộc khủng hoảng trong tương quan đôi lứa luôn làm cho gia đình bất ổn và qua việc ly thân hay ly dị, thường tạo nên những mối tương quan mới, những cặp vợ chồng mới, các cuộc kết hợp mới về mặt dân sự và các cuộc hôn nhân mới, tạo nên những hoàn cảnh gia đình phức tạp và rắc rối đối với đời sống Kitô hữu [1].
Việc giảm bớt dân số sẽ đưa tới chỗ nghèo khổ về kinh tế và đánh mất niềm hy vọng vào tương lai. Nguyên nhân là vì cuộc cách mạng tình dục, nỗi sợ hãi về nạn bùng nổ dân số và những vấn đề kinh tế, vì muốn duy trì một sự tự do và một nếp sống nào đó[2]. Hội thánh kiên quyết bác bỏ sự can thiệp bằng bạo lực của chính quyền buộc người ta phải ngừa thai, triệt sản và thậm chí phá thai[3]. Vì đó là “một cách hành động tự mâu thuẫn và chối bỏ nhiệm vụ của mình”[4].
Việc làm suy yếu đức tin và thực hành tôn giáo trong một số xã hội cũng ảnh hưởng đến các gia đình, vì triệu chứng duy nhất của sự nghèo khổ cùng cực trong các nền văn hóa đương thời chính là sự cô đơn, nẩy sinh từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống cá nhân và sự mong manh của các mối tương quan. Các xã hội làm tiêu tan các gia đình khi bỏ mặc họ trong việc nuôi dạy con cái, không tạo công ăn việc làm để bảo đảm tương lai cho các bạn trẻ và giúp họ thực hiện kế hoạch tạo lập gia đình mình[5].
Việc thiếu nơi ở xứng hợp thường đưa tới chỗ trì hoãn các mối tương quan chính thức. Ta nên nhớ rằng “gia đình có quyền có nhà cửa tươm tất, phù hợp với đời sống gia đình và rộng đủ cho số các thành viên của mình, tọa lạc tại một môi trường vật chất cung cấp các dịch vụ căn bản cho đời sống gia đình và cộng đoàn[6]. Các gia đình phải đau khổ khủng khiếp khi đương đầu với bệnh hoạn của người thân, họ không có được sự chăm sóc sức khỏe đầy đủ hay khi phải đấu tranh để tìm được việc làm xứng với phẩm giá mình, việc làm ít lại rất kén người và không an toàn. Các ngày làm việc thường kéo dài và nặng nề đòi phải vắng nhà nhiều giờ khiến gia đình không thể họp nhau hay cha mẹ không được ở với con cái để mỗi ngày nuôi dưỡng các mối tương quan của họ[7].
Nhiều trẻ em được sinh ra ngoài hôn ước, nhiều trong số ấy sau đó lớn lên chỉ với cha hay mẹ và lớn lên trong một gia đình hỗn hợp hay tái hôn. Trẻ em đường phố ngày càng tăng[8]. Nạn lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng nhiều và càng ghê tởm hơn khi xảy ra tại những nơi đáng lẽ phải an toàn nhất, cách riêng trong các gia đình, học đường, các cộng đoàn và các tổ chức Kitô giáo[9].
Di dân là một dấu chỉ khác của thời đại, đang gây đau khổ cho con người và làm cho các gia đình phải bấp bênh vì thường xuất phát từ những hoàn cảnh của chiến tranh, bắt bớ, nghèo khổ và bất công, và được đánh dấu bởi sự thăng trầm của cuộc hành trình thường nguy hiểm đến tính mạng. Di dân là một sự bi đát và tổn hại đối với các gia đình và các cá nhân, khi đó là một cuộc di dân bất hợp pháp và được các mạng lưới buôn người quốc tế cổ vũ. Việc này càng bi đát hơn đối với phụ nữ và trẻ em phải đi một mình. Họ thường bị buộc phải sống rất lâu trong những nơi ở tạm bợ hay các trại tỵ nạn. Sự khốn cùng của những gia đình đổ vỡ đôi khi đẩy các gia đình tới chỗ phải bán con vào các nhà thổ hay bán cho những kẻ buôn người lấy các bộ phận[10].
Việc bắt bớ các Kitô hữu và các dân tộc thiểu số về chủng tộc và tôn giáo tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Đông, là một nhức nhối không chỉ đối với Hội thánh mà còn đối với toàn cộng đoàn quốc tế.
Hoạt động mục vụ di dân của Hội thánh phải được thực hiện ngay cả bằng việc chăm sóc mục vụ đặc biệt, với sự tôn trọng đúng đắn các nền văn hóa, việc đào tạo nhân bản và tôn giáo và sự phong phú thiêng liêng của các nghi lễ và truyền thống của họ.Ta phải khuyến khích mọi nỗ lực, trợ giúp các gia đình và các cộng đoàn Kitô hữu để họ ở lại với quê hương mình[11].
Hội thánh khâm phục các gia đình chấp nhận và yêu thương những người có nhu cầu đặc biệt. Đó là những chứng tá vô giá về sự tôn trọng hồng ân sự sống. Những người tàn tật là một quà tặng cho gia đình và là cơ hội để lớn lên trong tình yêu. Dưới ánh sáng đức tin, khi chấp nhận sự hiện diện của những người ấy, các gia đình có thể nhận ra và bảo đảm phẩm chất và giá trị của sự sống mỗi người, với những nhu cầu, quyền hạn và cơ hội riêng. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh rằng việc dấn thân và quan tâm ta bày tỏ cho những người di dân cũng như những người có nhu cầu đặc biệt là một dấu chỉ của Thần khí và là thước đo việc dấn thân bày tỏ lòng thương xót của ta[12].
Số người cao niên ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh ngày một giảm, các vị có thể bị coi là một gánh nặng. Việc chăm sóc họ thường chất lên vai những người thân yêu của họ một gánh nặng[13], và đôi khi họ cũng bị bóc lột cách bất công chỉ vì lợi ích kinh tế. “Việc chăm sóc những người hấp hối ngày càng cần thiết, khi xã hội đương thời đang cố gắng xóa sạch mọi vết tích của sự chết và hấp hối. Cái chết êm dịu và việc giúp tự sát là những đe dọa nghiêm trọng đối với các gia đình trên toàn thế giới. Hội thánh trong khi kịch liệt chống lại những thực hành này, vẫn cảm thấy nhu cầu phải trợ giúp các gia đình đang chăm sóc cho các phần tử cao niên và đau yếu của mình”[14] .
Các gia đình đang phải sống trong sự khó nghèo thảm khốc, một bà mẹ một mình nuôi con, phải để con ở nhà để đi làm chẳng hạn, em bé đó có thể lớn lên với đủ mọi thứ rủi ro và trở ngại cho sự phát triển nhân cách. Trong những hoàn cảnh ấy, Hội thánh phải liệu sao để đem lại sự hiểu biết, an ủi và chấp nhận, hơn là áp đặt ngay một loạt các luật, những thứ chỉ đưa người ta tới chỗ cảm thấy mình bị chính người Mẹ được kêu gọi bày tỏ lòng xót thương của Thiên Chúa kết án và ruồng bỏ[15].
(còn tiếp)
Đaminh Nguyễn Đức Thông
Chú thích
[1]Relatio Synodi 2014, 10; Amoris Laetitia, số 41
[2]Relatio Synodi 2014, 6.
[3]Ibid., 63. Amoris Laetitia, số 42
[4] Hội Đồng giám mục Công giáo tại Korea, Towards a Culture of Life! (15.3.2007), 2.
[5]Relatio Synodi 2014, 6.
[6] Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, Charter of the Rights of the Family (22.10.1983), Art. 11; Amoris Laetitia, số 43
[7]Relatio Finalis 2015, 14; Amoris Laetitia, số 44
[8]Relatio Synodi 2014, 8.
[9] Cf. Relatio Finalis 2015, 78; Amoris Laetitia, số 45
30Relatio Synodi 2014, 8; Amoris Laetitia, số 46
[10]Relatio Finalis 2015, 23; cf. Sứ điệp về Ngày Thế giới của Người Di cư và Tỵ nạn ngày 17. 1. 2016 (12.9. 2015), L’Osservatore Romano, 2. 10. 2015, p. 8.
[11]Relatio Finalis 2015, 24.
[12]Amoris Laetitia, số 47
[13]Ibid., 20.
[14] Cf. ibid., 15; Amoris Laetitia, số 48
[15]Diễn văn Bế mạc Hội nghị Thường niên lần thứ mười bốn của Thượng Hội Đồng giám mục (24.10.2015): L’Osservatore Romano, 26-27.10.2015, p. 13; Amoris Laetitia, số 49