Trong chương này, Đức Thánh Cha sẽ chỉ bàn về một số nhận thức mục vụ của các nghị phụ Thượng Hội Đồng ngài thấy thích hợp và những quan tâm có được từ kinh nghiệm riêng của ngài về những thách thức của các gia đình[1].
Thực tại hiện nay của gia đình
Suốt những thập niên qua, các gia đình đã tận hưởng được một sự tự do hơn “nhờ việc phân phối bổn phận, trách nhiệm công bằng”; đời sống gia đình nhân đạo hơn nhờ việc truyền thông đích thân giữa vợ chồng nhưng các gia đình cũng đang ngày càng ít nhận được sự nâng đỡ của các cơ chế xã hội như trước đây”[2].
Chủ nghĩa cá nhân cực đoan, việc theo đuổi tiền bạc và khoái lạc, nhịp sống quá nhanh của ngày hôm nay, sự căng thẳng và tổ chức xã hội và lao động đang làm suy yếu các mối dây ràng buộc của gia đình và đưa tới sự thiếu khoan dung và thù địch trong gia đình”[3]. Thuyết nhân cách có thể ủng hộ tính tự phát và việc tận dụng các tài năng của con người, nhưng nếu bị hướng dẫn sai, có thể khiến người ta nghi ngờ, sợ dấn thân, qui ngã và kiêu hãnh. Tự do chọn lựa, nếu thiếu những mục đích cao quí hay kỷ luật bản thân có thể làm cho người ta bất lực trong việc quảng đại hiến mình cho tha nhân, cụ thể, ngày càng có nhiều người chọn sống một mình. Quan tâm tới công lý là điều đáng ca ngợi; nhưng nếu bị hiểu lầm, có thể biến người công dân thành các khách hàng chỉ thích cung cấp các dịch vụ[4].
Hiện người ta dễ lẫn lộn sự tự do đích thật với ý tưởng cho rằng mỗi cá nhân đều có thể hành động cách tùy tiện, như thể không có các sự thật, các giá trị và nguyên tắc hướng dẫn và mọi sự đều có thể được và đều được phép. Lý tưởng của hôn nhân, được đánh dấu bằng việc dấn thân cho tính riêng biệt và ổn định, bị quét sạch khi lý tưởng ấy tỏ ra bất tiện và chán chường[5].
Với tư cách là Kitô hữu, ta cần nâng đỡ hôn nhân khi đứng trước những thất bại về mặt nhân bản và luân lý. Sẽ chẳng có nghĩa gì khi chỉ biết chỉ trích các sự dữ hiện nay, như thể việc chê bai ấy có thể làm thay đổi sự việc. Cũng chẳng ích gì khi cố áp đặt các lề luật bằng một thứ quyền tuyệt đối. Điều ta cần là một nỗ lực muốn đưa ra những lý do và động cơ chọn hôn nhân và gia đình và giúp người ta đáp lại ân sủng của Thiên Chúa cách tốt hơn[6].
Ta đã trình bày hôn nhân theo cách làm lu mờ hẳn ý nghĩa của sự hợp nhất, ơn gọi lớn lên trong tình yêu và lý tưởng của việc trợ giúp nhau của hôn nhân; đã không đưa ra những hướng dẫn đáng tin cậy cho các vợ chồng trẻ, khônghiểu được thời khóa biểu, cách nghĩ và những quan tâm cụ thể của họ; đã đưa ra một lý tưởng thần học quá trừu tượng và giả tạo của hôn nhân, quá xa rời với hoàn cảnh cụ thể và những khả năng thực tiễn của các gia đình thật[7].
Ta khó khuyến khích các đôi bạn mở ra cho ân sủng; khó trình bày hôn nhân như một con đường năng động đưa tới sự triển nở và hoàn tất con người; khó có thể dành chỗ cho lương tâm các tín hữu, những người, trong những giới hạn của mình, vẫn đáp trả Tin Mừng cách tốt nhất theo khả năng mình, và trong những hoàn cảnh phức tạp vẫn có thể thực hiện việc phân định[8].
Nhiều đôi bạn biết ơn Hội thánh trong trong những nỗ lực giúp họ lớn lên trong tình yêu, và có được kinh nghiệm về ân sủng trong bí tích Hòa Giải và Thánh Thể trước những thách thức của hôn nhân và gia đình. Hội thánh cũng tỏ lòng biết ơn những người vẫn trân trọng các mối tương quan gia đình, chứng tá của các cuộc hôn nhân bền vững và yêu thương. Nhưng ta vẫn ở trong thế tự vệ, lãng phí quá nhiều năng lực mục vụ vào việc kết án thế giới suy đồi này mà không chủ động đưa ra những phương thế đem lại hạnh phúc đích thật. Sứ điệp của Hội thánh về hôn nhân và gia đình không phản ánh rõ lời rao giảng và thái độ của Chúa Giêsu, Đấng đưa ra một lý tưởng rất đòi buộc nhưng lại không ngừng bày tỏ lòng xót thương và việc gần gũi sự mỏng dòn của con người như chị phụ nữ Samarita hay người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình[9].
Ta cũng phải cảnh báo về “một thứ văn hóa mau qua”: dùng một lần rồi bỏ; dùng xong vứt, cầm lấy rồi bẻ gẫy, khai thác và vắt cho cạn kiệt. Xong, chia tay. Lòng yêu mình làm cho người ta không thể có được cái nhìn vượt ra khỏi mình, khỏi các ước vọng và nhu cầu của mình. Sớm muộn gì, những người sử dụng tha nhân cũng sẽ bị chính não trạng ấy sử dụng, chi phối và phế bỏ[10].
Người ta không dám lập gia đình, vì sợ thiếu những khả năng cho tương lai, vì có quá nhiều chọn lựa. Người ta hoãn đám cưới vì những lý do kinh tế, việc làm và học tập, ảnh hưởng bởi ý thức hệ coi thường hôn nhân và gia đình, muốn tránh những thất bại của các vợ chồng khác, sợ hãi một cái gì đó mà họ coi là quá quan trọng và thánh thiêng, sợ mất tự do và độc lập và vì muốn dẹp bỏ một cái gì đó họ cho là chỉ có tính tổ chức và hành chính”[11].
(còn tiếp)
Đaminh Nguyễn Đức Thông
Chú thích
[1]Amoris Laetitia, số 32.
[2]Relatio Finalis 2015, 5; Amoris Laetitia, số 32.
[3]Address to the United States Congress (24.9.2015): L’Osservatore Romano, 26.9.2015, p. 7.
[4]Amoris Laetitia, số 33
[5]Amoris Laetitia, số 34
[6]Amoris Laetitia, số 35
[7]Amoris Laetitia, số 36
[8]Amoris Laetitia, số 37
[9]Amoris Laetitia, số 38
[10]Amoris Laetitia, số 39
[11]Relatio Finalis 2015, 29; Amoris Laetitia, số 40