Ngày 10/7/2016 – mười ngày sau khi chính quyền công bố Formosa là nguyên nhân gây nên thảm họa biển miền Trung, các linh mục thuộc hạt Kỳ Anh – giáo phận Vinh, đã cùng ký chung một bản kiến nghị gửi tới các cấp lãnh đạo nhà nước Việt Nam, yêu cầu:
- Các cơ quan hữu trách thống kê chính xác, minh bạch những thiệt hại do thảm họa môi trường mà công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra.
- Thực hiện đền bù đầy đủ, thỏa đáng cho những người dân bị thiệt hại.
- truy tố thủ phạm gây ra thảm họa, bất kể đó là ai.
- Nhanh chóng làm sạch môi trường biển.
- đề nghị đóng cửa nhà máy Formosa nếu không đảm bảo được môi trường trong lành.

Các linh mục Hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh đến thăm và tặng quà cho giáo xứ Đông Yên – vùng rốn của thảm họa môi trường
Đấy là tin vui cho người dân bốn tỉnh Miền Trung và đồng bào cả nước về thái độ dấn thân và lập trường của những “người trong cuộc”, những mục tử “mang mùi của chiên”, nói theo ý tưởng rất hay và rất ý nghĩa cho sứ vụ Linh mục của Đức Phanxicô trong Thánh lễ làm phép dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh 28/3/2013 tại Đền thờ thánh Phêrô, Rôma.
Người linh mục, ngoài đời sống tốt lành, phải trở nên muối và ánh sáng cho trần gian tăm tối và hư hỏng, nhất là trong thời điểm hôm nay. Xác tín về ơn gọi và sứ vụ của mình là hồng ân Chúa ban để phục vụ đoàn chiên của Chúa, người linh mục biến các xác tín của mình thành sự giải thoát và sự sống cho tha nhân, nơi mình hiện diện và phục vụ. Với vai trò là người nuôi dưỡng và bảo vệ, theo gương Đức Giêsu, linh mục phải biết tình trạng của chiên, từng con một, phải yêu thương và chăm sóc thì chiên mới biết, mới đáp trả, mới gắn bó, mới đi theo.
Chúa Nhật ngày 10/07/2016, ĐTC Phanxicô tại đền Thánh Phêrô, Rôma đã chia sẻ về dụ ngôn người Samari nhân hậu “chỉ ra một lối sống thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình, mà cần phải biết quan tâm đến tha nhân”. Giống như thầy tư tế trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng, “Ai là người thân cận của tôi? Là bạn bè, cha mẹ, người đồng hương của tôi, hay người đồng tín ngưỡng với tôi đây?”. “Điều đó phụ thuộc vào tôi ‘là’ hay ‘không là’ người lân cận với người mà tôi gặp gỡ, người cần đến sự giúp đỡ của tôi, cho dù anh ta là một người xa lạ, hay thậm chí là kẻ thù”.
Trở nên người thân cận nhân hậu là người biết quan tâm tới tha nhân, bênh vực những quyền lợi chính đáng của họ, nhạy bén với những hoàn cảnh sống khó khăn của họ, và ngay cả những tổn thương về tinh thần và thương tích ngoài thể xác, không phải vì bổn phận, nhưng một cách vô vị lợi dù phải hy sinh lợi ích cá nhân hoặc có thể nguy hiểm cho bản thân mình.

Đức Tổng Giám mục Ngô Quang kiệt thăm giá dân Đông Yên sáng 7/6/2016
Nếu đảng cộng sản chỉ quan tâm tới các đảng viên và các đảng viên chỉ biết lo cho mình, cho gia đình mình, chỉ biết “còn đảng, còn mình”, thì người dân ở đâu, ai trở nên thân cận với họ, lo lắng cho họ, đang khi những đồng tiền thuế thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và có cả máu nữa dành nuôi chính quyền này? Điều đó quả là thảm họa cho dân tộc Việt Nam, khi đại đa số những người dân Việt ở ngoài đảng, những người được gọi là “công dân hạng hai”!.
Vì thế vụ Formosa gây ra thảm họa môi trường biển, đẩy người dân vào cảnh lầm than, bế tắc và việc đổ chất thải rắn ra môi trường ít được sự quan tâm của chính phủ hơn việc bổ nhiệm các quan chức trong bộ máy chính quyền. Và sau ba tháng “tránh qua một bên mà đi” không được, nhà cầm quyền buộc phải công bố nguyên nhân do nhà máy Formosa, thì liền sau đó nhận tiền hỗ trợ của nhà máy này mà không tính đến những thiệt hại lâu dài, các biện pháp làm sạch môi trường, truy tố thủ phạm, lại còn kêu gọi “từ bi”, tha thứ cho kẻ phạm tội, hiểu theo nghĩa là “hợp thức hóa” những sai phạm làm chết cả… dân tộc và tương lai giống nòi.
Vì thế không lạ, khi các nhóm xã hội dân sự tọa kháng, tuần hành đòi chính quyền minh bạch vụ cá chết, chính quyền lại “quan tâm” đặc biệt theo kiểu mạnh tay đàn áp, bắt bớ, giam cầm. Bởi họ chỉ nhìn thấy “quân thù”, phải trấn áp không nương tay, dù đó là những sinh viên, những cô gái trẻ, những bà mẹ, ông bố và con cái họ, những người không một tấc sắt làm vũ khí, chỉ có lòng nhiệt thành, sự dấn thân, niềm thương cảm dám liên đới “đồng thân, đồng phận” với những con người cùng khổ như họ và còn tệ hơn cả họ, vì đó là “đồng bào!”.
Vì thế bao tháng năm qua, ngư dân vẫn phải một mình chống chọi với những hiểm nguy do bão tố, sóng cồn và nguy hiểm nhất là bị những “tàu lạ” tấn công, cướp phá đe dọa cả tính mạng, để chỉ nhận được những sự “quan ngại sâu sắc” hoặc “cực lực lên án”, đến nỗi “người lạ” còn nhạo rằng, Việt Nam chỉ chống đối theo thông lệ. Duy nhất mới đây, ngày 9/7/2016 ngư dân Quảng Ngãi bị đánh chìm tàu, chính quyền mới dám “té nước theo mưa”, “tàu lạ” là “Anh bạn vàng, bốn tốt”, sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung quốc ở Biển đông hôm 12/7/2016.
Vì thế mà việc bác ái lại bị hạch hỏi: “Làm từ thiện để làm gì?”. Muốn làm từ thiện phải “thông qua” Ủy ban, Mặt trận, nếu không muốn bị kẹt lại. Từ thiện đâu chỉ là giải quyết chuyện cơm áo, là vật chất đơn thuần, mà còn là tấm lòng trìu mến cúi xuống trên những nỗi đau, là sự thương cảm chia sẻ được chăm chút trao tận tay, là bảo rằng “sỏi đá cùng cần có nhau”… Bằng không, từ thiện sẽ là lũ “kền kền” xúm lại rỉa xác chết, khi lợi dụng nỗi đau người khác để “đánh bóng” tên tuổi mình.
Còn người vô cảm chỉ có thể trở nên thân cận với những người dửng dưng, hoặc họ sẽ trở nên “thân cận” với những kẻ quyền thế, gắn bó với những kẻ giầu có, họ sẽ “tránh qua một bên mà đi” qua hàng triệu triệu những con người cùng khổ đang rên rỉ sống dở chết dở quanh họ. Không cứu giúp những người khốn khổ trong muôn vàn hoàn cảnh cơ cực là đồng lõa, ủng hộ những kẻ gây ra những cách tang thương ấy. Không có lý lẽ nào thỏa đáng có thể binh vực thái độ đứng ngoài của những con người vô cảm ấy. Rúc trong “tháp ngà” an toàn vẫn hơn. Mặc cho ai đó bảo là mù, điếc, câm, họ cứ bình chân như vại.
“Ta chẳng trách cứ ngươi về hy lễ;
lễ toàn thiêu của ngươi, hằng nghi ngút trước mặt Ta đêm ngày.
Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi?” (Tv 49, 8.16).
Thật ra họ bị vây bủa bởi những nỗi sợ. Sợ “bị bách hại vì lẽ công chính” (Mt 5,10), sợ “phải vấy mùi chiên” (Ga 10,14), sợ liên lụy vì “là” người thân cận…
Mọi nỗi sợ hãi bắt nguồn từ việc lấy “cái tôi”, lấy sự an toàn, bảo đảm làm trọng, còn hành vi dấn thân liên đới lại đặt trên “tha nhân”, dấn thân, hy sinh. Sự khác biệt này có thể kiểm chứng được trong mọi vấn đề của xã hội, của cuộc sống, của con người. Hãy cứ thử đi hỏi, và kết quả thật bất ngờ: đúng 100%. Những phẩm chất của một người chỉ được người ấy bộc lộ ra bằng thái độ chọn lựa dấn thân, bằng bản lĩnh vượt qua khó khăn của mình. Thánh Giacôbê bảo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gcb 2,17). Đức tin ấy chết khi nó chọn lựa không làm.
Chọn người nghèo, đứng về phía người nghèo, binh vực người nghèo, phục vụ người nghèo, đó là thái độ của Đức Giêsu được mô tả chi tiết, kỹ càng trong Tân ước (Lc 4, 16-21), được triển khai trong những hoàn cảnh cụ thể, để những con người cùng khổ mọi thời nhận được sự xót thương và trợ giúp từ nơi Người; để, có thể nói, mọi người cứ dấu ấy mà biết ai là môn đệ của Đức Giêsu, như lời Đức Phanxicô: “Điều đó phụ thuộc vào tôi ‘là’ hay ‘không là’ người lân cận với người mà tôi gặp gỡ, người cần đến sự giúp đỡ của tôi, cho dù anh ta là một người xa lạ, hay thậm chí là kẻ thù”.
16/7/2016
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R