Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống thánh Anphongsô Liguori - Chương 4

z5968508473104_425aefcda80d7aa8f76bc099bcae2733

CẦU NGUYỆN
TRONG TINH THẦN VÀ TRUYỀN THỐNG THÁNH ANPHONGSÔ LIGUORI

Rev. Michael Brehl, C.Ss.R.

Hiệu đính: Rev. Raymond Coriveau, C.Ss.R.

Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.


Chương 4: NGUYỆN GẪM: SUY NIỆM VÀ HIỆN DIỆN

 

“Đây chính xác là những gì thánh Bernard đã viết cho Đức Thánh Cha Eugene: ‘Con lo lắng cho Đức Thánh Cha, vì con e rằng ở giữa những công việc bộn bề, Cha có thể bỏ lơ việc cầu nguyện và suy niệm. Và kết quả có thể làm cho trái tim Cha trở nên chai đá và không còn nhạy bén như trước bởi vì Cha không còn tỉnh thức đủ’… Và chúng ta nhận ra rằng vị Giáo hoàng mà thánh Bernard đã cảnh báo về việc bỏ lơ cầu nguyện (nếu thực sự ngài đã làm như vậy đôi lần), đã không bỏ qua việc cầu nguyện cho những vấn đề trần thế nhưng lại bỏ qua những vấn đề quan trọng cho vinh quang Thiên Chúa và Giáo hội. Những linh mục nên nhận ra rằng họ cần sự trợ giúp nhiều hơn từ ơn thánh khi họ phải đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống của họ. Do đó, họ cần dành thời gian để cầu nguyện nhiều hơn nhằm đón nhận sức mạnh cần thiết để chu toàn các nghĩa vụ. Đây là điều nhắc nhở cần thiết không chỉ cho những ai giảm bớt cầu nguyện vì phải thi hành những việc trần thế, mà còn cần thiết cho những ai bỏ việc cầu nguyện vì những công việc thiêng liêng như giải tội, thuyết giảng hay viết lách”.[1]

Chương này nhấn mạnh đến phương pháp Nguyện Gẫm (mental prayer) của thánh Anphongsô. Trong tư cách là thầy dạy, là Tiến sĩ Hội thánh, có thể thánh Anphongsô được biết đến nhiều nhất trong việc cổ võ phương thế cầu nguyện gọi là nguyện gẫm.

Cha Brian Johnstone đã viết một bài tóm tắt một vài điểm căn bản dẫn đến sự phát triển ‘nguyện gẫm’ ở phương Tây.[2]

Trong nhiều thế kỷ, suy gẫm (meditation) và Lectio Divina được các đan sĩ và nữ tu thực hành trong các tu viện của họ. Họ sống trong bầu khí cô tịch và thường giữ thinh lặng. Ngày sống chung của họ được tổ chức qua bảy Giờ Kinh Phụng Vụ khác nhau. Họ cùng lắng nghe những đoạn Kinh Thánh đã được chọn trước và việc ghi nhớ những đoạn văn ấy như một trong những nguyên tắc khi cầu nguyện. Nhìn theo khía cạnh tích cực, họ cùng sống và cùng thở trong một bầu khí chiêm niệm. Nhưng đôi lúc tiêu cực, họ có thể cảm thấy buồn ngủ và đi vào những giấc mơ giữa ban ngày!

Với sự phát triển của những dòng tu hành khất (Dòng Phanxicô và Dòng Đa Minh), các dòng tu theo lối sống đan tu (Dòng Augustinô, Dòng Theatines) và các tu hội tông đồ (Dòng Tên, Dòng các cha diễn thuyết Oratory, Dòng Vinh Sơn), môi trường đan viện và chiêm niệm không chỉ còn hiệu lực cho những cộng đoàn nam nữ tu sĩ, mà giờ đây còn ảnh hưởng lên những nam nữ giáo dân bình thường. Họ cảm thấy có nhiều nhu cầu về đời sống tâm linh và mộ đạo ngay giữa môi trường hoạt động tông đồ hoặc ngay giữa công việc hàng ngày của các giáo dân. Đặc biệt sau thế kỷ XIV, có một nỗ lực lớn trong việc điều phối, hướng dẫn và sắp xếp việc suy niệm (meditation) để các linh mục, tu sĩ nam nữ có thể gặt hái được những lợi ích của việc suy niệm trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn 30 phút vào buổi sáng và 30 phút vào buổi tối.

Ngang qua việc tổ chức và hệ thống hóa nhờ niềm đam mê của các học giả Phương Tây, ‘phương pháp’ nguyện gẫm bắt đầu phát triển nhanh chóng. Thật vậy, cầu nguyện được tổ chức thành những hình thức cụ thể – hình thức chiêm niệm được dành riêng cho những người ưu tú về tinh thần (đặc biệt là các đan sĩ và nữ tu, mặc dù đó không phải là đặc quyền riêng của họ), suy niệm dành riêng cho những tu hội tông đồ, và những hình thức sùng kính đạo đức được cho là thích hợp với đại đa số các tín hữu bình dân.

Thánh Anphongsô có một cách nhìn khác. Như tôi đã đề cập ngày hôm qua, ngài hoàn toàn tin tưởng vào ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa. Thông qua việc đọc Kinh Thánh và các tác phẩm của các Giáo phụ, cùng với kinh nghiệm của một cha giải tội và kinh nghiệm sống giữa người nghèo và bị bỏ rơi, thánh Anphongsô xác tính rằng ơn cứu độ phổ quát là xác tín cơ bản của Kitô giáo. Hệ quả của xác tín này là lời kêu gọi phổ quát hướng đến sự thánh thiện. Ngài viết rằng:

“Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta nên thánh, tùy thuộc vào tình trạng cuộc sống cụ thể của mỗi người: tu sĩ hãy sống như tu sĩ, giáo dân như giáo dân, linh mục như linh mục, người có gia đình như người có gia đình, thương gia như thương gia, binh sĩ như binh sĩ, và cứ như vậy cho bất cứ hoàn cảnh sống nào khác”.[3]

Đáp lại lời mời gọi mọi người phải nên thánh, thánh Anphongsô tin rằng bất cứ ai cũng được mời gọi thực hành ‘nguyện gẫm’. Đây không phải là cách thức cầu nguyện chỉ dành riêng cho một hạng người cụ thể nào. Mọi người đều có quyền tiếp cận với hình thức này chứ không dành riêng cho một nhóm ưu tú về đàng thiêng liêng.

Nguyện gẫm bao gồm suy niệm (meditation) và chiêm niệm (contemplation). Suy niệm bao gồm các bước dục lòng yêu mến, nguyện xin, quyết tâm và dâng hiến. Anphongsô đã giới thiệu phương pháp nguyện gẫm cho Nguyện đường về đêm tại Napoli[4] và trong các chuyến Đại phúc. Điều này gặp phải sự chống đối kịch liệt từ các giáo sĩ địa phương và những giáo dân có học thức cao. Tuy nhiên, thánh Anphongsô vẫn có những người ủng hộ ngài mạnh mẽ.

Gennaro Sarnelli[5] là một người có sức ảnh hưởng, là con trai của một nam tước, là một luật sư và là một người được đào tạo bài bản. Ngài tin rằng người nghèo không chỉ cần những nhu cầu vật chất hay cung cấp cho họ những phương tiện sống cần thiết khác (ví dụ như trợ giúp những người làm nghề mãi dâm), mà họ còn cần được hướng dẫn cả về nguyện gẫm. Cũng thế, thánh Anphongsô được nhiều giám mục khác và cả Hồng Y Tổng giám mục Napoli bảo vệ.

Anphongsô còn xuất bản một cuốn sách nhỏ như là cách thức tốt nhất để dạy những em nhỏ làm quen với nguyện gẫm vào trước những giờ lễ sáng. Ngài tin rằng nguyện gẫm là cách thức cầu nguyện dành cho tất cả mọi người.[6] [Đây là một bước ngoặt lớn]. Vì thời đó, nguyện gẫm được nhiều người xem là ‘hình thức cầu nguyện cao cấp’, cũng giống như những đòi hỏi trong hình thức chiêm niệm.

Thứ hai, trong các tác phẩm cầu nguyện và trong các công trình khác, Anphongsô đã quay trở về với các Giáo phụ. Ngài đã tìm thấy và học hỏi từ nhiều Giáo phụ Đông Phương, đặc biệt từ Gioan Kim Khẩu và Phêrô Kim Ngôn. Những tinh hoa của họ đã được Anphongsô tổng hợp cùng với cách thức cầu nguyện riêng của ngài, song song đó là những kinh nghiệm của thánh Têrêsa Avila , Dionysius the Areopagite, Francis de Sales và những tác giả khác. Dựa trên các tác giả thiêng liêng vĩ đại này, trực giác của Anphongsô về tầm quan trọng của các bước giục lòng yêu mến, nguyện xin, quyết tâm đã được xác nhận. Mặc dù bước ‘giục lòng yêu mến’ đã từng có trong thực hành nguyện gẫm của thánh I-nha-xi-ô Dòng Tên, nhưng vào thời thánh Anphongsô, nó đã biến mất, có thể bởi sự sợ hãi đối với chủ thuyết Vô Cảm (Quietism).

1.   Các thuật ngữ trong nguyện gẫm

Hình thức nguyện gẫm được nhắc đến trong hầu hết các tác phẩm thiêng liêng của thánh Anphongsô. Ngài mong ước độc giả sẽ sử dụng những tác phẩm, những bài suy niệm như là phương thế nuôi dưỡng đời sống nguyện gẫm. Tuy nhiên, ngài cũng trình bày rõ ràng bản chất của nguyện gẫm trong ít nhất bốn tác phẩm khác nhau.[7] Trong những tác phẩm viết về nguyện gẫm, Anphongsô đã hệ thống hóa, nhưng không đề cập đến các câu chuyện hay các trích dẫn vốn rất phổ biến trong các công trình của ngài.

Trước khi tiếp tục, tôi nghĩ chúng ta cần nắm vững một số thuật ngữ khi đề cập đến nguyện gẫm theo thánh Anphongsô. Điều cần lưu ý rằng đây là những ‘mô tả’ hơn là những ‘định nghĩa’. Tôi không nghĩ thánh Anphongsô quá chú tâm đến việc định nghĩa cầu nguyện. Nó có thể dẫn đến những định nghĩa hình thức và những sự hiểu nhầm không cần thiết. Anphongsô có khuynh hướng giúp chúng ta kinh nghiệm việc nguyện gẫm hơn. Những mô tả sau đây nên được xem như những chỉ dẫn cần thiết mà thôi. Khi chúng không còn giúp ích, chúng ta hãy bỏ qua chúng. Như tôi đã nói trong phần dẫn nhập, nguyện gẫm theo thánh Anphongsô có bốn bước, tất cả đều liên quan mật thiết và có xu hướng gối đầu lên nhau trong khi thực hành.[8]

Đối với Anphongsô, suy niệm (meditation) bao gồm suy gẫm và cân nhắc một số vấn đề thiêng liêng. Nhưng trước hết tập trung vào việc giục lòng yêu mến, rồi dẫn đến một quyết tâm (hoán cải) và phát sinh ra những lời nguyện chân thành để cầu xin các ân sủng [của Chúa]. Đối với Anphongsô, suy niệm trước hết không phải là việc suy tư biện luận. Ngài trích dẫn thánh Têrêsa Avila  rằng nguyện gẫm không phải là việc nghĩ về Thiên Chúa nhưng là yêu mến Người sâu thẳm và chân thành, từ đó nó sẽ sinh ra hoa trái là sự hoán cải, là những quyết tâm thực hành và lòng trắc ẩn. Thánh Anphongsô cũng cho thấy mục đích trước hết của nguyện gẫm là bước chuẩn bị để chúng ta biết xin gì trong những lời nguyện xin! Một lần nữa, thánh Anphongsô nhấn mạnh tầm quan trọng thật sự của những lời nguyện xin (the prayer of petition).[9]

Hồi tưởng chủ động (active recollection) cũng là một thành phần của nguyện gẫm. Đây là cách thức cầu nguyện trong đó chúng ta suy niệm về một chân lý cụ thể nào đó dẫn chúng ta đến trạng thái yên nghỉ trong Chúa và yêu mến Thiên Chúa. Các quan năng của tôi đều trở nên năng động. Tôi nghĩ về một chân lý cụ thể nào đó. Ví dụ, một đoạn Kinh Thánh có thể dẫn tôi đến với lòng sám hối thật sự về một lỗi lầm nào đó hoặc thái độ biết ơn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong hồi tưởng chủ động, người đó ý thức và sở hữu một vài ý tưởng cụ thể, nhưng lúc ấy không cần cố gắng nỗ lực suy niệm về chúng. Tôi có thể mang ‘ý tưởng’ ấy hoặc đoạn Kinh Thánh ấy, hoặc chỉ cần một hai từ trong suốt cả ngày sống.

Tĩnh nguyện (contemplative repose) tương tự như hồi tưởng chủ động. Tuy nhiên, trong tĩnh nguyện, tôi ý thức về tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong trạng thái ít suy tưởng vào một điều gì cụ thể. Tôi ý thức rằng tôi bình an, được nhận biết và được lôi cuốn về phía Thiên Chúa – trong trạng thái thư giãn, tôi dừng lại và ‘đắm chìm trong Thiên Chúa’.[10]

Chiêm niệm (contemplation itself) khá là khác biệt. Trong tiến trình suy niệm, hồi tưởng chủ động và thậm chí là tĩnh nguyện, là lúc người ấy đi ra khỏi chính mình để tìm kiếm Thiên Chúa thông qua những nỗ lực của lý luận, suy tư, đọc hiểu, cân nhắc. Được thúc đẩy bởi ân sủng, tôi ý thức rằng tôi đang hoạt động trong tương quan với Chúa. Tuy nhiên, tôi ý thức mình cũng đang hành động. Còn trong chiêm niệm, Thiên Chúa hành động là chủ yếu, và linh hồn chỉ hoạt động và đón nhận dựa trên ân sủng được tuôn đổ từ phía Thiên Chúa.[11] Chiêm niệm dẫn tới mối tương quan thần bí, và thậm chí có thể trở thành một trạng thái xuất thần. Đây là một quà tặng thuần khiết, một ân ban thật sự. Nhưng đây không phải là chủ đề của chương này. Nếu anh em đang kinh nghiệm một tình trạng xuất thần, thì anh em cũng ý thức anh em cần một người hướng dẫn thiêng liêng để giúp anh em tránh rơi vào tình trạng ảo tưởng.

Bây giờ, tất cả bốn chiều kích có thể hiện diện trong một tổng thể của nguyện gẫm, mặc dù điều này có vẻ không bình thường theo thánh Anphongsô. Tuy nhiên, nó có vẻ bình thường nếu chúng ta kinh nghiệm được hơn một chiều kích cùng một lúc trong tiến trình cầu nguyện, đặc biệt suy niệm dẫn đến hồi tưởng chủ động hoặc tĩnh nguyện. Tôi không nghĩ thánh Anphongsô muốn chúng ta quá quan tâm đến việc phân tích những gì đang xảy ra khi chúng ta cầu nguyện! Thay vào đó, hãy cầu nguyện và để Thần Khí dẫn dắt chúng ta. Hãy tìm một vị hướng dẫn thiêng liêng thánh thiện, người mà bạn có thể thẳng thắn trình bày đời sống thiêng liêng của mình. Hãy nhớ rằng, mỗi cá tính sẽ kinh nghiệm về nguyện gẫm cách khác nhau. Không có chuyện sai hay đúng ở đây. Phương pháp mà thánh Anphongsô đưa ra rất uyển chuyển và đa dạng. Thật vậy, một số nhận định rằng điều tuyệt vời của thánh Anphongsô là trong phương pháp cầu nguyện của ngài lại có thể xem như không có phương pháp hay công thức nào cả. Tôi thích nghĩ về nguyện gẫm theo nghĩa cân nhắc và hiện diện.

Mẹ Maria là người đầu tiên mà tôi nghĩ khi nhắc đến những cụm từ này. Mẹ Maria và việc cân nhắc! Thánh Luca sử dụng thuật ngữ này nhiều lần để chỉ về Mẹ Maria. “Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này… Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,17.19). Một lần khác Mẹ phản ứng cùng một cách như thế về những lời mầu nhiệm của Chúa Giêsu khi Mẹ tìm thấy Người trong đền thờ. Mẹ “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Mẹ dạy chúng ta làm sao để ‘suy niệm’ hay tự hỏi về Lời Chúa. Chúng ta phải quý trọng Lời Chúa trong sự cẩn trọng, suy niệm trong lòng chúng ta luôn luôn (x. Lc 8,15). Bằng cách này, chúng ta luôn luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Nhưng đây là một tiến trình lâu dài. Nó thường bắt đầu với những từ ngữ hay suy nghĩ, nhiều cuộc đối thoại và trao đổi, và nhiều cuộc ‘suy tư biện luận’. Tôi nghĩ về người em út của mình. Sau khi chịu chức, tôi trở về thăm gia đình – Bob vẫn còn sống với bố mẹ tôi. Tôi thường ấn tượng khi em tôi dành hàng giờ trò chuyện với cô gái mà sau này trở thành người vợ. Sau khi cùng trải qua một buổi tối, em ấy lại gọi cho cô ấy trước giờ ngủ, và họ lại nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ! Nó giống như khi chúng ta còn trẻ và chúng ta bắt đầu một mối tương quan mới và đặc biệt. Điều này tương tự với việc suy niệm và nguyện gẫm, nó thiên về tương quan hơn là kỹ thuật.

Tôi cũng nhớ đến một kinh nghiệm mà tôi đã có khi còn là một linh mục trẻ ở Newfoundland. Tôi viếng thăm giáo xứ vào một mùa thu, và tôi đến nhà một cặp vợ chồng đã cưới nhau hơn 60 năm. Họ dẫn tôi vào bếp, trước một cái lò củi và người vợ bắt đầu kể cho tôi câu chuyện gia đình họ. Người chồng cũng ngay đó, trên chiếc ghế lắc, cùng với tẩu thuốc lá, ông không nói một lời nào. Vào một thời điểm nhất định, người vợ đứng dậy, đặt ấm nước trên bếp, nấu nước sôi và pha một tách trà (thêm đường và sữa), và trao nó cho người chồng. Tất cả điều này diễn ra mà không cần bất cứ lời nói nào với người chồng, cũng không làm gián đoạn cuộc đàm thoại giữa bà và tôi. Khi bà ấy thinh lặng trong giây lát, tôi hỏi bà tại sao bà biết khi nào ông nhà cần một ly trà. Bà ấy cười, ngạc nhiên và trả lời tôi: “Thưa cha, làm sao tôi không biết được? Chúng tôi đã cưới nhau hơn 60 năm. Tôi biết mọi thứ ông ấy muốn, khi nào ông ấy muốn và cả việc ông ấy muốn như thế nào”.

Sau một chặng đường cùng nhau, bà ấy biết rất rõ về ông nhà mà không cần nói một lời nào. Bà ấy hiện diện cùng với ông nhà ngay cả trong khi cùng trò chuyện với tôi. Tôi nghĩ điều đó giống như việc nguyện gẫm. Thiên Chúa dẫn chúng ta vào một sự hiểu biết thân mật và sâu thẳm mà không một lời nào để diễn tả. Sự hiện diện là điều cần thiết nhất. Thánh Anphongsô bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta chắc chắn sẽ sinh hoa trái trong tiến trình nguyện gẫm, điều đó có thể xảy ra trong trạng thái tĩnh nguyện.

Làm sao để suy niệm?

Có nhiều phương pháp suy niệm trong truyền thống Kitô giáo. Cha Johnstone đã trình bày một số phương pháp sau:

1. Phong trào suy niệm Kitô giáo được Dom John Main, O.S.B., cổ võ.[12] Phương pháp này được thực hành tại the Desert House of Prayer ở Picture Rocks ngoài vùng Tucson, và nhiều nơi khác. Phương pháp này chủ trương việc lặp đi lặp lại những câu cầu nguyện ngắn như: Maranatha – Lạy Chúa xin hãy đến. Việc thở và tư thế của cơ thể là điều rất quan trọng. Trong bất cứ phương pháp nào, chúng ta phải cầu nguyện trong con người thật của mình – không làm cho tinh thần tách rời khỏi thể xác! Hãy nhớ tầm quan trọng của mầu nhiệm Nhập Thể!

2. Cầu nguyện tập trung được cha Timothy Keating O.C.S.O. và một số người khác khuyến khích.[13] Phương pháp này đòi hỏi việc để tâm trí trở nên trống rỗng với bất cứ suy nghĩ nào. Và cũng thế, việc thở và giữ tư thế là điều cần thiết.

3. Cầu nguyện với Chúa Giêsu.[14] Cách cầu nguyện đơn giản này có một lịch sử lâu dài và đáng trân trọng, đặc biệt trong Giáo hội Đông Phương, cũng như cả Tây Phương. Nó bao gồm những lời cầu nguyện khác nhau nhân danh Chúa Giêsu với mỗi hơi thở, cho đến khi chúng ta hiện diện liên tục trong Thần Khí và Thần Khí hiệp nhất với tinh thần chúng ta. Bài thánh ca Acathist là một ví dụ cho hình thức cầu nguyện này trong hình thức một cộng đồng.

4. Nhiều người vẫn thực hành Lectio Divina,[15] đặc biệt phổ biến trong những người trẻ. Đức Hồng y Martini đã phổ biến phương pháp này tại Nhà thờ chính tòa Milan.

5. Phương pháp của thánh Inhaxiô là một phương pháp được nhiều người ưa thích.[16]

6. Có những thực hành truyền thống khác, được gợi hứng bởi thánh Anphongsô, với những đóng góp của Gennaro Sarnelli và một số người khác.

Trên đây chỉ là một ví dụ về phương pháp suy niệm khác nhau, không phải là một tổng hợp đầy đủ.

 

Phương pháp suy niệm theo thánh Anphongsô

Đây là phương pháp của thánh Anphongsô. Như tất cả các phương pháp khác, nó được công thức hóa để đưa vào thực hành. Tuy nhiên, tinh thần quan trọng hơn phương pháp. Điều thánh nhân muốn là việc thực hành. Phương pháp không phải là một điều gì hoàn hảo. Nó là bước đầu tiên để hướng tới việc thực hành. Anphongsô tin rằng điều đó rất hữu ích cho mọi người. Ngài mô tả phương pháp này ở nhiều nơi khác nhau, đôi lúc chúng có một vài sự khác biệt nho nhỏ. Tôi nghĩ điều này diễn tả tính mềm dẻo của phương pháp này. Phương pháp của ngài không đơn giản là một công thức ‘phải làm thế nào?’ Nó không phải là một công thức để tạo nên sự thánh thiện như công thức pha chế thức ăn liền của hãng Uncle Ben.

Có ba bước trong phương pháp này:

– Chuẩn bị

– Suy niệm – đây là bước trung tâm của tiến trình nguyện gẫm.

– Kết thúc

 

  1. Chuẩn bị

Bước chuẩn bị cho nguyện gẫm là bước rất quan trọng đối với thánh Anphongsô. Khác với quan niệm chung, anh em không thể chỉ đơn giản tìm ra đúng phương pháp, ngồi trong nhà nguyện và bắt đầu việc nguyện gẫm nhằm có một kết quả tốt, một sự yêu mến và một cảm giác hạnh phúc.

Bước chuẩn bị ban đầu hay sự hình thành cho một đời sống nguyện gẫm phải được bắt đầu với lòng khát khao chân thành để sống một cuộc đời thánh thiện, xa tránh tội lỗi, yêu mến Chúa và tha nhân nồng nàn hơn. Bước cần thiết của tiến trình chuẩn bị là một tình yêu sống động đối với Lời Chúa qua những trang Kinh Thánh. Tình yêu này phải được nuôi dưỡng cẩn thận trong tư cách cá nhân và cộng đoàn. Tôi thích một thuật ngữ “chìm ngập trong Lời Chúa”.[17] Điều này nhắc tôi việc pha trà tại gia đình. Pha trà cũng phải theo tiến trình. Không thể có những giải pháp nhanh chóng. Ví như các bước pha trà vậy: khuấy hay nhấn túi trà vào trong ấm trà, đun sôi trà, không để trà ngấm quá lâu. Tôi nghĩ đến Mẹ Maria và kinh Magnificat – Mẹ đã được chìm ngập trong Lời Chúa, và đó là lý do tại sao Mẹ đã rất dễ dàng cầu nguyện trong những lời của các tiền nhân! Tôi nhận ra bây giờ tôi thường cầu nguyện với những Thánh vịnh hay Thánh thi – hoặc đôi khi với những bài thánh ca hiện thời.

Mặc dù hành động ‘đắm mình trong Lời Chúa’ được xem là bước chuẩn bị khởi đầu, nhưng nó là cả một tiến trình sống lâu dài. Tôi nhớ về cha Len Fitzgerald, một thành viên trong cộng đoàn, bắt đầu việc học lại các Tin mừng ở tuổi 90. Tôi biết một Giám mục DCCT tại Peru khởi sự việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Quechua khi ngài ở tuổi 91! Và ngài hoàn tất công trình ở tuổi 97.

Chuẩn bị xa là thuật ngữ mà tôi cảm thấy quen thuộc khi tôi sống với cha Clark McAulay, người anh em. Mỗi buổi tối sau bản tin 9 giờ, ngài đứng dậy và nói rằng, ngài đi để bắt đầu tiến trình chuẩn bị xa, và nhanh chóng trở về phòng của ngài. Ngài nói có một điều quan trọng để đi vào nguyện gẫm hiệu quả vào buổi sáng, đó là phải chuẩn bị từ tối hôm trước. Điều này có nghĩa phải chọn một bản văn hay một tài liệu nào đó mà anh em mang theo cho việc suy niệm, hay việc đọc một đoạn Kinh Thánh của ngày tiếp theo, suy xét lại lương tâm của mình. Việc xét mình là một cách thức cầu nguyện theo thánh Gioan Kim Khẩu và đã được phát triển phổ biến bởi các tu sĩ dòng Tên, đặc biệt do cha Armand Nigro, S.J. Thánh Anphongsô đã biết về điều này và cổ võ thực hành nó.

Sự giao hòa có thể là một phần quan trọng và cần thiết của việc chuẩn bị xa, có thể giao hòa qua bí tích, hoặc giao hòa với chính bản thân hoặc với người khác. Đôi lúc điều này có thể đơn giản chỉ là một động tác kiến tạo sự bình an.

Việc chuẩn bị gần trước khi bước vào suy gẫm thì rất ngắn gọn và đơn giản. Hãy đi vào nơi mà bạn chọn sẽ cầu nguyện. Thánh Anphongsô đề nghị hãy vào nhà nguyện trong mỗi buổi sáng để bắt đầu một ngày mới, mặc dù đó không phải là nơi duy nhất. Ngài đề nghị chúng ta hãy quỳ xuống, ít nhất là trong giai đoạn chuẩn bị. Hãy thúc giục lòng bạn qua 3 bước: giục lòng tin, giục lòng thống hối và cầu nguyện xin ánh sáng của Thần Khí Chúa. Ba bước này phải thực hiện bằng chính ngôn ngữ của anh em. Tôi nghĩ bước quan trọng cần thiết là giục lòng tin. Có thể là những lời đơn sơ như: “Lạy Chúa của con, con tin rằng Ngài đang hiện diện với con. Xin giúp con hiện diện nơi đây với Chúa”.

  1. Suy niệm

Đây là trung tâm của tiến trình suy niệm. Thánh Anphongsô đề nghị nên sử dụng một bản văn và đọc chậm rãi trong tâm tình suy niệm. Lời Chúa là lựa chọn ưu tiên, nhưng cũng có thể chọn những bản văn khác. Hãy đọc trong tâm tình suy niệm. Đừng cố ‘hoàn thành một cuốn sách’ hay thậm chí một chương. Hãy nhớ rằng thánh Têrêsa Avila đã sử dụng cùng một cuốn sách trong 17 năm! Bạn không phải đọc để hoàn thành cuốn sách! Bản văn không phải là điều quan trọng. Anphongsô nhắc lại lời thánh Têrêsa[18] rằng nguyện gẫm quan tâm nhiều đến tình yêu đối với Thiên Chúa cách nồng nàn hơn là suy nghĩ về Thiên Chúa cách hệ thống! Hãy nhẹ nhàng và chú tâm đến sự tác động của Thần Khí.

Thường bạn sẽ được thúc đẩy để dừng lại và dành một ít thời gian để suy gẫm một câu, một từ, hay một ý tưởng. Sự suy xét này sẽ dẫn đến lòng yêu mến và những chuyển động của con tim trong Thần Khí về tình yêu, niềm vui, sự thỏa nguyện, bình an, tâm tình tạ ơn, lòng hối hận, hay sự xấu hổ hoặc bất cứ cảm xúc nào khác.

Những khoảnh khắc này và những chuyển động của lòng yêu mến sẽ thường dẫn đến việc tự nhận biết mình sâu sắc hơn, dẫn đến sự ý thức hơn về sự phụ thuộc và những nhu cầu của bản thân trong tương quan với Chúa. Chúng ta có thể cầu nguyện cho tất cả những ý nguyện mà chúng ta đã hứa cầu nguyện cho họ. Những tình trạng đau khổ, khó khăn, những nhu cầu hằng ngày có thể là những ý tưởng để chúng ta cầu nguyện. Từ đó có thể xuất hiện những lời nguyện xin và đặc biệt những lời nguyện xin cho lòng kiên vững và lòng mến.[19] Và có thể một sự quyết tâm sẽ xuất hiện sau đó. Nhưng hãy kiên nhẫn với bản thân! Nếu không có một lời nguyện xin hay không có một quyết tâm nào xuất hiện, hãy quay trở lại bản văn và đọc một lần nữa. Hãy dừng lại và suy gẫm bất cứ khi nào Thần Khí thúc đẩy tâm hồn bạn.

Tuy nhiên, khi kết thúc giờ suy niệm, hãy cố gắng tìm ra cho bản thân ít nhất một quyết tâm cụ thể mà bạn có thể mang ra thực hành trong ngày sống của mình. Quyết tâm ấy có thể rất là cụ thể, ví như việc giữ thinh lặng trong ngày hôm nay, ý thức sự hiện diện của một người mà tôi thường tránh mặt, xin lỗi về hành vi xúc phạm tới một ai đó, làm một điều gì đó mà tôi trì hoãn lâu nay. Hãy tránh những quyết tâm quá chung chung và không cụ thể! Bất cứ khi nào có thể, hãy để những lời quyết tâm xuất hiện cách nhẹ nhàng qua sự cầu nguyện của bạn. Đừng ép bản thân một cách máy móc giả tạo.

Thánh Anphongsô trích dẫn từ Đấng đáng kính Paul Segneri:

“Cho tới khi tôi học thần học, tôi cố gắng trong suốt giờ nguyện gẫm để suy niệm và tìm ra các quyết tâm, thế nhưng Thiên Chúa đã mở mắt tôi và từ đó tôi nỗ lực đặt chính mình trong những lời nguyện xin, và nếu có bất cứ điều gì tốt lành xảy ra trong tôi, tôi đều phó thác điều ấy lên Thiên Chúa”.[20]

  1. Kết luận

Một lần nữa xin nhắc lại các bước cầu nguyện rất ngắn gọn và đơn giản. Hãy tạ ơn Chúa bất cứ khi nào trong giờ cầu nguyện, và bất cứ khi nào bạn nhận được ân sủng, ánh sáng, nhận thức sâu sắc hay một quyết tâm nào đó. Hãy luôn nhắc lại quyết tâm và cam kết bản thân thực hiện nó. Hãy dâng lên Chúa bất cứ lời nguyện xin nào xuất hiện trong ngày sống của bạn. Hãy xin Mẹ Maria gìn giữ bạn trung thành.

Và cuối cùng, hãy dâng lên Chúa bất cứ ý định cụ thể nào bạn có – một dạng ‘danh sách’ các ý nguyện xin cho bất cứ ai hay cho hoàn cảnh nào. Chính thánh Gioan Kim Khẩu đã đề nghị điều này và thánh Anphongsô trích dẫn lại để chứng tỏ sự đồng thuận của ngài.[21] Hãy mang tất cả những ý nguyện ấy vào lời nguyện xin của bạn. Đây có thể là những phương tiện mà qua đó Chúa gửi đến ý thức của bạn về một ai đó hay một hoàn cảnh nào, và qua đó Chúa sử dụng bạn như một công cụ để đáp trả cho lời cầu nguyện của một ai đó.

Có một số người chỉ trích phương pháp cầu nguyện này quá phức tạp và quá “hoạt động”, thiếu sự tĩnh lặng. Tôi không nghĩ như vậy. Nó thực sự rất đơn giản và dễ thực hiện. Nó chỉ là một phương pháp trong vô số các phương pháp khác. Hãy nhớ rằng mục đích của tất cả các hình thức suy niệm và nguyện gẫm là nhằm tăng trưởng trong tình yêu của Chúa và sự kiên trì vững tin để chúng ta có thể trở nên hiệp nhất hoàn toàn với thánh ý Chúa.

Tôi đặc biệt thích việc đề nghị thực hành bằng cách đọc một bản văn, nhưng hãy dùng chúng như một bệ phóng, một chất xúc tác. Bản văn tự nó không phải là điều quan trọng, nhưng sở dĩ nó được dùng vì nó ‘gợi lên’ những sự yêu mến. Tất nhiên, thánh Anphongsô đánh giá tầm quan trọng to lớn trong vị trí và chức năng của Kinh Thánh và mong ước chúng ta sẽ chìm ngập trong Lời Chúa như túi trà chìm trong nước hay như cá trong đại dương!

Phương cách nguyện gẫm sẽ phát triển trong chúng ta tinh thần chiêm niệm để ‘phân biệt giữa điều gì là thật và điều gì là ảo’.[22]

“Lời Chúa đem lại sự nâng đỡ và tăng cường cho Hội Thánh, củng cố đức tin cho con cái Hội Thánh, nuôi dưỡng linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu. Vì thế, với tư cách là những thừa tác viên của mạc khải về mầu nhiệm Đức Kitô ở giữa loài người, các tu sĩ phải năng đến với Lời hằng sống và Lời tác sinh sự sống của Người và đắm mình trong Lời Chúa, bằng việc chuyên cần đọc Kinh Thánh lẫn việc cử hành Lời Chúa trong cộng đoàn. Với đức tin sống động theo cách này, họ trở nên những tông đồ hữu hiệu hơn trong mọi việc lành (x. 2Tm 3,17)”.[23]

 

 

 

[1] ‘Practice of Mental Prayer’, in CWS, pp. 303-304.

[2] Brian Johnstone, C.Ss.R., “How to Meditate and Contemp;ate According to the Redemptorist Tradition”, North American Spirituality Commission, 2005, This article was privately printed and made available to the retreatants.

[3] The Practice of the Love of Jesus Christ, in CWS, p. 141.

[4] Đây là những nhóm người nghèo và mù chữ tại các khu ổ chuột tại Napoli, họ quy tụ lại để cầu nguyện, học giáo lý và làm việc bác ái.

[5] Một người bạn của thánh Anphongsô và một trong những tu sĩ DCCT đầu tiên, một tác giả phong phú về các sách thiêng liêng, được ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 12 tháng 5 năm 1996.

[6] Tham khảo “The Practice of Mental Prayer”, in CWS, p. 302.

[7] The Praxis Confessarii, (Eng. Trans. Referred to in fn. 7, above), pp. 112-115; The Great Means of Salvation and of Perfection, (Grimm Ed.) Vol. 4, pp. 268-284; The True Spouse of Jesus Christ, (Grimm Ed.), Vol 9/10, pp. 453-46; &A Letter to a priest, Don Matteo Ricci, in Vol. 1 of Letter, (Grimm Ed.) Vol. 18, pp. 117-118.

[8] I am following Alphonsus’ treatment in his Praxis Confessarii, (Eng. Trans.) pp. 112f.

[9] ND: Như đã trình bày trong chương 2.

[10] Praxis Confessarii, (Eng. Trans), p. 115.

[11] Praxis Confessarii, (Eng. Trans), p. 115.

[12] Được trình bày trong Moment of Christ. The Path of Meditation, New York: Crossroads, 1984.

[13] Cf. Thomas Keating, O.C.S.O., Intimacy with God. New York: Crossroads, 1995. Also M. Basil Pennington, Centering Prayer. Renewing and Ancient Christian Prayer Form. Garden City, NY: Doudleday & Co. Inc., 1980.

[14] Cf. Lev Gillet, On the Invocation of the Name of Jesus. Springfield, IL.: Templegate Publishers, 1985; Bishop Kallistos Ware, The Power of the Name. The Jesus Prayer in Orthodox Sprituality. Fairacres, Oxford: SLG Press, 1974.

[15] Cf. Michael Casey, O.C.S.O., Sacred Reading. The Ancient Art of Lectio Divina. Liguori, Missouri: Liguori Publications, 1996; also Basil Pennington, O.C.S. O. Lectio Divina. Renewing the Ancient Practice of Praying the Scriptures. New York: Crossroad Publishing Co., 1998.

[16] Ignatius Loyola, The Spiritual Exercises and Selected Works, Ed. By George E. Ganss S.J., “The Classics of Western Spirituality”, NewYork/Mahwah: The Paulist Press, 1991, especially pp. 178-182; Also David L. Flenming S.J., (Ed.), Ignatian Exercises. Contemporary Annotation. St. Louis, Missouri: Review for Religious, 1996. Cf. especially the section on Prayer.

[17] Hiến pháp số 28. The Vatican II Dogmatic Constitution of Divine Revelation (Dei Verbum), #25, speaks of ‘being immersed’ in the Scriptures.

[18]The Great Means of Salvation and Perfection, (Grimm Ed.) Vol. 3, p. 276. The Method of Mental prayer (from this volume) is also contained in Heart calls to Heart. An Alphonsian Anthology, (Hoegerl, Ed.), pp. 223-233.

[19] Xem lại tầm quan trọng của lời nguyện xin (prayer of petition) trong chương trước.

[20]The Great Means of Salvation and Perfection, (Grimm Ed.), Vol 3, p. 279. Heart calls to Heart, (Hoegerl Ed.), p. 229.

[21]The Great Means of Salvation and Perfection, (Grimm Ed.), Vol 3, p. 281. Heart calls to Heart, (Hoegerl Ed.), p. 231.

[22] Hiến pháp, số 24.

[23] Hiến pháp, số 28.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết