20 năm xin quần áo cũ cho người nghèo

  • Bác ái
  • Thứ Bảy, 07-05-2016 | 16:53:57

Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn bên những túi đồ chất đầy chiếc xe máy cũ kỹ tự bao giờ trở nên thân thuộc và dễ mến trong mắt những người đã từng tiếp xúc với chị Đào Thị Thu Vân (46 tuổi), hiện đang sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.

van1

Chị Thu Vân (trái) đang phân loại quần áo cũ.

20 năm qua, chị vẫn lặng thầm trong hành trình gom góp quần áo cũ cho người nghèo.

Ai có quần áo cũ muốn tặng thì dù ở đâu trong thành phố này, chị cũng chạy đến tận nơi để nhận về.

Chị Vân sinh ra và lớn lên ở Long Thành, Đồng Nai. Gia đình nghèo khó, mẹ chị mất sớm, khi chị mới 6 tuổi. Cha đi thêm bước nữa.

Năm 17 tuổi, chị quyết định vào Sài Gòn tìm việc kiếm sống. Hành trang vào chốn phồn hoa đô hội của chị chỉ là hai bàn tay trắng với một ước mơ giản dị: muốn được học dệt để tự tay dệt nên những thước vải, may đồ cho mình và gia đình, bù đắp những tháng ngày thiếu thốn ở quê.

Nơi chị gửi gắm ước mơ là một xưởng dệt nhỏ ở khu vực ngã tư Bảy Hiền. Chị làm tạp vụ nhưng thi thoảng lại dòm qua ngó lại để lén học dệt từ những người thợ lành nghề. Hàng ngày chị lượm những mảnh vải vụn nhà xưởng bỏ đi, đem về may thành mền. Cũng từ đây, chị có ý định đem những chiếc mền được làm từ vải vụn này tặng cho người nghèo khổ ở quê mình.

Đi ngoài đường, chị thường xuyên thấy người ta bỏ đi rất nhiều quần áo. Trong đó, có rất nhiều quần áo còn khá mới, còn có thể mặc được bình thường. Chị liền nảy ra ý nghĩ xin đồ cũ về, giặt giũ, phơi và gửi đến cho người nghèo.

Kể từ đó, ai có quần áo không còn dùng nữa, chỉ cần một cú điện thoại thì chị Vân sẽ chạy đến tận nơi tiếp nhận. Không quản ngại đường sá xa xôi hay nắng mưa, chị cùng chiếc xe Best cũ kỹ cứ băng băng khắp các nẻo đường để gom góp từng bộ quần áo cho người nghèo.

Công việc hằng ngày của chị là giúp việc nhà, mỗi ngày 3 tiếng đồng hồ. Ngoài thời gian đó, chị lại trở về gác trọ nhỏ của mình để chu toàn việc cơm nước cho chồng con và hai người cháu ở cùng.van2

Gia đình cũng không khá giả gì, nhưng chị Thu Vân vẫn cảm thấy mình may mắn hơn biết bao nhiêu người nghèo khó khác vì có chồng và hai người con trai luôn động viên và giúp đỡ công việc ý nghĩa của chị đang làm. Chính điều đó giúp chị gắn bó với công việc lặng thầm này suốt mấy chục năm qua.

Đồ xin về, được giặt giũ xong, ông xã và con chị phụ bưng lên, phơi, xếp. Khi chị mệt quá thì nhờ con trai… con chở nhiều, chị chở ít.

Có những thời điểm lượng quần áo cũ quá nhiều, chất đống trong nhà, ngáng cả đường đi. Bất tiện là thế nhưng cả nhà chị không ai than phiền một câu nào, mà cùng chị lao vào giặt giũ và phân loại để chuyển đến những ai thực sự cần nó.

Chị Thu Vân có một ống heo nho nhỏ, mỗi ngày chị nhính chút tiền ăn sáng cho vào đó. Khi thấy có đoàn từ thiện đi đâu thì chị lại đăng ký tham gia, dùng số tiền trong ống heo để làm lộ phí.

“Của một đồng, công một nén”, khi những bao quần áo cũ được chị đem đến đúng nơi thực sự cần, chị hạnh phúc lắm. Các cơ sở tôn giáo, các chương trình từ thiện của báo đài là địa chỉ quen thuộc để chị gửi gắm những bao đồ cũ mà mình cất công gom góp được. Bên cạnh đó, cứ mỗi khi thấy ai đó đi ngang mà ăn mặc rách rưới, chị vẫy lại, cho họ vài ba bộ quần áo.

Gần 20 năm trước, chị đã trải qua 4 lần phẫu thuật, thập tử nhất sinh. Bây giờ lại mang trong người căn bệnh thoát vị đĩa đệm, cơn đau cứ thường xuyên kéo đến. Tuy nhiên, chị Vân quả quyết rằng chị sẽ làm công việc này cho đến khi không còn chút sức lực nào nữa mới thôi. Vì chị từng là một đứa trẻ mồ côi nghèo khó nên rất đồng cảm và yêu thương những người bất hạnh trong cuộc sống này.

Trò chuyện với chúng tôi mà đôi tay chị cứ mân mê tấm mền cũ. Đó là tấm mền mà cách đây mấy chục năm, chị đã may nên từ những tấm vải vụn bị người ta vứt bỏ. Cái đói, cái rách đã không còn đeo đuổi chị nữa, nhưng cái tình mộc mạc mà chị dành cho người nghèo vẫn đeo đuổi trong tâm hồn người phụ nữ 46 tuổi này.

Trung Kiên

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết