Yêu trong thế giới ‘dửng dưng’?

Tôi có thể làm gì để liên đới với người khốn khổ, khi mà lối sống hiện nay buộc tôi phải chạy đua với thời gian và công việc, và khi mà sự thành đạt được định nghĩa bởi giá trị vật chất? Phải chăng việc tìm kiếm những thứ to hơn, nhanh hơn, đẹp hơn, sang hơn, hoành tráng hơn đang làm chúng ta đánh mất đi những giá trị đích thực?

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Sống trong nền ‘văn hóa loại thải’ (‘throwaway culture’) hiện nay dễ làm con người xem mọi thứ đều có thể thay thế, từ đồ vật dùng một lần rồi bỏ cho đến những mối quan hệ tạm bợ, qua đường, không ràng buộc… Nhưng điều khủng khiếp hơn, chính là sự vô cảm của cả một xã hội tiêu thụ.

Chẳng có gì khó khăn để nhìn thấy những ví dụ nhan nhản khắp nơi. Ở cấp độ cá nhân: trong một nhóm bạn, một thành viên sẽ dễ dàng bị cho ‘ra rìa’ nếu người ấy không có ‘xế xịn’ hay ‘đồ hiệu’ để khoác lên mình như những thành viên khác. Những sinh linh dễ dàng bị vứt bỏ sau những cuộc tình chóng vánh chỉ vì những suy nghĩ đặt sự nghiệp, danh tiếng lên trên mọi sự… Một người có thể sở hữu cả mấy trăm đôi giày để rồi tự hào khoe với thế giới về bộ sưu tập “khủng” của mình, trong khi có nhiều em bé không có nổi một đôi dép để mang đi học hàng ngày.

Những chính sách quy hoạch đang biến những mảnh ruộng của nông dân thành các khu đô thị đẳng cấp hay những sân golf xa xỉ… Và hiển nhiên dân cày phải tìm chỗ làm thuê trong các xí nghiệp hay tha phương cầu thực chốn thành thị. Chẳng xa lạ gì khi thấy cảnh bệnh nhân xếp hàng rồng rắn, chen chúc, chầu chực để được giải phẫu theo chế độ bảo hiểm xã hội vì không có tiền để mổ ‘dịch vụ’, trong khi có người chi ra cả tỉ đồng để mua bảo hiểm cho đôi chân dài của mình. Đau đớn thay một bà mẹ phải mượn đến cái chết với ý định lấy tiền phúng điếu cho con tiếp tục đi học, nhưng lại có người dư dật đến nỗi để cả gia tài lại cho thú cưng…

Văn hóa và lối sống tiêu thụ ngày nay đẩy con người tới chỗ xem mọi thứ đều có thể được đánh giá, mua bán và sai khiến bằng đồng tiền. Nhiều người đã rút ra như một ‘chân lý’ của thời đại này là: cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền; và hiển nhiên: nếu không có tiền, đơn giản, bạn sẽ là người bị loại ra khỏi ‘cuộc chơi’.

Sự bất bình đẳng ở phạm vi toàn cầu khiến mối tương quan giữa con người xuống cấp một cách nghiêm trọng. Các nước thuộc thế giới thứ ba chẳng khác nào là bãi rác hay nhà máy tái chế những cặn bã, đồ vật phế thải từ các nước giàu. Các quốc gia châu Phi, châu Á phải bán nguyên liệu thô từ nguồn khoáng sản trong nước với giá rẻ mạt để các cường quốc Âu Mỹ tinh chế và bán lại cho họ ở dạng thành phẩm với giá cắt cổ. Những khoản nợ khổng lồ của các nước nghèo trở thành một cách để họ bị kiểm soát từ nguồn tài nguyên cho tới những chính sách hạn chế sinh sản… (Laudato Si số 50, 51, 52)

Nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, mỗi năm một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng tiêu hủy hàng ngàn tấn hoa màu có thể dùng để cung cấp cho các khu vực thiếu ăn. Vấn đề khủng hoảng lương thực hiện nay sẽ không đến nỗi tồi tệ nếu không có sự đầu cơ trục lợi của những nhóm lợi ích. Một số tiểu bang ở Hoa Kỳ vẫn còn duy trì những điều luật ép buộc nông dân đổ bỏ hàng ngàn tấn quả anh đào, lúa mì mỗi năm để giữ giá cao và bảo đảm lợi nhuận.

“Một phần ba lương thực được sản xuất ra trên thế giới bị loại bỏ, bất cứ nơi nào thực phẩm bị quẳng đi thì xem như thể là nó bị đánh cắp khỏi bàn ăn của người nghèo” (Laudato Si số 50).

 Từ khi bắt đầu nhiệm vụ Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh vào khía cạnh vô cảm này của nền văn hóa loại thải.

Làm sao cho con người tránh xa lối sống ‘loại thải’ này và ngày càng liên đới một cách sáng tạo với những anh chị em nghèo hơn, với những người yếu kém, người già và người dễ bị tổn thương nhất? Những điều này nghe thật hay, thật đúng đắn và cần thiết, nhưng quả thật, là những thử thách đầy cam go đối với bản thân từng người, ngay cả đối với những người Công giáo mộ đạo và dấn thân nhất.

Trở lại câu hỏi ban đầu: Làm sao tôi có thể chia sẻ với người nghèo khi bản thân tôi hàng ngày phải bôn ba mọi thứ để nuôi gia đình với bao thứ phải lo toan? Thế nào gọi là một cuộc sống sung túc nếu không có của cải vật chất?

Có lẽ tôi sẽ thấy mình lẻ loi hay là người lội ngược dòng, khi mà lối sống hiện nay cổ xúy tính vị kỷ và dung túng sự dửng dưng. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, chẳng hạn góc độ nhìn nhận tài năng, trí tuệ mà Thiên Chúa tặng ban cho mỗi người chúng ta và nhìn nhận tính phổ quát tài nguyên của cải mà mỗi người trên trái đất này đều có quyền được thừa hưởng, và thật ra, tôi chỉ là người được Thiên Chúa giao phó nhiệm vụ quản lý những tài nguyên ấy, thì tôi sẽ nhận ra: có biết bao công việc tôi có thể làm để giúp nhiều người (xem Tóm lược Giáo huấn Xã hội CG số 71-75).

“Vì con người được tạo dựng để yêu, nên ngay cả từ những hạn chế của mình, vẫn không thể không có những cử chỉ quảng đại và yêu thương’’ (Laudato Si số 58).

 Văn Thụy

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết