Ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh

Sau khi Chúa Jesus ra đời, Thánh gia đã bị đe dọa tử hình, thoát khỏi một cuộc tàn sát trẻ em của Vua Herod và trở thành những người tị nạn nghèo khổ. (Ảnh của Angie de Silva)

Sau khi Chúa Giêsu ra đời, Thánh Gia Thất đã bị đe dọa tính mạng, thoát khỏi một cuộc tàn sát trẻ em của Vua Hêrôđê và trở thành những người tị nạn nghèo khổ (Ảnh: Angie de Silva)

Chúng ta đang sống trong Mùa Giáng Sinh, kỷ niệm sự ra đời của một con người có sức cuốn hút và có tầm ảnh hưởng nhất đã đến với thế giới. Chúng ta nên tìm hiểu về việc chúng ta cử hành điều gì và tại sao chúng ta kỷ niệm sinh nhật của một con người đầy xuất chúng này, vốn đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trong quá khứ đã sống một cuộc sống hy sinh, dâng hiến và dành trọn cuộc đời của họ cho những giá trị và nguyên tắc sống mà Ngài, Đức Giêsu Nazareth, đã dạy cho thế giới.

Đức Giêsu đã kể một câu chuyện đơn giản về một người lữ khách từ Samaria, người đã dừng lại bên lề đường để giúp đỡ một nạn nhân của bạo lực và tội ác khi mà vị chính trị gia và vị lãnh đạo tôn giáo đã tránh sang một bên mà đi và từ chối giúp đỡ. Câu chuyện đó định nghĩa về một tín hữu, một người môn đệ và một Kitô hữu.

Việc đến và trợ giúp đỡ một người xa lạ đang đau khổ chính là một sự công nhận và một sự tuyên bố về giá trị và phẩm giá của mỗi con người, đặc biệt là những người bị áp bức phải chịu đựng bạo lực. Việc giúp đỡ gia đình của một người nào đó chính là một phản ứng tự nhiên và một hành động của tình yêu và sự quan tâm của gia đình, nhưng việc giúp đỡ một người không hề quen biết và không liên quan là một giá trị cao đẹp nhất, một phản ứng siêu nhiên (Lc 10: 25-37).

Thông điệp trong câu chuyện đó hết sức rõ ràng. Câu chuyện này nói rằng mỗi người đều xứng đáng có địa vị, quyền và nhân phẩm như nhau không phân biệt chủng tộc, màu da, tín ngưỡng, giới tính hay tình trạng xã hội hay kinh tế. Giá trị cơ bản đó tin rằng mỗi con người đều có quyền không thể chuyển nhượng để được chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ, chữa lành và một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá.

Cho dù họ là nạn nhân của tội phạm bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, thiên tai, những người tị nạn, những người di cư, những người dân bản địa, tất cả họ đều xứng đáng được tôn trọng và giúp đỡ, xứng đáng đượcche chở, xứng đáng được cung cấp thực phẩm và xứng đáng được chào đón.

Những giá trị này ngày nay có thể được chấp nhận bởi một số người, nhưng vẫn bị các chính trị gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo bỏ qua. Tuy nhiên, sự chia sẻ và hỗ trợ chung này cho mỗi con người chính là điều gắn kết xã hội. Đó là bằng cách quan tâm và thực hiện hành động trực tiếp để giúp đỡ những người khác vốn định nghĩa loài người.

Đó là việc thể hiện sự liên đới với những người yếu đuối và thiếu thốn, và đồng thời hành động vì hạnh phúc và tự do trước những khó khăn cam go và bất công nhằm đảm bảo hạnh phúc, sự phát triển và sự tồn tại của tất cả mọi người. Phúc cho những người biết dạy dỗ con cái của họ những giá trị này qua những hành động thực tiễn của họ.

Nền văn minh hiện đại cần những giá trị này để tiếp tục duy trì sự văn minh bằng cách thực hiện và thực hành chúng qua những hành động và việc phục vụ tất cả mọi thành viên trong xã hội. Vì vậy, nếu chúng ta đang ăn mừng bất cứ điều gì thì cần phải công nhận và tôn vinh những người đã nỗ lực làm việc để đưa chúng vào thực tiễn trong xã hội.

Những giá trị này khi được thực hành sẽ mang lại hòa bình và sự hòa hợp cho xã hội. Chúng đã được thấm nhuần vào nhiều xã hội văn minh đạo đức ngày nay, mặc dù không phải tất cả đều thực hành chúng như họ nên làm. Khi các chính trị gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo tránh xa những giá trị này, từ chối giúp đỡ người nghèo, những người đói khổ, những người thất nghiệp và cho phép trẻ em và phụ nữ bị ngược đãi trong một xã hội bất bình đẳng và đầy rẫy sự bất công, các cuộc biểu tình và bạo lực có thể nổ ra.

Kết quả là, chúng ta đã chứng kiến các cuộc bạo loạn và các cuộc phản kháng, các cuộc biểu tình và tiếng kêu gào của người dân đòi hỏi sự bình đẳng và tự do hơn từ những sự bất công và tình trạng nghèo đói khốn khổ. Chúng ta nhìn thấy những cuộc chiến tranh, những trại tị nạn chật kín người, những người đói khát. Đó chính là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục phát huy và lên tiếng cho những giá trị mà Đức Giêsu đã truyền dạy, để khiến cho các nhà lãnh đạo biết sẵn sàng đón nhận và thực hiện chúng.

Kế đến, một giá trị to lớn khác về công bằng xã hội được giới thiệu với thế giới từ lâu bởi một con người xuất thân từ Nazareth đó chính là phẩm giá và tầm quan trọng cũng như quyền lợi của trẻ em. Theo Ngài, trẻ em là người cao trọng nhất trong Vương quốc của Thiên Chúa và mở rộng ra trong xã hội. Việc đón nhận một đứa trẻ cũng đồng nghĩa với việc đón nhận chính Ngài, Chúa Giêsu nói với đám đông, và đón nhận Ngài cũng chính là đón nhận tất cả các giá trị mà Ngài đã truyền dạy và thực hành.

Nói tóm lại, việc thừa nhận quyền lợi và phẩm giá của trẻ em chính là thừa nhận Ngài và đón nhận những Giáo huấn của Ngài (Mt 18: 1- 8).

Những lời nói, mẫu gương và những giá trị mà Ngài mang đến trong xã hội tiếp tục hướng dẫn và truyền cảm hứng cho hàng triệu người sống cuộc sống đức hạnh, liêm chính, trung thực, xứng hợp với phẩm giá và tôn trọng quyền của mọi người cũng như bảo vệ và coi trọng hành tinh và môi trường của nó.

Nhưng không phải tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo tôn giáo đều đón nhận các giá trị về sự bình đẳng và nhân quyền. Nhiều người phản đối các giá trị đó và biến người dân của họ trở thành nô lệ và giết chết họ, đôi khi chẳng hề bị trừng phạt, để gia tăng quyền lực và sức mạnh, sự thống trị cũng như sự giàu có của họ.

Bản thân Chúa Giêsu cũng đã bị đẩy vào một tình thế nguy hiểm khi còn là một hài nhi bé bỏng, bị đe dọa tính mạng, đã thoát khỏi một cuộc tàn sát trẻ em của Vua Hêrôđê và trở thành một người tị nạn nghèo khó. Với cha mẹ rất mực yêu thương của mình, Ngài trốn sang Ai Cập cho đến khi nguy hiểm qua đi.

Có biết bao nhiêu người tị nạn ngày nay đang phải chạy trốn bạo lực và các mối đe dọa, bị từ chối, bị phân biệt đối xử một cách tàn nhẫn và là nạn nhân của bạo lực (Mt 2: 16-18)

Những giá trị về phẩm giá con người và nhân quyền của tất cả mọi người và đặc biệt là của trẻ em đã được Ngài giới thiệu cách đây hơn 2000 năm.

Ngày nay trong một thế giới phương tây theo chủ nghĩa duy vật đã bị tục hóa, phi Kitô giáo, phi tôn giáo, Danh Thánh của Người hiếm khi được đề cập. Ngài đã không được ghi nhận hoặc không được thừa nhận rộng rãi vì đã truyền cảm hứng hoặc ảnh hưởng đến các giá trị đằng sau việc xây dựng luật nhân quyền hiện đại. Những luật lệ quan trọng bắt nguồn từ Giáo huấn của Chúa Giêsu Nazareth chi phối xã hội, các cộng đồng và các quốc gia. Đó là, trong các xã hội văn minh và được quản lý hiệu quả, việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bảo vệ môi trường và quyền đất đai của người dân bản địa.

Các hoạt động mừng Lễ Giáng Sinh thường là các bữa tiệc say túy lúy và vô nghĩa trong khi việc tham dự các nghi lễ tôn giáo chỉ là những dịp mang tính chất văn hóa và phong tục xã hội. Cần phải có những giây phút để nhắc nhớ lại và dành cuộc sống của chúng ta để thực hành những giá trị quan trọng nhất của cuộc sống.

Những giá trị này xuất phát từ những Giáo huấn sâu sắc của Chúa Giêsu Nazareth. Những giá trị này nói về mối tương quan của chúng ta với nhau, với cộng đồng của chúng ta, với những người nghèo khổ, những người bị áp bức, những người bị chà đạp, và với gia đình của chúng ta và thế giới chúng ta đang sống. Đây chính là ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh và những điều chúng ta cần phải tôn vinh.

Lm. Shay Cullen, Maila 

Cha Shay Cullen, SSC, Linh mục Ailen, đã thành lập tổ chức ‘Preda Foundation’ tại thành phố Olongapo vào năm 1974 để thúc đẩy vấn đề nhân quyền và quyền của trẻ em, đặc biệt là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục. Những quan điểm thể hiện trong bài viết này là của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm chính thức của ucanews.

Minh Tuệ (theo UCA News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết