Trong một video cầu nguyện hàng tháng được công bố vài ngày sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 24 tháng 5 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho việc chấm dứt ngành thương mại được thúc đẩy bởi ‘những tay thương gia tử thần’, nghĩa là các thương nhân buôn bán vũ trang đã gây ra các cuộc xung đột vì lợi nhuận.
ROME – Quả là thói đạo đức giả – ĐTC Phanxicô nhấn mạnh – khi nói về hòa bình mà lại thúc đẩy việc buôn bán vũ khí, vốn chỉ phục vụ cho “những tay thương nhân tử thần”, làm trầm trọng thêm các cuộc chiến tranh chứ không “giải quyết vấn đề” mà là vì những lợi ích đối với ngành công nghiệp vũ khí.
“Đó quả là một mâu thuẫn vô lý khi nói về hòa bình, thực hiện việc đàm phán hòa bình, nhưng đồng thời, lại thúc đẩy hoặc cho phép việc buôn bán vũ khí”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh trong video mới nhất của mình, được kết hợp với Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha.
Video được phát hành vài ngày sau cuộc gặp giữa ĐTC Phanxicô và Tổng thống Donald Trump, trong đó ĐTC Phanxicô đã yêu cầu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hãy nỗ lực làm việc vì hoà bình. Hoa Kỳ sản xuất hơn một nửa vũ khí của thế giới.
Các video, được phát hành hàng tháng, được tạo ra nhằm quảng bá ý định cầu nguyện hàng tháng của Đức Giáo Hoàng. Ý cầu nguyện tháng Sáu là: “Xoá bỏ ngành thương mại vũ khí”, đặc biệt là để các nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia cam kết chặt chẽ nhằm chấm dứt ngành thương mại súng đạn, vốn đã “biến rất nhiều người trở thành nạn nhân của nó”.
Trong đoạn băng video, mô tả hai quan chức chính phủ ký kết một hiệp ước xen kẽ với những hình ảnh của các cuộc xung đột đang diễn ra, ĐTC Phanxicô chất vấn: “Liệu cuộc chiến tranh này hay cuộc chiến tranh nọ có thực sự là một cuộc chiến để giải quyết những vấn đề, hay đơn thuần chỉ là một cuộc chiến buôn bán các loại vũ khí trong ngành thương mại bất hợp pháp, để rồi những tay thương gia của tử thần trở nên giàu có?”.
Mặc dù không có quốc gia nào được nêu tên trong video nhưng tuyên bố của các nhà sản xuất cho thấy một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, cho biết rằng ngành thương mại vũ khí đang ở mức cao nhất kể từ khi Cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo nghiên cứu, các cuộc xung đột tại Trung Đông, các vụ căng thẳng ở Biển Đông cũng như nhận thức về mối đe dọa mà Nga đã đặt ra cho các nước láng giềng đang thúc đẩy một sự gia tăng . 1,69 nghìn tỷ USD đã được dùng vào các lực lượng quân đội chỉ trong năm 2016.
10 quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất chiếm gần 73% tổng số, và năm trong số đó là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Các quốc gia khác là Ả-rập Xê-út, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc.
Dự luật của quân đội Hoa Kỳ năm ngoái đã tăng lên 611 tỷ đô la, gấp gần ba lần của Trung Quốc, vốn giữ mức cao thứ hai với 215 tỷ đô la. Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ lớn hơn chi tiêu quân sự của 8 quốc gia tiếp theo cộng lại, và Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ tăng ngân sách hơn nữa.
“Đề nghị của ĐTC Phanxicô cho tháng này quả là đầy sức thuyết phục”, Linh mục Dòng Tên Frédéric Fornos, giám đốc quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo Hoàng và Phong Trào Thanh Thiếu Nhi Thánh Thể, cho biết.
“Có quá nhiều lợi ích mờ ám về chiến lược, công nghiệp, và chính trị dẫn tới cái chết của rất nhiều nạn nhân vô tội trên toàn thế giới”, Linh mục Frédéric nói. “Liệu chúng ta có biết những ngành công nghiệp nào trong đất nước chúng ta hưởng lợi ích từ việc buôn bán vũ khí không?”.
Các video được sản xuất bởi La Machi, với sự hỗ trợ của Dòng Tên, Indigo Music, Getty Images Latam và sự hợp tác của Trung tâm Truyền hình Vatican.
Minh Tuệ chuyển ngữ