"Xuất khẩu dân chủ" - một ý tưởng thất bại

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 27-05-2016 | 07:04:44

“Hãy ngăn chặn việc mua dầu từ Nhà nước Hồi giáo ISIS và thôi bán vũ khí cho chúng!”

Phỏng vấn Đức Giám mục Maroun Elias Nimeh Lahham, Đại Diện Thượng Phụ tại Jordan về thảm kịch của những người tị nạn, nhân tố làm tăng gấp đôi dân số của quốc gia Jordan: “Châu Âu đang tập trung vào bản thân và muốn áp dụng tiêu chuẩn riêng của họ cho toàn thế giới. Điều này là một sai lầm trầm trọng”.

Đức Cha Lahham. Ảnh: Radio Vatican.

Đức Cha Lahham. Ảnh: Radio Vatican.

Làm thế nào để ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo ISIS? Chúng ta phải ngừng việc mua dầu với giá rẻ và ngừng bán vũ khí cho bọn chúng. Đức Cha Maroun Elias Nimeh Lahham, Nguyên Tổng Giám Mục Địa phận Tunis và hiện nay là Đại Diện Thượng Phụ tại Jordan, hiện đang có mặt tại Rovigo để tham dự hội thảo về lòng thương xót tại Hội nghị Thánh Kinh. Trong cuộc phỏng vấn với Vatican Insider, Ngài nói với về thảm kịch của những người tị nạn ở Jordan, vốn là nhân tố làm tăng gấp đôi dân số của quốc gia này. Và Ngài cũng giải thích lý do tại sao “việc xuất khẩu dân chủ” lại là một ý tưởng thất bại.

Tình hình hiện nay của những người tị nạn ở Jordan thế nào?

“Jordan, một đất nước với 6 triệu dân, trong đó có 3 triệu dân là người tị nạn: điều này đồng nghĩa với việc 50% dân số là những người tị nạn. Lý do đầu tiên và cũng là lý do quan trọng nhất chính là tính hiếu khách nơi đây. Đó chính là một giá trị của nền văn hóa Ả Rập. Kế đến, có một thực tế là những người tị nạn này đều đến từ Iraq và Syria, tức là từ những quốc gia láng. Hiện nay, chúng tôi hy vọng tình trạng này sẽ không trở nên giống như tình trạng của những người tị nạn Palestine cách đây 60 năm, vì Jordan không thể chứa được con số như vậy”.

Những người tị nạn này đã phải sống ra sao? Và Giáo hội đã làm gì?

“Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với những người tị nạn Syria, có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Chính phủ Jordan và tổ chức Caritas tại Jordan. Một phần nhỏ những người Syria phải sống trong các trại tị nạn. Có ba trại tị nạn tất cả, quan trọng nhất trong số đó là trại tị nạn Zaatari: có lúc con số người tị nạn tại đây đã tăng lên đến 140.000 nhưng hiện nay con số này đã giảm xuống khi những người tị nạn dần dần trở lại những ngôi làng đã được giải phóngcủa họ. Và sau đó họ sống ở các thành phố của Jordan, trong một tình huống chưa từng có đối với chúng tôi. Chẳng hạn như: Mafraq, một thành phố nằm ở phía Bắc của đất nước, có 50 nghìn dân và 70 nghìn người tị nạn Syria. Đã có một sự chuyển đổi rõ rệt về dân số ở tất cả mọi cấp độ, theo sau đó là vô số vấn đề đã nảy sinh. Trong khi đó, đối với người Iraq, cần phải thực hiện một sự phân biệt. Đã có tới 4 làn sóng người tị nạn đến Jordan từ Iraq: đó là vào các năm 1991, 1993, 2003 và 2014. Làn song tị nạn gần đây nhất xảy ra sau sự sụp đổ của 2 thành phố Mosul và Ninevehplain. Tất cả đều là những Kitô hữu Công giáo. Và điều duy nhất mà chính phủ đã làm chỉ là cho phép họ đến Jordan, thậm chí không có hộ chiếu, bởi vì họ đã thất lạc tất cả mọi thứ. Sau đó, người ta phó mặc cho tổ chức Caritas chăm lo tất cả mọi thứ, từ thức ăn, chỗ ở, cho đến chăm sóc y tế và giáo dục. Gần đây, Hội đồng Giám mục Ý đã thông qua một dự án trường học cho 1.500 trẻ em, với kinh phí là 1 triệu trong nửa năm. CEI đã nhận tài trợ cho dự án này trong vòng 2 năm. Chúng tôi hy vọng rằng trong vòng 2 năm những người tị nạn Iraq sẽ trở về đất nước của họ và Jordan sẽ quay lại cuộc sống bình thường”.

Người tị nạn muốn trở lại đất nước của họ?

“Những người Syria thì muốn vậy, còn những người dân Iraq thì có lẽ là không. Bởi vì trước đây họ có đất đai và nhà cửa, trong khi những người Iraq đến từ Mosul và Ninevehplain nói rằng họ không muốn quay trở lại, mặc dù đất nước họ đã hòa bình. Họ cho biết họ đã bị những người Hồi giáo ở những nước láng giềng cướp sạch, sau khi họ rời đất nước. Tôi nghĩ họ nói như vậy là bởi vì họ có một sự lựa chọn thứ 3 trước mắt, đó là chuyển đến Mỹ và Canada. Khi họ nhận thấy rằng chỉ có 2 sự lựa chọn, hoặc là trở về đất nước đã hòa bình của họ, hoặc là ở lại Jordan mà không có quyền được làm việc, tôi nghĩ rằng một số người sẽ trở lại. Trong thực tế, tôi đọc thấy gần đây đã có nhiều Kitô hữu Iraq đã đến châu Âu nhưng sau đó đã quay trở lại Iraq vì không thể thích nghi với cuộc sống nơi đây”.

Vậy chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo ISIS?

“Đây là một cuộc chiến tranh thế giới trong mảnh phần, như Đức Thánh Cha đã nói. Đây là cuộc chiến tranh không chỉ ở Syria và cho Syria; mà còn có rất nhiều quốc gia có liên quan như: Hoa Kì, Nga, Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Qatar. Có một sự đạo đức giả không thể tưởng nổi ở các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kì, những kẻ mua dầu từ tổ chức Daesh, Nhà nước Hồi giáo, với mức giá rất thấp. Daesh đã chiếm các giếng dầu và bán dầu với giá rất thấp chỉ để có tiền. Nhưng lí do không chỉ đơn giản như vậy: họ mua dầu và sau đó dùng nó để trao đổi vũ khí. Nếu không kết thúc tình trạng này thì…”

Đức Thánh Cha, khi đề cập đến chiến tranh và các vụ khủng bố, luôn luôn đề cập đến vấn đề buôn bán vũ khí. Vậy ai là người cung cấp vũ khí cho Nhà nước Hồi giáo ISIS?

“Tất nhiên! Trong chuyến tông du tới Jordan, tại thánh tích nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha đã nói rằng những kẻ buôn bán vũ khí đều là tội phạm. Và chính những kẻ ấy cung cấp vũ khí cho Nhà nước Hồi giáo ISIS.”

Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Croix, Đức Thánh Cha nói rằng phương Tây phải suy nghĩ lại về các chính sách của mình, ví dụ như việc “xuất khẩu dân chủ” …

“Một đơn cử rõ nhất là Iraq. Ngay sau khi quân đội Mỹ đặt chân đến quốc gia này, họ giải tán quân đội Iraq, và kể từ đó, Iraq đã không còn là một quốc gia nữa. Dân chủ không thể được xuất khẩu, và dân chủ không phải là một món quà; dân chủ phải được thực hiện từng bước một. Phương Tây đã chỉ biết một hình thức dân chủ. Không thể cho rằng dân chủ Châu Âu hoặc Tây phương phải được áp dụng ở Trung Quốc hay ở Trung Đông. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn luôn nói rằng Giáo hội không nên quá tập trung về mình. Với tôi thì châu Âu đang ở trong tình trạng thế này: họ muốn áp dụng những chuẩn mực riêng của mình cho toàn thế giới và điều này là hoàn toàn sai, cả về mặt xã hội cũng như về nặt chính trị”.

Ở châu Âu, chúng tôi thường quen với việc đơn giản hóa vấn đề. Làm thế nào để người ta có thể trải nghiệm những mối quan hệ với những người Hồi giáo nơi đất nước của ngài?

“Nơi đất nước chúng tôi, mối quan hệ với Hồi giáo thì khác với mối quan hệ vốn tồn tại ở phương Tây. Lý do thì đơn giản thôi: nơi đất nước chúng tôi, Hồi giáo chiếm đa số, chúng tôi chỉ có 3% dân số và do đó chúng tôi phải nhượng bộ. Tuy nhiên, ở châu Âu Hồi giáo lại chiếm thiểu số. Cho nên nỗi sợ hãi rằng Châu Âu sẽ trở thành Hồi giáo, là nỗi sợ hãi vô ích. Đó là sự sợ hãi không có căn cứ. Hồi giáo ở châu Âu phải theo những luật lệ dành cho thiểu số Hồi giáo. Cho đến nay, các quy định pháp lý dành cho các tín hữu Đạo Hồi được thiết kế như thể Hồi Giáo ở thế chỉ huy thượng phong còn những người khác thì là những kẻ phải chịu đựng họ. Mối quan hệ của chúng tôi trong sự đối thoại ở cấp độ cuộc sống bình thường, ở cấp độ nghiên cứu và trí thức, đều diễn ra tốt đẹp. Nhưng tất cả đều dừng lại trước vấn đề hôn nhân: khi nói đến đó, các Kitô hữu nói tôi là một Kitô hữu, còn người Hồi giáo cũng nói tôi là một tín hữu Hồi giáo. Và điều này được cả 2 bên chấp thuận, bởi vì nếu có một người nào đó vi phạm tình trạng này, 99% những cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo đều thất bại. Khái niệm về hôn nhân giữa 2 tôn giáo không giống nhau, vai trò của phụ nữ cũng như trẻ em giữa 2 tôn giáo cũng khác xa nhau”.

Chỉ có một Hồi giáo duy nhất hay là có nhiều phiên bản của Hồi giáo?

“Có rất nhiều kiểu người Hồi giáo. Hồi giáo cũng như Kitô giáo, là một xét về bản chất. Tất cả phụ thuộc vào cách bạn sống thế nào, theo như những đoạn kinh Koran mà bạn chọn. Trong thực tế, vấn đề không nằm ở tương quan giữa các tín ngưỡng, nhưng là ở tương quan giữa những người tin vào những tín ngưỡng đó. Có những Kitô hữu cuồng tín, có những người Do Thái cuồng tín, và cũng có những người Hồi giáo cuồng tín. Đúng là tỷ lệ người Hồi giáo cuồng tín thì lớn hơn nhiều so với các Kitô hữu, có lẽ bởi vì các giá trị chính của Tin Mừng  là tình yêu và hòa bình”.

Minh Tuệ dịch (theo Vatican Insider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết