Các Giám Mục Australia: ‘Cần phải xây dựng sự liên đới giữa các thế hệ qua việc chăm sóc những người lớn tuổi’
Bởi vì tuổi thọ trung bình của con người đã được tăng lên, chúng ta cần phải xây dựng “một quốc gia công bằng và giàu lòng yêu thương, đồng thời thúc đẩy sự liên đới giữa các thế hệ”: Đức Cha Antoine-Charbel Tarabay – Chủ tịch Hội đồng Tư pháp xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Australia cho biết. Đồng thời Ngài giải thích kế hoạch của các Giám Mục Australia trong giai đoạn 2016-2017 về các lĩnh vực công bằng xã hội, với chủ đề “Khao Khát Sự Đổi Thay: Công bằng xã hội giữa một xã hội đang già hóa”.
Theo một báo cáo của Hội Đồng Giám Mục gửi tới Fides cho biết “Australia phải bảo vệ những người cao niên cũng như những người dễ bị tổn thương khỏi các nguy cơ của việc cảm thấy mình chính là một gánh nặng cho xã hội”. Các Giám Mục nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng mà những người cao tuổi vẫn tiếp tục đóng góp cho đời sống cộng đồng. Theo ước tính, số người có độ tuổi trên 65 tuổi tại Australia (hiện nay là 3,6 triệu) sẽ tăng nhanh chóng và sẽ đạt tới con số 8,9 triệu người vào giữa thế kỷ này. Khoảng 75% nam giới và 85% phụ nữ sau khi nghỉ hưu có sức khỏe tốt và có tuổi thọ tăng khoảng 20 năm sau khi nghỉ hưu.
“Tuy nhiên, có một rủi ro rằng một xã hội không chuẩn bị cho sự thay đổi về nhân khẩu học có thể đánh giá những xu hướng này như một mối đe dọa về mặt kinh tế. Hẳn chúng ta đã từng nghe những thuật ngữ về sự bất hòa như là ‘những ghánh nặng cho đời con đời cháu’ hoặc sự so sánh chẳng lấy làm vui giữa những người hiện còn có thể tham gia lao động với những người cao tuổi đã về hưu”, Đức Cha Tarabay cho biết.
“Cộng đồng chúng ta cần phải đảm bảo rằng những chi phí và lợi ích của một phần dân số đang lão hóa phải được chia sẻ một cách công bằng. Những nơi có những chính sách khuyến khích làm việc lâu năm hơn, mặt khác người ta phải đảm bảo rằng những nhóm người dễ bị tổn thương cần phải được bảo vệ khỏi cảnh đói nghèo”, Đức Cha Tarabay tiếp tục. Đồng thời Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải “đảm bảo đối xử một cách xứng đáng” đối với tất cả mọi người và không được phép bỏ rơi những người cao tuổi để rồi họ phải sống cảnh neo đơn và bị lạm dụng.
Các Giám Mục đã mạnh mẽ lên án “thứ văn hóa dùng một lần” hay “thứ văn hóa loại bỏ” vốn xem những người cao tuổi thậm chí như những kẻ vô dụng. Đồng thời, các Giám Mục cũng đã cổ võ “nền văn hóa của Lòng Thương Xót” vốn đề cao và bảo vệ những người cao tuổi trong những năm cuối đời, kêu gọi sự liên đới giữa các thế hệ.
Minh Tuệ (theo Fides)