Ngày 14/10/2016 cơn lũ bắt đầu hoành hành tại Quảng Bình, ngày 15/10 khi cơn lũ vẫn còn đang diễn ra, ngay lập tức đã có nhóm xã hội dân sự ra lời kêu gọi cứu trợ khẩn cấp và thành viên của nhóm đi ngay vào miền lũ. Sau đó là các nhóm tiếp theo, liên tiếp nhau cho đến hôm nay 19/10. Hầu hết đều là các nhóm xã hội dân sự hoạt động từ nhiều năm nay tại Hà Nội.
Đặc điểm của các nhóm này là phi lợi nhuận, hoàn toàn độc lập với nhà nước, thậm chí có nhóm đã từng nhiều lần bị nhà nước quấy phá, đánh đập vì lo sợ ảnh hưởng của họ trên dân chúng, như nhóm NoU (phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc), nhóm Green Trees (bảo vệ cây xanh) , hay những nhóm ít gây ra sự lo lắng cho nhà nước hơn như Cơm Có Thịt (cho trẻ em vùng núi miền Bắc),… Tất cả vô cùng nhanh nhạy trong việc cứu trợ.
Vì họ đã có một quá trình hoạt động đáng tin cậy và cách làm việc rất minh bạch, hiện đại, mọi hoạt động được tường trình ngay lập tức qua các video phát trực tiếp, hay hình ảnh đưa ngay lên facebook, từ quang cảnh lũ lụt khi họ đi trên đường đến nơi cứu trợ đến những cuộc phỏng vấn, trao đổi, tiếp xúc với những người dân tại chỗ:
nên nguồn lực tài chánh đổ về theo lời kêu gọi của họ rất ấn tượng.
Hãy xem mức độ tín nhiệm của xã hội dành cho họ. Chỉ 2 thành viên nhóm NoU thiện nguyện, trên chiếc xe riêng rong ruổi suốt 3 ngày nay trong miền lũ, với lời kêu gọi đưa lên facebook từ ngày 16/10 và các video live liên tiếp cho mọi người thấy ngay mọi sự, họ đã nhận được sự hưởng ứng:
Ngoài quà, tiền đã phối hợp với các linh mục trông coi các giáo xứ, nơi họ đi qua 3 ngày nay, phân phát cho các gia đình trong vùng (không phân biệt lương giáo), trong tài khoản của họ vẫn còn hơn 600 triệu, chưa có dấu hiệu ngừng.
Độ nhanh nhạy của các nhóm xã hội dân sự này còn được thể hiện rõ qua việc vừa cứu trợ vừa khảo sát tình hình, để cập nhật trên facebook cho các nhóm cứu trợ sau biết ngay tức thì những gì hiện cần cho người dân, hoặc tự lập ra một chương trình mới ngay sau đó hầu đáp ứng kịp cho nhu cầu thực sự, cấp bách của nơi bị thảm hoạ:
Hoạt động hết sức linh hoạt và hiệu quả của các nhóm xã hội dân sự trong cuộc cứu trợ cho chúng ta thấy tác động tích cực, cần thiết, hữu ích của xã hội dân sự cho sự phát triển của một quốc gia là thế nào.
Tuy nhiên, hiện nay, trong dự luật về hội đang bàn thảo ở Quốc hội, nhà cầm quyền đang muốn đưa ra những điều luật “siết cổ hội”, tức các điều luật cản trở hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Thí dụ một trong những quy định để nhà nước nắm quyền quản chế hoạt động của hội là: Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê chuẩn. Trong khi biết bao nhiêu hội nhóm, đoàn thể nhà nước nắm trong tay, giả danh xã hội dân sự, như Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, v.v và v.v chi tiêu những khoản ngân sách quốc gia không nhỏ mà người dân không hề được biết, các giả xã hội dân sự này đã làm được việc gì cho dân tương tự các hội, nhóm thực sự là xã hội dân sự như chúng ta thấy ở trên không?
Những dự luật siết cổ hội là những dự luật cần phải sửa đổi. Đã có những lời kêu gọi người dân phản đối, không thể đế chúng xuất hiện tiếp tục kéo lùi mãi xã hội Việt Nam về phía kém phát triển.
Thuận Kiệt